TN-089-TUẦN XIII-thứ Năm
ĐẦY XÁC TÍN
(St 22,1-19 / Mt 9,1-8)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Trong đời sống con người, để đi đến cùng những quyết định cũng như để những quyết định dẫn tới việc hoàn tất công việc một cách tốt đẹp nhất, cần phải có xác tín. Xác tín là niềm tin đạt tới độ cao nhất, sâu nhất và mạnh nhất. Xác tín là điều ẩn kín trong tâm hồn có sức điều hướng lời nói và hành động. Có thể nói xác tín là sức mạnh của một con người muốn cuộc sống của mình có ý nghĩa và hiện thực những xác tín bằng những chọn lựa và hành động xứng hợp nhất với nhân phẩm của mình. Xác tín còn được sử dụng với từ đồng nghĩa là thâm tín.
Trong đời sống thiêng liêng, xác tín hay thâm tín rất quan trọng trong mối tương giao với Thiên Chúa. Sống mối tương giao với Thiên Chúa cần phải có đức tin và đó là một đức tin sống động, năng động. Những xác tín cá nhân – dựa trên những kiến thức thiêng liêng hay những kinh nghiệm thiêng liêng – dẫn đến những đáp trả cụ thể lời mời gọi của Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Vì xác tín vào tình yêu của Thiên Chúa, nên mới dám dấn thân vào con đường này, vào hoạt động kia. Xác tin chính là động lực làm năng động cuộc sống với Thiên Chúa.
Hai bài đọc Kinh Thánh hôm nay như cho tôi nhìn thấy bên trong những hành vi, những lời nói, có một điều gì tác động nên chúng, mà tôi gọi là xác tín. Đó là những hành vi đầy xác tín. Đó là những lời nói đầy xác tín. Và chính những xác tín của những người trong cuộc mà Lời Chúa hôm nay giới thiệu, mời gọi chính bản thân tôi cần trang bị cho mình những xác tín có khả năng biến đổi cuộc đời tôi. Tôi xin chia sẻ với anh chị em suy niệm về đề tài “ĐẦY XÁC TÍN”.
1. NHỮNG HÀNH VI ĐẦY XÁC TÍN
Chúng ta tiếp tục theo dõi cuộc hành trình đức tin của Tổ Phụ Áp-ra-ham. Trong trích đoạn sách Sáng Thế chương 22 từ câu 1 đến 19, chúng ta khám phá ra khuôn mặt thật làm nên bản chất của ông Áp-ra-ham. Lời Chúa hôm nay đến với ông và đưa ra cho ông một lời mời gọi đi hiến tế I-sa-ác làm của lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa.
Ông Áp-ra-ham đã toại nguyện vì đã có một người con sinh từ lòng dạ bà Xa-ra để thừa kế gia nghiệp của ông. I-sa-ác là tất cả tương lại và ý nghĩa cuộc đời của ông; và có thể nói là ý nghĩa của niềm tin của ông đối với lời hứa của Thiên Chúa. Giờ đây, ông sống trong hạnh phúc và bình an trong sự chúc lành của Thiên Chúa.
– Nhưng rồi, một ngày kia Thiên Chúa đã gọi ông “Áp-ra-ham”, ông đã thưa “Dạ, con đây!” Lời thưa của ông diễn tả sự sẵn sàng tuyệt đối với Thiên Chúa. Đây là một hành vi đáp trả đầy xác tín vào tình yêu và lời hứa của Thiên Chúa, như ông đã từng thưa với Người.
– Người phán: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-sa-ác, hãy đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm của lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho.” Trước lời phán quyết của Thiên Chúa, ông Áp-ra-ham im lặng. Đây là một sự thinh lặng tôn thờ ý muốn của Thiên Chúa, xuất phát từ niềm xác tín của ông vào Người. Ông không một chút thắc mắc, đặt vấn đề. Vì còn đặt vấn đề, còn thắc mắc, là chưa xác tín. Ông đã biết rõ Thiên Chúa muốn gì. Một sự thinh lặng tôn thờ đầy xác tín.
– “Sáng hôm sau, ông Áp-ra-ham dậy sớm, thắng lừa, đem theo hai đầy tớ và con là I-sa-ác, ông bổ củi dùng để đốt lễ toàn thiêu rồi lên đường đi tới nơi Thiên Chúa bảo”. Ông tiếp tục giữ thinh lặng, không nói với bất cứ ai về việc sắp làm. Ông nhanh nhẹn thi hành, ngay khi ngày mới điểm. Ông xác tín vào công việc ông sắp làm. Ông xác tín đó là việc làm thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa, vì Người muốn. “Vì Thiên Chúa muốn và như Thiên Chúa muốn”: đó là xác tín của ông vào công việc ông thực hiện. Ông đầy xác tín.
– Khi thấy nơi ấy ở đàng xa, ông nói đầy tớ ở lại đây, đang khi hai cha con ông “làm việc thờ phượng”. Sát tế con mình là giết chết tương lai của nó cũng là của mình, cắt đứt ruột gan mình; nhưng ông Áp-ra-ham lại nhìn đó là một việc thờ phượng, nghĩa là nơi, là lúc, diễn tả lòng kính yêu đối với Thiên Chúa. Suốt cả cuộc đời, ông đi đến đâu là ông dựng một bàn thờ kính Thiên Chúa ở đó; thì nay, ông cũng dựng bàn thờ kính Thiên Chúa mà lễ vật sẽ là chính con một yêu quí của ông. Ông xác tin việc sát tế này là một việc thờ phượng, một việc của tình yêu, của cõi lòng, của con tim.
– Trên đường hai cha con đến đó, I-sa-ác bỗng chợt nhớ một điều: “Có lửa, có củi đây, còn chiên làm lễ toàn thiêu ở đâu?” Ông Áp-ra-ham đáp: “Chiên làm lễ toàn thiêu, chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ.” Thật là một câu nói đầy xác tín. Thiên Chúa đang liệu và ông cũng đang dự liệu của lễ là chính I-sa-ác; và ông tin là sẽ xảy ra như thế. Ông xác tín vào chọn lựa của Thiên Chúa. Thiên Chúa chọn chứ ông không chọn. “Thiên Chúa sẽ liệu” là lời nói cô động tất cả xác tín của ông Áp-ra-ham. Xác tín suốt cả cuộc đời. Xác tín biến đổi cuộc đời ông.
– Và ông thực hiện những hành vi cho cuộc sát tế: dựng bàn thờ, xếp củi lên, trói I-sa-ác lại, và đặt lên bàn thờ. Rồi ông đưa tay cầm dao để sát tế con mình. Tất cả những hành vi đó, ông làm với xác tín vào Thiên Chúa. Nếu chỉ là một con người bình thường, rất khó mà thực hiện chúng, vì bao nhiêu thứ thuộc về bản tính nhân loại can thiệp vào. Nhưng đây là một con người được xác tín vào Thiên Chúa điều hướng. Ông thực hiện chúng với tấm lòng ông dành cho Thiên Chúa, với đôi mắt hướng về Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ban cho, nay Người đòi lại, ông sẵn sàng dâng lại cho Thiên Chúa: đó là xác tín của ông.
Và chúng ta đã biết câu chuyện kết thúc ra sao, Thiên Chúa không thua lòng quảng đại của ông Áp-ra-ham và Người đã ban cho ông lại đứa con và bao nhiêu điều tốt lành sẽ thực hiện trong tương lai. Xác tín cá nhân của ông vào tình yêu của Thiên Chúa đã sáng rực lên trước mắt Thiên Chúa. Và Thiên Chúa đã thấy rõ con người ông, bản chất con người ông: ông là một con người đầy xác tín. Tất cả các hành vi của ông được điều phối không phải tình cảm hay cảm xúc con người– vì chúng ta không thấy ông lộ ra bất cứ cảm xúc nào – mà là xác tín bên trong tâm hồn ông. Xác tín vào tình yêu và lời hứa của Thiên Chúa là ánh sáng cho cuộc đời ông.
2. NHỮNG LỜI NÓI ĐẦY XÁC TÍN
Bây giờ chúng ta đến gặp Chúa Giê-su. Trong trích đoạn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 9 từ câu 1 đến 8, thánh sử trình thuật việc Chúa chữa lành một người bại liệt nằm trên giường được người ta khiêng đến trước mặt Chúa. Điều chúng ta muốn nhấn mạnh ở đây là lời nói đầy xác tín của Chúa Gê-su.
Chúng ta tự hỏi là Chúa có xác tín không. Chắc chắn Chúa có xác tín, vì Chúa là một con người như chúng ta về mọi phương diện, chỉ trừ tội lỗi. Hơn nữa, Chúa là Thiên Chúa nên Chúa ý thức quyền năng của Chúa. Như vậy, chúng ta quả quyết là Chúa nói và hành động luôn với xác tín. Chúa xác tín vào Thiên Chúa Cha, nên Người dạy người ta sống xác tín vào tình yêu của Chúa Cha. Chúa xác tín vào chính Chúa, nên Chúa mời gọi người ta tin vào Chúa.
Vậy, đâu là những lời đầy xác tín của Chúa trong trình thuật này?
– “Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “này con, cứ yên tâm, tội con được tha rồi!” Đây không phải là một lời trấn an, như khi chúng ta thấy một người bệnh và trấn an họ rằng họ sẽ được chữa lành. Đây không phải là những lời nói bên ngoài, lời nói suông, trên đầu môi. Đây là lời có tác động hữu hiệu. Chúa nói và sự thật đã hiện thực. Người bệnh này đã được Chúa tha tội rồi. Đây là điều căn bản cho con người. Bệnh thể lý không trầm trọng bằng bệnh tâm hồn. Liệt thân xác không bằng thứ bại liệt tâm linh. Người bệnh được tha để anh được chữa lành từ bên trong, tận gốc và toàn bộ cuộc sống. Lời này hữu hiệu. Nghe những lời nói đó, mấy kinh sư cho Chúa là nói phạm thượng, vì họ cho rằng chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Chúa khẳng định là “Ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội”. Đây là lời nói đầy xác tín về bản chất của Chúa và quyền năng yêu thương của Chúa. Người là Thiên Chúa. Tha thứ tội lỗi là bản chất và quyền năng của Thiên Chúa: Thiên Chúa luôn tha thứ tội lỗi và Người có quyền năng làm điều đó. Lời nói của Chúa đầy xác tín và đầy uy lực, vì nội dung lời đó hiện thực cho người Chúa gửi tới lời đó.
– “Đứng dậy, vác giường mà đi về!” Đây là lời nói thứ hai của Chúa với bệnh nhân. Và cũng là lời nói để chứng minh lời nói trên kia. Nếu bệnh nhân đứng dậy được và đi được, là minh chứng lời trên kia là xác thực. Người bệnh đi được là chứng từ của việc anh được tha tội. Và bệnh nhân đã được chữa lành hoàn toàn. Anh vui sướng vác giường mà trở về gia đình anh. Niềm vui bên ngoài, có sức khoẻ để vác chiếc giường mà trước đó anh nằm liệt ở đó và cần những người khiêng, thì nay anh tự mình làm được, vì anh đã trở nên khoẻ mạnh về thể lý và nhất là khoẻ mạnh trong tâm hồn; anh đã được tha thứ tội lỗi. Lời nói của Chúa đã tha thứ tội lỗi cho anh và ban cho anh bước đi.
Lời của Chúa luôn kiến hiệu: Chúa nói và đã xảy ra như vậy (x.St 1,2-31). Những gì xảy ra cho người bệnh và trong cuộc đời Tổ Phụ Áp-ra-ham là minh chứng điều đó. Chúng ta được mời gọi đến với Chúa để nghe Chúa nói với chúng ta. Lời Chúa trong Kinh Thánh là những lời đầy xác tín, những lời ban sự sống, ban phúc trường sinh, như lời tuyên xưng đầy xác tín của môn đệ Phê-rô: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mói có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,38).
3. NHỮNG XÁC TÍN BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI
Xác tín là dấu hiệu của người trưởng thành. Có xác tín thì cuộc đời mới vững vàng. Chúng ta cần những xác tín căn bản của đời ki-tô hữu. Chúng ta cần những xác tín về tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Chúng ta cần những xác tín cá nhân có khả năng biến đổi cuộc đời chúng ta, như một trong những xác tín của thánh Phao-lô: “Tôi thâm tín rằng: không gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su” (x.Rm 8,38-39). Vậy, mỗi người hãy tự vấn chính mình: đâu là những xác tín biến đổi cuộc đời tôi?