Thứ Năm, 28 Tháng Ba, 2024

THÁNG HOA-SUY NIỆM VỀ ĐỨC MARIA

THÁNG HOA – SUY NIỆM VỀ ĐỨC MARIA

Lm. Louis Gonzaga Hoàng Luật

 

Ngàn hoa tươi xin tiến dâng lên Mẹ Mẹ ơi!
Lời hoan ca xin tán dương Mẹ yêu.
Tình thương Chúa trao Mẹ nhiều,
Tình thương Chúa ôi kỳ diệu.
Ôi Mẹ diễm lễ cao sang, Mẹ vinh quang đầy ơn phúc.
Tung hô Mẹ, đoàn con hát khen Mẹ.
Mẹ rạng ngời uy linh, trọn cuộc đời trung trinh.
Bao tâm tình đoàn con tiến dâng Mẹ.
Đây tình yêu đơn sơ, dâng lên Mẹ yêu.[1]

    Hàng năm phụng vụ Giáo hội có nhiều ngày lễ kính Đức Trinh Nữ Maria. Mỗi ngày lễ nói lên một vẻ đẹp, một đặc ân, một khía cạnh nào đó của Đức Mẹ. Tuy nhiên, mỗi độ tháng năm về, người tín hữu nói chung, các tín hữu Việt Nam nói riêng trào dâng những cảm xúc vui tươi rộn ràng vì Tháng hoa; tháng kính Đức Mẹ đang đến. Hòa trong niềm vui ấy là những sinh hoạt đạo đức dưới nhiều hình thức mang tính tâm linh, đượm sắc văn hóa dân tộc như lần hạt, đọc “Sách tháng Đức Bà”, rước kiệu, múa, dâng hoa, những bài thơ, bài thánh ca về Đức Mẹ vang lên sáng tối nơi giáo đường cũng như trong gia đình. Tất cả như muốn thể hiện tấm lòng tôn kính mến yêu Đức Mẹ một cách đặc biệt.

       Tục lễ tốt lành của Giáo hội dâng tháng năm tôn kính Đức Trinh Nữ đã có tứ cuối thế kỷ XIII. Bằng cách này, hồi đó Giáo hội đã “rửa tội” các lễ hội trần tục thường diễn ra trong cùng thời gian ấy. Đến thế kỷ XVI, nhiều tác phẩm đạo đức xuất hiện cổ động thói quen đạo đức này. Và thói quen này được các tu sĩ Dòng Tên yêu mến đặc biệt. Khoảng năm 1700 đã bắt đầu phổ biến trong giới sinh viên tại học viện Roma của Dòng và ít lâu sau đó được công khai thực hành tại nhà thờ Gesù, Roma. Từ đó loan truyền khắp Giáo hội và tiếp nối cho tới ngày nay[2].

    Việc các tín hữu dành cho Đức Maria những tâm tình yêu mến đặc biệt trong Tháng hoa không có gì khó hiểu, rất tự nhiên. Ai mà chẳng yêu mến mẹ mình. Ai mà chẳng dành cho người mình thương mến điều hay lẽ phải. Ai mà chẳng bị thu hút bởi người tốt lành thánh thiện. Hoa tượng trưng cho vẻ đẹp, lòng tôn kính, sự hy sinh, biết ơn… Những bông hoa tươi thắm mà các tín hữu thường dâng cho Đức Mẹ trong Tháng hoa gói gém bao tâm tình mến yêu của những người con muốn dành cho Đức Mẹ.

Đức Maria là Mẹ các tín hữu.

      Người ta hay nói: Đi khắp tứ phương không ai tốt bằng mẹ. Người mẹ tự nhiên luôn gần gũi, hy sinh yêu mến con cái hết tình hết mình, bất chấp những khó khăn. Một đời tần tão nuôi con nên người. Đứa con nào hư mà người mẹ không đau xót. Đứa con nào thành công ngoan hiền mà mẹ không vui. Ngược lại, con cái cũng dành cho mẹ những tình cảm rất đặc biệt, luôn trìu mến mẹ mình. Mẹ là nơi nương tựa vững chắc an toàn. Ở đâu có mẹ là có niềm vui hạnh phúc.   

     Qua Chúa Giêsu, các tín hữu trở nên con cái Đức Trinh Nữ Maria. Đức Maria là mẹ thiêng liêng của các tín hữu. Trên thánh giá trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa đã trao phó thánh Gioan cho Mẹ: “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: Thưa Bà, đây là con của Bà. Rồi Người nói với môn đệ: Đây là mẹ của anh. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước Bà về nhà mình(Ga 19,26-27)”. Với vai trò là Mẹ, Đức Trinh Nữ Maria luôn gần gũi, yêu thương, đồng hành, quan tâm từng đường đi nhịp sống của con cái. Tình thương Đức Mẹ được thể hiện qua nhiều cách như: Mẹ luôn cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta; qua việc hiện ra chỗ này chỗ khác để nhắc nhở con cái sám hối, sống đức tin, siêng đọc kinh cầu nguyện, lần chuỗi Mân Côi[3]. Đức Mẹ không muốn đứa con nào của Mẹ hư mất. Thánh Gioan Vianney nói: “Chúng ta càng tội lỗi, Mẹ càng âu yếm, càng cảm thương ta. Người mẹ nào lại không săn sóc đứa con yếu đuối, nguy nan nhất? Trong bệnh viện, lương y nào lại không chú ý đến bệnh nhân trầm trọng nhất”.

      Với sự thánh thiện, tình yêu cao cả ấy, nên mọi tín hữu, trong đó có các Đức Giáo hoàng, Giám mục luôn dành cho Đức Mẹ một sự tôn kính rất đặc biệt. Không những các ngài yêu mến, mà còn cổ động, khuyến khích, ra những thông điệp về Đức Mẹ để mời gọi các tín hữu yêu mến Mẹ. Chẳng hạn Đức Giáo hoàng PIO XII thường xuyên nhắc nhở các tín hữu về thói quen làm những việc đạo đức kính Đức Mẹ trong tháng năm. Qua tông thư vĩ đại đại Phụng Vụ Thánh(Mediator Dei), ngài xếp tháng năm “vào một trong các việc đạo đức”. Công đồng Vaticanô II, trong Hiến chế Lumen Gentium, đã dành chương 8 để nói về Đức Trinh Nữ Maria. Ngày 22.03.1974, Đức Thánh Cha Phaolô VI cho công bố Tông huấn “Marialis Cultus”(về việc tôn kính Đức Maria trong Giáo hội). Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II luôn dành cho Đức Mẹ một vị trí đặc biệc trong đời sống và sứ vụ của mình: Khẩu hiệu của ngài “Totus Tuus”: thuộc trọn về Mẹ. Trong triều đại của ngài, ngài đã ra một thông điệp và hai tông thư liên quan tới Đức Mẹ: Thông điệp Redemptoris Mater(Thân Mẫu Đấng Cứu Thế, công bố ngày 25.03.1987). Tông thư Mulier Dignitatem(phẩm giá và ơn gọi người phụ nữ, 1988). Tông thư Rosarium Virginis Mariae (Kinh Mân Côi, công bố ngày 16.10.2002).

Đức Maria. Mẹ tuyệt mỹ


     Thường ai cũng thích cái đẹp, thích Chân-Thiên-Mỹ. Đức Mẹ là người đẹp vẹn toàn, vì Mẹ đầy ơn phúc(Lc 1, 28). Vinh quang Thiên Chúa phủ đầy cuộc đời Mẹ. Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ khỏi vết nhơ tội nguyên tổ, nên Mẹ rất đẹp, dễ thương dễ mến trước mặt Thiên Chúa và con người. Mẹ như một bông hoa đẹp tuyệt mỹ không hề vấn vương tội truyền.

     Chính sự thánh thiện, đẹp tuyệt trần đó, cùng với trái tim Mẹ hay thương xót, luôn cầu bầu cùng Chúa cho con cái trần gian, nên Mẹ không những được các tín hữu tôn kính, yêu mến, mà từ Mẹ có một hấp lực, thu hút muôn con tim các tín hữu qua dòng lịch sử. Hồi tưởng lại, trước Công đồng Vaticanô II, khi phụng vụ chưa đổi mới, đời sống đạo đức các tín hữu lúc nào cũng chuỗi Mân Côi. Việc đạo đức bình dân này đã giúp các tín hữu sống đạo sinh động, dễ dàng đến với Chúa, giữ vững đức tin, vượt qua những bách hại. Ngày nay thế giới có nhiều niềm vui giải trí nhưng khi đến các trung tâm kính Đức Mẹ như Fatima, Lộ Đức, La Vang, Trung tâm Đức Mẹ Tàpao… lòng yêu mến Đức Mẹ của các tín hữu thật sinh động. Vẻ đẹp thánh thiện và tình thương của Mẹ, đã cuốn hút hàng trăm, hàng vạn, hàng triệu người khắp nơi về bên Mẹ với những nỗi niềm khác nhau, vì tin rằng: Trái tim rất thánh Đức Bà hay thương xót mọi người; hay yên ủi kẻ âu lo; hay bầu cử cho kẻ có tội và phù hộ cho kẻ ngay lành[4]. Thánh Anselmô nói: “Hàng ngàn, hàng triệu người kêu lên Mẹ, ôi Mẹ Maria đều được cứu rỗi”. Hay như thánh Albertô Cả quả quyết: “Ai đến cầu xin Mẹ Chúa mà đọc một lời “Kính Mừng Maria”, thế nào Mẹ cũng ban cho một vài ân huệ”.

Đức Mẹ là gương nhân đức.

      Tháng hoa về các tín hữu nô nức hưởng ứng hướng về Mẹ Maria để tỏ lòng tôn kính mến yêu, nhưng cũng để nhờ Mẹ chuyển cầu cho những ơn thiêng, nhất là muốn noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ để trở nên những người tốt, những người có ích, gia đình được hạnh phúc, xã hội bình an.

       Đức Mẹ đầy ơn phúc nên rất nhiều nhân đức để các tín hữu nói theo, nhưng có lẽ đức tin là nhân đức nổi bật nhất trong cuộc đời Đức Mẹ. Bà Isave đã lớn tiếng ngợi khen đức tin của Đức Mẹ: “Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng, lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”(Lc 1,45). Mặc dù không hiểu việc Chúa làm nhưng Mẹ vẫn tin. Một người phàm như Mẹ làm sao trở nên Mẹ của Con Thiên Chúa; một người nữ giữ mình đồng trinh tuyệt đối làm sao thụ thai(x. Lc 1,34)? Những sự ấy là việc không tưởng đối với trí hiểu con người. Nhưng khi thiên sứ quả quyết rằng không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được(x.Lc 1,37), thì Đức Mẹ đã hoàn toàn “Xin Vâng”. Mẹ tin vào Lời Chúa với trọn tấm lòng, trọn niềm tin phó thác(x.Lc 1,38). Đức tin đó mạnh mẽ lên theo dòng thời gian. Khi bị thánh Giuse hiểu lầm(x. Mt 1,19), khi bị hất hủi tại Bêlem, khi phải sinh Con lạnh lẽo trong hang đá nghèo hèn(x.Lc 2,7), khi đứng lặng trên Núi Sọ dưới chân thập giá nhìn xác Con bị treo khổ hình(x.Ga 19,25). Vì thế Giáo Hội tuyên xưng Đức Mẹ là Mẹ các tín hữu, nghĩa là Mẹ của những kẻ tin. Trong Thông điệp Redemptoris Mater(Mẹ Đấng Cứu Thế), thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Được nên mạnh mẽ nhờ sự hiện diện của Đức Kitô, Giáo Hội tiến bước trong thời gian, qua các thế kỷ và tiến bước để gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng đang đến; nhưng cuộc hành trình này diễn tiến theo sau cuộc hành trình đã được hoàn tất nơi Đức Trinh Nữ Maria, trong đó Mẹ đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin và đã giữ vững lòng tin kết hợp với Người Con cho đến chân thập giá”.

      Thánh Alphongsô Maria Liguori cầu nguyện rằng : “Lạy Đức Trinh Nữ, Mẹ đã có đức tin hơn mọi người dương thế, hơn các thiên thần, vì Mẹ đã nhìn thấy Con của Mẹ nơi chuồng chiên Bethlehem nhưng vẫn tin Ngài là Đấng tạo tác thế gian; đã thấy Ngài khi trốn khỏi tay Hêrôđê nhưng vẫn tin rằng Ngài là Vua các vua; Chúa các Chúa; đã thấy Ngài được sinh ra và cũng đã tin Ngài là Đấng vĩnh cửu, đã thấy Ngài nghèo hèn, cần đến thức ăn đồ uống, nhưng cũng đã tin rằng Ngài là Chúa Tể vũ trụ; đã đặt Ngài trên cỏ rơm nhưng luôn tin rằng Ngài là Đấng toàn năng; đã thấy Ngài chẳng nói, nhưng vẫn tin Ngài là Đấng khôn ngoan vô lường; đã khóc thương Ngài và vẫn tin Ngài sẽ được vinh hiển; đã chứng kiến Ngài chết, chịu sự nhục nhã, chịu đóng đinh, hay cho dù gặp muôn vàn chao đảo khác trong đức tin, Mẹ đã luôn luôn xác tín rằng Ngài là Thiên Chúa”[5].

      Cuộc sống người Kitô hữu luôn có những nghịch cảnh khó hiểu, chúng ta cần có đức tin mạnh mẽ. Nếu yếu lòng tin, chúng ta dễ vấp ngã khi đối diện với thập giá. Vậy chúng ta hãy noi theo gương Đức Mẹ luôn sống trong tin yêu phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa, để sự gì xẩy đến trong cuộc đời, chúng ta vẫn tin Chúa, vẫn yêu mến Đức Mẹ. Thánh Ephrem phó tế nói: “Mẹ là đô thị an toàn, mọi người vào ẩn mình nơi Mẹ đều được an toàn”.

      Các nghi phụ Công đồng Vaticanô II mời gọi: “lòng sùng kính chân chính không hệ tại tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại một sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin nhìn nhận sự cao cả của Mẹ Thiên Chúa và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ[6]”.

      Thánh Benađô từng nói: Viết về Đức Maria không bao giờ hết, nói về Đức Maria không bao giờ cùng, suy niệm về Đức Maria không bao giờ đủ. Một vài suy tư đơn sơ như muốn góp một đóa hoa tươi dâng kính Mẹ, tung hô Mẹ nhân dịp Tháng hoa về. Ước mong nhiều người sùng kính, yêu mến Đức Mẹ hơn, để qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ, Chúa tuôn đổ muôn ơn lành. Thánh Hilariô, tiến sĩ Hội thánh nói: “Dầu tội lỗi đến đâu, nếu tôn sùng Mẹ cũng không hư mất đời đời. Vậy trong Tháng hoa này mỗi chúng ta được mời gọi yêu mến Đức Mẹ thật nhiều. Việc yêu mến cần được cụ thể qua việc sống đạo, đọc kinh Mân Côi, những việc bác ái yêu thương. Hãy dâng cho Đức Mẹ thật nhiều hoa tươi đầy hương sắc của những hy sinh thánh thiện.     

 

[1] Ca khúc: Ngàn hoa dâng Mẹ.

[2] X. Từ Điển Đức Mẹ, chủ biên Anphongsô Bosa, S,M.M; người dịch Matthia Nguyễn Ngọc Đính, C.M.C 1998, trang 491.

[3] Chẳng hạn khi hiện ra ở Fatima với ba trẻ nhỏ.

[4] Kinh cầu Đức Bà

[5] A. M. de Liguori, Le glorie di Maria, Parte II, III, 4

[6] Hiến chế về Giáo hội số 67.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hồng Ân Thánh Hiến – Đan Viện Xitô Châu Thủy, 11.07.2023

HỒNG ÂN THÁNH HIẾN - ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU THỦY Hôm nay ngày 11.07.2023, Giáo hội mừng lễ thánh Biển Đức viện phụ,...

Thánh lễ An Táng – Đan sĩ Maria Phêrô Hoàng Văn Thành

THÁNH LỄ AN TÁNG - Đan sĩ Maria Phêrô Hoàng Văn Thành Cách đây gần 4 tháng Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy đã...

Thánh lễ An táng Đan sĩ Lm. M. Clemente Phạm Sĩ Ân 10.02.2023

THÁNH LỄ AN TÁNG  Đan sĩ Linh mục Maria PHẠM SĨ ÂN         Xem hình ảnh tại đây      Bầu khí Đan...

Lễ Phong chức Linh mục tại Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy 19.12.2022

THÁNH LỄ PHONG CHỨC LINH MỤC tại Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy Thứ ba - 20/12/2022 Xem hình          Gần tới Lễ Chúa...

Xin kính dâng Cha (dâng lễ) St: Lm. Hoàng Luật, Tb: Tốp ca MTG Vinh

https://youtu.be/ZzbEenqJrn0      

LỊCH SỬ ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU THỦY

  ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU THỦY(Phần I)     I....

Lịch sử Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy(Phần II)

  LỊCH SỬ ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU...

Lễ Phong Chức linh mục và Phó Tế, Cộng Đoàn Châu Thủy

LỄ PHONG CHỨC LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ Đan...

Khấn Dòng Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy

ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU THỦY: HỒNG...

Cảm nghiệm của một linh mục khi đến tĩnh tâm tại Đan Viện Xitô Châu Thủy

CẢM NGHIỆM TUẦN TĨNH TÂM TẠI ĐAN VIỆN XITÔ...