Chúa Nhật Tuần IV Mùa Thường Niên Năm A
(Ml 3:1-4; Dt 2:14-18; Lc 2:22-40)
DÂNG CHÚA VÀO ĐỀN THỜ
Lm. John Chrysostom Nam, TP.
Lễ dâng Chúa Giêsu trong đền thờ còn được gọi là Lễ Nến. Cây nến cháy tượng trưng Chúa Kitô là “Ánh Sáng muôn dân”. Lễ này thường được mừng vào ngày thứ 40 sau lễ Giáng Sinh, kết thúc những ngày lễ trọng mừng việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại qua Ngôi Lời nhập thể. Lễ hôm nay còn có tên gọi là lễ Đức Maria được thanh tẩy theo Luật Môsê.
Theo Luật Môsê quy định: Thứ nhất, các trẻ sơ sinh, trong thời gian Luật định, phải mang lên Đền Thờ dâng cho Thiên Chúa. Thứ hai, người phụ nữ sau khi sinh con (nếu là con trai) thì phải lên Đền Thờ để được thanh tẩy. Thời đó người ta cho rằng khi sinh con, người phụ nữ đã bị ô uế. Thứ ba, do luật quy định, con đầu lòng thuộc về Thiên Chúa, nên có tục lệ dâng con và lễ vật cho Thiên Chúa để chuộc lại người con.
Như vậy, sau khi sinh Đức Giêsu được 40 ngày, Đức Maria và Thánh Giuse đã làm y như Luật dạy. Thực ra, nhờ ân sủng của Chúa Kitô, Đức Mẹ không cần phải làm nghi thức thanh tẩy, bởi vì Mẹ sinh con mà vẫn trọn đời đồng trinh, không một vết nhơ nào có thể chạm đến sự thánh thiện của Đức Maria, nhưng Mẹ vẫn khiêm tốn thi hành những gì lề luật Môsê truyền dạy.
Để dọn đường cho vị “sứ giả của giao ước” mà ngôn sứ Malakhi trong bài đọc I loan báo, vị sứ giả này sẽ đến để tái lập lại nền phụng tự của dân Thiên Chúa vốn đã trở nên lệch lạc bởi sự chểnh mảng của các tư tế cũng như sự thờ ơ của dân chúng: “Này đây Người đến. Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt. Người sẽ ngồi để luyện kim, tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc” (Ml 3,1-3).
Thế nhưng, trái với hình ảnh đáng kinh sợ mà ngôn sứ Malakhi loan báo, Đức Giêsu, vị sứ giả của giao ước mới, bước vào đền thờ một cách âm thầm dưới hình hài của một trẻ thơ. Có lẽ sẽ chẳng có ai nhận ra Ngài cho đến khi cụ già Simêon, người được Thánh Thần linh hứng, loan báo rằng: Hài Nhi Giêsu mà ông đang bồng ẵm trên tay chính là “Ơn cứu độ mà Chúa đã dành sẵn cho muôn dân. Là Ánh sáng soi đường cho nhân loại và là vinh quang của Israel dân Ngài” (Lc 2,30-32).
Mừng lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thờ hôm nay, Giáo Hội muốn giới thiệu cho chúng ta: Chúa Giêsu là ÁNH SÁNG từ trời cao, được đưa vào đền thờ để thắp sáng cho trần gian và trở thành nguồn ơn cứu độ cho nhân loại. Ý thức điều đó, Công đồng Vaticanô II nhắc lại lời của cụ già Simêon và mời gọi mọi tín hữu Kitô rằng, sứ mạng và ơn gọi của mình là đem ánh sáng Tin Mừng của Chúa Kitô chiếu soi mọi dân, mọi nước trên thế giới. Như Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Thầy là ánh sáng trần gian. Ai theo Thầy sẽ không bước đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng ban sự sống, sự sống đời đời” (Ga 12, 34-50). Bao lâu con người chưa nhận biết Chúa Kitô và ánh sáng Tin Mừng của Ngài, thì bấy lâu con người còn dò dẫm trong tăm tối, dễ bị lầm lạc và thất vọng.
Việc Chúa Giêsu được dâng vào đền thánh còn là hình bóng hiến lễ Ngài sẽ dâng chính mình trên đồi Canvê. Nhờ cái chết và sống lại của Ngài mà sự chết bị huỷ diệt, để chúng ta được giải thoát khỏi vòng nô lệ tội lỗi, ở bài đọc II, thư gửi tín hữu Do-thái chúng ta vừa nghe (Dt 2, 14-18). Đức Kitô vừa là của lễ hoàn hảo đền tội cho dân, vừa là tư tế dâng chính mình như của lễ cho Thiên Chúa Cha.
Mừng lễ hôm nay, chúng ta còn được mời gọi hãy phó dâng bản thân mình cho Thiên Chúa để chính Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta đi. Đó cũng là ý nghĩa cao đẹp mà nhiều Hội Dòng sống đời thánh hiến chọn ngày hôm nay làm lễ khấn dòng của mình. Để qua việc công khai đáp trả lại ba lời khuyên Phúc Âm, các tu sĩ cũng được trở nên ánh sáng cho trần gian và hiến dâng cuộc đời mình làm của lễ sống động cho Thiên Chúa và cho anh chị em mình.
Cuối cùng, mỗi chúng ta cũng được mời gọi noi gương Đức Maria và thánh cả Giuse bằng việc yêu mến và thực thi lề luật của Thiên Chúa, cho dù là những điều nhỏ mọn và tầm thường nhất, nhờ đó ánh sáng Tin Mừng Chúa Kitô được thắp sáng nơi tâm hồn và nơi môi trường sống của chúng ta. Amen.