LOAN BÁO TIN MỪNG
(Suy niệm Tin mừng: Mt 10,1-7 – Thứ Tư, Tuần 14 TN-A).
M. Lasan Châu Sơn
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu:
- Rồi Ðức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
(2) Sau đây là tên của mười hai Tông Ðồ: đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Dêbêđê và ông Gioan, em của ông; (3) ông Philiphê và ông Batôlômêô; ông Tôma và ông Matthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô; (4) ông Simon thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Ítcariốt, chính là kẻ nộp Người. (5) Ðức Giêsu sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:
“Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. (6) Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen. (7) Dọc đường hãy rao giảng rằng; Nước Trời đã đến gần”.
Suy Niệm:
Trang Tin mừng thuật lại việc Chúa Giêsu sai mười hai vị Tông đồ đi Loan Báo Tin Mừng. Thánh Matthêu đã lần lượt nêu đích danh mười hai vị Tông đồ. Ngài kể rất chi tiết, không chút dấu diếm về biệt danh của một số vị, mà ngôn ngữ ngày nay người ta gọi là có nickname đáng gờm, chẳng hạn:
– Matthêu người thu thuế. Người thu thuế thường nâng cao mức thuế để kiếm lợi.
– Simon thuộc nhóm Quá Khích. Đặc điểm của nhóm này là dắt dao bên hông, sẵn sàng đâm những ai không giữ Luật Môsê.
– Giuđa Iscariốt chính là kẻ nộp Người.
Chúng ta tự hỏi. Thánh Matthêu có ngụ ý gì khi kể ra những điểm không hay nơi bản thân mình và của các vị tông đồ?
Như chúng ta biết, thánh Matthêu viết đoạn Tin mừng này trong chương 10, tức là khi các ngài vừa mới được Chúa Giêsu kêu gọi và sai đi Loan Báo Tin Mừng. Nghĩa là còn cả một hành trình dài nữa mới đến cuộc Thương khó và Phục sinh của Chúa Giêsu. Vậy, làm sao mà thánh Matthêu biết được Giuđa chính là kẻ phả bội?
Đa số các học giả cho rằng: thánh Matthêu viết Tin mừng sau khi Chúa Giêsu hoàn tất công trình cứu độ nhân loại; vào khoảng năm 80-90, tại Syria Palettin. Dẫu vậy, thánh nhân đã nhìn với nhãn quan của Chúa Giêsu khi Ngài kêu gọi và sai các ông đi Loan Báo Tin Mừng.
Vấn đề khó hiểu ở đây là: tại sao Chúa Giêsu biết trước Giuđa sẽ phản bội mà Ngài vẫn chọn ông làm Tông đồ. Nếu xét theo cái nhìn của con người, chúng ta không thể hiểu được hành động của Chúa Giêsu. Giả sử ai đó tính chuyện lập gia đình mà lại biết rằng người vợ/ người chồng tương lai của mình sẽ phản bội thì chắc chắn sẽ chẳng bao giờ chọn người đó. Cũng vậy, các Dòng tu hay Chủng viện… sẽ không tuyển chọn những ứng sinh không có ý hướng ngay lành, lấp lửng chân trong chân ngoài… Thế nhưng, Chúa Giêsu đã không hành động theo lẽ thường tình của con người. Bởi lẽ, bản tính của Ngài là “yêu”. Cho nên, bất kể Giuđa có phản bội hay không thì Chúa Giêsu vẫn yêu thương “đến cùng” và tuyển chọn ông làm Tông đồ. Mặt khác, để đánh giá công tâm, vẫn phải công nhận rằng: lúc ban đầu khi được Chúa kêu gọi ông Giuđa đã rất hăng hái nhiệt thành bỏ mọi sự để bước theo Đức Giêsu với tất cả lòng chân thành, tín thác, không tính toán thiệt hơn… có lẽ vì thế mà Chúa Giêsu rất tín nhiệm trao cho ông trách nhiệm quản lý tài chính – giữ túi tiền. Có chăng mãi về sau này, vì một lý do “khó nói” ông mới trở thành kẻ phản bội mà thôi.
Thực ra, tìm hiểu hành trình ơn gọi của các Tông đồ giúp chúng ta nhìn lại hành trình ơn gọi của chính mình. Chúng ta là những Kitô hữu nghĩa là những người thuộc về Chúa Kitô, có Chúa Kitô, được Chúa Kitô tuyển chọn và sai đi Loan Báo Tin Mừng cứu độ của Ngài khi lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy. Mặc dù, Chúa vẫn biết chúng ta là người bất xứng, luôn mang trong mình tiềm năng phản bội. Nhưng Chúa vẫn đón nhận chúng ta làm con cái, hơn nữa còn chọn gọi chúng ta làm linh mục, là tu sĩ, làm đan sĩ… Bởi, không khi nào Chúa ngừng yêu thương săn sóc chúng ta. Đứng trước tình yêu vô cùng của Chúa, chúng ta chợt nhận ra:
Có lúc chúng ta giống như Matthêu; lạm quyền, tham lam, bóc lột, đối xử bất công… với anh chị em mình.
Có khi chúng ta giống như Simon quá khích bắt người khác tuân giữ từng câu chữ của luật mà quên luật tối thượng là yêu người như Chúa yêu.
Thậm chí nhiều lần chúng ta như Giuđa, phản bội Chúa qua cuộc sống bê tha, tội lỗi của mình.
Vậy, suy niệm Tin mừng Chúa sai các Tông đồ đi Loan Báo Tin Mừng là cơ hội tốt để mỗi người nhớ lại hồng ân được Chúa chọn gọi. Dù chúng ta có như thế nào Chúa vẫn yêu thương tuyển chọn và sai đi Loan Báo Tin Mừng cứu độ của Chúa giữa thế giới hôm nay.
Xin Chúa giúp chúng ta nhận ra ân huệ cao quý này để luôn sống tâm tình cảm tạ. Đồng thời, biết nhận ra thân phận yếu đuối dễ sa ngã, của mình để luôn cậy trông ơn Chúa trợ giúp, hầu có thể chu toàn sứ mệnh cao quý Loan Báo Tin Mừng khắp cùng thế giới, qua đời sống âm thầm cầu nguyện và hoan hỷ hy sinh mỗi ngày.