Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

(Is 49, 1-6; Cv 13, 22-26; Lc 1, 57-66.80)

 

TRƯỚC THỐNG HỐI

 

Phụng Vụ Hội Thánh, dùng chữ “sinh nhật” để nói về ngày Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Gioan Tẩy Giả sinh ra ở trần gian. Vì các ngài không dính bén Nguyên Tội hoặc vì được khỏi Nguyên Tội trước khi sinh ra. Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Gioan Tẩy giả là ba vị duy nhất được mừng ngày sinh ra. Người trần gian, ngày các ngài ra khỏi đời này để về trời, đó là “sinh nhật”.

Có giả thuyết nói rằng : Hội Thánh mừng sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả vào ngày 24 tháng 6, là vì căn cứ vào câu “Ngài phải tiến lên; còn tôi phải suy đi” (Ga 3,30). Chọn ngày sinh của Chúa Giêsu là ngày 25 tháng 12, là ngày Ðông Chí, ngày mặt trời bắt đầu tiến lên trong quỹ đạo của nó, nên đặt ngày sinh của Gioan Tẩy Giả vào ngày mặt trời bắt đầu đi xuống : đó là ngày 24 tháng 6, tức là nửa năm trước ngày Ðông Chí. Hợp với lời sứ thần loan báo, bà Elisabeth thụ thai trước Ðức Maria sáu tháng.

Mỗi chúng ta đã có một ngày được sinh ra. Tạ ơn Trời. Cám ơn người sinh thành và dưỡng dục. Giờ đây, chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta sống thế nào, để ra đi trong sự hân hoan ; và để cho người ở lại nỗi nhớ  thương.

           

 

SUY NIỆM

            I.          Có rất nhiều khoảnh khắc chan hòa hạnh phúc trong cuộc sống của bất cứ ai. Có lẽ hạnh phúc nhất đối với người mẹ người cha là vào ngày sinh ra đứa con sau những tháng ngày vất vả cưu mang. Hạnh phúc vỡ òa khi “thiên thần bé nhỏ” của gia đình xuất hiện. Và khoảnh khắc này, sẽ rất hạnh phúc thêm cho bậc cha mẹ khi được chúc mừng bởi những thành viên trong gia đình và bởi bạn bè của họ. 

            II.         Mỗi sinh linh chào đời, đều được Thiên Chúa biết đến, và đều được Người trao sứ vụ để tiếp tục làm vinh quang Người và hạnh phúc cho đời. Tên mỗi người đã được viết trong lòng bàn tay Thiên Chúa (x. Is 49,16). Mỗi sinh linh chào đời đều có một giá trị quan trọng và cần thiết cho đời, không là chuyện ngẫu nhiên do quyết định của cha mẹ trên các sinh linh.

Chúng ta lưu ý đến sự hiện hữu và sứ vụ của Hài Nhi Gioan.

 

            1)- Sự hiện hữu của Hài Nhi Gioan.

Hài Nhi Gioan chào đời trong một gia đình có cha mẹ đã cao niên, cao niên đến mức hai song thân cũng nghĩ không thể có con được nữa (x. Lc 1,18). Sứ thần Gabriel phạt ông Zacharia bị câm, vì ông không tin vào quyền năng Thiên Chúa. Khi được hỏi muốn đặt tên con là gì, ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gioan”. Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và ông dâng lời chúc tụng Thiên Chúa  (x. Lc 1,58-63). 

Tên “Gioan”, theo chữ Do Thái, là chữ viết tắt của tiếng kép ‘Jeho-hannah’, có nghĩa là “hồng ân của Jehovah” – là “quà tặng của Thiên Chúa”. Ông Zacharia và bà Elisabeth, đều muốn đặt tên con như thế, vì ông bà biết đứa trẻ là “quà tặng – present” của Thiên Chúa cho hai ông bà, mặc dù họ hàng láng giềng thắc mắc: ‘Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả’ (Lc 1,61).

2)- Sứ vụ của Hài Nhi Gioan.

Gioan chuẩn bị sứ vụ :

– Bản thân : nhờ ơn Thánh Thần bà Elizabeth nhận được khi Đức Maria thăm viếng, Thai Nhi nhận được niềm vui, từ trong bào thai. Đây là một hồng ân đặc biệt của Thánh Thần (x. Gl 5,22). Niềm vui đã giúp cho một Thai Nhi biết “nhảy mừng” trong lòng mẹ khi được gặp “Thân Mẫu của Chúa tôi” (x. Lc 1,41-43). Và, Ơn Thánh Thần cũng giúp Thai Nhi thu hút được “mọi người từ khắp miền Giuđê và thành Giêrusalem đến với mỉnh để thống hối (x. Mc 1,5).

Trong hoang địa, ông mặc áo da thú, ăn châu chấu và mật ong rừng. Ông sống rất thành thực và khiêm nhường, như khi được hỏi ông có phải là Đấng Thiên Sai, ông trả lời ông chỉ là “tiếng người hô trong hoang địa” (Ga 1,23), và ông “không xứng đáng cởi quai dép cho Đấng Thiên Sai” (Ga 1,27). Sức mạnh Thánh Thần vẫn ở nơi ông và giúp ông vững mạnh (x. Lc 1,80). Vững mạnh để đương đầu với khó khăn của hoang địa, với thái độ ngoan cố của các nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái, và cuối cùng với ngục tù cũng như cái chết vì can ngăn vua Hêrôđê (x. Mt 14,3-12)

– Cho dân: Ông không chuẩn bị cho một dân tộc thoát ách đô hộ của Rôma, nhưng là cho một dân tộc sẵn sàng ăn năn thống hối để thoát xiềng xích tội lỗi và sự chết, nhờ cái chết của Đấng Cứu Thế, để đón nhận Người. Ông không chuẩn bị khí giới binh đao để lật đổ bạo quyền, nhưng chuẩn bị tâm hồn dân chúng bằng việc kêu gọi người ta thống hối, thay đổi lối sống để đón nhận Tin Mừng Chúa Giêsu cũng như đời sống mới trong Thánh Thần. Và nhất là để ông và mọi người dân Kitô ‘trở thành ánh sáng muôn dân, và để đem ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng cõi đất’ (x. BĐ I; Lc 2,29-34).

Sứ vụ của thánh Gioan, được thánh Phaolô xác định lại (BĐ II), đó là “để dọn đường cho Chúa Giêsu”, Đấng mà Thiên Chúa xưa kia đã hứa ban cho con người. Ông đã loan giảng kêu gọi toàn dân Israel chịu phép rửa tỏ lòng thống hối. Khi sắp hoàn thành sứ mệnh, ông đã tuyên bố: “Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người (Cv 13,24-25). Và cao điểm là ông giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người : “Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29).

 

III.        Tôn ý Thiên Chúa bày tỏ qua ngôn sứ Isaia: “từ khi còn trong lòng mẹ, lúc chưa chào đời, Thiên Chúa đã nhắc đến tên bạn (x. Is 49,1). Bởi vậy, cũng như thánh Gioan tẩy giả, bạn cũng có một ơn gọi đặc biệt, đó là “Thiên Chúa đặt bạn làm ánh sáng muôn dân, để bạn đem ơn cứu độ của Người đến tận cùng cõi đất” (x. Is 49,6).

Trước khi thi hành ơn gọi, thánh Gioan đã để cho Thần Khí hoạt động trong ngài. Ngài càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Ngài sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Israel (x. Lc 1,80).

Theo gương thánh Gioan, để thi hành tốt ơn gọi của mình, chúng ta cần :

(1) để cho Thần Khí Chúa Giêsu hoạt động trong mình bằng cách chiêm ngắm và đón nhận Thánh Thể Chúa Giêsu,

(2) sống nội tâm để lắng nghe tiếng Chúa hướng dẫn trong ‘lectio divina’ mỗi ngày

(3) can đảm thật lòng nhìn lại cách sống của mình có để Chúa Giêsu “nổi bật lên” không (Ga 3,30).

            Ước mong mỗi lần mừng ‘sinh nhật’, chúng ta phản tỉnh lại cách sống theo những điều trên, để “trong mọi sự Thiên Chúa được tôn vinh” (Luật thánh Biển Đức 57,9; x. 1 Cr 10,31).

 

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI