22-02: Lập tông tòa thánh Phê-rô, lễ kính
Các bài suy niệm: Hiền Lâm
+ ĐỌC TIN MỪNG: Mc 1,12-15
Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.
Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
+ SUY NIỆM
“KHỞI ĐẦU SỨ VỤ”
Khác với thánh sử Mátthêu và Luca tường thuật cách chi tiết về cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc, thánh sử Máccô lại chỉ giới thiệu cách vắn tắt việc Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ có đi vào chịu cám dỗ, nhưng chỉ dừng lại ở con số thời gian chịu cám dỗ mà không nói gì về cách thức mà satan bày ra để cám dỗ Đức Giêsu. Đồng thời, liền sau đó, thánh sử Máccô nói ngay đến sứ điệp đầu tiên của việc rao giảng: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Như thế, tác giả muốn gắn liền việc giữ chay với việc canh tân đời sống và tin, cùng nghĩa là cần tin vào Thiên Chúa mới có được khá năng hoán cải đích thực.
Dù không kể chi tiết, nhưng con số thời gian 40 ngày chay tịnh của Đức Giêsu vẫn được thánh sử Máccô nhắc đến, cho thấy con số tượng trưng này mang một ý nghĩa lớn trong chương trình cứu độ của Đức Giêsu: Một sự khởi đầu như Môisê hay Êlia xưa lên núi của Đức Chúa 40 ngày đêm (x.Xh 24,18; 1V 19,8). Con số 40 ngày chay tịnh là thời gian có giá trị tượng trưng cho 40 tuần thai nghén, thời gian chuẩn bị cho một cuộc sinh nở mới, mà đối với Đức Giêsu đang chuẩn bị sinh ra một nhân loại mới, một cuộc tân sáng tạo. Con số 40 còn gợi lại 40 năm trong sa mạc mà dân Israel đã ngã gục muốn quay lại với nồi thịt dưa hành, thờ bò vàng và bao lần kêu trách Thiên Chúa. Còn hôm nay cũng những cám dỗ ấy Đức Giêsu đã thắng.
Việc chay tịnh bốn mươi ngày không chỉ hệ tại ở việc kiêng bớt chuyện ăn uống, mà là một sự thanh luyện thay đổi nếp sống mình, một sự ra khỏi những gì không còn thích hợp, một sự loại bỏ đường lối và quan niệm cũ… Đó mới chính là những điều thánh sử Máccô nhắm tới khi tường thuật rất súc tích việc Chúa Giêsu được Thần Khí đẩy vào hoang địa để chịu cám dỗ hôm nay:
– Chúa Giêsu được đẩy vào hoang địa, nghĩa là Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần để trải nghiệm với một hoàn cảnh theo ý của Thiên Chúa, được đầy Thánh Thần để khởi đầu sứ vụ. Cũng thế, mỗi chúng ta sống dưới tác động của Chúa Thánh Thần khi bước vào thời gian ân phúc, với một sự trải nghiệm thiêng liêng thuận theo ý Chúa.
– Hoang địa ở đây không hẳn là một địa dư, nhưng là một hoàn cảnh mà Chúa Giêsu phải đối diện, là một khung cảnh xã hội và tôn giáo cũ; vào hoang địa còn mang ý nghĩa là Chúa Giêsu tách biệt ra khỏi cái hệ thống thiết chế Do-thái Giáo, là không chia sẻ các nguyên tắc giá trị giả dối do hệ thống Do-thái đặt ra… và là nơi Chúa Giêsu thực hiện cuộc vượt qua. Cũng vậy, bước vào thời gian chay tịnh, là chúng ta sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, là ra khỏi những gì không hợp với Tin Mừng, là thời gian chúng ta thực hiện cuộc biến đổi “vượt qua’ với Chúa.
– Các đối tượng xuất hiện như: Satan, dã thú và thiên thần được thánh sử Máccô nói tới trong trình thuật cũng mang tính biểu tượng:
Satan (dựa theo Mc 8,33) không nhất thiết là một hữu thể thần linh, mà là một tinh thần đối nghịch với ý Chúa. Có thể hiểu đây là những thế lực tôn giáo (Do-thái) đương thời có thể làm lung lạc chương trình cứu độ của Chúa Giêsu.
Dã thú (dựa theo Đn 7), có thể hiểu như là những quyền lực chính trị và ý thức hệ từ các đế quốc ngoại giáo gây ảnh hưởng, áp lực và tách động vào công cuộc của Chúa Giêsu.
Các thiên sứ (chữ Angelos trong tiếng Hi-lạp dịch là các sứ giả), dựa theo Mc 1,2 và 2,4 được hiểu như là một con người chứ không hẳn là một hữu thể thần thiêng. Có thể nói, thiên sứ ở đây mang tính biểu tượng cho những nhóm người xuất hiện trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, gắn bó, phục vụ và cộng tác với Người.
Một sự may mắn ở đây là khi đi vào sứ vụ của Chúa Giêsu, khi phải đương đầu với Satan và dã thú, thì cũng có các thiên sứ hầu cận. Nghĩa là giữa muôn trùng vây của thiết chế tôn giáo, chính trị, xã hội, giả dối… thì vẫn còn có những tâm hồn yêu mến gắn bó đồng hành, và Chúa Giêsu đã vượt lên trên tất cả, không chia sẻ sự giả tạo và giả dối của cái hệ thống thiết chế đó. Chúng ta cũng thế, khi bước vào hành trình theo Chúa, sống đời Kitô hữu, chúng ta phải đối diện với đủ thứ sự bủa vây như: quyền lực, bó buộc, môi trường, hoàn cảnh, đam mê, giả dối… Mùa Chay này, chúng ta được mời gọi vượt lên trên tất cả những cám dỗ và áp lực đó, không thỏa hiệp hay bị lung lạc theo nó, để cùng theo hành trình vượt qua với Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, Mùa Chay thánh giúp chúng con trở về với sa mạc nội tâm, để thấy mình đang ở đâu trong đường lối Chúa. Xin cho chúng con từ bỏ những đam mê thể xác, từ bỏ cái tôi và quyết tâm chọn Chúa là gia nghiệp cuộc đời. Amen
+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 25,31-46
“Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu? ” Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.” Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu? ” Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.” Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.”
+ SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu gợi lên hình ảnh của toà phán xét cuối cùng, để dạy chúng ta sống tinh thần tương thân tương ái với hết mọi người. Đó cũng là tinh thần Mùa Chay đích thực mà Giáo Hội mời gọi chúng ta.
Tính liên đới trách nhiệm với đồng loại, hay còn gọi là làm phúc bố thí, là một trong ba hành động phải có của Mùa Chay (ăn chay, cầu nguyện và bố thí). Hành động làm phúc này là đòi hỏi căn bản để được thưởng hay phạt trong ngày chung thẩm mà Chúa Giêsu xác định ngay từ bây giờ cho chúng ta:
* Một sự phân định dứt khoát
Được phân biệt ra hai hạng người lành và dữ, như chiên và dê; chứ không còn hâm hẩm nửa vời không nóng không lạnh, không chiên mà cũng chẳng dê.
Thánh Gioan Tông Đồ từng nói về việc Chúa phán với hạng người sống kiểu nửa vời trong sách Khải Huyền rằng: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3,15-16).
Thái độ sống đạo của nhiều người ngày hôm nay cũng thế, chiên không ra chiên dê không ra dê, sống kiểu nửa đời nửa đạo, Chúa cũng muốn mà thần tài cũng ham, (hifi bên nào cũng muốn, tu cũng muốn mà tình cảm yêu đương cũng ham…).
Chúa sẽ xét xử chúng ta cách dứt khoát trong ngày chung thẩm, nhưng Chúa cũng muốn chúng ta cần một sự lựa chọn cho việc sống đạo ngày hôm nay, nhất là tinh thần sống Mùa Chay cần xác định chúng ta đang chọn Chúa hay chọn ma quỷ cùng những quyến rũ của nó.
* Một thực tế sống chứ không phải trừu tượng.
Bác ái cần hành động chứ không phải lý thuyết. Chúa kể ra sáu tình cảnh rất thực tế và là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống chứ không phải chuyện cao xa trừu tượng: Đói, khát, khách lạ, đau yếu, trần truồng, tù đày. Nghĩa là đối tượng chúng ta nhắm đến là những thân phận đang cần chúng ta hơn hết. Đó cũng là điều mà ngôn sứ Isaia đã nói đến: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” (Is 58, 6-7).
Điều đặc biệt hơn cả là Chúa Giêsu đồng hoá mình trong những thân phận bất hạnh đó. Những tình cảnh của những con người đau khổ kia lại là hiện thân của Chúa Giêsu và là cơ hội cho chúng ta gặp Chúa: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.”
* Tình liên đới.
Đặt mình vào viễn cảnh phán xét chung, có lẽ những người lành hay dữ đều chung một suy nghĩ là Vua Giêsu sẽ hỏi: Con cháu ai? Làm nghề gì? Chức vụ gì? Học hành cao hay mù chữ…? Hay đọc bao nhiêu kinh, hành hương bao nhiêu lần, đóng góp hoặc xây bao nhà thờ…? Nhưng không ngờ Vua chỉ hỏi: Các ngươi có chia phần của các ngươi cho kẻ đói nghèo, rách rưới, khách lạ hoặc tù đày không? Và kết cuộc, các người ăn thịt Chiên Con cũng đâu có nhớ họ đã ăn bao nhiêu lần, mấy chục ký… nhưng Thần Khí soi sáng cho họ biết là họ chưa hề quên san sẻ cho tha nhân. “Bé cái lầm”, nhưng cái lầm của người bên hữu thật có phước.
Tóm lại, ba việc trong Mùa Chay là ăn chay, cầu nguyện và làm phúc; xét theo tương quan là với chính mình, với Chúa và với tha nhân. Nhưng chính việc thi ân làm phúc bố thí cho đồng loại lại chính là làm cho Chúa như Chúa Giêsu đã khẳng định qua bài Tin Mừng hôm nay. Thể hiện tình liên đới qua việc làm phúc đóng vai trò quyết định cho phần rỗi chúng ta khi ra trước toà phán xét.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đồng hoá mình nơi những người bé nhỏ bất hạnh trên mọi nẻo đường, đang mong chờ sự tấm lòng quảng đại của mỗi người chúng con. Xin mở mắt tâm hồn chúng con để chúng con nhận ra Chúa nơi họ mà sẵn sàng chia sẻ trong khả năng của mình. Amen.
+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 6,7-15
“Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.
“Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:
“Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;
xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con;
xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.
“Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.
+ SUY NIỆM
Cầu nguyện được ví như hơi thở, là hoạt động căn bản của đời sống tâm linh. Cầu nguyện đối với người Công Giáo là tâm tình con thảo với Cha trên trời, là thể hiện niềm tin và phó thác cho sự an bài quan phòng của Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy các môn đệ một phương thế tuyệt hảo khi cầu nguyện, đó là Kinh Lạy Cha. Lời kinh tuyệt hảo này bao gồm hai điều kiện chính yếu:
* Thao thức cho Nước Chúa hiển trị.
Chúa Giêsu dạy trước khi cầu xin bất cứ điều gì cho chính mình,
chúng ta phải đặt Thiên Chúa, sự vinh hiển và tôn trọng của Ngài lên hàng đầu, đặc biệt vâng theo Thánh Ý Người và thao thức cho nhiều người nhận biết Chúa. Chỉ sau khi dành cho Chúa chỗ của Ngài, bấy giờ các điều khác mới có chỗ xứng hợp.
Lời cầu nguyện bắt đầu bằng xưng nhận Thiên Chúa là Cha. Đó là đặc tính của mọi lời Kitô hữu thưa với Chúa.
Chúng ta không đọc Lạy Cha của con, mà đọc Lạy Cha chúng con. Như thế lời kinh này không phải chỉ nói lên mối liên hệ giữa chúng ta đối với Thiên Chúa, mà còn nói lên mối liên hệ giữa chúng ta đối với nhau. Thiên Chúa là Cha, cho nên tất cả chúng ta đều là anh em với nhau. Kinh Lạy Cha không chỉ tỏ lộ cho chúng ta tình phụ tử, mà còn tỏ lộ cho chúng ta tình huynh đệ.
Nước Cha được hình dung là vương quyền tối cao của Thiên Chúa, nên ý Cha phải được thể hiện khắp mọi nơi, vì ý Cha là khôn ngoan và yêu thương. Nơi nào ý Cha hiển trị thì tràn ngập tình yêu Ngài. Đó là một vương quốc hoà bình và đầy tình thương.
* Xin cho những nhu cầu vật chất và tinh thần.
– Nhu cầu vật chất: Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu xin lương thực mỗi ngày dùng đủ. Người không bảo chúng ta xin cho có dư thừa. Lời cầu nguyện Người dạy cũng không thu hẹp lại theo kiểu ích kỷ, Người dạy xin cho “chúng con”, tức là tất cả những ai đang cầu nguyện.
– Nhu cầu tha thứ: Khi cầu nguyện chúng ta không thể làm gì hơn là xin ơn tha thứ, vì dù con người tốt nhất trong chúng ta cũng chỉ là một tội nhân trước sự thánh thiện của Thiên Chúa. Và điều kiện được Chúa tha thứ cho mình là chính mình cũng phải tha thứ cho anh em. Khi gọi Chúa là Cha chúng con, thì cũng đồng nghĩa mọi người là anh em với nhau con cùng một Cha trên trời. Đã là anh em thì chúng ta có bổn phận phải yêu thương, phải tha thứ, phải hoà giải cùng nhau.
– Nhu cầu ơn thánh: Thiên Chúa không đẩy chúng ta vào cám dỗ với mục đích làm cho chúng ta rơi vào tội lỗi. Nhưng Ngài có thể thử thách chúng ta, có thể thử sự bền vững và chắc chắn của chúng ta. Cám dỗ khọng hẳn là quyến rũ phạm tội mà còn bao gồm mọi hoàn cảnh khiến con người bị thử thách về đức độ, thanh liêm, lòng tín trung. Chúng ta không thể trốn tránh những hoàn cảnh đó, nhưng chúng ta có thể thắng nó nhờ ơn Chúa ban.
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
+ ĐỌC TIN MỪNG: Lc 11,29-32
Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.
+ SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nại đến hai chứng cớ Cựu Ước để lên án sự thờ ơ với Lời Chúa và sự cứng lòng của dân Do Thái không chịu sám hối ăn năn:
* Sự thờ ơ trước Lời rao giảng.
Chúa Giêsu gợi lại hình ảnh nữ hoàng phương Nam khi nghe tin về sự khôn ngoan mà Thiên Chúa đã ban cho vua Salômon để ngài xử kiện và cai trị dân Do Thái, nữ hoàng đã tìm đến để được lắng nghe lời Salômon nói, và bà ca tụng Thiên Chúa đã ban sự khôn ngoan cho vua. Ấy thế mà chính Đấng là nguồn mạch sự khôn ngoan đã ban ơn ấy cho Salômon xưa, nay Người đang hiện diện bằng xương bằng thịt trước mặt họ, rao giảng cho họ Lời Thiên Chúa mà họ vẫn bàng quang phớt lờ.
Sự thờ ơ này cũng đang là tình trạng nơi không ít người trong chúng ta, hằng ngày chúng ta được nghe Lời Chúa qua nhiều phương tiện, nhiều cách thế, và đặc biệt là trong thánh lễ, trong những lời rao giảng của các mục tử… Thế nhưng, chúng ta tỏ ra hững hờ hoặc không mặn mà gì với Lời Chúa, không có thái độ hâm mộ và yêu mến, thậm chí coi những thứ khác hấp dẫn hơn.
* Không ăn năn hối cải
Ngày xưa, ngôn sứ Giona được Chúa sai đến thành Ninivê, loan báo thành này sắp bị phá huỷ. Dân Ninivê từ vua tới dân (thậm chí cả súc vật) đã ăn chay, mặc vải thô, xức tro lên đầu và thống hối ăn năn, cuối cùng được Chúa thứ tha. Ấy thế mà, hôm nay Đấng là Thiên Chúa (cao trọng khôn vời so với Giona) đang kêu gọi : “Hãy ăn năn sám hối, vì Nước Thiên Chúa đã gần”. Người Do Thái đã không đón nhận và không chịu sám hối, cải thiện đời sống mà trở về với Thiên Chúa.
Đó cũng là thái độ của nhiều người trong chúng ta, vẫn thả mình buông theo tội lỗi và làm bao nhiều sai trái trong “bóng tối”. Lời Chúa hôm nay mời gọi những ai đang sống trong tội, hãy mau ăn năn thống hối, bỏ đường tội lỗi, tìm về với Thiên Chúa qua bí tích Giao Hoà và đón nhận ơn tha thứ của Chúa, hầu cuộc đời chúng ta được đổi mới và nên thánh thiện.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con vẫn thường than trách dân Do Thái xưa cứng lòng, nhưng nhìn lại mình, chúng con lại không nhận ra Chúa đang kêu gọi chúng con hoán cải mỗi ngày qua Lời Chúa mà chúng con luôn có cơ hội tiếp xúc. Xin cho chúng con trong mùa chay thánh này, biết ham mộ Lời Chúa hơn, để nhờ ánh sáng Lời Chúa soi dẫn, chúng còn thực tâm hoán cải và trở nên con người mới. Amen.
02-02: Lập tông tòa thánh Phê-rô, lễ kính
+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 16,13-20
Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai? ” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ” Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.
+ SUY NIỆM.
Gần đâycó một số anh chị em Tin Lành (quá khích) lên án rằng, Giáo Hội Công Giáo lập ra một cái lễ để ăn mừng một cái ngai và để tôn thờ nó như ham thích quyền lực.
Không phải thế, Giáo Hội Công Giáo mừng lễ này như là một sự kiện nhớ về nguồn gốc việc thánh Phêrô được Chúa Giêsu chọn làm người đứng đầu săn sóc Giáo Hội chiến đấu và là nơi nối kết sự hiệp nhất bằng mối dây liên kết đức tin. Giáo Hội cũng mừng lễ này nhằm nói lên lòng tôn kính với quyền tối thượng của đấng kế vị thánh Phêrô, tính duy nhất và tông truyền của Giáo Hội, đồng thời mời gọi con cái Giáo Hội khắp nơi hiệp thông cầu nguyện cho Đức Thánh Cha đương nhiệm. Chung quy lại, ngai toà Phêrô nói lên sự kiên vững và quyền bính Chúa ban cho Giáo Hội của Người. Đó cũng là nội dung của bài Tin Mừng hôm nay.
Thánh Matthêu kể lại việc Chúa Giêsu trao quyền mục tử tối cao cho thánh Phêrô để chăn dắt đoàn chiên – lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ – sau khi nghe lời tuyên xưng thật đúng đắn của thánh nhân. Điều này cho thấy chỉ có ở nơi Giáo Hội mới có lời tuyên xưng đúng đắn nhất về thiên tính của Đức Giêsu Kitô, vì Giáo Hội đã sống với Người và được mặc khải từ Thiên Chúa.
* Giáo Hội bền vững.
“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).
Theo truyền thống Cựu Ước, khi Thiên Chúa đặt tên cho ai là để chuẩn bị cho họ một sứ vụ, thì đây, Chúa Giêsu ngay từ đầu đã đổi tên Simon thành Phêrô, nghĩa là đá. Đá ở đây không phải vô tri vô giác, nhưng nói lên một kết cấu nguyên khối và bền vững. Để rồi, trên tảng đá Phêrô, Chúa Giêsu xây Giáo Hội của Người một cách duy nhất và kiên vững, hầu quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.
Chúa Giêsu đã từng ví dụ về sự khôn ngoan hay khờ dại giống như người xây nhà mình trên đá hay trên cát. Nhà xây trên đá thì dù mưa sa nước chảy, gió thổi bão lay cũng không sao. Đó là hình ảnh Giáo Hội Chúa Kitô trải qua bao thế kỷ, gặp bao nhiêu thử thách, yếu đuối, bách hại và phải đương đầu với bao thể chế, lý thuyết, ý thức hệ, ly lạc giáo, sự tục hoá… thì trên nền đá Phêrô, Giáo Hội vẫn kiên cường bảo vệ đức tin và chuẩn mực đạo lý Kitô giáo cho mọi dân tộc.
* Năng quyền Phêrô.
“Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời” (Mt 16,19).
Chìa khóa, theo Thánh Kinh, là biểu tượng của sự tin tưởng, uy quyền, và trách nhiệm. Chúa đã tin tưởng thánh Phêrô, trao cho người quyền hành và trách nhiệm để hướng dẫn Giáo Hội trên trần gian: “Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước Trời; sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở.”. Đây là một quyền hành thật cả thể. Vì bản chất của quyền hành ở đây theo từ ngữ chuyên biệt trong tiếng Do-thái có thể chỉ đến việc cầm buộc ma quỉ trong khi trừ quỉ, trong việc hành luật liên quan đến vạ tuyệt thông và trong những vấn đề phán quyết đức tin và luân lý.
Việc Chúa Giêsu trao chìa khoá Nước Trời cho thánh Phêrô cũng được hiểu như là biểu tượng Giáo Hội gìn giữ kho tàng ơn thánh và ơn cứu độ được đem đến qua Giáo Hội. Quyền này chỉ có nơi Chúa Giêsu, nhưng Người đã ban lại cho Giáo Hội qua quyền bính của vị đại diện Người. Ơn Cứu Độ từ Đức Kitô qua Giáo Hội của Người, bởi chỉ có Giáo Hội mới được mặc khải tròn đầy của Chúa Cha về Chúa Kitô (x.Mt 16,17), và chỉ có Giáo Hội mới nhận biết đúng đắn nhất về Chúa Kitô: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).
Theo nghĩa rộng, chìa khóa Nước Trời còn là hạt giống đức tin từ ngày lãnh nhận làn nước Bí Tích Rửa Tội giúp mọi Kitô hữu mở cửa bước vào kho tàng ân đức của Chúa nơi các bí tích. Sự đóng hay mở phụ thuộc vào việc bác ái hay khép kín của lòng người.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã xây dựng Giáo Hội trên nền đá là thánh Phêrô, Chúa cũng trao cho các đấng kế vị thánh Phêrô quyền bảo vệ đức tin, mối dây hiệp nhất và hướng dẫn đoàn chiên Chúa. Xin cho mọi người chúng con luôn biết quy phục Đức Thánh Cha, nhiệt thành xây dựng và làm phát triển Giáo Hội bằng đời sống chứng nhân theo phận vụ của mình, để Nước Chúa ngày một lan rộng khắp nơi. Amen.
+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 5, 20-26
“Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.
+ SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong phần mà Chúa Giêsu giải thích về sự kiện toàn lề luật. Mở đầu là một lời mời gọi các môn đệ và “dân mới” phải công chính hơn các kinh sư, không phải xét theo tiêu chí luân lý đạo đức, nhưng đòi hỏi phải gắn bó với Chúa và đặt sự công chính trên nền tảng là chính Người, thay vì chỉ hài lòng với sự công chính theo kiểu các kinh sư, tức là sự công chính dựa vào việc tuân giữ Luật Môsê.
– Về vấn đề giết người: Luật Môsê quy định kẻ giết người phải bị đem ra toà xử, và tuỳ nghi luật lấy lại sự công bằng đúng sai xét về mặt xã hội và được áp dụng mắt đền mắt răng đền răng khi phạm nhân đã hành động sai. Sự kiện toàn của luật Tin Mừng không chỉ dừng lại ở hành động cụ thể tay chân mới là tội, mà ngay cả việc giận hờn mắng nhiếc nhau đã xứng bị đem ra hội đồng và đáng phải sa hoả ngục rồi. Thật vậy, giết nhau không chỉ dừng lại ở thể xác, nhưng bằng lời lẽ và hiểm kế thâm độc còn đáng sợ hơn biết chừng nào…
– Sự kiện toàn không chỉ dừng lại ở tính tương quan con người, mà là thành tương quan đối với Thiên Chúa, xúc phạm đến nhau tức là xúc phạm đến Thiên Chúa và xứng đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.
Chúa Giêsu không dạy chúng ta bãi bỏ luật nhưng mặc cho luật một tinh thần mới, nghĩa là vượt qua sự giữ luật cách tiêu cực để thi hành cách tích cực trong Chúa Kitô: giữ luật không vì sự bó buộc phải làm mà là với cả sự tự do muốn làm vì lòng yêu mến Chúa và tha nhân, biến luật từ việc kìm hãm bản thân thành sự thanh thoát thánh hoá bản thân, giữ luật không dừng lại ở sự thể hiện ở ngoài mà là cả một tâm hồn ngay thẳng và trong sạch.
– Tính tương quan chiều dọc với Thiên Chúa lại lệ thuộc nơi tương quan với đồng loại. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta khi dâng lễ mà thấy mình còn bất hòa với ai thì để của lễ đó mà lo đi làm hoà trước đã… Nghĩa là việc giao hoà với nhau còn cấp thiết hơn cả việc dâng lễ, thậm chí phải đi bước trước đến với tha nhân để làm hoà dù chính mình là nạn nhân đi nữa.
