Chủ Nhật, 8 Tháng mười hai, 2024

Đọc và suy niệm Tin Mừng ngày trong tuần XXX Thường Niên.

 

THỨ HAI TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 13,10-17

Ngày sa-bát kia, Đức Giê-su giảng dạy trong một hội đường. Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền! “ Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.

Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát! “ Chúa đáp: “Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này, là con cháu ông Áp-ra-ham, bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao? “Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.

 

+ SUY NIỆM

Bộ luật của người Do Thái nhận tại núi Sinai khi Chúa truyền cho Môisen chỉ có 10 điều, nhưng được giải thích cách tỉ mỉ trong Sách Lêvi và Đệ Nhị Luật thành hơn 500 điều. Một trong những điều quan trọng là ngày nghỉ Sabat, thuộc giới răn thứ 3 trong thập điều, được tuân giữ chi tiết, cặn kẽ và nếu phạm vào có thể bị ném đá chết.

Thực ra, khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần già, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ – kinh sư – biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.

 

Hôm nay, trên môi miệng đầy tức tối của ông trưởng Hội đường: “”Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát! “.  Có lẽ ông này rất nhiệt thành với lề luật, nhưng chính vì vụ luật theo hình thức mà quên đi bản chất của luật là bác ái yêu thương, sẵn sàng để người khác đau khổ chứ không thà lỗi luật. Luật là cứu sống chứ không phải giết chết.

Ông trưởng Hội đường Do-thái, chắc chắn là một biệt phái, vốn chủ trương là hassidim, nghĩa là giữ luật cách khắt khe, nên khi bắt bẻ Chúa Giêsu là một ngầm ý đề cao về mình và che giấu sự giả hình của mình.

Cũng như các biệt phái, ông trưởng Hội đường xem luật như cứu cánh và bắt buộc Thiên Chúa phải theo ý ông mà thưởng công cho ông. Trong khi luật chỉ là dẫn đường, còn cùng đích phải là Thiên Chúa.

 

Có câu chuyện kể rằng, hôm ấy một Rabi Do Thái cưỡi ngựa đi từ Giêricô về Giêrusalem vừa đi vừa hát thánh ca, trên đường đi, chẳng may con ngựa trượt chân ngã xuống vực, nhanh tay vớ được cành cây nên Rabi không rơi xuống vực. Ông thấy con ngựa rơi xuống nước nên không hề hấn gì, nhưng bờ cao không lên được, ông định chặt nhành cây lấp đất cho con ngựa lên, nhưng sực nhớ hôm đó là ngày sa-bát không được làm việc tay chân nên thôi, ông liền phục trong bụi cây rình thấy một người hành hương cưỡi ngựa đi qua, ông rút súng bắn người ấy rơi xuống vực và cướp ngựa phóng đi – tiếp tục hát thánh ca.

Giống như câu chuyện trên, Rabi kia không dám cứu con ngựa của mình lên vì sợ phạm luật nhưng lại dễ dàng giết người cướp ngựa… Luật đối với biệt phái – Pharisieu là sẵn sàng ném đá chết một người lượm củi nấu ăn, sẵn sàng bỏ rơi một con người bệnh tật đau khổ đã 18 năm, không dám đi đường cấm dù cấp bách liên quan đến sự sống cần cấp cứu. Họ coi việc giữ những điều lặt vặt hơn là mạng sống của một con người.

Có lẽ đôi lúc chúng ta cũng vậy, chúng ta thích lách luật miễn là có lợi cho chúng ta, bất chấp hậu quả làm hại đến tha nhân. Lắm khi chúng ta chỉ chăm chăm đến một điều được quy định máy móc mà làm hại đến đức công bình và bác ái. Không thiếu những lúc chúng ta nhân danh luật để buộc người khác phải trả giá, nhưng lại không có lòng yêu mến và sự chân thành dành cho nhau…

Đối với người Công Giáo, ngày sa-bát (Thiên Chúa nghỉ ngơi – sau sáng tạo) của người Do Thái đã được thay thế  bằng Ngày Chúa Nhật (Chúa Giêsu Phục Sinh – sáng tạo mới), chúng ta đã tuân giữ Ngày Chúa Nhật như thế nào:

–  Tham dự Thánh Lễ vì lòng yêu mến hay vì bắt buộc phải đi lễ?

–  Làm việc bác ái hay là dửng dưng với những hoàn cảnh khó khăn của đồng loại mà ta gặp thấy? Chúng ta có nhân danh ngày nghỉ, lấy cớ việc đi lễ… để rồi không đếm xỉa đến những người gặp hoạn nạn đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.

–  Chúng ta giữ gìn luật Ngày Chúa Nhật cốt để phô trương chính mình và lên án người khác không?

 

Lạy Chúa Giêsu, mọi điều luật chỉ có giá trị cứu độ khi được tuân giữ với lòng yêu mến Chúa và tha nhân, xin cho chúng con luôn biết đến với Chúa với tâm tình cảm mến tri ân và đến với anh chị em với tấm lòng yêu thương; xin cũng giúp chúng biết giữ luật vì lòng yêu mến Chúa và quảng đại với tha nhân, hơn là giữ lề luật chỉ vì luật mà lỗi đến đức bác ái công bình đối với tha nhân. Amen.

 

 

THỨ BA TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 13,18-21

Đức Giê-su nói: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.”

Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

 

+ SUY NIỆM

Chức năng của Nước Trời, của Hội Thánh, của Dân Thiên Chúa là phải lớn lên và trở thành bóng mát cho đời, cho mọi người nương ẩn giữa bão táp mưa sa của cuộc đời. Chân lý Nước Trời – tức là bản chất Hội Thánh phải thấm nhập vào nhân loại và thế giới trong mọi hoàn cảnh và môi trường. Đó là nội dung của hai dụ ngôn (Hạt cải và men trong bột) mà Chúa Giêsu dạy trong bài Tin Mừng hôm nay:

 

* Sự tăng trưởng của Nước Trời.

 Hình ảnh cây cải ở xứ Palestin chắc chắn khác cây rau cải ở Việt Nam, hạt cải thuộc lớp hạt rất nhỏ khi gieo xuống, nhưng khi mọc lên cây cải cao lớn, mà chim trời có thể đến nương náu dưới tán lá nó được.

Nước Trời ban đầu thật bé nhỏ trên dưới vài chục người với Chúa Giêsu và các môn đệ quanh quẩn trong xứ Palestin nhỏ bé, nhưng trải qua lịch sử thăng trầm, đến bây giờ Hội Thánh có trên một tỷ người có mặt khắp nơi trên thế giới.

Chức năng của Nước Trời, của Hội Thánh, của Dân Thiên Chúa là phải lớn lên và trở thành bóng mát cho đời, cho mọi người nương ẩn giữa bão táp mưa sa của cuộc đời:

–  Lớn lên:  Mọi thành viên trong “Nước Trời” là chúng ta đều có nghĩa vụ truyền giáo và sống chứng nhân để làm cho Nước Trời lớn mạnh. Xét về phương diện cá nhân, chính mỗi người chúng ta cũng phải lớn lên trong Đức Tin, trong Thánh Thần và trong đời sống đạo, từ đó làm cho Hội Thánh từ địa phương đến hoàn vũ cũng được lớn lên.

–  Bóng mát che chở: Nước Trời, Hội Thánh, Kitô hữu chúng ta phải là bóng mát cho đời, là nơi đáng tin tưởng cho mọi người tìm lại được an bình nội tâm. Chúng ta có bổn phận làm cho thế giới thêm bình an và xoa dịu mọi đau thương của nhân loại.

 

* Sự thâm nhập của Nước Trời làm biến đổi con người và thế giới

Nếu ai đã từng xem cách thức ủ bột, ủ cơm hay ủ trái cây để làm rượu, thì sẽ không lạ gì về công dụng của men.

Men là một loại chất xúc tác, hai công dụng của nó là: thấm nhập và biến đổi những gì men được trộn vào:

–  Thấm nhập: Chân lý Nước Trời, bản chất Hội Thánh là phải thấm nhập vào nhân loại và thế giới trong mọi hoàn cảnh và môi trường. Ngay nơi bản thân Kitô hữu phải chấp nhận được trộn lẫn vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, để nhờ đời sống chứng nhân, chúng ta sẽ giúp mọi thứ biến đổi theo Tin Mừng. Chứ không phải như cục men nằm yên sẽ chỉ là vô dụng.

–  Biến đổi: Chân lý Nước Trời là Lời Chúa, có sức biến đổi tâm hồn mọi người, từ đó biến đổi thế giới theo nền văn minh tình thương. Mỗi Kitô hữu được mời gọi sống chứng nhân, nghĩa là bằng đời sống đạo tốt lành của mình làm lay độn và biến đổi những tâm hồn nguội lạnh, cũng như có sức thu hút lương dân trở về với Chúa, để cả thế giới cũng được “dậy men” Tin Mừng.

 

Tóm lại:

Nước Trời được ví như Hội Thánh do Chúa Kitô thiết lập, là một sự tăng trưởng không ngừng và trở thành bóng mát cho mọi tâm hồn đến trú ẩn. Hội Thánh đó hiện diện mọi nơi trên thế giới để biến đổi thế giới và làm dậy men Tin Mừng khắp thế giới.  

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức về sứ vụ của mình là làm cho Nước Chúa ngày càng được lớn lên và thấm nhập được vào mọi nơi trên dương gian này. Amen.

 

 

 

Thứ tư và thứ năm:

LỄ CÁC THÁNH VÀ LỄ CẦU CHO CÁC ĐẲNG LINH HỒN

xin Click vào ĐÂY

 

 

THỨ SÁU TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

 

+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 14,1-6

 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. Và kìa trước mặt Đức Giê-su, có một người mắc bệnh phù thũng. Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pha-ri-sêu: “Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát hay không? “ Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về. Rồi Người nói với họ: “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát? “Và họ không thể đáp lại những lời đó.

 

+ SUY NIỆM

Giới răn Sabat được giải thích từ việc tin rằng Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật trong sáu ngày và ngày thứ bảy thì Người nghỉ ngơi. Chính vì vậy, nguyên thủy người ta nghỉ ngày thứ bảy (Sabat) như là một sự bắt chước Thiên Chúa, đồng thời dành một ngày cuối tuần để chỉ dành riêng cho việc phụng sự Thiên Chúa. Thế nhưng, càng ngày, luật Sabat được các luật sĩ giải thích chi tiết, cặn kẽ và dừng lại ở mặt chữ của luật: chỉ dừng lại ở cái lý mà đánh mất cái tình, giữ luật vì luật chứ không còn vì yêu mến Chúa và đánh mất đức ái mà luật nhắm tới.  

Hạn từ sabat có nghĩa là “nghỉ ngơi”. Thần học sáng tạo II (St 2,1-3) muốn chứng minh việc Thiên Chúa muốn phải thánh hóa một ngày trong tuần, không hẳn để tụ họp cử hành phụng vụ cho bằng để mọi người được nghỉ ngơi (xem them Xh 20,10). Bởi vì Thiên Chúa Chí Thánh không muốn một dân thánh lại làm nhu cầu ăn uống hằng ngày hoặc chỉ lo lao động.

 

Như thế, khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần già, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ – kinh sư – biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.

 

Có câu chuyện vui rằng: Ngày đó, trong một đám tang Do Thái, khi hạ huyệt, người ta phát hiện người được đem chôn vẫn còn thở và kêu cứu, nhưng vị Rabbi chủ sự lễ nghi an táng đã tuyên bố rằng: “Theo nghi thức thì người này đã được tuyên bố là chết vì thế cần phải được chôn cất, và được ghi vào sổ tử của Đền Thờ”. Thế rồi người ta đem chôn, dù nạn nhân kêu cứu…

Giống như câu chuyện trên, Rabbi kia sẵn sàng đem chôn một người còn sống “vì… luật”. Họ sẵn sàng ném đá chết một người lượm củi nấu ăn, hoặc không dám đi đường cấm dù cấp bách liên quan đến sự sống cần cấp cứu. Họ coi việc giữ những điều lặt vặt hoặc mạng một con vật hơn là mạng sống của một con người, sẵn sàng kéo một con lừa lên khỏi giếng nhưng lại không chấp nhận kéo một thân phận người ra khỏi đau khổ bệnh tật và Satan trói buộc.

 

Trong trường hợp của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su có thể nói với người bị bệnh phù thũng: Sao anh lại xin tôi làm một điều bị cấm trong ngày sabat? Ngày mai anh trở lại đây để tôi chữa cho… Nhưng không, Chúa Giê-su thấy đức ái cần vượt lên trên, vì Tin Mừng là để giải phóng, và người ta được giải tỏa khi nhận ra rằng trong xã hội không có gì là tuyệt đối, cho dù xã hội muốn áp dụng những luật lệ nào đó với nhãn hiệu là bất khả xâm phạm. Luật sabat đúng là một trong những luật căn bản của Sách Thánh, nhưng không khỏi có những trường hợp luật ép buộc thay vì giải tỏa. Cũng thế, ngay trong Giáo Hội, những luật lệ được coi là linh thiêng nhưng một lúc nào đó lại trở thành chướng ngại vật cho Tin Mừng, và nếu đúng như vậy, thì dưới ánh sáng của Thánh Thần, lương tâm Ki-tô giáo phải tìm ra một giải pháp cho thời điểm ấy. Dám làm như thế mới thực sự là người tự do làm con cái Thiên Chúa (x. 1Cr 3,21-23; 8,4; Cl 2,20-23).

 

Lạy Chúa Giêsu, mọi điều luật chỉ có giá trị cứu độ khi được tuân giữ với lòng yêu mến Chúa và tha nhân, xin cho chúng con luôn biết đến với Chúa với tâm tình cảm mến tri ân và đến với anh chị em với tấm lòng yêu thương. Đó mới là tinh thần của điều răn mới mà Chúa muốn nơi mọi người chúng con. Amen.

 

 

THỨ BẢY TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN

 

+  ĐỌC TIN MỪNG: Lc 14,1.7-11

 Đức Giê-su nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn.Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

 

+  SUY NIỆM.

 Cám dỗ xảy ra liên lỉ đối với mọi người là ‘cái nồi” và “cái ghế”, nghĩa là sự ham mê tiền bạc và chức quyền. Bài Tin Mừng hôm nay chỉ ra rõ ràng hai điều ấy, và để chống lại, thay vì dành nhau “cái ghế” thì Chúa Giêsu dạy ta khiêm tốn, thay vì muốn có qua có lại, thì Chúa dạy ta cách cho đi nhưng không.

 

* Khiêm tốn

Quan sát thấy mọi người dành nhau ngồi chỗ nhất chỗ cao, chỗ danh dự, Chúa Giêsu đã dạy: “Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho người này’. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết”. Câu nói này đã xoáy sâu vào tận tâm can của những người dự tiệc hôm ấy, vì Chúa Giêsu đã lên án những người kiêu ngạo ham danh tìm chỗ nhất, và lật tẩy thói giả hình của họ.

Sau đó, Chúa Giêsu còn dạy: “Khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: ‘Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên’. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc, vì ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. “Nâng lên” chính là muốn khẳng định mình; tự coi mình là nhất. Đây là hành vi của những kẻ kiêu ngạo, là thái độ ham danh và ham quyền lực muốn được ở trên mọi người.  Còn “hạ xuống” là thái độ của người khiêm nhường. Khiêm nhường là nhìn nhận mình còn thiếu, còn bất toàn để vươn lên, còn yếu đuối để sám hối.

 

* Lòng bác ái chân thật

Chúa Giêsu dạy: “Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại”.

Thường thì mọi người chúng ta làm cái gì cho nhau cũng muốn có qua có lại, thậm chí tham lam theo kiểu “thả con tép để bắt con tôm, thả con săn sắt bắt con cá rô. Tự bản chất chúng ta cho thấy có một sự phân biệt đối xử bất bình đẳng giữa giàu và nghèo, khi dọn tiệc, chúng ta vẫn ưu tiên mời người giàu, và nếu đang lúc dùng bữa, gặp người giàu chúng ta vẫn dễ dàng mời họ hơn thấy một người ăn mày đi qua…

 

Tóm lại, chúng ta bỏ ra thì luôn muốn thu lại, thậm chí muốn thu lại hơn gấp nhiều lần, chứ ít ai trong chúng ta có được một lòng quảng đại chia sẻ cho những người nghèo khó. Chúng ta vẫn lấy tiêu chuẩn “công bằng kiểu làm ăn kinh tế” để đối xử với nhau, thì điều này chúng ta là Kitô hữu cũng chẳng hơn gì, vì người ngoại họ cũng làm được hơn cả chúng ta, bởi làm việc lành mà được đáp lại, nghĩa là đã được thưởng công rồi, nên chẳng còn công phúc gì trước mặt Thiên Chúa nữa cả…

 

Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con biết sống khiêm tốn trong bậc sống mình để Chúa được lớn lên trong tâm hồn chúng con. Amen.

 

Hiền Lâm

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi tìm vinh quang thật

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi Tìm Vinh Quang Thật Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bản chất của Hội...

Kính thánh Phanxicô Xaviê, Mc 16,15-20

  KÍNH THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét tiểu sử: Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại Điên Xaviê thuộc...

Thứ 7, Tuần XXXIV, Kính Thánh Anrê Tồng đồ, Mt 4, 18-22

KÍNH THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét về tiểu sử: Thánh Anrê quê ở Betsaida và là một...

Ngày 30.11 – Lễ kính thánh Andre Tông đồ

  HÀNH TRÌNH ƠN GỌI (Mt 4, 18-22) M. Kolbe, Phước Hiệp Lễ thánh Andre Tông đồ, là dịp để chúng ta suy niệm về tiếng gọi...

Thứ 6 Tuần XXXIV TN, Lc 21,29-33 Trời mới đất mới

TRỜI MỚI ĐẤT MỚI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Với bài diễn từ “Cánh Chung” Đức Giêsu tiên báo thành Giêrusalem...

Thứ Năm Tuần XXXIV TN – Lc 21,20-28 Giêrusalem bị tàn phá

  GIÊRUSALEM BỊ TÀN PHÁ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Để chúng ta biết được phần nào đoạn Tin Mừng của thánh...

Thứ 4 Tuần XXXIV TN – Lc 21,12-19 Vì danh Thầy anh em sẽ bị bắt nộp và ngược đãi

  VÌ DANH THẦY ANH EM SẼ BỊ BẮT NỘP VÀ NGƯỢC ĐÃI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Các môn đệ cũng như...

Thứ Bảy, Tuần XXXIII, Thường niên (Lc 20,27-38) Tôi tin có sự sống đời đời

Thứ Bảy, Tuần XXXIII, Thường niên (Lc 20,27-38) Tôi Tin Có Sự Sống Đời Đời Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúng ta đang sống trong...

Thứ 6 Tuần XXXIII TN, Lc 19,43-48: Thanh tẩy nhà Cha

THANH TẨY NHÀ CHA Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Vào dịp trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt qua hơn hai...

Thứ 5, Tuần XXXIII TN, Mt 12,46-50: Ai thuộc về gia đình Đức Giêsu

    AI THUỘC VỀ GIA ĐÌNH ĐỨC GIÊSU Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Sau những lời khiển trách các người cứng tin,...

Thứ 5 Tuần XXXIII TN, Lc 19,41-44: Chúa Giêsu than khóc thành Giêrusalem

CHÚA GIÊSU THAN KHÓC THÀNH GIÊRUSALEM Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Từ Giêrikhô, Đức Giêsu đã cuốc bộ suốt quãng đường...

Thứ 4 Tuần XXXIII TN – Lc 19, 11-20 Dụ ngôn mười yến bạc

DỤ NGÔN MƯỜI YẾN BẠC Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Dụ ngôn mười yến bạc này được Đức Giêsu kể...