Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ

LỄ CHÚA KI-TÔ VUA (Mt. 25, 31-46)

             I.         Ở Việt Nam hiện nay, một phiên tòa thông thường, thấy có : – Hội đồng xét xử (Chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân, Công tố viên giữ quyền công tố, Thư ký). – Luật sư bào chữa cho bị can (có thể là luật sư được chỉ định bào chữa hoặc bào chữa theo yêu cầu của bị can). – Người làm chứng có giấy mời của tòa án. – Nguyên cáo. – Bị cáo. – Phóng viên các ngành truyền thông (nếu được tòa án cho phép tham dự, đưa tin). – Người dân (trong đó có thân nhân của bị cáo) được tham dự để theo dõi ở những phiên tòa được tòa án cho phép…

II.         Phiên tòa thánh sử Matthêu trình thuật hôm nay, “khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người, các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người” (x. Mt 25,31-32). Vị Thẩm Phán là Con Người, là Đức Vua này (x. Mt 25,34.40.41): cung cách thì uy nghi, lời tuyên án thì đanh thép, làm sao người ta không nghĩ đây là một Phiên Tòa thực hơn là một dụ ngôn. Phải chăng vì Vị Đức Vua Thẩm Phán Giêsu đã sống giữa người ta, cùng chung chia cuộc số phận với người ta (x. Pl 2,6-11), và ở cùng người ta (x. Emmanuel – Is7,14; Mt 1,23), nên Phiên Tòa này có duy nhất Vị Đức Vua Thẩm Phán Giêsu.  

Nét đặc biệt của Phiên Tòa, đó là thái độ kinh ngạc của mọi người bị cáo (x. Mt 25,37.44). Vì, Đức Vua Thẩm Phán Giêsu luận xét công phúc hay tội đồ, theo hành vi thái độ người ta đối xử với nhau như thế nào, trong cuộc sống thường ngày. ‘Cái nhìn’ và ‘hành vi’ của người ta dành cho nhau, chính là ‘cái nhìn’ và ‘hành vi’ người ta dành cho Đức Vua Thẩm Phán Giêsu, là cho Thiên Chúa vậy.

Trong Mầu nhiệm Nhập Thể, Ngôi Lời Thiên Chúa  đã đồng hóa và hòa mình vào dòng chảy với mọi người mọi sự trên trần thế (x. Ga 1,14):  “Con Thiên Chúa đã làm việc với đôi tay nhân loại, suy nghĩ bằng trí óc nhân loại, hành động theo ý chí nhân loại, yêu mến bằng quả tim nhân loại. Sinh làm con Đức Trinh Nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi” (GLHTCG, số 470). 

Trong mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Vua Thẩm Phán Giêsu đã đến trần gian để chia sẻ với anh chị em mình, nhìn anh chị em mình không phải như những kẻ cần được ban phát, nhưng là những anh chị em đồng thừa kế với Người (x. Ep 3,6), và Người có nhiệm vụ phải phục vụ họ như chính Người từng tuyên bố : “Con Người không đến để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Đây là tiêu chuẩn Đức Vua Thẩm Phán Giêsu dùng để phân loại và tuyên án:  “Ta bảo thật các ngươi:  mỗi lần các ngươi làm (hoặc không làm) như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm (không làm) cho chính Ta vậy” (x. Mt 25, 40.45).

Những điều để người ta bị Đức Vua Thẩm Phán Giêsu phán xét, thật bất ngờ. Đó không là chuyện lớn, nhưng lại là những chuyện rất thường ngày, người ta lúc nào cũng gặp cũng thấy nào là những cảnh đói khát, đau yếu, tù đày, khách lạ… ‘đói cơm ai biết’ về phương diện thể lý, mà còn cả những hoàn cảnh tâm lý và tinh thần ‘lỡ lời ai bênh’ ! Đây là một tấm lòng, tấm lòng biết ‘quặn đau thương xót’ như Đức Vua Thẩm Phán Giêsu (x. Mc 6,34) trước  những nhu cầu của con người (x. Mc 1,21-45) và thiết thực “muốn trở nên gần gũi với mỗi người chúng ta; Lòng Thương Xót của Người không phải là một thứ tình cảm mơ hồ” (x. ĐTC Phanxico, Radio Vatican ngày 17/8/2016).

            Chính vì thế, trong Phiên Tòa, Đức Vua Thẩm Phán Giêsu không hỏi người ta ‘tại sao’ đã không làm những điều ấy cho anh chị em, nhưng Người chỉ khẳng định ‘đã làm’ hoặc ‘đã không làm’ những điều ấy, rồi căn cứ vào đó mà tuyên án.  Câu truyện về Phiên Tòa muốn mời gọi người ta lựa chọn dứt khoát :  theo Đức Vua Thẩm Phán Giêsu để phục vụ tha nhân như Người đã phục vụ thì được vào Vương Quốc Người. Vương Quốc của Đức Vua Thẩm Phán Giêsu không phải là vương quốc ở đời này, nhưng là của tình yêu thương xót.  Tình yêu thương xót là dấu hiệu để người ta nhận ra ai là môn đệ của Đức Vua Thẩm Phán Giêsu, là công dân của Triều Đại Thiên Chúa (x. Ga 13, 34). 

III.        Mệnh lệnh của Đức Vua Thẩm Phán Giêsu:  “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (x. Mt 25,40.45).

Nhưng những gì chúng ta đang hồ nghi, những điều đang bị lừa gạt hay nghe biết trong cuộc sống, dễ làm lương tâm chúng ta chai lì, hết nhạy cảm về nỗi đau của tha nhân. Khi chiêm ngắm và Rước nhận Bí Tích Thánh Thể, đó là bí quyết tuyệt diệu giúp chúng ta có sức mạnh sẵn sàng tha thứ, để đồng cảm và thương xót trước mọi nhu cầu vật chất và tinh thần của tha nhân. Và nhất là giúp chúng ta không bị quở trách vì bỏ sót người anh chị em đang cần đến mình (x Mt 25, 44). “Nếu bạn không thể tha thứ, bạn không phải là một Kitô hữu” (ĐTC Phanxicô, Roma 10.09.2015).

Ước mong mỗi chúng ta nhiệt tình đến với Đức Vua Thẩm Phán Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể để có sức mạnh đến với tha nhân, nhờ đó trong Phiên Tòa Ngày Chung Thẩm chúng ta có được Đức Vua Thẩm Phán Giêsu thân thiết, “nhất thân nhì thế” (x. Mt 25, 34), là “Trạng Sư” (1 Ga 2,1) của chúng ta trước tôn nhan Thiên Chúa Cha. Vạn tuế Đức Vua Thẩm Phán Giêsu. Alleluia.

Chúc mừng mọi người ngày Đại Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ và là Đức Vua Thẩm Phán của chúng ta thật bình an hạnh phúc. Alleluia.

 

Bài viết liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI