Thứ bảy, 12 Tháng mười, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – NĂM THÂN NHẮC LẠI CHUYỆN “KHỈ” (TĨNH TÂM THÁNG 02-2016)

Một Mùa Xuân mới lại đến.

Mùa Xuân này không chỉ là Mùa Xuân theo chu kỳ “bốn mùa xuân hạ thu đông, ngày đêm thời tiết không ngừng luân phiên” (St 8,22), Mùa Xuân này còn là Mùa Xuân của Năm Thánh Ngoại Thường Kính Lòng Chúa Thương Xót. Để nhờ Năm Thánh mà “Thiên Chúa tuôn đổ lòng thương xót của Người như sương mai,  đưa chúng ta đến với mọi người, mang lại cho họ lòng nhân từ và khoan hậu của Thiên Chúa”( ĐTC Phanxicô, Tông sắc Misericordiæ Vultus, số 5). Vì đó là điều chính Thiên Chúa đã phán qua miệng ngôn sứ Giêrêmia xưa rằng : “Cha đã thương con bằng một tình yêu muôn thuở; Cha đã lôi cuốn con bằng lòng thương xót của Cha” (Gr 31, 3).

Chúng ta cùng nhìn lại vài điều liên quan đến danh hiệu của năm này, để nhận ra và đón nhận một năm với “bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo màu mỡ ngập tràn lối đi” (Tv 64,2) mà Thiên Chúa muốn ban tặng chúng ta.

 

TÊN CỦA NĂM

Dân tộc Việt Nam ngày xưa chuyên về canh nông là chính, nên dùng một loại Lịch theo Mặt Trăng gọi là Âm Lịch khác Tây Phương, và ngày Tết Nguyên Đán khởi đầu một mùa Xuân mới cho một Năm Mới Âm Lịch. Năm Mới này có tên riêng được ghép từ Thập (10) Can và Thập Nhị (12) Chi.

            Thập can (tức là 10 thiên can), theo thứ tự:

1- Giáp; 2- Ất; 3- Bính; 4- Đinh; 5- Mậu;

6- Kỷ; 7- Canh; 8- Tân; 9- Nhâm; 10-  Quý

Thập nhị chi (12 địa chi), theo thứ tự:

  • Tý; 2- Sửu; 3- Dần; 4- Mão; 5- Thìn; 6- Tỵ;

7- Ngọ; 8- Mùi; 9- Thân; 10- Dậu; 11- Tuất; 12- Hợi.

            Nên theo Âm Lịch, năm nay gọi là Năm Bính Thân. Năm mới Bính Thân bắt đầu từ ngày 08 tháng 02 năm 2016 Dương Lịch.

 

CHUYỆN Ở NHÀ TRƯỜNG

            Mấy chục năm gần đây, dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, thầy cô nói “người bởi khỉ mà ra”. Thật không ?

Công Đồng Vaticano II dạy rằng : “Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi tới kết hiệp với Thiên Chúa. Ngay từ lúc mới sinh ra, con người đã được mời gọi đối thoại với Thiên Chúa: thực thế, con người hiện hữu chỉ là do Thiên Chúa đã vì yêu thương nên sáng tạo nên con người, và cũng vì yêu thương mà luôn luôn bảo tồn con người; hơn nữa con người chỉ sống hoàn toàn theo chân lý một khi tự ý nhìn nhận tình yêu ấy và phó thác cho Ðấng sáng tạo mình” [1].

Theo “The Record” [2] ngày 26/08/2005 : Hơn 100 nhà vật lý đã từng đoạt giải Nobel, tiêu biểu là Alexei A. Abrikosov, Masatoshi Koshiba, Riccardo Giacconi, Wolfgang Ketterle, Carl E. Wieman, Jack S. Kilby, Martinus J.G. Veltman, Robert B. Laughlin, Horst L. Störmer, Daniel C. Tsui, Steven Chu, Claude Cohen-Tannoudji, William D. Phillips … đã lên tiếng trong một hội nghị khoa học tại Helsinki, Phần Lan, tổ chức ngày 12/8/2005 là Thuyết Tiến Hóa của Charles Darwin (1809-1882) [3] không có cơ sở khoa học vì dựa trên quá nhiều định đề mà càng ngày với đà tiến triển của khoa học, càng được chứng tỏ là sai lầm.

            Nên họ nhà Khỉ phàn nàn : 

Ba con khỉ ngồi trên cây dừa,

Vừa ăn vừa kể chuyện nắng mưa

Một chú bỗng dưng nghiêm giọng nói:

“Tôi nghe bàn tán lúc ban trưa:

“Loài người tiếm nhận là dòng dõi

Của giống nòi cao quý nhà ta

Chúng thấy sang, bắt quàng làm họ

Khỉ với người thật khác nhau xa!

“Có khỉ nào phụ rẫy người tình?

Có khỉ nào bỏ trẻ sơ sinh?

Hay giao con đỏ cho nhà khác

Để về sau nó chẳng biết mình?

“Môt điều chướng mình không mắc phải,

Có khỉ nào cản lối ngăn đường,

Không cho khỉ khác vào ăn trái,

Để dừa rơi rụng rớt đầy mương!

“Có khỉ nào say sưa đêm tối,

Cầm hèo, cầm súng lại cầm dao

Điên cuồng đâm giết người đồng loại

Khỉ với người thật khác xiết bao.

Bản tánh người xem chừng quá tệ,

Muốn làm cháu khỉ, cũng còn …lâu.” [4]

 

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA “KHỈ BA KHÔNG”.

Trong sách Luận Ngữ  [5] có kể chuyện rằng : ngày kia, khi Nhan Uyên hỏi Đức Khổng Tử (-551) về các đức nhân và những điều gì cần phải làm, Đức Khổng Tử đã đáp: phi lễ vật thị, phi lễ vật  thính, phi lễ vật  ngôn (Luận Ngữ – chương 12 : 非禮勿視 , 非禮勿聽, 非禮勿言.) Nghĩa là không nhìn điều sai, không nghe điều tầm bậy, không nói điều trái (See no evil, Hear no evil, Speak no evil).

Ấn Giáo có bức tượng thần Vajrakilaya. Đây là vị thần có sáu tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và miệng. Theo đó bức tượng được khắc nhằm để răn dạy mỗi người: không nghe, không nói, không nhìn điều xấu [6].

Tư tưởng “ba không” đó đi theo các nhà tu Phật giáo vào Trung Quốc không rõ từ thời kì nào. Sau đó, khoảng năm 838, đời nhà Đường (Tang Dynasty), một thiền sư người Nhật trong chuyến đi làm phật sự ở Trung Quốc đã mang theo về Nhật tư tưởng này [7].

Trong tiếng Nhật [8], không thấy (mi-zaru), không nghe (kika-zaru), không nói (iwa-zaru). Nếu phát âm không rõ, hay muốn chơi chữ, “zaru” nghĩa là “không” có thể nghe mường tượng như “saru” nghĩa là con khỉ. Vì từ “zaru” gần âm với “saru” có nghĩa là con khỉ, nên người ta khắc hình ba con khỉ bịt mắt, bịt tai, bịt miệng với vẻ mặt ngộ nghĩnh để biểu đạt triết lý này.

Này, hãy ngăn chặn tai con bằng hàng rào gai, đừng nghe những lời xấu xa; hãy đặt cánh cửa trước miệng con và khóa chặt lại” (Hc 28,28).

Có thể nói, tại Nhật Bản, vùng Nikko (cách Tokyo chừng 140 cây số về hướng Bắc) trong đền Toshogu (xây dựng 1617) hiện nay còn lưu giữ một bức điêu khắc cổ (tổng cộng có tám bức khác nhau) có tượng ba con khỉ bằng gỗ của nghệ nhân Hidari Jingoro [9] rất nổi tiếng từ thế kỉ XVII, được kể là một trong những bức phù điêu đầu tiên. Về sau này, không chỉ ở sân Chùa mà còn ở các tư gia nữa, thấy xuất hiện đó đây bức phù điêu tạc hình ba con Khỉ : Con thứ nhất lấy hai tay che mắt lại, con thứ hai lấy hai ngón tay chặn hai lỗ tai thật kỷ, con thứ ba xoè hai bàn tay thật rộng ra để úp đủ hết miệng : “không thấy điều xấu, không nghe chuyện xấu, không nói lời xấu.”

Bức điêu khắc bằng gỗ tại đền Nikko Toshogu Nhật Bản

Trên các trang mạng ngày nay lại thấy thêm bức họa ba cô gái khâu mắt khâu tai khâu miệng [10].

 

 

Hay các con gấu nhồi bông cũng có ba con bịt mắt bịt tai biệt miệng [11].

 

 

– Người Âu Tây nhìn vào 3 con khỉ bịt mắt, bịt tai, bịt miệng có thể liên tưởng đến câu châm ngôn của họ: “Muốn sống bình an thì phải đui, điếc, câm” (‘vide, audi, tace, si vis vivere in pace’ : see, hear, be silent (or be mute), if you wish to live in peace; có một câu tương tự trong tiếng Pháp là ‘pour vivre en paix, il faut être aveugle, sourd et muet’) [12].

– Người ta cũng tìm thấy trong một tác phẩm của Niccolao Manucci, một bác sĩ người Ý, sống tại Ấn Độ hạ bán thế kỷ thứ 17, tả 3 pho tượng được khắc trên tường nhà thờ São Paulo tại Ấn Độ. Một tượng thì lấy 2 ngón tay che mắt, một tuợng lấy 2 ngón tay bịt tai, một tượng thì đặt một ngón tay lên môi. Dưới 3 pho tượng có khắc câu: Ai không thấy, nghe, nói, có thể sống một cuộc đời không lo [13]

– Cũng có thể hình điêu khắc ba khỉ này chịu ảnh hưởng của Thiền Phật giáo [14]. Theo nhà Phật, Tâm của người ta được so sánh với con khỉ, vượn (Tâm Viên), “bịt mắt để dùng tâm mà nhìn, bịt  tai để dùng tâm mà nghe, bịt miệng để dùng tâm mà nói”. Khi tâm ở trạng thái “tịnh”, không bị quấy rầy bởi những điều xấu thì từ nơi tâm mới phát sinh những điều “thiện”, dùng cái tâm thiện mà nói. Nhờ có “tâm” mà người ta không nói những lời không tốt, không dùng những lời làm đau khổ người khác, hoặc những lời làm chết người.

Tư tưởng “Khỉ ba không” này cũng được thánh Mahatma Gandhi (1869-1948) [15]áp dụng làm phương châm trong đời sống và trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ. Lúc nào ông cũng mang theo bên mình hình tượng bộ khỉ tam không như lời nhắc nhở vậy.

 

 

TU ĐỨC

– Con khỉ bịt hai mắt để không nhìn bậy.

Chúng ta sống trong thời văn minh khoa học hiện đại, với vô số phương tiện truyền thông, nó có thể khiến cho ta mất phương hướng chạy theo đắm chìm trong những gì mắt thấy. Những chuyện vui buồn trong tâm hồn thường hiện lên đôi mắt, vì đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Có câu chuyện Thiền sư và cô lái đò [16]:  Cô lái đò hằng ngày đưa khách qua sông. Khi đò cập bến cô lái thu tiền tất cả mọi người ai cũng hai xu đến nhà sư thì cô gái đòi bốn xu. Nhà Sư mới ngạc nhiên hỏi vì sao lại như thế? Cô lái đò mỉm cười rồi nói: Vì thầy nhìn em nên phải trả tiền gấp đôi chứ… Nhà sư đành im lặng trả tiền và chẳng dám biện luận gì thêm! Chiều về nhà sư lại qua sông. Lần nầy cô lái đòi tiền gấp bốn lần. Nhà sư hỏi cô định ức hiếp thầy chùa sao? Cô lái lại mĩm cười bảo: Lần nầy thầy nhìn em bằng sự tưởng tượng thầm kín bên trong. Nhà sư hết đường biện minh đành ngậm bù hòn mà trả tiền.

Thật vậy, kinh nghiệm cổ nhân cho biết “mắt thấy, lòng dấy”. Một số thí dụ trong Thánh Kinh :

– khi ma quỉ cám dỗ ông bà nguyên tổ trong Vườn Địa Đàng, nó đã cám dỗ qua đôi mắt theo 3 tiến trình: – Rắn hứa là mắt hai ông bà sẽ mở ra; – E-và nhìn trái táo và thấy sướng mắt; – Mắt hai người mở ra và thấy mình trần truồng  (x. St 3, 4–7).

– hai vị kỳ lão thấy bà Suzanna mỗi ngày đi bách bộ trong vườn, thì phải lửa dục mê đắm; hai ông mất lương tâm, không còn muốn đưa mắt nhìn lên trời và không còn muốn nhớ đến sự xét xử công minh (x. Ðn 13,1-62).

– vua Đavid thấy bà Bethsabê tắm… không kềm được lửa dục ; và vua còn lợi dụng quyền bính, giết tướng Uria là chồng bà, để hợp thức hóa tội mình phạm (x. 2 Sm 11,1-17)

– khi cám dỗ Chúa Giêsu, ma quỉ đưa Người lên núi rất cao, chỉ cho Người xem thấy chẳng các nước thế gian cùng với tất cả vinh hoa, phú quý, những nét hào nhoáng bên ngoài, khơi dậy lòng ham muốn để Người chiều theo lòng dục của mình và đi theo con đường của nó (x. Mt 4,8-10).

Dù đôi mắt là tuyệt tác của thiên nhiên, là cửa ngỏ tâm hồn. Cám dỗ qua thị giác vẫn là khí cụ hữu hiệu nhất mà ma quỷ đang áp dụng ngày nay. Tông đồ Gioan cảnh cáo về đam mê của mắt (x. 1 Ga 2,16), và Chúa Giêsu đã phán: “nếu mắt khiến các con phạm tội, thì hãy móc nó ra ném đi, vì chẳng thà thiếu một mắt mà được sự sống thật còn hơn đủ cả hai mắt mà bị ném vào lửa hỏa ngục” (Mt 18,9). “Mắt thấy, lòng dấy”, hễ điều gì mắt chúng ta trông thấy, thì lòng ham muốn của chúng ta dấy lên. Đó là chủ đích của ma quỷ, và cũng vì vậy mà chúng ta cần xem xét lại vấn đề sử dụng “phương tiện truyền thông” trên sách báo, radio, tivi, internet.

 

– Con khỉ bịt hai tai để không nghe bậy.

Về sự không nên nghe điều không đáng nghe, gương người xưa để lại : Vua Nghiêu [17] thấy Hứa Do là người hiền, muốn nhường ngôi cho ông, nhưng Hứa Do cương quyết từ chối, đi ở ẩn. Sau đó, Vua lại mời ông cai quản chín châu, Hứa Do rất bực mình vì cứ nghe mãi chuyện quyền lực chức tước, liền ra bờ sông Dịch Thủy để rửa tai. Bấy giờ, Sào Phủ đang dắt trâu xuống sông, định cho trâu uống nước. Thấy Hứa Do rửa tai, Sào Phủ hỏi lý do. Hứa Do thuật lại chuyện vua Nghiêu quyết nhường ngôi cho mình, rồi lại đề nghị cho mình cai quản chín châu, cho nên phải đi rửa tai vì sợ bẩn tai. Sào Phủ liền dắt trâu đi lên phía trên dòng nước chảy. Hứa Do thấy vậy liền hỏi: “Sao ông lại dắt trâu lên? Sào Phủ đáp: “Tôi không muốn cho trâu uống nước dơ, sợ bẩn miệng trâu.”

Vua Saulê đã không ‘nghe’ lệnh Chúa nên không biết Chúa ‘ưa thích vâng lời hơn của lễ’ (x. 1 Sm 15,16-23). Là Kitô hữu, người đi theo Chúa Giêsu Kitô, điều cần thiết nhất là phải biết lắng nghe và gìn giữ trong lòng Lời Chúa để suy gẫm, rồi đem ra thực hành, như Chúa Giêsu nói trong dụ ngôn người gieo giống, mới “sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục” (x. Mt 13,1-52). Theo linh mục Dòng Tên Mark Link : “Chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa bằng 3 lỗ tai: lỗ tai của tâm trí (tìm hiểu Lời Chúa), lỗ tai của trái tim (khắc ghi Lời Chúa vào trái tim) và lỗ tai của linh hồn (cầu nguyện với Chúa)”.

Trên tất cả các việc lắng nghe là để “Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta” (Rm 8,26). Chúa Thánh Thần chính là nguyên lý của kinh nguyện mới. Chúng ta cầu nguyện mà không hiệu quả, vì chúng ta là những con người xấu, xin những điều xấu, xin bằng cách thức xấu (mali mala male petimus). Vậy Thần Khí “cầu thay nguyện giúp cho các thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,26-27) [18].

            Con người phải lắng nghe Chúa Thánh Thần “cầu thay nguyện giúp”, vì như Chúa Giêsu phán: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Thiên Chúa” (Mt 4,4). Câu văn này được dùng trong thì hiện tại tiếp diễn, do đó điều này có nghĩa là một điều gì đã xảy ra trong quá khứ, đang xảy ra trong hiện tại và sẽ còn xảy ra trong tương lai. “Thánh Kinh không thuộc về quá khứ. Chúa Giêsu không nói cho thời quá khứ mà Người nói cho hiện tại, người nói hôm nay với ta, Người ban tặng ta ánh sáng, Người chỉ cho ta con đường đến sự sống; Người hiến cho ta một cộng đoàn, Người chuẩn bị cho ta như vậy và mở đường bình an cho ta” (Đức Bênêđictô XVI, 29-03-2000); và “Đọc Kinh Thánh là hỏi ý kiến của Chúa Kitô” (Thánh Phanxicô Assi – 1182-1226) [19].  Nên con người cần lắng nghe Chúa Thánh Thần, “vì chính chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống, như lời Người phán : Ta sẽ đến cư ngụ và đi đi lại lại giữa họ. Ta sẽ là Thiên Chúa của họ, và họ sẽ là dân riêng của Ta” (2 Cr 6,16).

Thánh Phaolô quả quyết rằng Thần Khí cầu nguyện nơi ta hoặc dạy ta cầu nguyện “bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26). Muốn hiểu Chúa Thánh Thần rên siết như thế nào, cách cầu nguyện của Thần Khí nơi ta như thế nào, “hãy cầm lấy mà đọc – Tolle et lege” (x. Thánh Augustino, Lời Trần Tình) từng trang Thánh Kinh.

Vì thế, như Chúa Giêsu dạy : “hãy để ý tới điều anh em nghe” (Mc 4,24), “hãy để ý tới cách anh em nghe” (Lc 8,18), và theo gương Mẹ Maria là Đấng “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19, chúng ta lưu tâm lại thời gian đọc và học Thánh Kinh, và thời gian để học biết những điều cơ bản cho một cuộc sống đan tu hiện tại. Nhờ đó, chúng ta thể hiện được cách quân bình khẩu hiệu “Ora et Labora – Cầu nguyện trong Lao tác”. Vì, đời sống cầu nguyện Biển Đức Xitô chúng ta nằm trong sự quân bình giữa các yếu tố của cuộc sống hàng ngày, là nếp sống phải dẫn đưa đan sĩ tới việc cầu nguyện liên lỉ.

– Con khỉ bịt miệng để không nói bậy.

Lời nói dễ gây chiến và gây họa: miệng lưỡi là cửa vào tai họa, là búa rìu diệt thân (Khẩu thiệt giả họa chi môn, diệt thân chi phủ dã : 口舌者禍之門, 滅身之斧也) nên giữ miệng như nút bình (thủ khẩu như bình : 守口如甁). ‘Tu cái miệng là tu hơn nửa đời người’, tịnh khẩu để khỏi tạo nghiệp khẩu [20], vì  như cổ nhân dạy: “Bệnh tùng khẩu nhập, hoạ tùng khẩu xuất”, nghĩa là: Bệnh từ cái miệng do ăn uống mà đem vào, họa cũng từ cái miệng do nói chuyện thị phi mà tạo ra.

Trong mười (10) cái nghiệp của con người, cái miệng đã chiếm bốn (4) gần một nửa: 1/ Chuyện không nói có, chuyện có nói không; 2/ Nói lời hung ác; 3/ Nói lưỡi đôi chiều; 4/ Nói lời thêu dệt. Nhưng trong cuộc sống hằng ngày ngoài bốn điều trên, cái miệng còn tạo thêm nhiều nghiệp nữa như: 5/ Ăn uống cầu kỳ; 6/ Phê bình, khen chê; 7/ Rêu rao lỗi của mọi người (Tứ chúng), toàn là những điều tổn phước và tội phải đoạ vào địa ngục, cũng như làm mích lòng, gây mâu thuẫn, hận thù giết hại lẫn nhau mà thôi. Do vậy kinh cũng dạy, trong sinh hoạt hằng ngày có 4 hạng người chúng ta nên tránh: 1/ Hay nói lỗi kẻ khác; 2/ Hay nói chuyện mê tín, tà kiến; 3/ Miệng tốt, bụng xấu (khẩu Phật, tâm xà); 4/ Làm ít kể nhiều. Từ cái miệng mà ta có thể biết tâm ý và đánh giá được người khác, để có cách ứng xử thích nghi. 

Chuyện xưa kể : Một hôm ông phú hộ ra lệnh cho người làm giết heo và chọn phần quí nhất của con heo làm cho ông một món ăn. Người làm vâng lời và sau đó dâng cho ông một món ăn mà phần quí nhất là cái lưỡi heo. Ông phú hộ hỏi tại sao thì người làm trả lời rằng cái lưỡi là bộ phận quí nhất, vì nhờ cái lưỡi mà con người có thể diễn đạt những tình cảm chân thành, những ý tưởng cao siêu, ích nước lợi dân và có ích cho nhân loại. Ít lâu sau, ông phú hộ lại ra lệnh cho người làm giết heo và chọn một bộ phận xấu xa nhất làm cho ông một món ăn. Người làm vâng lời và sau đó dâng cho ông phú hộ một dĩa đồ ăn mà bộ phận xấu xa nhất lại cũng là cái lưỡi heo. Ông phú hộ hỏi tại sao, người làm bèn trả lời rằng vì cái lưỡi có thể nói lên những lời nói xấu xa nhất, tàn ác nhất, làm tan nát gia đình xã hội, và có thể khuynh đảo nước nhà, ngay cả làm hại cho nhân loại. Ông phú hộ vô cùng ngợi khen sự thông minh của người làm.

Trong chương ba thư Thánh Giacôbê, ngài chỉ ra những điểm rõ ràng và gay cấn về những nguy hiểm của miệng lưỡi và những thiệt hại mà bộ phận nhỏ bé này có thể gây ra. Con người có thể chế ngự được tất cả các loài vật, nhưng lại không chế ngự được cái lưỡi. Nó nhỏ, nhưng cũng giống như một tia lửa nhỏ bé mà có thể gây ra hỏa hoạn rất lớn, vì vậy, cái lưỡi nhỏ bé có thể gây ra thiệt hại không thể đền bù lại được. Chúng ta không thể sống phòng thủ, tiêu cực; nhưng phải làm điều gì đó tích cực hơn, bằng cách trong giao tiếp hàng ngày, cái miệng luôn mĩm cười chào đón nhau, nhạy lời xin lỗi, và trọng lời cảm ơn.  Sách Châm Ngôn dạy : “lưỡi người khôn ngoan vốn là thuốc hay” (12,18), “thà ở một góc trên mái nhà, hơn là ở chung nhà với người đàn bà hay tranh cãi” (25,24). Thánh Phêrô kêu gọi : “Ai là người thiết tha được sống và ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc, thì phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa” (1 Pr 3, 10), phải biết ‘từ bỏ mọi sự nói hành’ (1 Pr 2,1). Và thánh Giacôbê cũng mời gọi kiềm giữ cái lưỡi, vì “cái lưỡi không ai trị phục được nó” (Gc 3,8). Đã có nhiều lần Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng mời gọi các Kitô hữu như thế. Ở Việt Nam, cũng đã phát động ‘phong trào’ này [21].

Người xưa khuyên dạy con cháu : “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Có thể hiểu là ý cổ nhân muốn khuyên dạy ta trước khi nói: “phải nhìn lên, nhìn xuống, nhìn bốn phía, và rồi nhìn ngang”. Ðó là cách nhìn suy tư giống như con số bảy. Vì con số bảy gồm có: thượng, hạ, đông, tây, nam, bắc và dấu gạch ngang thân hình của nó (柒).  Ðiều này nói lên ý nghĩa là chúng ta phải suy nghĩ kỹ trước khi phát ngôn. Nhìn lên, thì lời nói không để cho xúc phạm với các bậc trưởng thượng. Nhìn xuống, thì không nên nói năng gây ra làm khổ cho người thấp dưới mình. Như chửi rủa la rầy nặng lời với người khác chẳng hạn. Nhìn ngó bốn bên là lời nói không gây ra ác độc làm khổ lụy cho bất cứ một ai. Và cuối cùng, nhìn ngang khi phát ra lời nói ta cũng cố giữ hòa khí đừng để gây ra làm mất lòng với những đồng bạn đồng hành ngang hàng với mình [22].

Đối với thánh viện phụ Biển Đức, việc giữ miệng im lặng, là một điểm quan trọng trong Tu Luật của ngài viết, nên được ngài đề cập tới nhiều lần trong bản Tu Luật, đặc biệt trong đoạn 6 nói riêng về việc im lặng và đoạn 7 nói ở bậc khiêm nhường thứ 9, 10, 11.

Trong Tu Luật đoạn 6 [23] thánh viện phụ Biển Đức  không đặt lời nói đối nghịch với sự im lặng nhưng với lòng khiêm nhường: “Nếu phải thưa trình bề trên việc gì, hãy trình bày với tất cả lòng khiêm nhường và kính cẩn tùng phục”. Sự đối nghịch cơ bản này được thánh viện phụ Biển Đức diễn tả bằng những từ “sự quan trọng của im lặng” và “được phép nói”. Từ “sự quan trọng” trong tiếng la tinh “gravitas” diễn tả sức nặng, đó là cái trọng tâm ban cho chúng ta sức nặng, nó trái ngược với tính nhẹ dạ, với cái hão huyền của lời nói biến tan trong gió. Còn từ “được phép” nêu lên ý tưởng về nhượng bộ. Chúng ta từ chối nghe, vì chúng ta tưởng mình nắm được chân lý rồi, đó là kiêu ngạo; trong khi chân lý là một Đấng Khác, là chính Chúa Kitô. Điều thánh viện phụ Biển Đức không thể chấp nhận đó là từ chối nghe Lời. Để một lời nói có sức nặng, nó phải thấm nhuần sự im lặng, im lặng lắng nghe và im lặng suy tư. Lời nói ấy cần thiết phải chín mùi trong im lặng, phải thốt ra từ cõi sâu thẳm của lòng người để mang lại được hoa trái. Nếu không thì chỉ là những lời hư từ, những lời bộc phát hời hợt. Thánh viện phụ Biển Đức dứt khoát loại trừ những lời thuộc loại đó, như ngài nói ở câu cuối cùng của chương này. Sự thiện hoạt động trong im lặng và bình an. Bằng việc lắng nghe vị Thầy nội tâm, mỗi người chúng ta có thể làm cho cộng đoàn, cho đan viện thành một nơi an bình. Đó là lý do khiến truyền thống đan tu khuyến khích các đan sĩ “trau dồi sự im lặng”, cố gắng tập giữ im lặng. Việc này không hề cản trở chúng ta bộc lộ con người thật của mình, nhưng trái lại sẽ giúp chúng ta có cơ may thăng tiến. Im lặng là điều kiện tuyệt đối cần cho đời sống nội tâm, đời sống thiêng liêng, đời sống trong Thần Khí. Im lặng là điều kiện để sống đời đan tu của chúng ta cách đích thực.

        Vì ở Tu Luật đoạn 6, thánh viện phụ Biển Đức không đặt lời nói đối nghịch với im lặng, nhưng với lòng khiêm nhường. Nên trong Tu Luật đoạn 7, thánh viện phụ Biển Đức diễn tả ở 3 bậc Khiêm Nhường 9, 10, 11.  Bậc khiêm nhường thứ chín, thánh viện phụ Biển Đức nhấn mạnh thinh lặng là để tránh nói điều xấu và để khỏi mất kiểm soát mình. Thánh viện phụ Biển Đức nêu lên hai điểm này bằng hai trích dẫn Thánh Kinh: Cn 10,19 và Tv 139,12. Theo kinh nghiệm riêng, chúng ta đều có thể nhận thấy khi không kiềm chế miệng lưỡi, chúng ta sẽ dễ dàng đi tới chỗ nói xấu người khác, khoe khoang về mình, tạo ra những mối nghi ngờ, những tiếng đồn thổi. Người lắm miệng là người để mình bị lôi cuốn theo nhu cầu nói, và cha thánh Biển Đức nhận xét rằng thường thường nhu cầu ấy có nguy cơ dẫn tới chỗ nói xấu người khác, dẫn tới tội lỗi. Thánh viện phụ Biển Đức mong muốn các đan sĩ làm chủ được chính mình, làm chủ được cuộc sống của mình, vì dễ dàng nói năng có nghĩa là chúng ta không có khả năng làm chủ được cuộc sống của chúng ta. Ai không kiềm chế được lời nói cũng sẽ không làm chủ được cuộc sống và những dục vọng sôi sục nơi mình. Nhưng, kiềm chế lời nói có liên hệ gì với đức khiêm nhường? Khiêm nhường luôn bắt đầu bằng ý thức về điều không được, hay đúng hơn, về thực trạng của mình. Khiêm nhường trước hết soi sáng cho thấy thực trạng của chúng ta, chỉ cho chúng ta cái xà trong mắt mình, và giúp chúng ta nhận thấy rằng cọng rơm trong mắt tha nhân thật chẳng đáng chi. Vì thế, khiêm nhường đòi ta phải thinh lặng và thinh lặng giúp chúng ta ở khiêm nhường, giúp chúng ta gặp được người khác, giúp tạo lập cuộc đối thoại vì từ nay đã có đôi tai để nghe, có tấm lòng đủ khả năng đáp lại người hỏi.

Bậc khiêm nhường thứ mười là bậc của niềm vui nội tâm, là nẻo đường hòa giải con người với chính mình. Trong Thánh Kinh, cách cười diễn tả một dấu hiệu về mức độ trưởng thành siêu nhiên. Lòng khiêm nhường đích thực thì vui tươi mỉm cười, vì nó nảy sinh từ ý thức về sự yếu đuối của con người chúng ta, sự yếu đuối khiến ta cần đến một Vị Cứu Tinh. Sự cao cả của khiêm nhường chính là ý thức rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể cứu ta và làm cho ta mỉm cười được. Nên người khiêm nhường không gây tổn thương cho ai, dù là vô ý. Người ấy hết sức nhạy cảm với đau khổ, với thương tích của anh em mình, tới độ họ không thốt ra bất cứ điều gì có thể khiến anh em đau lòng, dù chỉ là một tiếng cười.

Bậc khiêm nhường thứ mười một, thánh viện phụ Biển Đức nêu ra những cách giao tiếp làm tắc nghẽn hay có nguy cơ gây tắc nghẽn sự hiệp thông. Sự hiệp thông đòi hỏi chúng ta phải có thái độ thích hợp khi tiếp xúc với người anh em, để không bắt họ phải lệ thuộc vào trạng thái tâm hồn chúng ta, vào tính khí của chúng ta. Sự hiệp thông đòi chúng ta phải biết thinh lặng để có thể lắng nghe và tôn trọng sự âm thầm riêng tư của người khác. Đây là bậc khiêm nhường của một tâm hồn thinh lặng để quan tâm đến người khác với tất cả sự tôn trọng, đó là bậc khiêm nhường của đức khôn ngoan. Vì đức khôn ngoan đòi chúng ta phải làm chủ thế giới nội tâm của mình, một thế giới được hình thành bởi những xung động, những dục vọng làm chúng ta mù quáng và khiến chúng ta co cụm lại với mình. Một cách nào đó, đức khôn ngoan chính là phương thuốc chữa trị cái “tôi” của chúng ta. Bậc khiêm nhường thứ mười một nổi bật qua thái độ được thánh viện phụ Biển Đức phác họa bằng hai cụm từ: nhẹ nhàng, không lớn tiếng. Điều đó trước hết không nhắm tới thái độ bên ngoài, nhưng tới tâm trạng bên trong tạo nên thái độ ấy.

Cho nên 10 quyết tâm trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót, điều thứ I, Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu : Không nói xấu người khác (x. Gc 4,11). Chúng ta không nói tốt cho người khác được thì cũng không nói xấu người khác, ít là chúng ta tập giữ thinh lặng mà lắng nghe.                                                                   ˜™˜Ì™˜™

THAY LỜI KẾT

Không ai trong chúng ta lại không bị cám dỗ về những gì mắt thấy tai nghe miệng nói hằng ngày, nhưng chúng ta có thể sống vượt lên trên những cám dỗ đó. Chúng ta có mắt để nhìn, tai để nghe, miệng lưỡi để nói là những khả năng mà không ai muốn thiếu. Dù vậy, không phải tất cả mọi vật đều nên thấy, mọi lời nên nghe, và mọi điều nên nói. Cần có một giới hạn và sự phân định khôn ngoan. Người xưa gọi là “tri chỉ – biết dừng” (tri chỉ nhi hậu hữu định) hay “Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi, khả dĩ trường cửu” (biết đủ thì không bị nhục nhã, biết dừng thì không gặp nguy hiểm, có thể được lâu bền). Đặc biệt là “tri chỉ” miệng lưỡi. Tư tưởng xấu, còn có thể ngăn chặn kịp nhưng lời nói xấu thì không không thể thu hồi (x. Cn 25, 11). Thánh Giacôbê đã quả quyết : “Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão” (Gc 1, 26), ngài diễn giải thêm : “cái lưỡi thì không ai chế ngự được: nó là một sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người” (x. Gc 3, 2-8).

Thậy thế, “những điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước, những điều chúng ta không biết là cả một đại dương – Isaac Newton”. Do vậy mà người xưa dạy : “trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần”, “nhất ngôn thuyết quá, tứ mã nan truy – Một lời nói sai trái thì bốn con ngựa đuổi không kịp”, “nhất ngôn khả dĩ hưng bang, nhất ngôn khả dĩ tán bang – Một lời nói có thể làm cho nước thạnh nhà an, và cũng vì một lời nói mà làm cho tan nước”. Chúa Giêsu cũng nhắc nhở chúng ta là sẽ bị lên án về lời nói của mình : “Đến ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh em mà anh em sẽ được trắng án ; và cũng tại lời nói của anh em mà anh sẽ bị kết án”(Mt 12,34-37 ; Mc 3,29 . Lc 12,10).  Ý thức được sự nguy hiểm của miệng lưỡi, nên tác giả Thánh vịnh đã thốt lên : “xin canh giữ miệng con, lạy Chúa, và trông chừng lưỡi con” (Tv 141,3).

Vì vậy, để bản thân mình là quà tặng cho người khác như Chúa Giáng Sinh đã là mẫu gương để con người là quà tặng cho nhau, hay nói cách khác : “muốn sống Năm Thánh này dưới ánh sáng của câu Lời Chúa: Thương xót như Chúa Cha. Tác giả Tin Mừng ghi lại lời dạy của Chúa Giêsu: “Hãy thương xót như Cha các con là Đấng đầy lòng thương xót” (Lc 6,36). Đây là một chương trình sống đòi hỏi nhiều nỗ lực nhưng cũng tràn đầy niềm vui và an bình. Lệnh truyền của Chúa Giêsu gửi đến tất cả những ai muốn nghe lời Người (x. Lc 6,27). Để có thể sống lòng xót thương, trước tiên chúng ta cần biết lắng nghe Lời Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là phải tái khám phá giá trị của sự thinh lặng, để suy niệm chính Lời đang muốn nói với chúng ta. Đó là cách thức để chúng ta có thể chiêm ngưỡng lòng thương xót của Thiên Chúa và biến lòng thương xót ấy thành nếp sống riêng của chúng ta.” [24]

Ước mong chúng ta “tái khám phá giá trị của sự thinh lặng” thinh lặng của đôi mắt, thinh lặng của đôi tai, thinh lặng của cái miệng, để trong Lectio Divina, chúng ta đón nhận được Quà Tặng của chính Thiên Chúa; và cũng nhờ Lectio Divina, chúng ta biết cách làm cho bản thân trở nên Quà Tặng tuyệt vời cho người khác [25].

 

˜™˜

 FranÇois De Sales Trần Minh Thái O.Cist.

 

[1] Hiến chế Gaudium et Spes, số 19.

[2] http://www.xuanha.net

[3] http://honque.com

[4] Châu Sa – https://m.facebook.com

[5] https://mbasic.facebook.com

[6] http://www.hanhhuongdulich.com

[7] http://chuaadida.com

[8] http://latoi.com

[9] http://m.phatgiao.org.vn

[10] http://fbtoday.net

[11] http://greenbox.vn

[12] http://thegioivohinh.com

[13] https://mbasic.facebook.com

[14] http://fmavtn.org

[15] https://vietbao.com

[16] https://truyenhay24.net

[17] https://www.tindachieu.com  //   http://www.gocnhinalan.com

[18] http://www.simonhoadalat.com

[19] Youcat, 19

[20] http://www.phatgiaonguyenthuy.com

[21] ​“Xin chào, xin lỗi, xin phép… bệnh nhân” – Đó là nội dung cuộc vận động mà Bộ Y tế vừa phát động tại cuộc giao lưu trực tuyến với 700 bệnh viện trong cả nước được tổ chức ngày 22-4. http://tuoitre.vn

– xem: Tại buổi Hội Nghị Ngành Y ngày 03-08-2015, ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế đã phổ biến kế hoạch về nội dung đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế. Ông cho biết tất cả cán bộ y tế sẽ được yêu cầu vận dụng các từ ngữ trong giao tiếp với bệnh nhân như: “Xin chào, thưa bác, xin lỗi cháu tiêm cho bác có thể hơi đau bác thông cảm, cảm ơn bác, cảm ơn anh/chị…” http://vietnamnet.vn

– xem: Từ câu chuyện “Xin chào, xin lỗi, xin phép” của ngành y tế – http://dantri.com.vn

– xem: “Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu: Xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi và xin phép”. – Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa có chỉ đạo yêu cầu Cảng hàng không Nội Bài cần lưu ý nhân viên hàng không phải niềm nở với hành khách. Nhiều ý kiến đánh giá cao chỉ đạo này của bộ trưởng, tuy nhiên vẫn có ý kiến lo ngại về tính khả thi của chỉ đạo này. Trước đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã yêu cầu Tổng Công ty thực hiện “4 xin” (xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi và xin phép) và “4 luôn” ( luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ) trong đội ngũ nhân viên khi phục vụ hành khách. http://sacojet.vn

 

[22] https://hinhthainhanchunghoc.wordpress.com

[23] Dom Guillaume Jedrzejczak, Viện Phụ Đan Viện Mont-Des-Cats – chú giải Thánh Luật – Nữ Xitô Phước Hải 2012.

 

[24] Tông sắc Misericordiae Vultus, 13.

[25] An Phước – “Lòng Chúa Thương Xót đã giáng sinh” – Giáng Sinh 2015

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI