Thứ bảy, 12 Tháng mười, 2024

ĐAN VIỆN AN PHƯỚC – THỨ 4 LỄ TRO

 
I.          “Tro” dùng trong phụng vụ có từ thời Cựu Ước (x. Et 4, 1; G 42, 6; Đn 9, 3; Ge 3, 5-6). Tân Ước, Chúa Giêsu cũng nhắc đến tro (x. Mt 11, 21). Thời kỳ đầu Giáo Hội, “tro” được rắc trên đầu người thống hối công khai. Phụng Vụ Thứ Tư Lễ Tro hiện nay, “tro” đốt từ các nhành cây được phát vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá năm trước. Linh Mục làm phép “tro” và xức trên trán các tín hữu theo dấu Thánh Giá và nói: “Hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về bụi tro” hoặc lời “Hãy thống hối và tin vào Tin Mừng”. Thứ Tư Lễ Tro khai mạc Mùa Chay Thánh chuẩn bị cho Đại Lễ Phục Sinh. “Tro” mà mỗi chúng ta lãnh nhận, nói lên lòng thống hối vì tội lỗi mình, để hướng tâm hồn về với Chúa Giêsu là Đấng chịu chết và sống lại để chúng ta được hạnh phúc. “Tro” giúp chúng ta làm mới lại lời hứa khi chịu Phép Rửa Tội, để bước theo sống đời sống mới trong Chúa Giêsu. “Tro” giúp chúng ta nhớ rằng thế gian này sẽ qua đi, chúng ta cần sống Nước Trời đang hiển linh, để ai tiếp xúc với mình cũng nhận ra mình là “dấu chỉ” của Lòng Chúa Thương Xót. “Tro” giúp chúng ta kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng là Dung Nhan Lòng Thương Xót Chúa Cha, đang hiện diện giữa chúng ta, mời gọi chúng ta đến với Người để thấy sự vĩnh hằng trong cái vô thường.
 
 
II.         Làm sao thực hiện? – Trong Sứ Điệp Mùa Chay 2017 này, ĐTC Phanxicô mời gọi chúng ta ‘hết lòng’ trở về với Thiên Chúa (Ge 2,12), không chấp nhận lối sống tầm thường nhưng lớn lên trong tình bạn với Chúa. Chúa Giêsu là người bạn tín trung, không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngay cả khi chúng ta phạm tội, Người vẫn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta trở về; và qua sự đợi chờ đầy nhẫn nại ấy, Người tỏ lòng sẵn sàng tha thứ cho chúng ta. Mùa Chay là mùa thuận lợi để đi sâu vào đời sống thiêng liêng nhờ những phương tiện thánh hoá Giáo Hội đã đem đến cho chúng ta: ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Nền tảng của mọi sự là lời Chúa, mà trong mùa này, chúng ta được mời gọi chuyên chăm lắng nghe và suy ngẫm.
 
 
ĐTC mời gọi chúng ta lưu ý đến dụ ngôn ông nhà giàu và anh Lazarô (x. Lc 16,19-31). Dụ ngôn sẽ giúp chúng ta cần phải làm gì để có được hạnh phúc thật và được sống đời đời. Dụ ngôn ấy khuyên chúng ta thành tâm hoán cải. Vì :
 
 
1. Tha nhân là một hồng ân. Dụ ngôn trước hết mời gọi chúng ta mở cửa lòng mình cho người khác vì mỗi người là một hồng ân, dù đó là người láng giềng của chúng ta hay một người bần cùng vô danh. Mùa Chay là mùa thuận lợi để mở cửa cho tất cả những ai túng thiếu và nhận ra khuôn mặt của Chúa Giêsu nơi họ. Mỗi người chúng ta đều gặp những người như thế mỗi ngày. Mỗi cuộc đời mà chúng ta gặp là một hồng ân đáng được đón nhận, tôn trọng và yêu thương. Lời Chúa giúp chúng ta mở mắt để đón nhận và yêu thương sự sống, đặc biệt khi sự sống ấy yếu đuối và dễ bị tổn thương. Nhưng để làm được điều này, chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận những gì Phúc Âm nói với chúng ta về người giàu có.
 
2. Tội làm chúng ta mù loà. Dụ ngôn cực tả những điều trái ngược về người giàu có (x. c. 19). Ở nơi ông, chúng ta có thể có một thoáng nhìn bi đát về sự đồi bại của tội lỗi : lòng ham mê tiền bạc, sự hư ảo và thói tự đắc.
 
– “Lòng ham mê tiền bạc là cội rễ sinh ra mọi điều ác” (1 Tm 6,10). Đây là nguyên nhân chính của sự đồi bại và là nguồn gốc của ghen tị, xung đột và nghi ngờ. Đồng tiền có thể đi đến thống trị chúng ta, đến mức trở thành một thần tượng độc tài (x. Evangelii Gaudium, 55). Thay vì là một công cụ giúp chúng ta làm điều thiện và bày tỏ tình liên đới với người khác, tiền bạc lại có thể trói buộc chúng ta và cả thế giới vào một thứ luận lý ích kỷ chẳng còn chỗ cho tình yêu và cản trở hoà bình.
 
– Thói tham lam làm cho con người thành hư ảo. Tính cách của ông nhà giàu thể hiện qua vẻ bên ngoài, qua việc tỏ cho người khác thấy ông có thể làm được những gì. Nhưng cái vỏ bên ngoài của ông chỉ che đậy một sự trống rỗng nội tâm. Cuộc sống của ông là một tù nhân cho cái vẻ bên ngoài, cho những khía cạnh hời hợt và phù du nhất của hiện hữu (x. EG, 62).
 
– Thói tự đắc. Người giàu có phục sức như một vị vua và hành xử như một vị thần, mà quên rằng ông chỉ là người sẽ phải chết. Hậu quả của việc gắn bó với tiền bạc là một thứ mù lòa. Người giàu có không nhìn thấy người nghèo, người đói khát, người bị thương, người nằm ở cửa nhà mình.
 
3. Lời Chúa là một hồng ân. Dụ ngôn đưa ra thông điệp : Gốc rễ của mọi bất hạnh của con người là không chịu nghe Lời Chúa. Vì không nghe Lời Chúa nên không yêu mến Thiên Chúa và càng ngày càng khinh miệt người thân cận của mình. Lời Chúa thì sống động và mạnh mẽ, có khả năng biến đổi những cõi lòng và đưa chúng trở về với Chúa. Khi chúng ta đóng cửa lòng mình trước hồng ân Lời Chúa, rốt cuộc chúng ta cũng sẽ đóng cửa lòng mình trước hồng ân là những anh chị em của chúng ta.
 
III.        Lời kết, chúng ta mượn lời ĐTC Phanxicô trong Sứ Điệp Mùa Chay 2017 này. Mùa Chay là mùa thuận lợi để đổi mới cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Giêsu, Đấng đang sống trong lời của Người, trong các bí tích và nơi người thân cận của chúng ta. Nguyện xin Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta vào một cuộc hành trình thực sự của hoán cải, để chúng ta có thể tái khám phá hồng ân Lời Chúa, được thanh tẩy khỏi tội lỗi đã làm cho chúng ta ra mù loà, và phục vụ Chúa Giêsu hiện diện trong những anh chị em của chúng ta đang túng thiếu. Chúng ta tham gia các Chiến Dịch Mùa Chay để thăng tiến nền văn hóa gặp gỡ trong gia đình nhân loại duy nhất của chúng ta. Chúng ta cầu nguyện cho nhau, để nhờ tham dự vào chiến thắng của Chúa Giêsu, chúng ta biết mở cửa lòng mình cho những ai yếu đuối và nghèo khổ. Như thế chúng ta mới có thể sống và làm chứng cho niềm vui Phục Sinh cách trọn vẹn.

Bài viết liên quan

- Advertisement -spot_img

BÀI VIẾT MỚI