Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT V-B MÙA CHAY

CHÚA NHẬT V-B MÙA CHAY

           

THỐNG HỐI

Phụng Vụ Lời Chúa những tuần Mùa Chay vừa qua cho chúng ta thấy về tình yêu vô điều kiện của Chúa Cha  và về vai trò cứu độ của Chúa Giêsu, để chúng ta thay đổi tâm hồn quay về với Thiên Chúa. Những điểm này là những yếu tố để Thiên Chúa lập một Giao Ước với con người, được ký kết bằng máu của Con Một Người là Chúa Giêsu. Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta về Giao Ước này.

 

+ Lạy Chúa, Chúa thiết lập Giao Ước với con người mục đích là để yêu thương con người. Con người bất trung không tôn trọng và thực thi Giao Ước. Qua ngôn sứ Giêrêmia, Chúa cho con người biết Chúa lập một Giao Ước Mới “sẽ tha thứ cho con người và không còn nhớ đến lỗi lầm của con người nữa” (x. Gr 31,33-34). Nhưng chúng con vẫn không nhớ đến Giao Ước Mới này để đón nhận tình yêu của Chúa.

Xin Chúa thương xót chúng con.

 

+ Lạy Chúa Giêsu, Chúa chính là Giao Ước Mới, là Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và con người. Chúa vừa là dấu hiệu tình yêu của Thiên Chúa vừa là gương mẫu vâng phục cho loài người. Nhưng chúng con vẫn không vâng phục, nên đã đánh mất đi quan hệ yêu thương vĩnh cửu với Thiên Chúa. 

Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

 

+          Lạy Chúa, là con người như chúng con, Chúa Giêsu cũng không tránh khỏi tâm trạng xao xuyến khi sắp tới giờ Người hoàn tất Giao Ước Mới. Người hướng về Chúa Cha và dâng lời cầu nguyện. Chúa Cha nhậm lời để cực hình bị đóng đinh vào thập giá giờ đây là một sự tôn vinh. Nhưng chúng con lại không để cho Người đem lên theo Người mà đến với Chúa Cha. 

Xin Chúa thương xót chúng con.

 

 

SUY NIỆM (Gr 31,31-34; Dt 5,7-9; Ga 12,20-33)

 

I.          Gần tới cuộc Khổ Nạn, Phụng Vụ Lời Chúa càng nêu cao thái độ khiêm nhượng vâng phục của Chúa Giêsu trước thánh ý của Chúa Cha. Trích dẫn đoạn thư Do Thái hôm nay, Hội Thánh đề cao sự vâng phục của Chúa Giêsu như là “nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu” (Dt 5,9).  Hội Thánh mời gọi chúng ta chú tâm và noi gương sự vâng phục của Chúa Giêsu.

 

II.         Qua hành động bất tuân của nguyên tổ Ađam, “chúng ta không có sức làm được gì” và trở thành “hạng người vô đạo” (x. Rm 5,6). Nhưng nhờ sự vâng phục của Chúa Giêsu, sự vâng phục đã thành nguồn ân sủng và là nguồn “chứa chan gấp bội” (x. Rm 5,20). Chúa Giêsu không học vâng phục với tính cách là Thiên Chúa, nhưng là người phàm như chúng ta. Là phàm nhân, nên Chúa Giêsu cũng kêu van khóc lóc, cũng sợ đau khổ và cái chết.

            Thư Do thái đề cập tới mức độ thập toàn của việc vâng phục. Vâng phục bằng lòng chịu chết đã là một hành vi phi thường hiếm có. Nhưng lại còn tự ý chấp nhận cái chết nhục nhã như một tên tội đồ, thì chẳng có ai dám làm điều đó cả ! Trừ phi người ấy phải đạt tới trình độ vâng phục thập toàn. Chính Chúa Giêsu đã đạt mức độ sung mãn của vâng phục, cũng như Người là chính sự sống và là sự sống sung mãn (x. Ga 10,10).

            Nếu từ bỏ ý mình đã khó, ôm lấy đau khổ còn khó hơn. Từ bỏ ý mình là đã phải chịu đau khổ rồi; từ bỏ ý mình và chấp nhận chịu đau khổ, còn đau khổ hơn nữa. Một cuộc đời vâng lời chịu đựng đau khổ như thế giúp con người hoàn toàn tin tưởng nơi Thiên Chúa và sinh ích cho mọi người. Điều này trở nên quy luật sinh tồn, kinh qua đau khổ mới có vinh quang, như Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng (x. Ga 12,20-33).

Nói đến cái chết, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta hướng đến một trời mới đất mới. Cái chết của Người sẽ dứt khoát làm cho “thủ lãnh thế gian này bị tống ra ngoài” (x. Ga 12,31; Kh 12,11). Sau chiến thắng của Chúa Giêsu nhờ cái chết, Satan không còn chỗ đứng nữa. Con đường đi đến với Thiên Chúa đã được nối lại để chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa trong Chúa Giêsu.

Sự vâng phục của Chúa Giêsu mang ý nghĩa một cuộc hòa giải con người với Thiên Chúa. Sự vâng phục của Người là hành vi cứu độ, nghĩa là sự vâng phục ấy đã khởi đầu và sẽ được tiếp nối bằng những vâng phục của mỗi chi thể thuộc Huyền Thể Người. Người mở ra con đường vâng phục Thiên Chúa, “trở nên căn nguyên cứu độ đời đời cho tất cả những ai tùng phục Người” (Kinh Tiền Tụng chung I). Nhờ đó, con người được hòa giải với Thiên Chúa và được cứu độ, tức là cho những ai thực sự muốn làm môn đệ Người.

           

 III.       Cuộc chiến thắng của Chúa Giêsu đang tiếp tục xảy ra, và chỉ kết thúc vào ngày thế mạt, khi Người trở lại để phán xét muôn loài.  Do đó, ngay bây giờ và tại thế gian này, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tham dự vào cuộc chiến thắng ấy bằng cách để cho Người “kéo chúng ta lên với Người”. Để cho Người kéo chúng ta vào trong mối thâm giao với Người lên thập giá. Soi gương Người, chúng ta :

            Một. Tín thác vào Chúa Cha. Chúa Giêsu biểu lộ trọn vẹn sự tín thác của Người trong bàn tay quan phòng Chúa Cha. Người đầy lòng tin kính phó thác, chọn ý Chúa Cha làm mục đích để tuân theo và để giải quyết khó khăn. Tất cả ý nghĩa cuộc đời của Chúa Giêsu ở trần gian này là để tôn vinh Danh Cha. 

            Hai. Gương phục vụ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã phục vụ mọi người vì Người nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa nơi người khác. Phục vụ người khác là phục vụ chính Thiên Chúa ở trong họ. Một vị Thiên Chúa luôn động lòng trắc ẩn với mọi người trong mọi hoàn cảnh, chúng ta minh chúng niềm vui phục vụ bằng những hành vi nhân bản: xin chào, xin lỗi, xin cám ơn.

Ba. Ưu tiên của sự sống đời đời. Sống ở đời này, theo quy luật hạt lúa gieo xuống đất, mục nát để mọc cây, trổ bông hạt, nếu chúng ta lấy cuộc sống đời này như một cơ hội để quan tâm đồng cảm để phục vụ người khác tốt hơn, chúng ta sẽ được sự sống hạnh phúc đời đời.

Mỗi Chúa Nhật, chúng ta tới Nhà Thờ chiêm ngắm và rước nhận Chúa Giêsu Thánh Thể (x Is 66,10-11), đó là nguồn sức mạnh giúp chúng ta thực hiện ba điều trên.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI