Chủ Nhật, 13 Tháng mười, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – LỄ CHÚA THÁNH THẦN – NĂM B

LỄ CHÚA THÁNH THẦN 

 

DẪN NHẬP VÀ THỐNG HỐI

            Alleluia. Chúa đã sống lại thật. Nhờ sự sống lại này, Chúa Giêsu Phục Sinh nhiều lần hiện ra với các môn đệ. Người đánh tan mọi sợ hãi và làm cho tâm hồn các ông vui mừng, không những sẵn sàng đón nhận lệnh truyền của Người : “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”, mà còn được : “nhận lãnh Thánh Thần”. Hôm nay, kết thúc Mùa Phục Sinh, 50 ngày từ Lễ Chúa sống lại cho đến lễ Hiện Xuống, với sự hiện diện nổi bật của Chúa Thánh Thần.            

+ Lạy Chúa, trong quyền năng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, mệnh lệnh “được sai đi” của Chúa Giêsu khởi đầu, để  cứu độ những ai tin vào tình yêu Thiên Chúa nhập thể. Nhưng chúng con không ý thức mục đích việc sai đi, để tin yêu vào Chúa Thánh Thần hơn.

+ Lạy Chúa, Chúa Thánh Thần trở thành nguyên lý dẫn dắt Chúa Giêsu suy nghĩ và hành động trung thành với thánh ý của Chúa Cha (x. Mt 16,23). Nhưng trong sinh hoạt đời thường, chúng con đã để tiếng động trần gian lấn át tiếng Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

+ Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con được cứu độ và giúp anh chị em chúng con cùng được cứu độ.  Nhưng chúng con không còn ý thức sứ vụ “được sai đi”, chúng con không còn thấy cần đến quyền năng và sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống mình. 

 

 

Cv 2,1-11; 1 Cr 12,3-7.12-13; Ga 20,19-23

 

I. Dư chấn cuộc “khổ nạn” của thầy Giêsu, làm tan biến mọi hy vọng của các môn đệ và gây nên nỗi lo âu sợ hãi còn hằn sâu trong tâm trí các ông, các ông ẩn mình trong nhà và “các cửa đều đóng kín” (x. Ga 20,19). Hôm nay ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đem “sức gió” và “lửa tình yêu” đến biến đổi những tâm hồn đang sợ hãi lo âu. Người thổi các ông ra khỏi nhà, đến tận vùng ngoại biên, thi hành sứ mệnh loan giảng Tin Mừng.

 

II.  Trong 40 ngày từ khi sống lại cho đến ngày lên trời, những cuộc hiện ra của Chúa Giêsu Phục Sinh dường như vẫn chưa đủ lực đẩy các môn đệ vào sứ mệnh Người đã trao, dù Mẹ Maria luôn ở giữa các ông trong thời gian này (x. Cv 1, 14).  Một “bất ngờ” (Cv 2,2) xảy ra dưới hình thức “tiếng động như tiếng gió mạnh” và “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa”.  Ai cũng nghe được tiếng động ấy và lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một, không trừ ai (x. Cv 2,1-4).  “Bất ngờ” này chính là Chúa Thánh Thần.  

Chúa Thánh Thần dùng tình yêu để đốt cháy mọi sợ hãi lo âu, và dùng tiếng động của sức gió để thay thế sự yên lặng đang làm tê liệt các môn đệ.  Người giúp các ông nhiệt thành đáp lại mệnh lệnh của Chúa Giêsu:  “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thi Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).  Cửa nhà bị khóa chặt những ngay qua vì sợ hãi lo âu, hôm nay mở tung ra. Người đổi mới tâm hồn các ông.  Giờ đây, không chút sợ hãi lo âu, các ông mạnh dạn lên tiếng loan giảng Tin Mừng Chúa Giêsu trước mặt dân chúng.  

Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống, chỉ là bất ngờ đối với con người, nhưng đã nằm trong chương của Thiên Chúa. Như, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ:  “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.  Đó là Thần Khí sự thật” (Ga 14,16; x. 15,26, 16,13).  

Trong Rm 8,15 và Gl 4,6, thánh Phaolô nói đến vai trò của Thánh Thần là giúp cho Kitô hữu có đủ tư cách để gọi Thiên Chúa là “Abba, Cha”. Trong BĐ II (1 Cr 12, 3-7,12-13), ngài đề cập tới vai trò của Chúa Thánh Thần đối với việc Kitô hữu tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu : Với Kitô hữu, hành động chính yếu là tuyên xưng lòng tin của mình vào Chúa Giêsu. Tất cả cuộc sống Kitô hữu phải là một lời tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu. 

Thánh Gioan cũng nói đến sự cần thiết phải có đức tin vào Chúa Giêsu, vì “tin vào Người thì được sống muôn đời” (x. Ga 3,16). Chúa Thánh Thần giúp chúng ta sống và tuyên xưng đức tin này. Kitô hữu muốn tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu, phải ở trong mối tương giao mật thiết với Người. Người đã liên kết Chúa Cha với Chúa Giêsu, Người cũng liên kết chúng ta với Chúa Giêsu, để trong mối liên kết ấy chúng ta mới có thể tuyên xưng “Đức Giêsu là Chúa.”

            Chúa Thánh Thần ban các đặc sủng cho tín hữu là để giúp họ xây dựng Hội Thánh. Người là hồn sống của Huyền Thể Chúa Giêsu. Người làm cho tất cả chúng ta thành một thân thể duy nhất của Chúa Giêsu và được hiệp nhất với nhau. “Người hiệp nhất những tinh thần khác biệt và chia cách” (x. Thánh Cyrillo thành Alessandria. Chú giải Ga 11, 11). Đây không phải là đồng nhất, nhưng là hiệp nhất trong khác biệt. Hội Thánh sinh hoạt sống động là nhờ Người hiện diện trong mọi chi thể, vì mọi Kitô hữu đã được chịu phép rửa trong cùng một Thánh Thần, đó là Nguyên Lý thống nhất : “Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12,13).

Ngày lễ Chúa Thánh Thần, ngày sinh nhật Hội Thánh, ngày nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh mở rộng vòng tay ôm cả thế giới. Tiếng gió và lưỡi lửa của Người vẫn còn hoạt động trong Hội Thánh. Kitô hữu hôm nay cũng được lãnh nhận cùng một Chúa Thánh Thần qua Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức như các Kitô hữu tiên khởi. Kitô hữu hôm qua “được toàn dân thương mến và Thiên Chúa cũng cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (x. Cv 2, 42-47).

Mừng Đại Lễ Chúa Thánh Thần năm nay (2018), chúng ta nhớ lại vài lời giáo huấn năm trước (2017) của ĐTC Phanxico. ĐTC dạy : điều tốt đẹp là tránh hai cám dỗ thường xảy ra :

– Cám dỗ thứ I là tìm kiếm sự khác biệt mà không có sự hiệp nhất. Điều này xảy ra khi chúng ta muốn phân biệt, khi họp thành phe đảng, khi tỏ ra cứng nhắc về những lập trường này mà loại trừ những lập trường khác, khi khép kín trong những đặc tính riêng, thậm chí khi coi mình tốt đẹp hơn hoặc coi mình luôn luôn có lý.

            – Cám dỗ thứ II là tìm kiếm sự hiệp nhất mà không có sự khác biệt. Theo cách thức này, sự hiệp nhất trở thành đồng nhất, một sự bó buộc phải làm tất cả cùng một cách thức. Sự hiệp nhất trở thành sự đồng đều và không còn tự do nữa, mà “nơi nào có Chúa Thánh Thần, thì có tự do” (x. 2 Cr 3,17)

            Muốn tránh được hai cám dỗ này, ĐTC mời chúng ta cần có “một con tim mới”. Con tim mới là như Chúa Giêsu Phục Sinh không lên án các môn đệ đã bỏ rơi và và chối bỏ Ngài trong cuộc khổ nạn, nhưng Ngài ban cho các ông Thánh Thần tha thứ (x. Ga 20,22-23). Thánh Thần là hồng ân đầu tiên của Đấng Phục Sinh và được ban trước tiên để tha thứ tội lỗi. Tha thứ giải thoát con tim và giúp bắt đầu lại: tha thứ ban hy vọng để kiến tạo Hội Thánh. Một Hội Thánh khước từ những con đường vội vã của những người xét đoán, những con đường cụt của người khép kín mọi cửa nhà, con đường một chiều của kẻ phê bình người khác. Một Hội Thánh đi vào con đường hai chiều của tha thứ nhận lãnh và trao ban, con đường lòng Chúa xót thương trở thành tình yêu tha nhân và bác ái.

 

III.        ĐTC Phanxico mời gọi chúng ta xin ơn “ngày càng làm cho khuôn mặt của Mẹ Hội Thánh được tươi đẹp hơn, bằng sự tha thứ và bằng cách canh tân chính mình”.

Chúng ta chỉ nghe được nhật lệnh của Chúa Thánh Thần để “tha thứ và canh tân” khi chúng ta chuyên cần Lectio Divina, và có sức loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu khi chúng ta lãnh nhận và chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể.

Cùng với Hội Thánh hoàn cầu, chúng ta cầu nguyện :

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, và tự trời toả ánh quang minh của Ngài ra! Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; Đấng ban ân huệ, Đấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến! Lạy Đấng an ủi tuyệt vời, là khách trọ hiền lương của tâm hồn, là Đấng uỷ lạo dịu dàng. Chúa là sự nghỉ ngơi trong cảnh lầm than, là niềm an ủi trong lúc lệ rơi. Ôi sự sáng chứa chan hồng phúc, xin chiếu soi tràn ngập tâm hồn tín hữu của Ngài. Nếu không có Chúa trợ phù, trong con người còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội. Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, và chữa cho lành nơi thương tích. Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, chỉnh đốn lại chỗ trật đường. Xin Chúa ban cho các tín hữu, là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn. Xin ban cho họ được huân nghiệp nhân đức, được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời. Amen. Alleluia (Ca Tiếp Liên lễ Chúa Thánh Thần).

 

 

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI