Thứ bảy, 12 Tháng mười, 2024

“Hưởng ứng tinh thần của ĐTC Phanxicô trong năm thánh Đời Sống Thánh Hiến”. Đan viện PHƯỚC VĨNH

 

CỘNG ĐOÀN ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU PHƯỚC VĨNH

ĐÚC KẾT HỌC HỎI ĐỂ TÀI

NHÂN ĐẠI HỘI TOÀN DÒNG XITÔ 2015

 

 ĐỀ TÀI : Những lý do biết ơn lịch sử Cộng Đoàn  để sống một cách say mê Thiên Chúa trong hiện tại và hướng về tương lai với niềm hy vọng cho dù có thế nào đi nữa.

Hưởng ứng tinh thần của ĐTC Phanxicô trong năm thánh Đời Sống Thánh Hiến (DSTH), muốn cho tất cả các tu sĩ trở về nguồn theo tinh thần của Công Đồng Vaticano II, Dòng Xitô tổ chức học hỏi theo tinh thần đó để xây dựng chính cộng đoàn của mình đang sống, cụ thể Đan viện Phước Vĩnh của chúng ta : đó là đọc lại lịch sử cộng đoàn để biết ơn các Bậc Tiền Bối, sống một cách say mê trong hiện tại với ý thức kế thừa gia sản mà các Bậc Tiền Bối để lại và hướng về tương lai với một niềm hy vọng trong ý thức trách nhiệm cao.

1. Đọc lại lịch sử Cộng Đoàn với lòng tri ân.

Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa quan phòng trong chính biến cố năm 1975, theo đó Cộng Đoàn Nhà Mẹ Phước Sơn tại Thủ Đức cần phải chia nhóm nhỏ để đi lập nhà con. Hai nhà con đầu tiên trong năm 1975 là Thiên Phước – Vũng Tàu và Phước Vĩnh – Trà Vinh.

Xét theo thời cuộc, việc đi lập Phước Vĩnh được coi như một cuộc đi tị nạn. Nhưng xuyên qua cuộc tị nạn đã hình thành nên Cộng Đoàn đan viện Phước Vĩnh với biết bao thăng trầm gian khó lúc ban đầu. Khó khăn vì bị nhà nước nghi ngờ là một tổ chức chính trị, nên cho người nằm vùng theo dõi ; không cho nhận các tu sinh mới ; và cho đến năm 2005 mới chính thức công nhận là tu viện. Khó khăn vì điều kiện vật chất ban đầu thiếu thốn : đất đai nhà cửa hình thành và ổn định một cách rất tiệm tiến chậm chạp. tuy nhiên, việc đọc lại lịch sử Cộng Đoàn về phương diện vật chất xem dễ dàng nhưng chưa phải chính yếu nếu không muốn nói là rất phụ thuộc.

Đọc lại lịch sử Cộng Đoàn chính là đọc lại lịch sử của những con người tiên phong, những cá nhân làm nên Cộng Đoàn Phước Vĩnh từ thuở ban đầu đó. Bởi lẽ chính họ làm nên ký ức của Cộng Đoàn, chính họ tạo nên gia sản đan tu tại Phước Vĩnh để các thế hệ tiếp theo phải kế thừa và phát triển.

Trước hết phải biết ơn Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, Đấng sáng lập Hội Dòng Xito Thánh Gia Việt Nam ; Ngài là ai ? chỉ cần nói gọn trong một lời : đó là con người triệt để Tìm Chúa. Kế đến chúng ta biết ơn Viện phụ Duy Ân Vương Đình Lâm, người đã sai các vị |Tiên Phong đi lập Phước Vĩnh và lo liệu cho đến khi tự trị.

