Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – CN II PHỤC SINH A

CHÚA NHẬT II-A PS (Ga 20, 19-31)
KÍNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
 
I.          Truyện kể rằng : Một em bé đang ngồi trên gối mẹ, chợt hỏi mẹ: – Mẹ ơi, con muốn được nhìn lòng mẹ?
Bà mẹ đáp : – Mẹ không biết, nhưng con có thể nhìn vào mắt mẹ, con thấy gì trong đó?
Em bé nhướng mắt nhìn chăm chú vào đôi mắt mẹ, rồi sung sướng reo lên: – Mẹ ơi! Con nhìn thấy lòng mẹ rồi, ở đó có một em bé, bé tí xíu, em bé là chính con đó mẹ !
 
II.         Người đời nhận định : Trong đôi mắt của cha mẹ, con cái là tất cả. Vâng. Trong đôi mắt của cha mẹ, con cái là tất cả. Trong đôi mắt Thiên Chúa chỉ có con người, nhất là những con người tội lỗi đáng thương cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa nói : “Có người mẹ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ? Cho dù người mẹ ấy có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15).
Lòng thương xót của Thiên Chúa càng rõ nét hơn, khi Thiên Chúa nói : “Lúc Israel còn là đứa trẻ, Ta đã yêu nó … Ta xử với nó như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (Hs 11,1-4). Vì, mỗi người chúng ta đều có một ‘vị trí quan trọng độc nhất’ trong cái nhìn của Thiên Chúa, như Người nói qua ngôn sứ Gieremia : “Cha đã thương con bằng một tình yêu muôn thuở; Cha đã lôi cuốn con bằng lòng thương xót của Cha” (Gr 31, 3). Và Chúa Giêsu, là “Dung Nhan Lòng Thương Xót của Chúa Cha” (Tông chiếu Misericordiae Vultus,1) đã “đến trần gian để con người được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10) tấm Lòng Thương Xót đó.
Tình yêu là bản tính của Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8.16), thì Lòng Thương Xót là cách thức Thiên Chúa bày tỏ tình yêu. Nên Thánh Vịnh Gia đã cầu nguyện cùng Thiên Chúa: “Xin giữ gìn con như thể con ngươi, dưới bóng Người, xin thương che chở” (Tv 17,8). Vì ngài biết rằng vị Thiên Chúa mà ngài cầu nguyện là một Vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót, “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 135). Một Thiên Chúa không thích dùng hình phạt, nhưng luôn tỏ lòng yêu thương, quảng đại, khoan dung và hay tha thứ, là Đấng chỉ muốn Lòng Thương Xót (x. Ed 18,31-32; Mt 9, 12-13).
Hình ảnh Thiên Chúa như người cha người mẹ luôn yêu thương chiều chuộng con cái, được diễn tả nơi cung cách hành xử của Chúa Giêsu, Dung Nhan Lòng Chúa Thương Xót, hiện thân tình yêu thương của Thiên Chúa. Vì như Chúa Giêsu đã xác quyết : “ai thấy Tôi là thấy Cha” (Ga 12,45). Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu vô cùng hiền dịu, yêu thương, và luôn nhìn thấy đoàn dân chúng đến với Ngài “như đoàn chiên không người chăn dắt” (x. Mt 9,36; Ed 34,4). Ngài  đặc biệt yêu thương những người nghèo khổ bất hạnh (x. Mt 14,14; Lc 7,11-15), cũng như những kẻ bị xem là tội lỗi đang bị khai trừ ra bên lề xã hội (x. Mt 9,13), và nhất là Ngài yêu thương trẻ em (x. Mt 19,13-15).
Để miêu tả tình yêu thương xót của Chúa Giêsu, Tin Mừng thường dùng từ “động lòng trắc ẩn”. ĐTC Phanxicô giải thích từ này như sau: “Động lòng trắc ẩn mà Chúa Giêsu  cảm thấy không chỉ một cách đơn sơ là thương hại. Nó hơn thế nữa! Nó có nghĩa là cùng đau khổ, nghĩa là đồng hoá mình vào trong với nỗi khổ đau của tha nhân, tới độ nhận lấy nó trên chính mình”.
Tâm trạng này giống như trong trình thuật hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, thánh sử Mátthêu đã dùng từ khác mạnh hơn để diễn tả: đó là từ “quặn đau”. “Quặn đau” của một bà mẹ sinh con. Và đó là tâm tình Chúa Giêsu có đối với dân chúng. Nên trong một bài giảng khác, ĐTC Phanxico xác tín : “Cái nhìn có khả năng thấy xa hơn diện mạo bên ngoài, vượt xa hơn tội lỗi, thất bại và bất xứng nơi con người chúng ta, để qua đó thấy được phẩm giá cao quý của con người trong tư cách là con của Thiên Chúa, một phẩm giá mà tội lỗi làm cho nhơ uế; nhưng phẩm giá đó vẫn được tồn tại trong nơi sâu thẳm của tâm hồn con người. Vì thế, Chúa Giêsu đến để tìm kiếm tất cả những ai cảm thấy bất xứng với Thiên Chúa, và bất xứng với mọi người” [Bài giảng của Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô trong Thánh Lễ ngày 21.9.2015 (lễ thánh Mát-thêu, tông đồ) ở Holguin, Cuba].
Trong tiếng Việt, có một cụm từ bao hàm hai hành động, hành động này lại là hệ luận của hành động kia. Đó là cụm từ “yêu chiều” = “yêu thương chiều chuộng”. Ngôn ngữ con người nói thế nhưng không làm được hoàn toàn như thế. Chúa Giêsu bày tỏ Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người, là “yêu đến tận cùng” (Ga 13,1) và lấy hành vi “tự hủy” (x. Pl 2,6-11) để minh chứng “không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu không nỡ lòng nào để các môn đệ của Ngài phải ở ẩn trong nhà “vì sợ người Do thái”. Tâm trạng này cần phải được trấn an, nên Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho các con”. Và để các môn đệ biết chắc chắn đây là Thầy Giêsu, “Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài”.          
Ông Tôma gọi là Ðiđymô, không có mặt khi Chúa Giêsu hiện đến. Có các môn đệ khác đã nói với ông :Chúng tôi đã xem thấy Chúa. Dù lời nói này diễn tả việc “thấy” kèm theo sự hiểu biết thật sự, nhưng có lẽ tâm trạng của các môn đệ không tỏa ra được sự xác tín cần phải có đi đôi với lời khẳng định trên, nên ông Tôma đã nói lại với các ông kia rằng : Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Ngài, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Ngài, thì tôi không tin.
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có ông Tôma ở với các ông. Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu lại yêu chiều các môn đệ, và đặc biệt Ngài “yêu chiều” ông Tôma. Nên dù ông Tôma đã có nói một lời có ý khẳng định rằng ông không tin, hoặc để ông tin, thì Chúa Giêsu cũng phải hiện ra với ông, như đã hiện ra với các môn đệ kia. Chúa Giêsu đã yêu chiều ông, Ngài đã mời ông làm như ông đã nói, để có thể tin.
Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu đã chinh phục ông Tôma. Thái độ yêu chiều của Ngài đã làm ông Tôma tâm phục khẩu phục. Ông Tôma đã thốt lên “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28) : Đây vừa là một lời tôn vinh vừa là một lời tuyên xưng đức tin chưa ai làm. “Chúa của con” hướng đến Chúa Giêsu của lịch sử, còn “Thiên Chúa của con” mang tính thần học về bản thân Ngài. Tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đức Chúa”, bà Maria Magdala và các môn đệ đều đã làm (Ga 20,18.25). Nhưng tuyên xưng vị “Chúa” này là “Thiên Chúa”, chỉ có ông Tôma mới tuyên xưng ở đây.
Trong Mầu Nhiệm Phục Sinh, Chúa Giêsu mời gọi con người đón nhận Ngài bằng con tim chứ không bằng lý trí, hay bằng những đụng chạm của giác quan bên ngoài có thể kiểm chứng được. Đây là mầu nhiệm chứ không phải là vấn đề cần giải quyết. Vì, lời tuyên xưng của ông Tôma nói lên hai khía cạnh:  
(1) Về phía Chúa Giêsu, chỉ ra hai danh hiệu quan trọng nhất của Người:  Chúa và Thiên Chúa.  Chúa Giêsu là Chúa, Đấng có chủ quyền trên mọi tạo vật và sẽ quy tụ muôn loài muôn vật để đưa về với Đấng Sáng Tạo (x. Pl 2,6-11). Chúa Giêsu là Thiên Chúa, điều mà Tin Mừng Gioan đã nêu ra ngay trong câu đầu tiên sách Tin Mừng của ngài, “Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1).  
(2) Về phía ông Tôma, biểu lộ mối quan hệ giữa ông với Chúa.  Không phải chỉ là Chúa như một Đấng xa lạ, nhưng là “Chúa của con”, “Thiên Chúa của con” (Ga 19,28)
Qua sự kiện trên, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha được tỏ ra nơi một Vị Giêsu luôn luôn ‘yêu chiều’. Con người Giêsu rất “vĩ đại uy quyền” nhưng cũng rất “gần gũi bình dị” như thế đó. Nên “toàn dân đến với Ngài” (Ga 8,2). Ngài đã “yêu – chiều” ông Tôma, cũng như với nhiều nhiều người khác mà thánh sử Gioan viết “còn nhiều dấu lạ khác nữa không được ghi chép trong sách này”.
       
