Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT LỄ LÁ

CHÚA NHẬT LỄ LÁ (Pl 2, 6-11)

 

            I.          Tuần Thánh, tuần lễ trung tâm và cao điểm trong Năm Phụng Vụ để họp mừng Mầu Nhiệm Vượt Qua. Lễ Lá, khai mạc Tuần Thánh. Phụng Vụ Lễ Lá tung hô Chúa Giêsu khải hoàn. Tiếp đến, Hội Thánh mời gọi chúng ta theo Người trên những chặng đường Người tiến về Giêrusalem để chịu Khổ Nạn và Phục Sinh vinh hiển.

BĐ II (Pl 2, 6-11) là một Thánh Ca, Hội Thánh luôn hát vào các Giờ Kinh Chiều I Chúa Nhật (Chiều Thứ Bảy), hướng dẫn chúng ta nhận ra ‘lý lịch thần linh’ của Chúa Giêsu, Đấng chịu chết trên thập giá.  Trong Thánh Ca này, thánh Phaolô dùng mẫu gương của Chúa Giêsu khiêm nhường chịu đau khổ để khuyên bảo các tín hữu Philipphê.

 

II.         Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng đã hạ mình đón nhận một thân thể như con người. Điều này làm người Hy lạp không thể hiểu nổi, vì trong khi họ đang tìm cách thóat ra khỏi thân xác mà họ coi là ngục tù của linh hồn; phần Chúa Giêsu lại muốn bị giam hãm trong một thân xác để nên giống con người. Chúa Giêsu còn có uy quyền của Thiên Chúa để dẹp tan các đau khổ, Người lại tự nguyện theo tôn ý Chúa Cha, chấp nhận chết treo  thập giá để chuộc tội con người.

            Như Chúa Giêsu quả quyết: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6), nên chúng ta thường hiểu Người là đường đưa chúng ta tới Thiên Chúa. Nhưng trước khi Chúa Giêsu là đường để chúng ta đến với Thiên Chúa, thì Người đã là con đường yêu thương của Thiên Chúa để Thiên Chúa đến với chúng ta, cũng như chính Người đã nói với ông Nicôđêmô “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Con đường Giêsu là con đường khởi đầu từ vô hạn đến với hữu hạn của kiếp người, để được sống trong tình trạng yếu đuối và cái chết …  như một kiếp ngưới. ‘Con đường Giêsu’ mà Thiên Chúa dùng để đến với con người, được mô tả bằng một từ rất gợi hình: “tự hủy – kenosis” (hoàn toàn trút bỏ vinh quang). Mầu nhiệm của ‘con đường Giêsu’, chính yếu là ở điểm Thiên Chúa đã chọn lựa con đường “tự hủy – kenosis” thay vì chọn con đường khác.

Con người luôn cho là khi Thiên Chúa đến với mình, Người sẽ đến theo cách thức của một vị Thiên Chúa, như từng có trong Cựu Ước : nào là lửa, mây, sấm sét, cuồng phong… (x. Xh 19);  nào là sợ hãi, run rẩy, van xin… (x. Xh 20). Nhưng trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa muốn chọn kiểu các đến với con người bằng con đường “tự hủy”. ‘Con đường Giêsu’ giờ đây, là con đường diễn tả tình yêu Thiên Chúa. ‘Con đường Giêsu’ trở thành mầu nhiệm đối với con người.

            Khi nói “tự hủy – kenosis”, đó là mức độ hoàn toàn toàn trút bỏ vinh quang, không còn giữ lại chút nào cho mình. Qua lối diễn tả của thánh Phaolô và niềm tin của cộng đồng Kitô hữu sơ khởi, chúng ta nhận ra những bậc thang đi xuống, bắt đầu từ địa vị Thiên Chúa xuống tới thân phận một tội phạm chết nhục nhã trên thập giá. Những bước đi xuống của Thiên Chúa để làm người :

a) Khởi đầu từ địa vị Thiên Chúa, Chúa Giêsu từ bỏ sự ngang hàng vinh quang Thiên Chúa;

b) Chúa Giêsu chọn làm một con người trong loài người; 

c) Trong loài người, Chúa Giêsu chọn thân phận nô lệ; 

d) Trong thân phận nô lệ, Chúa Giêsu chọn làm tên nô lệ chết treo trên khổ hình thập giá đầy ô nhục. 

Khước từ vinh quang Thiên Chúa để làm người, Chúa Giêsu muốn chia sẻ tất cả những gì yếu đuối của con người, chỉ trừ tội lỗi. Làm một người bình thường chưa đủ, Người còn bỏ ý riêng của mình để hoàn toàn vâng phục tôn ý Thiên Chúa. Người đã vâng phục đến nỗi vui lòng đón nhận cái chết và chết ô nhục trên thập giá.

            Qua những bước trút bỏ vinh quang của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã thực sự đến với nhân loại. Và vì không ai khiêm nhường, vâng phục, hy sinh chịu đau khổ như Người, không ai được hưởng vinh quang như Người : Người đã sống lại, trở về với Thiên Chúa và được Thiên Chúa tôn vinh. Con đường Chúa Giêsu trở về với Thiên Chúa, lại trở thành con đường để cho toàn thể nhân loại đến với Thiên Chúa Tạo Hóa của mình.

 

 III.       Bước vào Tuần Thánh, Phụng Vụ Lời Chúa, nhất là BĐ II chúng ta vừa suy niệm, Hội Thánh muốn chúng ta được cảm nghiệm về tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa. Muốn có cảm nghiệm này,  chúng ta được mời gọi tháp nhập những đau khổ của chúng ta vào cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu. Qua việc tháp nhập này, chúng ta khám phá được ý nghĩa của đau khổ mình đang chịu.

Nhờ cảm nghiệm này, chúng ta mới có khả năng đi theo con đường khiêm nhường phục vụ của Chúa Giêsu đã đi qua, “ai trong các con muốn làm lớn nhất, hãy trở nên rốt hết và phục vụ mọi người” (Lc 22,26). Vì ‘Con đường Giêsu’ là một Con Người sống động, mời gọi khách lữ hành phải kết hợp mật thiết (x. Ga 15) với chính Con Đường thì mới tới được quê hương (x. Pl 3,20) đích thực của mình.

  Như thánh Phalô xác tín:   “Một khi cùng chịu đau khổ với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” (x. Rm 8,17b). Mỗi Chúa Nhật, chúng ta tới Nhà Thờ chiêm ngắm và rước nhận Chúa Giêsu Thánh Thể, đó là nguồn sức mạnh giúp chúng ta có sức lực sống đạo. Chúng ta chiêm ngắm Thánh Giá Chúa Giêsu và khẩn thiết thân thưa : “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa” (Lời Chúa Giêsu dạy thánh nữ Faustina – x. Tv 31,6; Lc  23,46).

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI