Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN B

CHÚA NHẬT XXVI-B TN

 

Khi nhận lãnh Bí Tích Rửa Tội, Kitô hữu là ngôn sứ. Trách nhiệm ngôn sứ đòi hỏi mỗi Kitô hữu có bổn phận làm cho thụ tạo hiểu ra và được là vinh dự mình thuộc về Chúa Giêsu. Trách nhiệm ngôn sứ, không riêng ai, riêng phe nhóm nào, nhưng là mọi người cần hợp tác để chu toàn sứ vụ “đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (x. Mc 16,15). Trách nhiệm ngôn sứ đi khắp tứ phương thiên hạ, là để loan báo sứ điệp ‘khi Chúa thương xót và tha thứ, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả’.

 

+ Lạy Chúa, ông Môsê chọn bảy mươi kỳ mục để lãnh đạo Dân Chúa. Thần Khí Chúa làm việc thực sự trong ông Môsê và các kỳ mục, kể cả những người vắng mặt trong Lều Hội (x. Ds 11,25). Nhưng chúng con lại ghen tương, không có cái nhìn bao dung như ông Môsê : “Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ !” (x. Ds 11,29).

 

+ Lạy Chúa, ước muốn của ông Môsê đã trở thành hiện thực trong thời Tân Ước, khi Chúa Giêsu nói : “Không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy” (x. Mc 9,39-40). Nhưng chúng con vẫn để cho những khác biệt ngăn trở công cuộc lớn lao này.

 

+ Lạy Chúa, Chúa Giêsu nói : “Ai không đi với tôi, là chống lại tôi; và ai không cùng tôi thu góp, là phân tán” (Mt 12,30). Nhưng chúng con lại đóng khung Thần Khí trong những giới hạn hẹp hòi, óc cục bộ đối nghịch với sứ mạng ngôn sứ.

 

 

SUY NIỆM

(Ds 11,25-29; Gc 5,1-6; Mc 9,38-43, 45, 47-48)

 

 

            I. Trong thời gian ông Môsê dẫn dân Israel ra khỏi Ai cập, dân than vãn phiền trách ông. Ông thưa với Chúa và Chúa dạy ông đặt 70 kỳ mục để giúp đỡ ông phục vụ cộng đồng (x. Ds 11,16). Thần Khí đậu xuống trên họ, họ phát ngôn như một ngôn sứ. Họ là dụng cụ của Thần Khí sử dụng để chuyển đạt những giáo huấn của Thiên Chúa.  Đặc sủng là để phục vụ cộng đồng. 

 

II. BĐ I ghi lại, lần kia, có hai người trong số 70 kỳ mục không có mặt trong Lều Hội mà ở lại trong trại. Thần Khí cũng đậu xuống trên họ và họ phát ngôn ngay trong trại. Nghe báo hai người ấy phát ngôn trong trại, ông Giôsuê là phụ tá xin ông Môsê ngăn cản họ.  Ông Môsê nhìn vào công việc của Thần Khí, không phải vào người này người kia, hoặc chỗ này chỗ nọ làm tiêu chuẩn, để phân biệt người được Thần Khí đậu xuống hay không. Thần Khí hoạt động nơi những kỳ mục ở trong Lều Hội, nhưng Thần Khí cũng hoạt động nơi những kỳ mục đang ở lại trong trại nữa. 

Ông Giôsuê chỉ xét công việc phát ngôn theo con người hoặc theo nơi chốn. Do đó, việc ông Giôsuê xin ông Môsê ngăn cấm, vô tình ngăn cản công việc của Thánh Thần. Tuy nhiên động lực khiến ông Giosuê xin ông Môsê ngăn cấm họ chính là do lòng ghen tị và thiếu quảng đại ngấm ngầm hoạt động nơi ông. 

            Trước tình huống đó, ông Môsê thẳng thắn nhắc nhở ông Giôsuê xét lại thái độ ghen tị không thích đáng. Ông Môsê hướng về Thánh Thần để nhìn nhận công việc của Người. Ông Môsê trả lời:  “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!” (Ds 11,29).

Mong ước mọi người đều là ngôn sứ, được thực hiện vào thời Chúa Giêsu. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu bảo các môn đệ: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy” (Mc 9, 39). 

Mục đích của Chúa Giêsu đến trần gian là để cứu độ mọi người, để tất cả những ai tin vào Người thì sẽ được sống muôn đời. Nên trong quá trình đi đến mục tiêu này, Chúa Giêsu dạy môn đệ :  “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9, 40). Nguyên tắc này mở ra một chân trời mới cho mọi hoạt động vì lợi ích của Thiên Chúa và anh chị em.

Thầy Giêsu nổi tiếng khắp nước Israel vì Người giảng dạy như Đấng có uy quyền, làm nhiều phép lạ, được mọi người kính phục. Nên được làm môn đệ Người thật là một vinh dự. Họ không muốn chia sẻ vinh dự này với ai cả. Vì thế, khi thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ, họ đã cố ngăn cản. Lý do họ ngăn cản là “vì người ấy không theo chúng ta”.

Khi đưa ra lý do “vì người ấy không theo chúng ta”, môn đệ Gioan và các bạn đã vạch ra một mốc ngăn cách giữa Chúa Giêsu với người khác. Đồng thời, họ cũng vô tình giới hạn sứ mệnh của Người. Chúa Giêsu không đưa ra tiêu chuẩn hẹp hòi “không theo chúng ta” để xác định một người là kẻ thù. Nhưng Người mở rộng tầm nhìn: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Tính độc tôn nảy sinh tính ích kỷ hẹp hòi, ghen tị, tính ghen tị nảy sinh não trạng bè phái, óc địa phương, cục bộ,  dưới nhiều bình phong xem ra rất tế nhị như để bảo vệ danh dự cho Thầy Giêsu. 

Hơn nữa, mục đích của Chúa Giêsu khi chọn các môn đệ là để huấn luyện các ông loan truyền Tin Mừng, không chú trọng đến danh nghĩa và quyền lợi của cá nhân hay của phe  nhóm. Người ban cho các ông quyền trừ quỉ để khơi dậy niềm tin, không phải là đặc quyền để bảo vệ. Tính phe nhóm làm con người không còn biết chú trọng đến mục đích, nhưng chú trọng đến tiếng tăm, quyền lợi, và dễ dàng khai trừ người khác. Khi loan giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu chỉ có thể trình bày sự thật để thuyết phục con người tin vào Người, đồng thời kèm theo những phép lạ; nhưng nếu họ cứng lòng, Chúa Giêsu không bắt họ phải tin vào Người.

Trên đường tìm kiếm sự thật, có nhiều cách để dẫn con người đến sự thật và khơi dậy niềm tin của con người vào Thiên Chúa : Bác ái và gương sáng là hai cách hiệu quả để loan giảng Tin Mừng.

– Một. Chia cơm sẻ áo cho mọi người: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”. Đạo của Chúa Giêsu là đạo bác ái yêu thương. Người môn đệ của Chúa không thể mến Chúa mà không yêu người. Tiêu chuẩn Chúa Giêsu dùng để phán xét người môn đệ là đức bác ái (x. Mt 25).

– Hai. Làm gương lành cho người khác. Ảnh hưởng gương xấu không chỉ trên cá nhân, mà còn lan rộng trên cộng đoàn nữa. Vì hậu quả tai hại của gương xấu, Chúa Giêsu không ngại nhấn mạnh: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn”. Kitô hữu, người môn đệ Chúa, không thể theo dòng gương xấu của xã hội mà làm mất đi căn tính con cái Chúa của mình! Nhưng luôn nói và làm điều tốt cho nhau.

           

III. Ông Môsê nói : “Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!” (Ds 11,29). Trở nên ngôn sứ để chu toàn sứ vụ “đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ” (x. Mc 16,15). Tin Mừng đó lại là sứ điệp : ‘khi Chúa thương xót và tha thứ, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả’ (x. LNNL, CN 26 TN). Đây là ‘của cải thiêng liêng’, là Gia Nghiệp (x. Tv 15) do Thiên Chúa ban cho mọi người.

Lex orandi, lex credendi (cầu nguyện thế nào, tin thế ấy). Nên trong BĐ II, như thánh Giacôbê quan niệm của cải trong trời đất là do Thiên Chúa ban cho mọi người. Không ai có quyền vơ vét và tích trữ của cải cho mình đến nỗi để người khác phải chịu thiệt thòi và túng thiếu. Của cải Thiên Chúa ban trong vũ trụ, phải được chia sẻ cho mọi người.

            Từ của cải vật chất, chúng ta đi đến của cải tinh thần. Nên ai cản trở ơn làm ngôn sứ, cũng là cản trở việc loan truyền sứ điệp này. Thánh Giacôbê cảnh cáo họ chẳng khác gì “người tham lam muốn thu tích của cải cho mình bằng mọi cách, mà không cần biết mình sẽ gây đau khổ và thiệt hại cho người khác thế nào”. Kẻ tham lam không chỉ phạm tội vơ vét của cải; nhưng còn kéo theo nhiều tội khác nữa, như lỗi đức công bằng; tiêu xài xa hoa vào những việc bất chính; và để thỏa mãn lòng tham, họ loại trừ tất cả những ai dám ngăn cản, phê bình, hay tố cáo lối sống của họ.

            Nhờ Mầu Nhiệm Nhập Thể, Ngôi Hai Thiên Chúa đã trở thành Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta đến chiêm ngắm Người để học sống bao dung như Người. Chúng ta chuyên chăm Lectio divina để thấy việc Người đã làm mà soi gương. 

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI