CN 18-A TN
NGÀY 6/8 : LỄ CHÚA HIỂN DUNG
(Đn 7,9-10.13-14; 2 Pr 1,16-19; Mt 17,1-9)
I. Vinh quang, uy quyền và lời các ngôn sứ trong Kinh Thánh làm chứng về Chúa Giêsu, được thánh Phêrô thuật lại kinh nghiệm mình đã được chứng kiến trong cuộc Chúa Hiển Dung.
II. Thánh Phêrô muốn minh chứng cho các tín hữu những gì ngài nói về Chúa Giêsu không phải là chuyện hoang đường thêu dệt ra; nhưng có cơ sở nền tảng của hai bằng chứng : kinh nghiệm và Kinh Thánh.
Một. Kinh nghiệm. Thánh Phêrô là một trong ba môn đệ đã được chứng kiến cuộc hiển dung vinh quang của Chúa Giêsu. Không những được xem thấy vinh quang của Chúa Giêsu, thánh Phêrô còn được nghe thấy tiếng Chúa Cha làm chứng về Chúa Giêsu như sau: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến”. Đó là lời chứng rất quan trọng cho niềm tin của các tông đồ, vì lời chứng đó giúp các tông đồ đặt trọn niềm tin vào Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Nhất là lời chứng đó giúp các tông đồ chuẩn bị đón nhận biến cố tử nạn và phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu.
Hai. Kinh Thánh. Ngoài kinh nghiệm cá nhân và lời chứng của hai tông đồ Giacôbê và Gioan, kinh nghiệm của thánh Phêrô còn được củng cố bởi lời chứng của các ngôn sứ trong Kinh Thánh. Thánh Phêrô quả quyết: “Như vậy chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ. Anh em chú tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em”. Ngôn sứ đầu tiên là Đaniel (BĐ I), rồi sau này còn có các ngôn sứ khác như : ngôn sứ Isaia, Jeremia, Ezekiel, Amos, Mica… nói về Đấng Thiên Sai (Mêsia).
Thánh Phêrô chú trọng đặc biệt về chứng từ của Kinh Thánh trong Sách Lề Luật, Ngôn Sứ, và Thánh Vịnh, vì người Do Thái tin tưởng vào thế giá của những Sách này. Khi nói trước dân chúng (Cv 3,12-26) và nói trước Thượng Hội Đồng Do Thái (Cv 4,8-21), thánh Phêrô quan tâm đặc biệt đến thế giá của Kinh Thánh nói trước về sự phục sinh của Chúa Giêsu. Theo thánh Phêrô, nếu con người chuyên cần học hỏi Kinh Thánh, con người sẽ được Chúa Thánh Thần soi sáng để hiểu Kinh Thánh, vì toàn bộ Kinh Thánh đều được linh hứng bởi một Thánh Thần.
Trong sự kiện Hiển Dung của Chúa Giêsu, dù tự bản chất thánh Phêrô là một con người hiếu động, giờ đây thánh nhân chỉ muốn được ở thinh lặng trong sự hiện diện với Chúa Giêsu. Trước biến cố này, thánh Phêrô chỉ biết nói : “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay!”. Dường như thánh Phêrô muốn gởi đến mỗi chúng ta ‘thông điệp’ cốt yếu trong đời sống thiêng liêng, đó là : cần hiện diện kết hiệp với Chúa Giêsu trong thinh lặng. Đó là sức mạnh của chúng ta (x. Is 30,15). Kết hiệp hiện diện với Chúa Giêsu trong thinh lặng, là sức mạnh của chúng ta, thế mà, như ĐTC Gioan Phaolo II nói, cám dỗ lớn nhất của cuộc sống hiện đại lại là tập trung vào “có” và “làm”, thay vì “là” trong thinh lặng, nên con người không còn nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc sống này.
Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong biến cố Hiển Dung, ngày nay, từng giây phút, Chúa Giêsu vẫn còn hiện diện với con người trong Bí Tích Thánh Thể. Vì, “Bí Tích Thánh Thể chứa đựng tất cả kho tàng thiêng liêng của Hội Thánh, nghĩa là chứa đựng chính Chúa Giêsu, Chiên Vượt Qua, Bánh Hằng Sống : thân mình Ngài có sự sống nhờ Chúa Thánh Thần và tạo sự sống, thân hình ấy ban sự sống cho mọi người, mời gọi mọi người và hướng dẫn mọi người cùng kết hiệp với Ngài hiến dâng chính cuộc đời của riêng mình, hiến dâng công việc của mình và hiến dâng toàn thể tạo vật” (SL Presbyterorum ordinis, 5).
Con người sẽ hiện diện trong cuộc Hiển Dung này, khi con người sống trong cầu nguyện bên Chúa Giêsu Thánh Thể. Hiện diện bên Chúa Giêsu Thánh Thể là phương thế để cùng thánh Phêrô thưa với Chúa Giêsu : “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay!”. Mượn tâm tình của thánh Phêrô, ĐTC Phanxico nói : “Chính Chúa Giêsu tiếp đón chúng ta và hiện diện giữa chúng ta. Nhưng trong Tin Mừng, chúng ta đã nghe những lời Chúa Cha phán : “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người !”. Một đàng nếu Chúa Giêsu đón nhận chúng ta, thì đàng khác, chúng ta cũng phải đón rước Ngài, lắng nghe Lời Ngài vì chính khi chúng ta đón nhận Chúa Giêsu Kitô là Lời Nhập Thể, Thánh Thần biến đổi chúng ta, soi sáng hành trình tương lai và làm tăng trưởng trong chúng ta những đôi cánh hy vọng để chúng ta vui mừng tiến bước” (x. ĐTC Phanxico, Diễn văn tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, ngày 25 tháng 7 năm 2013).
III. Trong cuộc Hiển Dung, Chúa Giêsu chói lọi trước mắt thánh Phêrô và thánh nhân đã chiêm ngắm. Dung nhan Chúa Giêsu vẫn sáng chói trước mắt chúng ta khi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể. Vì thế, thinh lặng là điều thiết yếu cho đời sống của chúng ta với Chúa Giêsu.
Trong thinh lặng bên Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa Giêsu sẽ biến đổi chúng ta, từ nội tâm ra ngoại hình, không như ca dao Việt Nam nói : “Thay quần, thay áo, thay hơi,/ Thay dáng thay dấp, mà người chẳng thay”. Nhờ đó, mọi người thấy dung nhan tươi vui của Thiên Chúa trong nụ cười của chúng ta, mọi người thấy Lòng Chúa Thương Xót trong lời nói dịu dàng của chúng ta, mọi người thấy Thiên Chúa hiện diện khi được sống bên cạnh chúng ta. Vì, chúng ta đã được “đồng hình đồng dạng” với Chúa Giêsu (x. Rm 8,28) như xưa ông Môsê sau khi đàm đạo với Thiên Chúa, “da mặt ông sáng chói” (x. Xh 34,29). Mà Chúa Giêsu lại là “dung nhan Lòng Chúa Thương Xót” (x. MV, 1).
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin biến đổi lý trí và ánh mắt con khi con chiêm ngắm Chúa; xin biến đổi ý chí và miệng lưỡi con khi con rước Chúa; xin biến đổi tâm tình và đôi tai con khi con nghe Lời Chúa; để sau mỗi khi con đến hiện diện bên Chúa, gặp Chúa,cuộc đời con được rạng sáng tâm tình thương xót của Chúa hơn.