– Hãy giải quyết với nhau khi còn dọc đường, đừng để khi đến toà rồi thì đã muộn. Cùng trong một ý tưởng trên, Chúa Giêsu nhắn nhủ chúng ta, bao lâu chúng ta còn thời giờ (trong thời đại chúng ta đang sống), hãy lo giao hoà với Chúa, với anh em và lo canh tân đời sống, đừng để khi phải ra trước toà chung thẩm, chúng ta không còn cơ hội để sửa sai nữa, và chúng ta sẽ phải đền trả nơi luyện tội cho tới khi đủ số đủ ngày (đồng kẽm cuối cùng).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết vâng theo lời dạy của Chúa, để hân hoan giữ luật Chúa và Hội Thánh truyền trong tinh thần yêu mến và liên kết trong Người, hầu cho luật không còn là gánh nặng, nhưng giúp chúng con nên giống Chúa hơn. Amen.
+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 5,43-48
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.
+ SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay xoay quanh chủ đề: “Hãy yêu thương kẻ thù và hãy cầu nguyện cho họ”. Đây quả là một lời dạy khó thực hiện nhất, nhưng là những môn đệ Chúa lại phải cố gắng thực hiện vì những lý do sau:
– Nếu chúng ta chỉ yêu những người yêu mình thì cũng có hơn gì dân ngoại và những người tội lỗi, họ cũng làm được và làm tốt hơn nữa là khác. Chúa Giêsu trên thập giá đã KÊU XIN CHÚA CHA tha thứ cho người đóng đinh mình, thánh Têphanô khi bị ném đá cũng CẦU XIN CHÚA tha thứ cho những kẻ bách hại… Đến lượt chúng ta là những Kitô hữu, chúng ta giống Chúa và khác với người ngoại chính là việc yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ.
– Cá tính của con người thật khó để yêu kẻ thù, ngay việc tha thứ và không trả thù đã là cao thượng lắm rồi, đàng này Chúa còn đòi hỏi chúng ta bước thêm một bước cao hơn nữa lên đỉnh hoàn thiện là YÊU KẺ THÙ và CẦU NGUYỆN CHO HỌ. Thật ra, dù khó, nhưng lại là một phương thế tuyệt hảo nhất có thể hoá giải được những mâu thuẫn giữa người với người. Vì khi, cứ tìm cách trả thù nhau thì thù hận càng ngày càng chồng chất từ đời cha sang con đời cháu và cả những dòng tộc trả thù đến trường kỳ. Nếu tôi trả thù được anh thì con anh tìm cách trả thù tôi và cứ như thế mãi mãi. Còn khi lấy ân để trả thù thì không những thù được hoá giải mà còn dễ nên bạn hữu của nhau và làm gương cho hậu thế.
– Bởi khi tha thứ là lúc được thứ tha. Mang trong mình sự hận thù, thì chính ta khổ trước, ăn không ngon ngủ không yên vì tức giận ấm ức, trằn trọc nghĩ kế trả đũa… Nhưng khi ta tha thứ thì không phải lo nghĩ gì và tâm hồn thanh thản, nhất là khi ta tha thứ thì ta không còn kẻ thù mà lại được bạn hữu. Tha thứ lại là một cách trả thù ngọt ngào nhất mà đối phương không ngờ, và làm cho chính đối phương dằn vặt vì nhận ra chính họ sai khi xúc phạm đến một người tốt, cuối cùng làm cho đối phương cảm kích và thay đổi thái độ.
– Lại nữa, khi sự tha thứ trong tương quan giữa người với người được thực hiện, lại chính là tiêu chuẩn Chúa xét công trạng cho chúng ta đáng được ân thưởng Nước Trời. Vì: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét, đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa tuyên án…” Lỗi lầm giữa chúng ta với nhau chẳng là gì so với lỗi phạm giữa chúng ta với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã ngàn lần tha thứ cho chúng ta thì đến lượt chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Chúa cho mưa xuống trên người lành cũng như kẻ dữ, thì tại sao chúng ta phải phân biệt thương ai ghét ai?
Vì thế, hãy nên hoàn thiện như Cha chúng ta trên trời là Đấng Hoàn Thiện.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đi đến tận cùng của sự tha thứ là cầu nguyện cho những kẻ đóng đinh Chúa. Xin cho chúng con cũng biết sẵn sàng tha thứ và cầu nguyện cho những ai gây đau khổ cho chúng con, để mỗi ngày chúng con nên giống Chúa hơn. Amen.
Hiền Lâm