Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CN I PHỤC SINH A

CHÚA PHỤC SINH – Ga 20, 1-9
 
I.          Chúa đã sống lại thật. Alleluia. Đây là Tin Mừng trọng đại cho các môn đệ Chúa Giêsu và cũng là cho chúng ta hôm nay. Vật chứng của biến cố “Chúa sống lại” là “ngôi mộ trống”. Một Tin Mừng nền tảng cho đức tin, lại chỉ có một vật chứng là “ngôi mộ trống” sao. Vật chứng ấy chẳng khác gì lấy “cái không” làm chứng cho “cái có”. Thế nhưng, “cái không” trong ngôi mộ trống này lại là vật chứng việc “Chúa đã sống lại thật”; vì biến cố này do chính Chúa Giêsu đã báo trước rồi, và nay lại thêm các thiên thần Chúa làm chứng việc này.
II.         Bài Tin Mừng mời gọi chúng ta đạt tới hành động “thấy” đích thực như người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến. Từ việc thấy dấu chỉ được kể lại trong Tin Mừng, dẫn tới việc thấy bằng con mắt đức tin, nghĩa là nhận ra sự hiện diện của Đấng Phục Sinh trong cuộc đời. Đó là hành động “tin”. Việc Chúa Giêsu Phục Sinh đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ. Một giai đoạn như bùng nổ sức sống mới cho người tín hữu. Sức sống này khởi phát từ hành động “thấy” và “tin”, qua những dấu chỉ thuật lại trong Tin Mừng, và qua những dấu chỉ trong cuộc sống hôm nay để đón nhận sự sống, niềm vui và bình an của Đấng Phục sinh ban tặng.
 
Sau khi Chúa Giêsu chịu khổ nạn và được an táng trong mộ, có tảng đá lớn lấp cửa mộ. Hai ông Phêrô và Gioan cũng như các môn đệ khác, thất vọng vì Chúa Giêsu không hoàn thành ước mơ của các ông. Nên phần vì thất vọng, phần vì sợ sẽ bị truy tố như Thầy mình, các ông không dám xuất hiện trước công chúng nữa. Tảng đá lớn lấp cửa mộ cũng che lấp luôn cả những ước mơ của các ông. Nhưng, sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria Magdala ra nơi an táng thi hài Chúa Giêsu, bà thấy tảng đá lấp cửa mộ lăn qua một bên. Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Chúa Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Ngài ở đâu”.
 
Vừa nghe tin ấy, ông Phêrô và môn đệ kia liền chạy ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải xếp gọn còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Chúa Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. “Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Chúa Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết”. Vì các ông không ngờ là Chúa đã sống lại, nên chỉ còn giả thuyết là người ta đã đánh cắp xác Chúa; nhưng điều làm các ông ngạc nhiên là tại sao lấy xác mà không lấy khăn liệm, mà còn cuộn lại cẩn thận và xếp gọn một nơi!
 
Khi viết lại sự kiện này, thánh sử Gioan muốn trình bày cho chúng ta hai trạng thái tin qua các kiểu nói :
 
1)- Kiểu nói : “Đã thấy và đã tin”: Đây là đức tin thực nghiệm, đức tin này dựa vào giác quan.
a. Người môn đệ “thấy” không chỉ là thấy những băng vải xếp gọn, mà ông còn thấy “ngôi mộ trống rỗng” không còn có Chúa Giêsu ở đó. Nghĩa là “thấy” và “tin” gắn kết với nhau như Chúa Giêsu đã nói: “Đây là ý muốn của Cha Tôi: Tất cả những ai thấy người Con và tin vào Người thì có sự sống đời đời” (Ga 6,40).
b. Người môn đệ “tin” vào việc Chúa Giêsu sống lại và “tin” những lời Chúa Giêsu đã nói, và ở mức độ cao nhất: Tin Chúa Giêsu là Chúa và là Thiên Chúa như lời Thánh Tôma tuyên xưng trước Đấng Phục Sinh: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).
 
2)- Kiểu nói : “Theo Kinh Thánh: Chúa Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết”. Đây là đức tin dựa vào uy thế của Sách Kinh Thánh. Sự kiện này, khẳng định với chúng ta rằng :
a. Cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá đã xoá bỏ tội lỗi của toàn thể nhân loại. Quyền năng của Thiên Chúa đã thánh hóa thập giá nhục nhã đau thương mà Ngài phải treo trên đó, thành Thánh Giá vinh quang ban ơn cứu độ cho nhân loại. Thánh Phaolô tuyên bố : “đối với những người hư mất, sứ điệp của Thánh Giá là ngu dại; nhưng đối với chúng ta, những người được cứu rỗi, thì đó là quyền năng của Thiên Chúa” (1 Cr 1,18)
b. Khi chỗi dậy từ cõi chết, Chúa Giêsu công bố cái chết không còn quyền chi với Ngài nữa. Từ nay, Ngài là Vị Tiên Phong mở đường dẫn đưa chúng ta vào cuộc sống vĩnh cửu với Thiên Chúa là Cha Ngài và cũng là Cha chúng ta (x. Ga 20,17). Tất cả những điều đó không phải là tình cờ, mà đã được thực hiện “đúng như lời Kinh Thánh”.
 
III.        Nhờ Chúa Giêsu chỗi dậy từ cõi chết, cái chết không còn là một kết thúc thảm hại nữa: chết không là hết, vì đã có Chúa Giêsu đi trước để dọn đường, và Ngài sẽ kéo mọi người chúng ta lên với Ngài. Giờ đây việc sống lại của Chúa Giêsu mở ra một cuộc sống mới đầy ý nghĩa và hy vọng : Nếu tôi tin vào Chúa Giêsu và cùng chết với Ngài, tôi sẽ cùng Ngài sống lại và sống hạnh phúc mãi mãi (Rm 6,8; 2 Tm 2,11). Vì thế, chúng ta không được sống như ai đó nghĩ là không có đời sau.
Chúa Giêsu đã gánh chịu mọi đau khổ để đền thay tội lỗi của chúng ta, và Ngài đã sống lại vinh hiển để chuẩn bị cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Còn ai yêu thương và lo lắng cho chúng ta hơn Chúa Giêsu ? Vì thế,  “Không bao giờ thất vọng về Lòng Chúa Thương Xót” (TL 4,74). Nhưng luôn luôn dành trọn vẹn tình yêu cho Ngài và niềm tín thác tuyệt đối vào Ngài, bằng lời nguyện tắt “lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.
Vậy chúng ta mau đến và chuyên cần đến gặp gỡ Chúa Giêsu. Ngài vẫn hiện diện trong Lời Chúa và trong các Bí Tích, đặc biệt trong Bí Tích Thánh Thể, để nhờ đó chúng ta càng thêm lòng tin vào Ngài và được sống đời đời với Ngài. Xin Chúa Giêsu Phục Sinh là sức mạnh cho chúng ta, để chúng ta có được tình yêu với Chúa Giêsu như cô Maria Magdala, chúng ta vượt qua mọi trở ngại để trung thành và làm chứng cho Thiên Chúa, bằng cách yêu thương mọi người như Chúa Giêsu “đã yêu đến cùng” (Ga 13,1). Alleluia.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI