CHÚA NHẬT PHỤC SINH
* ĐỌC TIN MỪNG: Mc 16,1-8
Vừa hết ngày sa-bát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la với bà Ma-ri-a mẹ ông Gia-cô-bê, và bà Sa-lô-mê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giê-su. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ.
Các bà bảo nhau: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây? ” Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ. Nhưng người thanh niên liền nói: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này! Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phê-rô rằng Người sẽ đến Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông.” Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.
* SUY NIỆM
“TÌNH YÊU CHO TA LÒNG CAN ĐẢM”
Trình thuật của thánh sử Mác-cô về biến cố Chúa Giêsu sống lại hiện ra với mấy chị em phụ nữ, là những người thuộc phái yếu thường là yếu bóng vía. Điều này càng củng cố hơn niềm tin của chúng ta.
Lòng yêu mến Chúa Giêsu đã làm cho các chị em vượt qua cảm giác sợ ma và sợ lính canh mộ, các chị em đã đi ra mồ từ mờ sáng. Có lẽ vì bấy lâu nay, các chị em đi theo Chúa và luôn có Chúa hiện diện, nay hai ngày trôi qua vắng bóng Thầy, nhất là ngày hôm trước bị luật Sabát cấm, các chị em cồn cào mong đợi qua thời gian Sabát để chạy ra viếng mộ Thầy. Và nhờ sự khao khát đó, Chúa Giêsu đã tưởng thưởng cho các chị em như là những chứng nhân đầu tiên gặp Đấng Phục Sinh.
Các chị em được lệnh đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh đầu tiên lại là loan báo cho mấy ông môn đệ, những người thuộc phái mạnh, nhưng đã sợ hãi bỏ trốn, để cho những phụ nữ theo Chúa xa xa than khóc suốt đường thập giá cho đến khi lên đến đỉnh đồi Golgotha.
Có một chi tiết rất hay ở đây: Ngày xưa, khi nhìn thấy trái cấm, Eva đã đem đến cho Ađam ăn và cả hai mang lấy án chết cho cả loài người; thì nay, các chị em phụ nữ đem “quả trường sinh” là Đấng Phục Sinh đến cho các ông, để cùng bước vào cuộc sống mới. một cuộc Tân Sáng Tạo bắt đầu, dân mới của Thiên Chúa ra đời.
Như vậy, trong trình thuật đầu tiên về cuộc sống lại này, chúng ta có những bằng chứng để xác tín niềm tin:
– Các chị em phụ nữ đã vì lòng yêu mến mà vượt qua mọi sợ hãi để đến viếng mộ, chính quyền năng Đấng Phục Sinh đã ban cho các chị em sức mạnh vượt qua mọi sợ hãi.
– Thiên thần hiện ra, lăn tảng đá ra, dù tảng đá đã được niêm phong bởi ấn của tổng trấn và thượng tế; lính canh khiếp sợ ngất xỉu, còn các chị em phụ nữ lại được phúc chứng kiến toàn bộ sự việc và được thiên thần xác nhận Chúa đã phục sinh.
– Chúa Giêsu còn đón gặp và chào các chị em, các chị em đã ôm lấy chân Thầy, ôm lấy thân xác phục sinh thực sự.
Và trong bất cứ cuộc hiện ra nào, Chúa Giêsu cũng luôn mở đầu bằng câu: “Đừng sợ”. Phải, khi đã tin vào Đấng Phục Sinh và yêu mến Người thì không còn gì phải sợ nữa, kể cả sự chết cũng không thể làm cho người tin yêu Chúa sợ được. Cụ thể là hôm nay, các chị em là những người dễ yếu bóng vía nhất đã can đảm lạ thường, và sau đó là các môn đệ từ những kẻ nhút nhát chạy trốn, đã trở nên hăng hái đi loan báo Tin Mừng và dám chết vì Đấng đã Phục Sinh.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con niềm khát khao yêu mến để chúng con gặp được Đấng Phục Sinh; xin cũng ban cho chúng con niềm tin sắt đá vào Chúa Phục Sinh, để chúng con can đem niềm vui Phục Sinh cho những ai chưa nhận biết Chúa. Amen.
+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 20,1-9
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”
Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.
+ SUY NIỆM
“NIỀM TIN TỪ NGÔI MỘ TRỐNG”
Bài Tin Mừng Gioan tường thuật khá chi tiết về hiện tượng Ngôi Mộ Trống, cùng với thời gian, sự kiện và các nhân chứng.
+ Trước hết, về thời gian: Biến cố bà Maria Mác-đa-la phát hiện ra ngôi mộ trống và chạy đi báo tin cho hai môn đệ Chúa Giê-su vào lúc “sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần”. Chính cột mốc thời gian này mà truyền thống Ki-tô Giáo đã chọn ngày Chúa Nhật (ngày thứ nhất) làm ngày Lễ Nghỉ, là “Ngày Thiên Chúa Nghỉ Ngơi” là “Ngày của Chúa” (Dies Domini). Điều này ám chỉ và thay thế cho ngày Sabat của đạo Do-thái, Người Do-thái chọn ngày thứ bảy là ngày Thiên Chúa hoàn tất cuộc sáng tạo và Người nghỉ ngơi. Khi chọn ngày Chúa Nhật làm ngày nghỉ, ngày đầu tuần, Ki-tô hữu tuyên xưng Chúa Giê-su hoàn tất công cuộc Tân Sáng Tạo (sáng tạo mới), hoàn tất công cuộc cứu độ và đưa Dân Mới “vượt qua” ngày thứ bảy của lề luật cũ để bước vào một kỷ nguyên mới của Ơn Cứu Độ.
+ Về sự kiện: Sự lạ lùng đầu tiên đó là tảng đá lớn đã lăn ra khỏi mộ; sự kiện lạ lùng kế tiếp là các khăn liệm và khăn che đầu thi hài được cuộn xếp ngăn nắp; và cuối cùng là chuyện các lính canh bỏ mộ mà trốn rồi nhận tiền “bịt mối” và nói dối.
– Chúng ta có thể đưa ra giả thiết, nếu Chúa Giê-su không sống lại, thì ai cả gan đến cả đêm và đủ sức lăn được phiến đá lớn kia, trong khi lính canh căn phòng cẩn mật, nhất là người cạy tảng đá phạm vào ba tội: tội phá hoại, tội ăn trộm và tội làm việc trong ngày nghỉ đáng bị ném đá chết. Trong khi đó, mộ phần này chỉ chôn một con người Giê-su rất nghèo không có tài sản gì chôn theo để mà trộm.
– Trước một sự thật không thể chối cãi, nhóm cầm quyền Do-thái đã lỡ ném lao thì phóng theo lao, họ dùng tiền để bịt miệng lính canh, lấp liếm sự thật, bịa đặt ra một câu chuyện mà khi nghe làm cho người đời sau thấy thật vụng về, thiếu lôgic và phi lý, bởi vì:
Lúc chúng tôi ngủ: Lính canh đêm mà lại đi ngủ?
Môn đệ đến lấy trộm xác: ngủ mà thấy được môn đệ đến trộm xác, mà biết thế sao không bắt?
– Mộ được niêm phong bởi ấn tổng trấn và thượng tế, làm sao tưởng tượng ra những môn đệ nhút nhát khi Chúa bị bắt đã bỏ chạy hoặc chối đây đẩy rồi giam mình trốn trong Nhà Tiệc Ly vì sợ, lại dám đến ăn trộm dễ dàng vậy? Lại còn đủ thời giờ cuộn khăn liệm ngăn nắp và xếp ngay ngắn khăn che đầu để riêng ra?
– Lại nữa, nếu biết các môn đệ đã ăn trộm, sao không điều tra để tránh tin đồn thất thiệt…
Vân vân và vân vân…
Thế nhưng, chính sự thật thì người ta sẽ không thể mãi mãi trù dập nó được, sự kiện Phục Sinh vẫn được hàng tỉ người trên thế giới tuyên xưng và phát triển đã 2000 năm lịch sử… Các môn đệ của Chúa lúc bị xuyên tạc, các ngài không cần kêu oan mà cứ mạnh dạn tuyên xưng những gì mình thấy và sống mầu nhiệm Phục Sinh cách hoàn hảo.
+ Về nhân chứng: Có lẽ đây là điều quan trọng hơn mà Tin Mừng Gioan cố ý nhắm tới:
Vẫn biết khi sống lại, thân xác phục sinh không còn lệ thuộc không gian và thời gian, nên Chúa Giê-su xuất hiện từng thời điểm và từng đối tượng mà Người muốn. Chúa Giê-su hiện ra với bất kỳ ai, trong đó Tin Mừng đặc biệt nhắm tới bà Maria Mác-đa-la “vì bà đã yêu mến nhiều”.
Tuy nhiên, đối với người Do-thái và xã hội lúc bấy giờ, thì người phụ nữ là không đáng tin và lời chứng của họ kém giá trị, nên Tin Mừng Gioan liền sau đó phải kể đến hai vị Tông Đồ.
Vấn đề là ở chỗ, chữ “môn đệ được Chúa Giê-su thương mến” vẫn mãi là một biểu tượng (vì chưa một lần trong Tin Mừng dám khẳng định đó là Gioan), nhưng chữ “môn đệ được Chúa yêu” thường được hiểu đó là hình ảnh của Hội Thánh.
Thế nhưng, Hội Thánh sơ khai đứng trước ngôi mộ trống không và chưa dám vào, mà vẫn phải đợi Phê-rô (vị tông đồ trưởng đến) và rồi “Hội Thánh sơ khai” kia mới vào, trông thấy và tin. Đó là biểu trưng của một sự xác nhận: Hội Thánh nói chung không dễ tin trước những sự kiện, nhưng cần một sự xác nhận từ vị được Chúa đặt làm đứng đầu cai trị Hội Thánh. Thật vậy, cho đến nay Hội Thánh vẫn chỉ tin vào những điều được tuyên bố từ Tông Tòa, và đặc biệt tránh tuyên truyền từ ‘cửa sau” không qua Hội Thánh, cẩn trọng trước những thứ gọi là “tự tuyên bố mạc khải” và những cái gọi là “sứ điệp từ trời” do những kẻ tự xưng bày ra…
Như vậy, trong Thánh Lễ Chính Ngày mừng Chúa Phục Sinh, SỨ ĐIỆP Tin Mừng dành cho chúng ta là:
– Sống ngày Chúa Nhật -ngày của Chúa- trong một tinh thần mới, một sự đổi mới thực sự trong sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô.
– Dám chấp nhận những bất công, dám làm chứng cho sự thật và tuyên xưng Chúa Phục Sinh bằng đời sống tốt lành, thì tự nó làm cho mọi người nhận ra được có Chúa Phục Sinh hiện diện, dù có bị người đời dùng tiền và quyền để bịt miệng và để kết án.
– Không dễ dàng bạ đâu cũng tin, tránh xa những thứ tin đồn hay sứ điệp này nọ không do Giáo Hội công bố, nhưng chỉ tin những gì Hội Thánh nhân danh Chúa mà truyền dạy từ tông tòa qua Đấng Bản Quyền giáo phận và các cộng sự của ngài là các linh mục coi sóc linh hồn chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một niềm tin sắt đá vào sự Phục Sinh, để chúng con hăng hái đem Tin Mừng Phục Sinh đến cho mọi người chúng con gặp gỡ. Amen
THỨ HAI TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 28, 8-15
Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.
Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em! ” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”
Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.” Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.
+ SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện giả dối dùng tiền để mua chuộc, lấp liếm thông tin và xuyên tạc sự thật của giới chức Do-thái giáo về sự kiện Phục Sinh của Chúa Giêsu.
Câu chuyện được bắt đầu từ khi các lính canh của tổng trấn Philatô mà nhóm cầm quyền tôn giáo xin cho canh mộ đã hốt hoảng và kinh khiếp chạy về báo tin về sự kiện xảy ra nơi mộ Chúa Giêsu.
Trước một sự thật không thể chối cãi, nhóm cầm quyền Do-thái đã lỡ ném lao thì phóng theo lao, họ dùng tiền để bịt miệng lính canh, lấp liếm sự thật, bịa đặt ra một câu chuyện mà khi nghe làm cho người đời sau thấy thật vụng về, thiếu lôgic và phi lý, bởi vì:
– Lúc chúng tôi ngủ: Lính canh đêm mà lại đi ngủ?
– Thì môn đệ đến lấy trộm xác: ngủ mà thấy được môn đệ đến trộm xác, mà biết thế sao không bắt?
– Mộ được niêm phong bởi ấn tổng trấn và thượng tế, sao những môn đệ nhút nhát khi Chúa bị bắt đã bỏ chạy hoặc chối đây đẩy lại đến ăn trộm dễ dàng vậy? Lại còn đủ thời giờ cuộn khăn liệm ngăn nắp và xếp ngay ngắn khăn che đầu để riêng ra?
– Lại nữa, nếu biết các môn đệ đã ăn trộm, sao không điều tra để tránh tin đồn thất thiệt
Vân vân và vân vân…
Có lẽ cũng có người cho rằng, nếu Chúa Giêsu sống lại, sao Người không trở lại cuộc sống và giảng dạy như trước? Như vậy thì các chức sắc Do-thái có bịt mối được mãi không?
Chúng ta cần hiểu rằng, Phục Sinh không phải là hồi sinh, nghĩa là không trở về đời sống cũ như Lazarô hay là con trai bà góa làng Naim mà là bước vào một cách thế hiện hữu và hiện diện mới.
Hồi sinh tức là trở lại cuộc sống cũ như trước và cũng theo luật sinh lão bệnh tử, nghĩa là lại chết như mọi người.
Còn Phục Sinh là chiến thắng hoàn toàn sự chết, thế gian và xác thịt, nghĩa là thân xác phục sinh không thể chết được nữa, thân xác phục sinh không thể bị giới hạn trong không gian hoặc thời gian. Chẳng hạn Chúa Giêsu khi phục sinh vẫn đi vào nhà các môn đệ khi cửa đóng kín, vẫn có thể hiện diện nhiều nơi như vừa đồng hành với môn đệ trên đường Emmau nhưng khi các môn đệ đó quay lại thì lại được các môn đệ ở nhà kể là vừa gặp Chúa.
Trở lại với sự kiện giả dối của giới cầm quyền Do-thái giáo mà bài Tin Mừng kể ra, chúng ta thấy sự kiện này cũng phản ảnh một thực tế bất công và dối trá nơi cuộc sống này đã có từ ngàn xưa. Thậm chí ngày nay còn đáng sợ hơn.
Chân lý loài người luôn thuộc về kẻ mạnh, người ta dùng tiền để mua chuộc và đổi trắng thay đen, biến công thành tội, sự thật bị xuyên tạc bóp méo.
Đặc biệt những người Kitô hữu và những người dám sống thật thường luôn bị thua thiệt và bị vu oan giáng họa kết tội cách bất công. Người ta dùng tiền và quyền để bịt miệng và để kết án.
Tuy nhiên cũng có người vì đồng tiền và quyền lợi mà sẵn sàng chối bỏ sự thật và làm chứng gian…
Thế nhưng, chính sự thật thì người ta sẽ không thể mãi mãi trù dập nó được, sự kiện Phục sinh vẫn được hàng tỉ người trên thế giới tuyên xưng và phát triển đã 2000 năm lịch sử… Các môn đệ của Chúa lúc bị xuyên tạc, các ngài không cần kêu oan mà cứ mạnh dạn tuyên xưng những gì mình thấy và sống mầu nhiệm Phục Sinh cách hoàn hảo.
Noi guơng các môn đệ, chúng ta chấp nhận những bất công, dám làm chứng cho sự thật và tuyên xưng Chúa Phục Sinh bằng đời sống tốt lành, thì tự nó làm cho mọi người nhận ra được có Chúa Phục Sinh hiện diện. Ngược lại, nếu chúng ta cũng như những tên lính xưa, vì quyền lợi và tiền của mà chối bỏ sự thật hoặc che giấu nó, thì thật nguy hại cho đời sống đức tin biết chừng nào.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con một niềm xác tín rằng Chúa đã Phục Sinh, để chúng con dám đối diện với bất công, dối trá, và không ngại làm chứng cho Sự Thật. Amen
THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 20,11-18
Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc? ” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu! ” Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. Đức Giê-su nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai? ” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a! ” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni! ” (nghĩa là “Lạy Thầy”). Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em”.” Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.
+ SUY NIỆM
Hai giác quan giữ vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận thông tin là thị giác và thính giác (mắt và tai). Mắt và tai tiếp nhận rồi truyền vào tri thức và trái tim để biện phân và đặc biệt là giúp hồi tưởng về ký ức.
Hai sự tiếp nhận này có phần không giống nhau giữa hai phái nam và nữ, vì như người ta thường nói: “Mắt con trai, tai con gái”. Đàn ông thường yêu bằng cái nhìn về bạn đời, nhưng phụ nữ lại thích nghe những lời nói yêu thương hơn…
Lần lượt các tường thuật về biến cố Phục Sinh, các Tin Mừng cũng làm lộ rõ hai khả năng tiếp nhận và cảm nhận về Đấng Phục Sinh dựa theo hai giác quan là thính giác và thị giác. Cụ thể là mắt các ông môn đệ nhận ra Đấng Phục Sinh khi thấy Người bẻ bánh và dâng lời tạ ơn; còn chị em thì nghe Thầy gọi tên thật thân thương là nhận ra ngay và ôm lấy chân Thầy.
Tin Mừng hôm nay kể chuyện cô Maria Mácđala, có lẽ vì quá đau đớn vì Thầy đã chết và khóc quá nhiều nên mắt hoen mờ, nên đã không nhận ra Đấng Phục Sinh, thậm chí còn tưởng là người làm vườn. Tuy nhiên, với lời gọi thân thương: “Maria !!!” Cô đã không thể lầm được nữa, cô nhận ra Thầy ngay và ôm quàng lấy chân Thầy rồi thốt lên lời thân thương mà cô từng gọi Thầy biết bao lần trước đây: “Thầy !!!”
Có thể nói, tình yêu của cô Maria Mácđala mà văn chương Gioan xây dựng có một mức độ vượt trên tình cảm thông thường, gần như là một tình yêu “phái tính” khi Maria Mácđala thầm yêu Chúa như là Đấng lang quân của của cô.
Như trong sách Diễm Ca diễn tả: “Tiếng người tôi yêu văng vẳng đâu đây, kìa chàng đang tới, nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi” (Dc 2,8). Khi người ta đã từng đồng hành với nhau hay là yêu mến nhau, thì ngay cả việc không thấy, nhưng ngồi nghe tiếng chân bước hay tiếng thở… cũng đủ giúp nhận ra nhau. Một người mẹ già bị mù, nhưng người con của bà từ xa về chưa kịp đến gần bà thì bà đã nhận ra bởi tiếng nói, cử chỉ… đã ăn sâu trong ký ức của bà, nhất là đứa con lại là đối tượng yêu quý nhất của bà.
Từ việc nghe đã tác động lên ký ức giúp hồi tưởng lại, Maria Mácđala đã cảm nhận được tiếng nói của Thầy những lần ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe, và được nghe Chúa gọi tên nhiều lần trong những tháng ngày theo Chúa. Giờ đây, dù lúc đau thương không còn đủ tỉnh táo, mắt thể lý bị hoen mờ vì khóc qua nhiều, nhưng tiếng nói đầy yêu thương của Thầy thì Maria Mácđala không thể lầm vào đâu được.
Như vậy, chủ ý của việc tường thuật biến cố Phục Sinh, các tác giả Tin Mừng đã cho chúng ta nhiều cái nhìn để củng cố đức tin qua nhiều cách tiếp thu và cảm nhận của cả hai phái nam và nữ. Đấng Phục Sinh đã dùng chính cách tiếp thu giới hạn của con người mà cho họ được biết Người, rồi từ đó họ đi rao giảng – làm chứng về những gì mắt thấy tai nghe và lòng cảm nhận.
Nghe và thấy đều thuộc dấu hiệu khả giác của bí tích. Bí tích có mô thể và chất thể -lời đọc và cử chỉ- cả hai chuyển tải Đấng Hiện Diện trong bí tích được trao ban cho thụ nhân. Hiệu quả tròn đầy của bí tích phụ thuộc nhiều ở lòng yêu mến. Hôm nay Maria Mácđala là một bằng chứng cho sự yêu mến đó, và cô đã được gặp chính Đấng Phục Sinh là đối tượng mà lòng cô khao khát và yêu mến.
Lạy Chúa Giêsu, có lẽ không ít người trong chúng con chưa thực sự gặp được Đấng Phục Sinh nên tâm hồn chúng con chưa được đổi mới, bởi vì chúng con chưa đủ khao khát và lòng mến của chúng con dành cho Chúa chưa thật mặn nồng. Xin Chúa ban cho chúng con một con tim hết lòng khao khát và yêu mến Chúa hơn. Amen.
THỨ TƯ TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 24,13-35
Hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? ” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.
Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy? ” Họ thưa: “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.”
Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.
Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? “
Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.” Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
+ SUY NIỆM
Nhiều nhà tu đức xưa và nay vẫn coi “hành trình Emau” là một thánh lễ đầu tiên do Chúa Giêsu cử hành cho hai môn đệ. Thánh lễ đặc biệt này cũng bao gồm hai phần là “phụng vụ Lời Chúa” (Chúa cắt nghĩa Thánh Kinh) và “phụng vụ Thánh Thể” (Chúa Giêsu cầm bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho môn đệ).
Ở đây chúng ta không nghiên cứu lại điều đó nữa, nhưng cùng nhau suy tư và chiêm ngưỡng về một Đấng Phục Sinh đầy yêu thương đi tìm những ai thất vọng, mà đưa họ trở về hợp đoàn với cộng đồng.
Đấng Phục Sinh hiện ra để xoa dịu nỗi đau mất mát quá lớn của Maria Mácđala và các người phụ nữ, vào xua tan sự sợ hãi của các Tông Đồ đang nhốt mình trong căn phòng đóng kín, và hôm nay Người đang đi tìm hai môn đệ đã thất vọng bỏ lại niềm tin vào Thầy và bỏ cộng đoàn bạn hữu để về quê.
Hai môn đệ trên đường Emmau hôm nay đã vỡ mộng tất cả sau cái chết của Thầy. Các ông trở về quê để tìm lại kế sinh nhai, mang theo một nỗi ê chề chán chường và xấu hổ với gia đình cũng như hàng xóm láng giềng. Đấng Phục Sinh đã đến đồng hành với họ suốt quảng đường dài để giúp họ quay về với Người để lãnh lấy sứ vụ chứng nhân phục sinh.
Qua trình thuật, chúng ta thấy nổi bật lên những điểm nhấn quan trọng sau đây:
– Trước hết chỉ rõ ra mục đích ban đầu của hai môn đệ là theo một Đấng Kitô oai hùng kiểu nhân loại, chứ không phải một Đức Kitô đích thực là chịu đóng đanh và sống lại để cứu chuộc nhân loại. Xác định sai mục đích nên thất vọng.
– Lời Chúa đóng vai trò quan trọng trong việc thức tỉnh tâm hồn trong cơn thất vọng. Chúa Giêsu đã dùng Thánh Kinh để giải thích cho các ông hiểu con đường của Người phải đi qua là con đường thập giá.
– Chúa Giêsu đã đồng hành và giải thích Lời Chúa và nhờ đó mà lòng các môn đệ bừng cháy lên. Như thế, muốn giúp đỡ phải đồng hành, khi đồng hành thì nói lời Chúa chứ không phải lời mình. Giảng lời Chúa phải giúp tâm hồn tín hữu bừng cháy lên…
– Nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh: Thánh Thể là mối dây hiệp nhất, đưa người môn đệ trở về với cộng đoàn. Rước Thánh Thể là nhận ra và gặp được Đấng Phục Sinh và giao hoà với anh em.
– Điều quan trọng hơn cả là khi đã gặp được Đấng Phục Sinh, người môn đệ không đi theo lối mình thất vọng nữa, mà quay lại với cộng đoàn, tìm gặp gỡ đồng môn và cùng nói về Đấng Phục Sinh, để từ đó ra đi loan báo Tin Mừng.
Ước gì mỗi người chúng ta hôm nay sau khi cảm nhận được ánh sáng Phục Sinh cũng biết bỏ con đường cũ mà quay trở về với Chúa, với cộng đoàn và với anh em, cùng nhau kể lại cảm nnghiệm gặp Chúa và những gì Chúa làm cho chúng ta. Đồng thời loan báo Chúa Phục Sinh cho mọi người trong mọi hoàn cảnh mà chúng ta gặp gỡ.
Lạy Đấng Phục Sinh, xin cho con được gặp Ngài. Đặc biệt khi chúng con phải chán chường thất vọng, xin Ngài hãy đến đồng hành và nâng đỡ chúng con. Amen.
THỨ NĂM TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 24,35-48
Hai môn đệ trên đường Em-mau về thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em! “Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây? ” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không? ” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.
+ SUY NIỆM
Hôm nay thánh Luca kể chuyện hai môn đệ trên đường Emmau quay về hỉ hứng kể cho đồng môn nghe đã gặp Thầy sống lại, thì các vị ở nhà cũng khoe là Simon Phêrô cũng đã gặp Thầy… Các vị chưa kịp ăn mừng (dù cá đã nướng, rượu đã sẵn) thì Thầy Giêsu hiện đến chia vui, làm cho các ông giật mình và hoảng hốt tưởng là ma.
Các môn đệ hốt hoảng tưởng là ma cũng không có gì là lạ, bởi vì theo phản xạ tự nhiên, một người đã chết thật mấy ngày rồi, giờ phòng đóng kín mà lại bất ngờ xuất hiện. Tuy nhiên, sự thật của vấn đề là vì các vị chưa có niềm tin vào sự Phục Sinh, cho tới khi Chúa Giêsu mở trí cho các ngài am hiểu Thánh Kinh, với những gì liên quan đến cuộc khổ nạn và phục sinh của Người đã được ghi trong các sách Ngôn Sứ, Lề Luật và Thánh Vịnh.
Các môn đệ sợ hãi là vì chưa đủ niềm tin, chưa tin là vì chưa được Chúa mở trí cho am hiểu Thánh Kinh, chưa am hiểu Thánh Kinh là vì các ngài đã và đang tìm kiếm một Đấng Kitô khác với những gì Thánh Kinh tiên báo.
Như vậy, không thể hiểu biết cách viên mãn về Đấng Phục Sinh, nếu không chịu lắng nghe Lời Chúa, cụ thể là qua những gì được chép trong Thánh Kinh.
Chúa dạy các môn đệ am hiểu Thánh Kinh viết về Người như thế nào rồi mới sai các ngài đi rao giảng Tin Mừng. Rao giảng một Đấng đã chịu tử nạn và phục sinh như Thánh Kinh chép về Người, chứ không phải rao giảng một vị chúa nào đó theo những gì suy luận ra.
Ngày nay, một số người dù mang danh Công Giáo, nhưng sự mộ mến Lời Chúa còn rất hạn chế, và vì không quan tâm đến Thánh Kinh, nên họ hiểu biết các méo mó về Thiên Chúa, tôn thờ một Thiên Chúa theo ý họ, tìm một Thiên Chúa dễ dãi, kiếm một Thiên Chúa trong những thứ “văn hóa” tạp nham khác, chứ không phải tìm một Đấng Phục Sinh đã chịu Tử Nạn như Thánh Kinh loan báo.
“Không ai cho cái mình không có” – Muốn rao giảng Lời Chúa mà không biết gì về Thánh Kinh thì làm sao rao giảng đúng được? Không có Chúa thì làm sao đem Chúa đến cho tha nhân được. Đành rằng cần đời sống chứng nhân, nhưng đời sống chứng nhân đó phải phát xuất từ một con người đầy Chúa, mà chỉ có Thánh Kinh mới nói về Thiên Chúa đúng nhất. Mãi mãi, câu nói của thánh Hiêronymô vẫn luôn giá trị: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”.
Lạy Chúa Giêsu, ngày xưa trước khi Chúa sai các tông đồ đi rao giảng và làm chứng cho Chúa, Chúa đã mở trí cho các ngài am hiểu Thánh Kinh; thì giờ đây, xin Chúa cũng mở lòng trí chúng con, để chúng con am hiểu Lời Chúa cách đúng đắn, hầu có thể đem Tin Mừng Phục Sinh đến cho những người chúng con gặp gỡ. Amen.
THỨ SÁU TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
+ ĐỌC TIN MỪNG: Ga 21,1-14
Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư? ” Các ông trả lời: “Thưa không.” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó! ” Vừa nghe nói “Chúa đó! “, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.
Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây! ” Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn! ” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai? “, vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.
+ SUY NIỆM
Theo trình thuật của tác giả Tin Mừng thứ IV, cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh hôm nay với các môn đệ là lần hiện ra thứ ba (số đông) sau khi từ cõi chết sống lại. Cuộc hiện ra với nhiều môn đệ lần thứ ba này không còn ở Giêrusalem nữa, mà là về miền Bắc nơi có biển hồ Galilê, theo như những gì Người đã báo trước.
Galilê là nơi Chúa Giêsu khởi sự rao giảng Tin Mừng và chọn các môn đệ, thì nay sau khi sống lại, Chúa Giêsu cũng mời gọi các môn đệ bắt đầu từ đây mà làm chứng cho Người “bắt đầu từ Galilê cho đến tận cùng trái đất”.
Theo tường thuật của tác giả Tin Mừng, chúng ta gặp thấy một số chi tiết mang tính biểu tượng sau đây:
– Trước hết, điều chắc chắn là hôm nay các môn đệ đã tụ tập về đây theo cuộc hẹn trước của Thầy. Thầy đã nói điều này trước khi bước vào cuộc tử nạn và sau khi Phục Sinh cũng đã nhắc đi nhắc lại để hẹn các ông về gặp nhau ở Galilê (Mt 26,32; 28,7.10; Mc 14,28; 16,7). Và có lẽ chờ Thầy chưa đến, các ông rủ nhau làm một chuyến đánh cá hồi nhớ nghề cũ và kiếm cái để ăn. Tin mừng kể rằng các môn đệ vất vả suốt đêm mà không bắt được gì, cho tới sáng Chúa hiện ra và bảo hãy thả lưới vào bên phải mạn thuyền. “Thả lưới vào bên phải thuyền” thiết nghĩ không có gì mới, và những tay nghề như Phêrô hay Anrê có lẽ cả đêm cũng đã thả lưới đủ bên trái hay bên phải rồi. Thực ra, những chi tiết như “vất vả suốt đêm”, “trời sáng Chúa Giêsu đến” và “thả bên phải mạn thuyền” mang ý nghĩa biểu tượng. Đặc biệt hình ảnh “bên phải mạn thuyền” gợi nhớ sự kiện một tên lính đã dùng giáo đâm vào cạnh sườn phải Chúa Giêsu làm máu và nước chảy ra. Với sức riêng ỷ lại vào khả năng mình và mò mẫm trong bóng tối, công việc truyền giáo (bắt cá) của các mnôn đệ hoàn toàn thất bại, cho tới khi có ánh sáng Đấng Phục Sinh đến, và khi bắt đầu truyền giáo bằng Tình Yêu từ cạnh sườn của Đấng Phục Sinh thì kết quả mới bội thu.
– Chi tiết khi các môn đệ bước lên bờ, thì đã có cá nướng sẵn, nhưng Chúa Giêsu bảo đem cá các ông vừa mới bắt được đến nữa cũng mang một ý nghĩa biểu tượng. Đấng Phục Sinh không dọn sẵn cho các môn đệ tất cả, nhưng cần sự cộng tác của các ông. Thiên Chúa ghi nhận công lao vất vả của con người, để cùng kết hợp trong hy tế của Chúa Giêsu đem lại ơn cứu độ cho muôn dân.
– Lưới đầy những CÁ LỚN, được 153 con mà lưới không bị rách: Các nhà chú giải vẫn xem con số 153 là tượng trưng cho 153 loài cá dưới biển. Cũng cần phải nói thêm rằng, chi tiết “lưới nhiều cá thế mà không bị rách, thuyền chở nặng gần chìm mà không chìm” cũng là một ý nghĩa biểu tượng mà tác giả Tin Mừng muốn chuyển tải. Giáo Hội quy tụ muôn dân nhưng vẫn đủ chỗ, không bao giờ thiếu chỗ cho các công dân gia nhập Nước Trời, và ân sủng của Thiên Chúa mà các chứng nhân mang đến cho mọi người không bao giờ bị vơi.
– Cuối cùng, hình ảnh tông đồ trưởng Phêrô khoác áo vào và nhảy xuống biển, cũng gợi lại hình ảnh Chúa Giêsu mang lấy chiếc khăn để quỳ xuống rửa chân, nhiệm ý diễn tả các sứ giả Tin Mừng là phải mang lấy sự phục vụ của Chúa để đến với mọi người giữa biển đời bao la.
Tóm lại, rao giảng về đấng Phục Sinh phải khởi đi từ Tình Yêu nơi trái tim (cạnh sườn) Chúa chứ không phải từ sức riêng mình; rao giảng bằng sự cộng tác chính mình với ân sủng Chúa chứ không ỷ lại vào Chúa. Đặc biệt, rao giảng bằng phục vụ chứ không phải để được phục vụ.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin dạy chúng con biết làm cho ánh sáng phục sinh của Chúa chiếu toả trên mọi người bằng chính đời sống phục vụ của chúng con. Amen.
THỨ BẢY TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 16,9-15
Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.
Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.
Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.
+ SUY NIỆM
Đây là bản tường thuật duy nhất của thánh sử Máccô về biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Bài tường thuật ngắn gọn nhất nhưng lại tóm tắt tất cả các cuộc hiện ra. Thánh sử Máccô nói rõ rằng, các môn đệ không tin Chúa sống lại qua những người đã gặp Chúa kể lại, mà các ngài chỉ tin khi chính các ngài tận mắt chứng kiến Chúa Giêsu hiện đến với mình. Từ đó, các ngài nhận lệnh truyền ra đi rao giảng minh chứng về những điều mắt thấy tai nghe và lòng cảm nhận về Đấng Phục Sinh.
– Chính sự cứng lòng tin của các Tông Đồ và môn đệ mà đức tin của chúng ta được củng cố chắc chắn hơn.
Các tông đồ và môn đệ Chúa Giêsu không dễ gì tin vào việc Thầy đã phục sinh, dứt khoát không dựa vào tin đồn, chỉ khi đã được gặp chính Thầy bằng xương bằng thịt, được chính Thầy mở trí cho hiểu Thánh Kinh rồi các ông mới tin, từ đó các ông xả thân rao giảng Tin Mừng và sẵn sàng chết để minh chứng niềm tin đó. Chính vì vậy, có thể nói được rằng, điều đáng trách về sự cứng lòng của các Tông Đồ và môn đệ Chúa Giêsu trước khi gặp Thầy sống lại và sự xả thân đổ máu làm chứng cho Đấng Phục Sinh là bằng chứng củng cố cho đức tin của chúng ta ngày hôm nay vào sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô.
– Niềm tin vào sự Phục Sinh chỉ thật chắc chắn và mạnh mẽ khi chúng ta gặp được chính Đấng Phục Sinh, chứ không phải chỉ nghe nói hay qua những tin đồn.
Đây cũng là điều giúp chúng ta phân định đâu là thật đâu là giả về những thứ mặc khải ngày hôm nay được tuyên truyền nhan nhản khắp nơi: Nếu mặc khải nào cho thấy Chúa Giêsu trong Thánh Kinh, trong các bí tích và theo hướng dẫn của Giáo Hội được Chúa Giêsu ủy thác thì tin, còn những tin đồn không qua huấn quyền Giáo Hội thì nên tránh xa. Tuy nhiên, không ít trong chúng ta lại dễ bị những thứ lạ lẫm kia mê hoặc.
– Tin vào Chúa Phục Sinh không phải tin rồi ngồi đó, mà là phải đem Tin Mừng ấy đến cho tha nhân, như trong bài Tin Mừng hôm nay nói lên điều đó.
Sau khi hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu bảo các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).
Niềm vui Phục Sinh cần được diễn tả bằng đời sống chứng nhân, ánh sáng Phục Sinh phải được chiếu tỏa ra cho muôn dân. Ánh sáng tự nó phải phản chiếu – không có niềm vui Phục Sinh thật nếu không ra đi loan báo Tin Mừng.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một niềm tin sắt đá vào sự Phục Sinh, để chúng con hăng hái đem Tin Mừng Phục Sinh đến cho mọi người chúng con gặp gỡ. Amen
Hiền Lâm.