Cha Gregorio Đào Trọng Thanh là bề trên tiên khởi và là Tổ Phụ đan viện Phước Vĩnh. Đó là một đấng thánh có đặc điểm là hết lòng tìm Chúa, thể hiện ý chí theo Chúa trong toàn bộ cuộc sống : trung tín trong đời sống phụng vụ, khó nghèo triệt để đối với bản thân (ăn uống bằng ý chí để vượt thắng cảm giác, nghĩa là ăn uống vì nhu cầu của thân xác cho dù của ăn không ngon miệng). Một cuộc đời chuyên chăm tìm Chúa như thế đã trở thành nền tảng và là chỗ dựa cho Cộng Đoàn, nhất là cho những người trẻ. Ngài trở nên ký ức của Cộng Đoàn.

Thầy Già Giacôbê  Võ Văn Mậu đã sống nỗi sợ hãi vì thời cuộc như thế nào ? Khi nghe tin họ đuổi đi thì sắp sẵn gói đồ quần áo để khi đuổi thì đi ngay. Chi tiết nhỏ này giúp người trẻ ngày nay hình dung nỗi khó khăn do thời thế như thế nào. Nhưng chính Thầy cũng đã kiên trì vượt qua giai đoạn đó và kết thúc cuộc đời viên mãn tại Phước Vĩnh năm 1993.

Thầy Rocho Nguyễn Đình Văn đảm nhận việc ẩm thực, thường ngày đi chợ 2 km, gánh đồ về trên con đường mòn trâu đi lầy lội mà vẫn hát lên những vần thơ con cóc : Nhà nghèo ăn cá kèo, ngủ chèo queo, đêm lạnh teo…Hình ảnh một Thầy Già bám trụ Phước Vĩnh một cách kiên trì vui tươi và kết thúc cuộc đời viên mãn vào năm 1994 vẫn còn ghi đậm nét trong lòng những người lớn tuổi đương thời với Thầy.

Cha Augustino Lê Trọng Hồng, cha Phaolo-Tịnh Nguyễn Tuyên Phương, thầy Ignatio Phạm Xuân Thành và thầy Stephano Trần Thành, ông Gioan Baptista Nguyễn Trung và cha Phêrô-Khanh Trần Như Hảo là những bậc tiên phong của đan viện Phước Vĩnh. Các anh em thế hệ trẻ ngày nay biết ơn từng Quí Vị Tiền Bối và cảm kích lắng nghe từng chi tiết những kinh nghiệm từng trải suốt 40 năm để xây dựng cộng đoàn Phước Vĩnh cho đến hôm nay.

Lại phải kể đến một đấng thánh khác nữa với đặc tính kiên trì trong tất cả Giờ Kinh Phụng Vụ, đó là Thầy Ignatio Phạm Xuân Thành (+2012). Ngoài ra, với sức khỏe ở tuổi ngoài 80, nhưng vẫn đảm nhận chăm sóc vườn chuối để Cộng Đoàn mỗi ngày ba bữa chuối tráng miệng đều đặn ; Thầy qua đời, không còn được ba bữa chuối mỗi ngày nữa. Thầy sống âm thầm lặng lẽ, nhưng chứng tá hiện diện và kiên trì làm nền tảng xây dựng Cộng Đoàn mà anh em trẻ phải kế thừa với lòng tri ân.

Chúng ta có lý do để tự hào về những khó khăn gian khổ mà các Bậc Tiên Phong của Phước Vĩnh đã trải qua khi kể lại những giai thoại gian khó vui buồn của khoảng thời gian từ 1975 đến 1990, nghĩa là cho đến thời điểm có các anh em trẻ như thế hệ thứ hai bắt đầu hiện diện. Từ 1990 đến năm 1997 được coi là thời hoàng kim của Phước Vĩnh vì các lớp Tập năm thứ I của nhà Mẹ Phước Sơn thay nhau hiện diện làm cho bầu khí và sinh hoạt đan tu trở nên sống động, tưởng chừng như đi vào ổn định. Nhưng Chúa chưa muốn thế. Năm 1997 nhà nước đuổi hai lớp cuối cùng về gia đình, và như vậy cộng đoàn lại vắng vẻ như trước cho đến năm 2000. Kể từ đây Phước Vĩnh bắt đầu khởi sắc khi các lớp từ nhà mẹ Phước Sơn lại được cử xuống tăng cường nhân sự để nhắm đến tự trị cho Cộng Đoàn này. Ngày 15.08.2001 Phước Vĩnh chính thức bầu Viện Trưởng đan viện tự trị, cha Augustino Lê Trọng Hồng làm viện trưởng tiên khởi.

Các anh em trẻ thế hệ thứ hai là nạn nhân của những cuộc bách hại do thời cuộc lại càng hiểu và thông cảm hơn với các Bậc Tiên Phong, vì những lúc như vậy nào ai có đủ lạc quan đến nỗi tín thác hoàn toàn cho Thiên Chúa mà lòng không cảm thấy buồn và thất vọng ? Vì thế, sau một chặng đường dài 40 năm, các Bậc Tiên Phong hiện diện chỉ còn chưa đủ đếm trên đầu ngón của một bàn tay và các cha anh em thế hệ thứ hai nhìn lại hành trình của mình mà tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn Cộng Đoàn, vì chính Cộng Đoàn đã cưu mang, sinh thành và dưỡng dục ta trong ơn gọi Tìm Chúa. Cám ơn Cộng Đoàn vì đã nêu gương sáng về nếp sống đan tu và khích lệ tôi sống vững vàng kiên trì hơn. Cám ơn Cộng Đoàn vì cho dù có bách hại của chiến tranh, của thời cuộc, dù ốm đau bệnh tật…Cộng Đoàn gìn giữ tôi cho được bền đỗ trong Nhà Chúa. Cám ơn Cộng Đoàn về gia sản cao quí mà các Bậc Tiền Bối để lại bao gồm những kinh nghiệm sống được kinh qua vui buồn sướng khổ thánh thiện và cả tội lỗi làm thành nếp sống đan tu mà tôi đang được trang bị đây. Ý thức như thế, tôi được thúc đẩy mạnh mẽ để say mê sống hiện tại một cách tròn đầy với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

2. Nuôi dưỡng niềm say mê sống hiện tại của cộng đoàn. (Vivre en enthousiasme)

Say mê sống nếp sống đan tu, say mê tìm Chúa, say mê dấn thân trong mọi công việc hằng ngày và nhất là say mê dấn thân đi vào tương quan huynh đệ cộng đoàn… những kiểu nói có cùng một nội dung, đó là : sống đời nội tâm trong gặp gỡ Thiên Chúa, diễn tả đúng nguyên nghĩa của từ say mê (enthousiasme), một con người được thần hứng (inspiré(e) de la divinité). Nói cách khác, để nuôi dưỡng niềm say mê sống hiện tại trong cộng đoàn của mình, chúng ta gắn bó khăng khít với Chúa trong cầu nguyện.

Thực vậy, chỉ khi nào chúng ta sống đời nội tâm trong gặp gỡ Thiên Chúa chúng ta mới say mê sống nếp sống đan tu, chúng ta mới say mê tìm Chúa, say mê dấn thân trong mọi công việc hằng ngày và nhất là say mê dấn thân đi vào tương quan huynh đệ cộng đoàn.  Sống đời nội tâm trong gặp gỡ Thiên Chúa chính là nền tảng, trên đó mỗi đan sĩ sống sứ vụ đan tu của mình một cách viên mãn nhất. Nói cách khác, không thể sống sứ vụ đan tu mà không có đời sống nội tâm kết hiệp với Thiên Chúa. Sứ vụ đan tu là sống thân mật với Thiên Chúa.

Khi nhắm đích là sống thân mật với Thiên Chúa, chúng ta sẽ có niềm say mê cuộc sống hiện tại trong Cộng Đoàn của mình. Niềm say mê đó không phải là một thứ « hăng tiết vịt » lao vào mọi công việc như con thiêu thân, (thái độ mà cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã cảnh báo : đừng có ham làm việc quá…) ; niềm say mê đó xuất phát từ nội tâm, nghĩa là từ đáy lòng trào lên niềm khao khát tìm kiếm một Ai đấy, tự đáy lòng trào lên niềm say mê gặp gỡ một Ai đấy, để rồi đọng lại trên cuộc sống thực những giá trị cao đẹp của tình người, những cử chỉ đẹp và một lối sống đẹp, thể hiện trên cuộc sống giá trị tuyệt vời của nếp sống mà chính chúng ta đang theo đuổi thi hành sứ vụ.

Nhiều anh em trẻ cảm nhận được niềm say mê duy nhất của mình là chính Chúa, kế đến là những công việc của Chúa như phụng vụ, lao tác và học hành. Dù vẫn bằng ý chí, bằng đức tin để xác tín rằng chính Chúa mới là đối tượng duy nhất niềm say mê của chúng ta, nhưng cũng cho thấy đó là chọn lựa có tự do của một người hoàn toàn đáp trả tiếng Chúa mời gọi bước theo Ngài. Có khi chúng ta chọn Chúa rồi mới say mê Chúa ; nhưng cũng có khi say mê Chúa rồi mới chọn Chúa làm lý tưởng và theo đuổi kiếm tìm. Một người say mê tìm Chúa sẽ cử hành phụng vụ một cách sống động, sẽ lao tác và ý thức đào luyện trau dồi con người của mình với tinh thần trách nhiệm cao. Một người say mê tìm Chúa cũng sẽ dấn thân đi vào tương quan huynh đệ chân thành với anh em của mình, nghĩa là luôn sẵn sàng với anh em : sẵn sàng gặp gỡ, sẵn sàng đối thoại trong sự thật, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ việc gì. Một người say mê tìm Chúa sẽ là người hết lòng với Chúa, một lòng một ý với Chúa. Các Cha Già, các Thầy Già, các Bậc Tiền Bối là chứng nhân sống động cho chúng ta về điều này. Phần chúng ta những người trẻ, chúng ta có trách nhiệm kế thừa, cho nên phải sống niềm hy vọng vào tương lai của Cộng Đoàn mình, cho dù không ai có thể biết tương lai đó sẽ như thế nào.

3. Hướng về tương lai với niềm hy vọng

Để hướng về tương lai với niềm hy vọng, chúng ta cần trở về với nguyên tắc của các nhà tu đức : « Tin tưởng phó thác vào Chúa như thể mọi sự tùy thuộc ở Chúa ; nhưng vẫn nỗ lực hết mình làm việc như thể tất cả tùy thuộc vào chính mình ». Qua chia sẻ của Cộng Đoàn cho thấy tất cả đều hiểu rằng để có niềm hy vọng một tương lai tốt đẹp, cần nỗ lực ngay trong hiện tại ; tương lai như thế nào tùy thuộc vào việc xây dựng trong hiện tại. Vì thế, mỗi người chúng ta sống niềm hy vọng mãnh liệt sẽ trở thành một đan sĩ thánh thiện như Chúa muốn, nghĩa là một đan sĩ biết xây dựng đời mình trong hiện tại bằng cách chắt lọc những điều kiện của thời hiện tại đang cung cấp cho mình, cộng với gia sản phong nhiêu do các Bậc Tiền bối để lại. Nói cách khác, mỗi người hôm nay nỗ lực tự đào tạo chính mình và sẵn sàng để cho « người khác » huấn luyện mình. « Người khác » ở đây trước tiên là Luật Dòng, là Bề Trên, là Cộng Đoàn, nhưng trên hết vẫn là Chúa Thánh Thần. Mềm dẻo trước tác động của Chúa Thánh Thần trong mọi sự, tức là trong những tác động nhỏ nhất và nhẹ nhàng nhất diễn ra ngay trong chính nội tâm mỗi người chúng ta.

Cũng trong chiều hướng căn bản đó, chúng ta không được quên một yếu tố quan trọng khác mà nếu thiếu nó cả tiến trình xây dựng con người trong hiện tại trở nên vô cùng khó khăn lại không hiệu quả, đó là khả năng lắng nghe tiếng Chúa. Lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe dự phóng của Chúa cho cuộc đời mình và cuối cùng nghe theo tiếng Chúa. Ông Abraham đã nghe theo tiếng Chúa, cất bước ra đi, nhưng không biết mình đi đâu. Chúng ta có thể khá hơn ông Abraham ở chỗ đã biết rõ mình đi đâu và làm gì, nghĩa là chúng ta đã được gọi cho sứ vụ đan tu – sống thân mật với Thiên Chúa. Nói thế có vẻ liều lĩnh nhưng không sai, với điều kiện chúng ta cũng phải giống ông Abraham là lắng nghe tiếng Chúa.

Một khi trang bị chu đáo và có căn bản, chúng ta sẽ không sợ dấn bước vào tương lai của Cộng Đoàn mình, chúng ta sẽ sẵn sàng một cách can đảm trước những khó khăn đang chờ đón tùy theo điều kiện và hoàn cảnh mỗi người đang sống.

Tóm lại, khi duyệt lại lịch sử của Cộng Đoàn như thế chúng ta mới tìm ra được những lý do để biết ơn Cộng Đoàn, biết ơn các Bậc Tiền Bối đã để lại gia sản là chính đời sống đan tu để rồi thấy mình có trách nhiện nặng nề là phải kế thừa và phát triển đời sống ấy sao cho mỗi thành viên của Cộng Đoàn sống sứ vụ đan tu của mình một cách viên mãn nhất. Vì thế trong cuộc sống hiện tại, chúng ta say mê kiên trì theo Chúa, lắng nghe tiếng Chúa, tự huấn luyện mình theo Thánh Ý Chúa và dưới tác động ân sủng của Chúa Thánh Thần. Khi đó chúng ta sẽ biểu dương Chúa Kitô cho đến hơi thở cuối cùng để tốt nghiệp toàn phần trong Trường Phụng Sự Thiên Chúa. Amen.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lòng tin cậy của Chị thúc đẩy chúng em

  LÒNG TIN CẬY CỦA CHỊ THÚC ĐẨY CHÚNG EM Chị Tê-rê-sa thân mến! “Chính lòng tin cậy” là tựa đề mà ĐTC Phanxicô đặt cho Tông...

Thánh Lễ Khai Mạc Năm Thánh – Mừng 50 Năm Thành Lập Đan Viện Xitô Phước Vĩnh

THÁNH LỄ KHAI MẠC NĂM THÁNH-MỪNG 50 NĂM THÀNH LẬP ĐAN VIỆN XITÔ PHƯỚC VĨNH      Vào lúc 9:30 thứ Ba ngày 19 tháng...

Tâm tình với anh Bernadino

TÂM TÌNH VỚI ANH BERNADINO Dũng Ân Anh thân mến! Anh đã an nghỉ nơi lòng đất mẹ rồi, nhưng em và mọi người vẫn chưa...

Ai tín

…Xin Người cho anh em biết con người và ơn gọi của anh em là gì…

Một vài suy nghĩ về con người và ơn gọi nhân dịp tuyên khấn của anh em (Vinh-sơn Liêm, PV) Hằng năm chúng ta vẫn thường...

TÂM TÌNH TẬP VIỆN TÊ-RÊ-SA PHƯỚC VĨNH SỐ 4

LẠI BẮT ĐẦU          Thưa Chị,...

Bài Giảng Thứ Năm Tuần Thánh

THỨ NĂM TUẦN THÁNH 2015 TẠI PHƯỚC VĨNH VENI...

Bài Giảng Lễ PHỤC SINH- VENI CREATOR SPIRITUS, MATER BONI CONCILII

VENI CREATOR SPIRITUS, MATER BONI CONCILII.Cha Viện Trưởng           ...

Niềm Vui Phục Sinh

Niềm Vui Phục Sinh Truân chuyên vạn nẻo đường...

Tin Mừng Lễ Chúa Nhật Phục Sinh Chúa Giêsu đã phục...

Tin Mừng Lễ Chúa Nhật Phục Sinh             Chúa...

Phước Vĩnh 40 năm hành trình sứ vụ- gắn liền với ơn gọi của thánh Gioan Tiền Hô.

    Hôm nay là ngày sinh nhật của thánh...