            III.      Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ Faustina: “Nhân loại sẽ không có hòa bình cho đến khi biết tin vào Lòng Thương Xót của Chúa” (NK, 300). Và ĐTC Phanxico khẳng định : “Trụ cột nâng đỡ đời sống Giáo Hội chính là Lòng Thương Xót. Tất cả  các  hoạt  động mục vụ của Giáo Hội cần phải được thấm đẫm sự dịu dàng; không một sứ điệp và chứng từ nào của Giáo Hội trước thế giới lại có thể vắng bóng LCTX. Tình yêu thương xót (yêu) và đồng cảm (chiều) chính là phương thế để củng cố tính cách đáng tin của Giáo Hội. Giáo Hội ‘vô cùng khao khát  trao ban lòng thương xót’ (MV, 10).
Con người sống và giúp nhau vượt qua khổ đau không bởi lòng thương hại, nhưng bởi Lòng ChúaThương Xót. Theo gương Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng đã có một Tình Yêu Thương Xót (yêu) và đồng cảm (chiều), chúng ta cũng yêu thương và chiều chuộng nhau như thế. Alleluia.
            Xin Chúa Giêsu Phục Sinh :
– dạy chúng con luôn biết “hát mừng Lòng Chúa Thương Xót đến muôn đời – Misericordias Domini in aeternum cantabo (Tv 88 – 89 ,2).
dạy chúng con biết yêu thương và chiều chuộng nhau, như Chúa đã ‘yêu chiều chúng con đến cùng’ (x. Ga 13,1).
“Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI