THỨ HAI TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN
A, Theo Thường Niên
ĐỌC TIN MỪNG: Mt 12,38-42
Bấy giờ có mấy kinh sư và mấy người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ.” Người đáp: “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giô-na. Quả thật, ông Giô-na đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy. Trong cuộc phán xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa. Trong cuộc phán xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa.
Dấu lạ hay phép lạ chỉ hỗ trợ cho lời rao giảng và góp phần nâng đỡ niềm tin. Bởi vì khi đã thấy tỏ tường thì không còn là đức tin nữa, mà là một sự chấp nhận bất đắc dĩ không thể chối cãi. Nếu niềm tin chỉ dựa vào phép lạ sẽ rất nông cạn nhất thời và gặp khi thử thách sẽ bỏ cuộc. Chúa Giêsu và các tông đồ chỉ làm phép lạ khi cần thiết và hợp ý Thiên Chúa, các Ngài luôn từ chối thực hiện phép lạ theo đòi hỏi của con người. Thật vậy, Chúa Giêsu từ chối làm phép lạ khi Gioan và Giacôbê xin khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy Samari, cũng như Người không xuống khỏi thập giá khi bị các quan quân biệt phái thách thức…
Bài Tin Mừng hôm nay kể về việc biệt phái Pharisiêu đòi Chúa Giêsu làm một dấu lạ, nhưng Chúa Giêsu đã từ chối và lên án sự cứng lòng của họ. Người đã nại đến hai chứng cớ Cựu Ước để lên án sự thờ ơ với Lời Chúa và sự cứng lòng của dân Do-thái không chịu sám hối ăn năn:
* Sự thờ ơ trước Lời rao giảng
Chúa Giêsu gợi lại hình ảnh nữ hoàng phương Nam khi nghe tin về sự khôn ngoan mà Thiên Chúa đã ban cho vua Salômon để ngài xử kiện và cai trị dân Do Thái, nữ hoàng đã tìm đến để được lắng nghe lời Salômon nói, và bà ca tụng Thiên Chúa đã ban sự khôn ngoan cho vua. Ấy thế mà hôm nay chính Đấng là nguồn mạch sự khôn ngoan đã ban ơn ấy cho Salômon xưa, nay Người đang hiện diện bằng xương bằng thịt trước mặt họ, rao giảng cho họ Lời Thiên Chúa mà họ vẫn bàng quang phớt lờ.
Sự thờ ơ này cũng đang là tình trạng nơi không ít người trong chúng ta, hằng ngày chúng ta được nghe Lời Chúa qua nhiều phương tiện, nhiều cách thế, và đặc biệt là trong thánh lễ, trong những lời rao giảng của các mục tử… Thế nhưng, chúng ta tỏ ra hững hờ hoặc không mặn mà gì với Lời Chúa, không có thái độ hâm mộ và yêu mến, thậm chí coi những thứ khác hấp dẫn hơn.
Ngày xưa, ngôn sứ Giona được Chúa sai đến thành Ninivê, loan báo thành này sắp bị phá huỷ. Dân Ninivê từ vua tới dân (thậm chí cả súc vật) đã ăn chay, mạc vải thô, xức tro lên đầu và thống hối ăn năn, cuối cùng được Chúa thứ tha. Ấy thế mà, hôm nay Đấng là Thiên Chúa (cao trọng khôn vời so với Giona) đang kêu gọi : “Hãy ăn năn sám hối, vì Nước Thiên Chúa đã gần”. Người Do-thái đã không đón nhận và không chịu sám hối, cải thiện đời sống mà trở về với Thiên Chúa.
Đó cũng là thái độ của nhiều người trong chúng ta, vẫn thả mình buông theo tội lỗi và làm bao nhiều sai trái trong “bóng tối”. Lời Chúa hôm nay mời gọi những ai đang sống trong tội, hãy mau ăn năn thống hối, bỏ đường tội lỗi, tìm về với Thiên Chúa qua bí tích Giao Hoà và đón nhận ơn tha thứ của Chúa, hầu cuộc đời chúng ta được đổi mới và nên thánh thiện.
Lạy Chúa Giêsu, mỗi ngày chúng con vẫn được nghe Lời Chúa qua mọi phương tiện từ các trang tin công giáo đến cuốn Thánh Kinh trong gia đình, đặc biệt được nghe Lời Chúa và được nghe lời rao giảng trong các Thánh Lễ, nhưng có lẽ chúng con chưa thực sự để cho Lời Chúa thấm nhập và biến đổi chúng con. Xin cho chúng con biết tận dụng mọi phương thế có được để tiếp xúc với Lời Chúa hằng ngày, hầu được Lời Chúa biến đổi nên xứng đáng là một Kitô hữu thánh thiện. Amen.
b. Theo NGÀY TẠ ƠN CỦA HỘI DÒNG XITÔ THÁNH GIA NHÂN NGÀY GIỖ TỔ
ĐỌC TIN MỪNG: Mt 11,25-30
Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho”.
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”
SUY NIỆM
Mọi Kitô hữu đều có quyền tự hào vì được nhận biết Thiên Chúa và được làm con của Người cách trọn vẹn ngay từ lúc lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Chúng ta không chỉ dừng lại ở niềm vui được giải thoát tội nguyên tổ, mà vui mừng hơn là vì được làm con Thiên Chúa trong lòng Giáo Hội Công Giáo.
Hôm nay Chúa Giêsu vui mừng tạ ơn Chúa Cha đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những tâm hồn bé mọn, là hết những ai đón nhận và tin vào Người:
* Mầu nhiệm Thiên Chúa được mặc khải cho người bé mọn.
“Mặc khải” có nghĩa làm cho những gì đã giấu kín được tỏ lộ ra, mang ra ánh sáng những gì đang ở trong bóng tối, hay làm cho một người hiểu những gì họ chưa biết hay còn mù mờ.
Chúa Giêsu so sánh giữa những người khôn ngoan thông thái với kẻ bé mọn để dạy mọi người cần có thái độ của trẻ thơ: tin tưởng, khiêm nhường, ham học hỏi, để Người chuyển thông cho họ những kiến thức về Thiên Chúa. Bởi vì, thái độ kiêu hãnh và nghi ngờ sẽ ngăn cản người ta nhận ra những gì Thiên Chúa muốn mặc khải cho.
Để hiểu Mầu Nhiệm Nước Trời, con người cần có thái độ khiêm nhường: trông cậy hoàn toàn vào Thiên Chúa chứ không phải ỷ vào sức mình.
Đức tin ở một cấp độ cao hơn lý trí, không lệ thuộc vào lý trí, nhưng lý trí có thể làm sáng tỏ đức tin. Thay vì giản lược một Thiên Chúa khôn ngoan uy quyền vào lý trí hạn hẹp; con người phải ra sức cầu xin để Thiên Chúa ban cho hiểu được phần nào sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa. Chứ không phải biết được chút gì thì đã kiêu ngạo nhân danh khoa học để bác bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa, hoặc không hiểu được một vấn đề thì lại cho là vô lý mà không nhận ra cái giới hạn của mình.
Biết Thiên Chúa không chỉ hiểu là nhận biết, mà còn là một sự liên kết thân thiết với nhau. Biết Đức Giêsu là ai là điều cốt yếu đối với chúng ta, vì điều mà Người ban tặng cho chúng ta là vô giá: đó là được thông phần sự sống của Thiên Chúa. Nhưng nếu Đức Giêsu không đến từ Thiên Chúa và không là Thiên Chúa thì lời hứa đó chẳng có giá trị gì. Chính vì vậy mà phải khám phá ra cho được Đức Giêsu là ai, vì nhờ đó mà chúng ta tìm thấy ơn cứu độ.
Được biết Thiên Chúa và nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai thật không dễ dàng, bởi vì việc nhận biết Thiên Chúa và tin vào Chúa Giêsu không phải do trí hiểu hay thực nghiệm khoa học, mà là một ân ban của Thiên Chúa, như Chúa Giêsu đã nói: Không ai thấy Thiên Chúa bao giờ nếu Chúa Con không mặc khải cho, và cũng không ai đến được với Chúa Con nếu Chúa Cha không lôi kéo họ”.
Mọi tín hữu khi nghe lời này của Chúa Giêsu, thật là hạnh phúc khi được biết Thiên Chúa là Cha và tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ và là Chúa của mình.
* Đến với Chúa để được nâng đỡ bổ sức cho.
Có hai thứ gánh nặng: gánh nặng lề luật và gánh nặng cuộc đời:
*Gánh nặng lề luật là thời Chúa Giêsu, Do-thái giáo có bộ luật phải giữ chi li hơn 600 điều mà Biệt phái chất lên cổ dân. Luật Chúa lẽ ra phải đem đến niềm vui hạnh phúc, thì lại trở thành “những gánh nặng chất lên vai. Chính vì thế, mà Chúa Giêsu mời gọi dân theo Người vượt qua tinh thần câu nệ lề luật, đặt niềm tin vào luật mới yêu thương, để tìm được “sabát’ đích thực là được nghỉ ngơi trong tâm hồn, được hưởng sự bình an sâu xa của người được cứu độ, để bắt đầu cuộc sống mới trong Thần Khí.
*Gánh nặng cuộc đời là: Gánh nặng gắn liền với phận người, gánh nặng gia đình, gánh nặng nghề nghiệp, gánh nặng tuổi tác; gánh nặng buồn đau của quá khứ, gánh nặng của yếu đuối hiện tại, gánh nặng lo âu cho tương lai… Gánh nặng vì bi quan thất vọng và lo âu, gánh nặng của khó khăn chán chường và mệt mỏi. Gánh nặng của ham muốn vật chất, của đam mê xác thịt, của các tật xấu kìm hãm con người ta… Chúa mời gọi chúng ta hãy tìm về với Bí Tích Giao Hoà, tìm về với giây phút lắng đọng bên Thánh Thể, tìm về với của ăn tinh thần là Mình Máu Chúa trong thánh lễ, để được người nâng đỡ và bổ sức cho.
Ách của lề luật và cuộc đời đã đè nặng trên chúng ta, bây giờ chúng ta được mời gọi mang lấy chính Chúa. Chúa không vác thay chúng ta, nhưng cùng vác với chúng ta và nâng đỡ bổ sức cho chúng ta.
Hình ảnh cái ách, tức là cái được đặt lên trên cổ con bò, con trâu, con lừa hay con ngựa để nó kéo xe hoặc kéo cày. Nói lên một kiếp nô lệ và vất vả, nhưng cũng là đầu kéo mọi thứ tiến lên hoặc làm cho một thửa đất tơi xốp phát sinh nhiều hoa trái mới. Chúa Giêsu đã tự huỷ hạ mình xuống làm thân nô lệ (x. Pl 2,6-11). Chúa chấp nhận kiếp người để cùng mang lấy cái ách lề luật của xã hội với chúng ta và cùng mang lấy kiếp lầm than vất vả của chúng ta. Và Chúa cũng kéo chúng ta tiến về phía trước là Nước Trời, làm cho chúng ta phát sinh hoa trái trong Chúa Thánh Thần.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết học với Chúa sự khiêm tốn và hiền hậu, là vui lòng đón nhận gánh nặng của cuộc đời; kết hợp với Ngài để được bổ sức và cùng Ngài vượt lên, chứ không phải tìm cách né tránh để rồi tuyệt vọng và hư mất. Amen.
THỨ BA TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN
Ngày 25/07: LỄ KÍNH THÁNH GIA-CÔ-BÊ TÔNG ĐỒ
ĐỌC TIN MỪNG: Mt 20, 20-28
Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến gặp Đức Giê-su, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà: “Bà muốn gì? ” Bà thưa: “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không? ” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Đức Giê-su bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được.”
Nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó. Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.”
Người ta thường nói: “tốt khoe xấu che”. Khi tưởng nhớ về ai mà người ta kính trọng, thì người ta sẽ chỉ nói những điều tích cực về họ. Thế nhưng, hằng năm cứ đến ngày lễ kính thánh Gia-cô-bê tông đồ, thì Giáo Hội lại cho chúng ta nghe bài Tin Mừng kể câu chuyện chẳng mấy tốt đẹp của anh em con nhà ông Giê-bê-đê xúi mẹ “đi đêm” với Chúa Giêsu để được quyền cao chức trọng. Thật ra, không phải để nói xấu quý ngài mà là nói lên bản tính của con người vốn ham mê quyền lực, nhưng điều quan trọng là sự biến đổi thành thánh nhân bằng con đường phục vụ và hiến mạng sống mình vì Chúa và tha nhân như thánh Gia-cô-bê và Gio-an.
Đâu chỉ riêng gì hai vị Gia-cô-bê và Gio-an, mà cả nhóm các tông đồ cũng tỏ ra tức tối về chuyện xin xỏ quyền lực này (x. Mt 20,24). Thật vậy, từ ngày theo Chúa Giêsu, các môn đệ luôn mang trong mình tư tưởng quyền lực, mong đến ngày Thầy Giêsu lên ngôi để các ông được chia sẻ tước này chức nọ, các ông tranh luận ai sẽ được Thầy Giêsu cho làm quan to nhất trong Nước Trời. Các môn đệ thực sự chưa hiểu được mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập không phải chuyện chức này tước nọ như nước trần thế, mà là Vương Quốc của những tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn và hi sinh phục vụ.
Cám dỗ lớn nhất của con người, đó là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền…
Các môn đệ Chúa Giêsu trước Phục Sinh cũng thế, các ngài mang trong mình tư tưởng quyền lực, các ngài từng hỏi khéoThầy Giêsu xem ai được làm quan to nhất trong Nước Ngài. Còn “hai vị kia” thì lo lót chạy trước hai cái ghế nhị tam ở bên tả và bên hữu Thầy.
Làm to ai cũng muốn, nhưng lại ngại phải hi sinh. Vì thế, Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp, nhưng Người đưa ra điều kiện để vào Nước Trời trước đã: “Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”. Chén Thầy sắp uống chính là con đường thập giá và hi sinh để cứu độ. Kế đến Người mới đưa ra điều kiện để trở nên lớn trong Nước Trời chính là: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”. Như vậy, chức quyền để phục vụ chứ không phải để cai trị.
Khi nói kẻ lớn nhất trong Nước Trời phải trở nên như bé nhỏ nơi nước trần thế, không có nghĩa là bây giờ làm Giáo Hoàng rồi sau này trở thành kẻ rốt hết, nhưng Chúa nhắm đến một tinh thần khiêm tốn và phục vụ, sự phục vụ đó tuỳ theo bậc sống của chúng ta nơi thế gian này.
Noi gương Chúa Giêsu đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng phục vụ và hi sinh vì con người, chúng ta cũng thế, hãy sống tinh thần khiêm tốn và phục vụ anh chị em trong phận vụ riêng Chúa ban cho từng người.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mọi người chúng con biết đến với mọi người bằng tinh thần khiêm nhu và hăng say phục vụ vô vị lợi, để trong mọi sự Chúa được vinh danh. Amen.
THỨ TƯ TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN
Ngày 26/07: LỄ THÁNH GIOAKIM VÀ ANNA – SONG THÂN CỦA ĐỨC TRINH NỮ MARIA
ĐỌC TIN MỪNG: Mt 13,16-17
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe”.
Bài Tin Mừng vễ lễ song thân của Đức Mẹ chỉ có hai câu, nhưng bao hàm một ý nghĩa đặc biệt về các đấng thánh thiện này. Thánh Gioakim và Anna đã đạt được cái phúc cao quý là lắng nghe lời Chúa và làm cho lời Chúa được phát sinh. Thật vậy, chính hoa lòng của các ngài (khi sinh hạ Đức Maria) đã minh chứng điều đó.
“Mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe”. Đó chính là cái phúc mà Chúa Giêsu nhiều lần lặp lại cho thấy tầm quan trọng của việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa.
Cái phúc được nghe và được thấy trước hết phải kể đến các môn đệ của Chúa Giêsu, các ngài là những “người bé mọn” và đơn sơ đón nhận, tin và đi theo Chúa Giêsu, các ngài có phúc hơn các ngôn sứ và những người công chính thời Cựu Ước đã không có được vinh dự được nghe và được sống với Đấng chính là Lời Thiên Chúa.
Kế đến, cái phúc này dành cho những ai thấy, nghe và hiểu được Lời Chúa cũng như nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống. Chúng ta ngày hôm nay có vinh dự được đọc, được nghe Lời Chúa hằng ngày trong Thánh Kinh và được hiểu qua lời giảng dạy của các đấng bậc trong Giáo Hội mà Chúa chọn để hướng dẫn chúng ta.
Mối phúc “lắng nghe và thực hành Lời Chúa” thật cao cả và quan trọng, thậm chí Chúa Giêsu coi việc những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành trở nên như ngang hàng với Mẹ và anh em Người (x. Mt 12,49-50). Năng suy niệm Lời Chúa cho đến khi cảm nhận như Chúa động đậy trong tâm mình, thì khi đó thực sự Chúa đã ở trong ta và đang lớn lên. Khi có Chúa trong mình, thì mới có thể sống và hành động như Chúa Giêsu và luôn làm đẹp ý Cha trên trời.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được vào số những người mà Ngài cho là có phúc, tức là những người thấy, nghe và hiểu được Lời Chúa cũng như nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống, để Lời Chúa được lớn lên trong tâm hồn chúng con và đơm bông kết trái là các công phúc việc lành, hầu đem nhiều linh hồn trở về với Chúa. Amen.
THỨ NĂM TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN
ĐỌC TIN MỪNG: Mt 13,10-17
Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ? ” Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.
“Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.
Dụ ngôn (Parable) là một câu chuyện giả tạo nhưng có thể xảy ra trong thực tế. Vì vậy, trong sư phạm, người ta thường dùng dụ ngôn để chuyển đạt ý niệm về một thực tại cao siêu xuyên qua việc so sánh với một thực tại thường nhật.
Chúa Giêsu cũng nhiều lần dùng hình thức sư phạm này để rao giảng về Nước Thiên Chúa. Hôm nay, sau khi đã đưa ra dụ ngôn về “người đi gieo giống”, Chúa Giêsu cũng trả lời cho các môn đệ biết tại sao Người dùng dụ ngôn mà giảng dạy.
Trong bối cảnh của dụ ngôn “người đi gieo giống” mà Chúa Giêsu vừa kể, thì trích đoạn Tin Mừng hôm nay là lời giải thích về hai thái độ sống Lời Chúa hay từ khước Lời Chúa: Nghe và hiểu hay nghe mà không hiểu.
Đây là trường hợp của thửa đất tốt, khi đón nhận hạt giống đã sinh hoa kết trái dồi dào. Đó chính là cái phúc mà Chúa Giêsu nhiều lần lặp lại: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Mt 13,16-17).
Cái phúc được nghe và được thấy trước hết phải kể đến các môn đệ của Chúa Giêsu, các ngài là những “người bé mọn” và đơn sơ đón nhận, tin và đi theo Chúa Giêsu, các ngài có phúc hơn các ngôn sứ và những người công chính thời Cựu Ước đã không có được vinh dự được nghe và được sống với Đấng chính là Lời Thiên Chúa.
Kế đến, cái phúc này dành cho những ai thấy, nghe và hiểu được Lời Chúa cũng như nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống. Chúng ta ngày hôm nay có vinh dự được đọc, được nghe Lời Chúa hằng ngày trong Thánh Kinh và được hiểu qua lời giảng dạy của các đấng bậc trong Giáo Hội mà Chúa chọn để hướng dẫn chúng ta.
Mối phúc “lắng nghe và thực hành Lời Chúa” thật cao cả và quan trọng, thậm chí Chúa Giêsu coi việc những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành trở nên như ngang hàng với Mẹ và anh em Người (x. Mt 12,49-50). Năng suy niệm Lời Chúa cho đến khi cảm nhận như Chúa động đậy trong tâm mình, thì khi đó thực sự Chúa đã ở trong ta và đang lớn lên. Khi có Chúa trong mình, thì mới có thể sống và hành động như Chúa Giêsu và luôn làm đẹp ý Cha trên trời.
Chúa Giêsu còn khẳng định: “Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất” (Mt 13,12). Nghĩa là hạt giống Lời Chúa được chăm sóc thì sẽ sinh hoa trái gấp bội, nhưng bị bỏ xó thì hạt giống đó sẽ bị hư đi. Mỗi người đều được Thiên Chúa ban ân sủng, đều có con tim, đều có lương tri hướng thiện, thế nhưng nếu ai đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa, hướng lương tâm vào những gì trái nghịch với Thiên Chúa, thì những ân sủng Người ban cho và ngay cái mình đang có là lương tâm thánh thiện thưở ban đầu cũng sẽ bị lấy đi. Nước Trời chỉ dành cho những người đơn sơ, chân thành và yêu mến, nên đã có thì lại được đầy dư; còn kẻ không có nghĩa là không tin như Pharisêu, thì những cái đang có tức lòng tin truyền thống của họ cũng sẽ bị lấy đi, và mọi việc họ làm trở nên vô ích.
Đây là 3 loại đất: bên vệ đường, nơi khô cằn sỏi đá và trong bụi gai (nghe rồi bỏ qua; nghe và hiểu đôi chút vì không lo suy nghĩ và đào sâu; nghe và hiểu nhưng bận bịu nhiều thứ rồi bỏ bê).
Dân gian thường nói về thái độ của kẻ nghe mà không hiểu là: “nước đổ đầu vịt” chỉ trôi đi mà không đọng lại hay thấm vào. Nghe mà không chú ý và suy gẫm; nghe mà không cảm thấy Chúa nói với mình để mà sám hối sửa sai thì cũng như người có tai mà không nghe. Đó là những người không hề có thiện chí để cho Lời Chúa soi chiếu và hướng dẫn mình. Người có tai, có mắt lành mạnh thì phải thấy và phải nghe được. Có mắt và tai lành mạnh mà không nghe, không thấy thì coi như điếc như mù.
Những người đi theo Chúa Giêsu, đã nghe Người giảng dạy, đã thấy những việc Người làm; thế nhưng họ đã dửng dưng, thành kiến, hoặc lo bận bịu với những toan tính để rồi như không nghe và bị Chúa Giêsu khiển trách: “Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu”.
Từ nghe và thấy phải dẫn đến tâm hồn hoán cải. Nghe và thấy mà không đi vào tâm hồn thì như người thấy mà như mù, người nghe mà như điếc. Thái độ đón nhận Lời Chúa như thế là coi Lời Chúa như một cái gì đó khó ưa và khó dùng, khiến tâm hồn không thể đón nhận. Bởi “vì lòng họ đã ra chai đá”, nên không còn chỗ cho Thiên Chúa ngự trị.
Không ít người Công Giáo chúng ta ngày hôm nay, đôi khi xem việc tham dự thánh lễ Chúa Nhật là một gánh nặng vì sợ tội, để rồi đến nhà thờ lúc đọc Lời Chúa và nghe giảng thì ngủ gật, hoặc đi trễ chờ hết phần Phụng Vụ Lời Chúa rồi mới vào. Lại nữa, nhiều bạn trẻ lại dành nhiều thời giờ cho việc tìm kiếm để xem, để đọc và để nghe những ấn phẩm không tốt cho tâm hồn hơn là tìm xem, đọc và nghe Lời Chúa, dù Lời Chúa ngày hôm nay có đầy đủ trên mọi phương tiện truyền thông và các ấn phẩm. Với thái độ như thế, xin hãy nghe Lời Chúa Giêsu hôm nay đang nói với họ: “Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành (Mt 13,14-15).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được vào số những người mà Ngài cho là có phúc, tức là những người thấy, nghe và hiểu được Lời Chúa cũng như nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống, để Lời Chúa được lớn lên trong tâm hồn chúng con và đơm bông kết trái là các công phúc việc lành, hầu đem nhiều linh hồn trở về với Chúa. Amen.
THỨ SÁU TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN
ĐỌC TIN MỪNG: Mt 13,18-23
“Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”
Bài Tin Mừng hôm nay là lời giải thích cho các môn đệ hiểu cặn kẽ về dụ ngôn “Người đi gieo giống”, trước là để các môn đệ hiểu ý nghĩa của dụ ngôn, sau là để chuẩn bị cho các ngài sau này sẽ phải đối diện với một thực tế trong công cuộc truyền giáo, mà trong đó cần đến sự hào phóng của người gieo giống và kiên nhẫn với nhiều thái độ đón nhận.
Việc giải thích dụ ngôn nhấn mạnh đến tính chất khác biệt của các thửa đất và phẩm chất đón nhận hạt giống. Tin vào hiệu quả của Lời Chúa không được làm quên đi trách nhiệm của những kẻ nghe lời: Kết quả cụ thể của việc gieo hạt tuỳ thuộc vào thái độ đón nhận:
– Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy. Đó là thái độ thờ ơ trước Lời Chúa, và vì không quan tâm đến Lời Chúa thì quỷ thần sẽ chiếm giữ linh hồn họ.
– Kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay… Là hạng người nhiệt tình theo Đức Kitô khi mọi sự dễ dàng xuôi chảy, và bỏ Người khi khó khăn, thử thách, đau khổ, ngược đãi ập đến.
– Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt khiến Lời không sinh hoa kết quả gì… Đây là “người tín hữu không đạt đến sự chín muồi của đức tin”… Bởi vì người ấy bị tinh thần của thế gian giữ lại, bị bối cảnh vô tín xung quanh bao vây. Chúng ta cảm thấy rõ ràng đối với Chúa Giêsu đức tin là một công việc phát triển lâu dài, và phải chiến đấu chống lại mọi thứ trở ngại, chống lại những ảnh hưởng của thế gian chiếm quá nhiều chỗ trong đời sống.
– Cuối cùng kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục… Sinh hoa kết quả là điều mong ước mà Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện một đời sống tràn đầy, phong phú. Đối với Chúa Giêsu, điều kiện chủ yếu để đời sống chúng ta sinh hoa kết quả là Lời Thiên Chúa được lắng nghe và hiểu lâu dài.
– Thiên Chúa mời gọi ta hãy lắng nghe Chúa Giê-su chỉ dạy qua lời Thánh Kinh hằng ngày. Hãy tin tưởng và đón nhận Chúa như mảnh đất tốt đón nhận hạt giống tốt. Chúa Giêsu cũng mời gọi ta tự vấn chính mình: Có bao nhiêu hạt giống “Lời Chúa” đã được gieo vào lòng tôi? Số phận của những hạt giống ấy giờ này ra sao? Hạt giống ấy đang nằm ở đâu trong cuộc đời của tôi ? Tôi đã đón nhận những hạt giống ấy như thế nào? Tôi đã làm gì để hạt giống ấy được phát triển và lớn lên.
Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho tâm hồn mọi người chúng con nên thửa đất tốt, biết mở rộng lòng mình để đón nhận Lời Chúa và làm cho Lời Chúa được lớn lên trong chúng con, đồng thời làm cho Lời Chúa được lan tỏa đến mọi người nhờ đời sống đạo và những gì chúng con có thể làm được vì vinh quang Chúa. Amen.
THỨ BẢY TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN
Ngày 29.07: Lễ thánh Mác-ta
ĐỌC TIN MỪNG: Lc 10,38-42
Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mác-ta đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Mác-ta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! ” Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
Giáo hội mừng lễ thánh Mácta, như là một hình ảnh đại diện cho sự thánh thiện của gia đình Bê-ta-ni-a, trong đó có Mácta, Lazaro và Maria. Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện việc Chúa Giêsu vào nhà Mác ta và hai chị em lo lắng phục vụ Người theo từng cách riêng của mình. Người ngồi nghe Chúa nói, người bận bịu chuyện cơm nước hầu Người. Câu chuyện được kể trong Tin Mừng hôm nay rằng, có thể Chúa không trách Mác ta vì chỉ lo chuyện phục vụ, nhưng có lẽ Chúa đã trách yêu Mácta vì quá lo chuyện phục vụ và ôm đồm mọi thứ, bởi vì mọi người có phận vụ riêng của mình.
Thật ra, câu chuyện Martha và Maria nói lên hai phận vụ của việc phụng sự Chúa, hai chiều kích của việc rao giảng Tin Mừng, hai linh đạo chính của đời tu (hoạt động và chiêm niệm).
* Đừng quá lo lắng việc đời mà quên Chúa.
Mácta chọn cách lo việc phục vụ, Maria chọn cách ngồi bên chân Chúa nghe Chúa nói. Cả hai việc đều tốt, nhưng khác nhau ở chỗ là Mácta đã quá lo lắng bận rộn với công việc, và Chúa Giêsu đã nhắc Mácta là quá lo lắng bối rối về nhiều chuyện, mà quên đi sự cần thiết là ở bên Chúa để lắng nghe Lời Chúa.
Ngày hôm nay, không thiếu người trong chúng ta xem trọng “việc Chúa hơn là lắng nghe Chúa”, bon chen lo lắng việc đời và bỏ quên đời sống cầu nguyện và nghe Lời Chúa.
Mong sao, giữa những bộn bề của một ngày sống, chúng ta vẫn ưu tiên những phút giây cho việc đọc và nghe Lời Chúa.
… Nhiều vị lo lắng công trình xây cất cho giáo xứ mà bỏ bê cả đời sống kinh nguyện. Giáo Hội cũng đã khôn ngoan đưa vào luật dạy các Giáo Sĩ phải đọc những giờ kinh buộc, để không ai lấy lý do truyền giáo hay lo việc chung mà miễn cho mình những giây phút ngồi bên Chúa. Bởi vì, chính việc đọc và suy niệm Lời Chúa mới có sức nâng đỡ công việc truyền giáo và nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng.
* Chọn phần tốt nhất là lắng nghe Lời Chúa.
Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: Phần tốt nhất chính là ngồi bên Chúa và lắng nghe Người nói.
Hình ảnh cô Maria ngồi nghe Chúa Giêsu hôm nay cho chúng ta một kiểu mẫu khi cầu nguyện, khi gặp gỡ Chúa. Cầu nguyện không chỉ là nói nhiều cho Chúa nghe, mà còn là thinh lặng để nghe Chúa nói với mình.
Khi chúng ta đọc Thánh Kinh, nghe đọc và suy niệm Lời Chúa, là lúc Chúa đang nói với ta. Khi ta ngồi thinh lặng trước Thánh Thể là ta đang lắng nghe nhịp đập yêu thương nơi Trái Tim Người. Và trong mọi nơi mọi lúc chúng ta cầu nguyện hay thinh lặng suy gẫm, là lúc chúng ta đang nép mình bên Chúa.
Thật ra, không nên dùng đoạn Tin Mừng này để so sánh về bậc thang giá trị của việc phục vụ và cầu nguyện, hay để cho rằng ơn gọi chiêm niệm hơn ơn gọi hoạt động. Bởi nếu ai cũng như Maria lo ngồi nghe Chúa nói thì lấy ai lo bữa ăn cho Chúa Giêsu và các môn đệ, hay nếu ai cũng như Mácta lo chuyện bếp núc thì lấy ai tiếp chuyện với Người. Nhưng cần phải hiểu cách nói của Chúa Giêsu là “tốt nhất” chứ không phải “tốt hơn”, nghĩa là không phải cái này tốt hơn cái kia, mà là mọi người có cách phục vụ Chúa bằng bổn phận riêng của mình được coi là tốt nhất trong ơn gọi mình và đấng bậc mình. Điều đáng trách chính là muốn ôm đồm mọi việc cho mình, lấn vào cả công việc của người khác rồi ganh tỵ với người khác.
Tóm lại, trong việc giữ đạo và sống đạo, chúng ta phải biết làm sao để trung hòa được việc lo toan cho cuộc sống và việc lắng nghe Lời Chúa. Nếu không, lời Chúa được gieo nơi tâm hồn chúng ta sẽ như hạt giống rơi vào bụi ngai sẽ bị bóp nghẹt, nghĩa là Lời Chúa sẽ bị chết yểu bởi những lo toan lo lắng sự đời.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức nơi cuộc sống dương gian này, chúng con có hai phận vụ của việc phụng sự Chúa, và cũng là hai chiều kích của việc rao giảng Tin Mừng, đó là vừa sống kết hiệp với Chúa vừa dấn thân phục vụ anh chị em. Amen.
Các thánh Gia đình Bê-ta-ni-a: Thánh Mácta, Lazaro và Maria
(lễ trong dòng Xi-tô).
ĐỌC TIN MỪNG: Ga 11,19-27
Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.” Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại! ” Cô Mác-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không? ” Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”
SUY NIỆM
Truyền thống dòng Xi-tô từ xưa đã mừng ngày lễ thánh Mácta hôm nay là ngày mừng chung cả ba chị em nhà Bê-ta-ni-a, trong đó có Mácta, Lazaro và Maria. Nơi căn nhà Bê-ta-ni-a này, Chúa Giêsu và các môn đệ thường ghé lại, và nơi đó Chúa tìm được những tâm hồn thánh thiện và tràn ngập lòng yêu mến.
Căn nhà Bê-ta-ni-a, Chúa dừng chân trú ngụ
Bữa cơm nghèo mà thắm thiết niềm vui
Ôi thân thương từng giọng nói nụ cười
Chúa gần gũi những tâm hồn bé nhỏ.
(Thánh Thi).
Bài Tin Mừng hôm nay là một bản tường thuật độc quyền của Tin Mừng Gioan, mà Tin Mừng Nhất Lãm không nói đến. Một phép lạ phục sinh đã xảy ra cho Lazarô khi ông đã chết được chôn cất bốn ngày trong mộ đá. Câu chuyện xoay quanh chủ đề NIỀM TIN qua cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Mácta:
* Niềm tin của Mácta.
– “Lạy Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con đã không chết”
Phải, “được Chúa thì được tất thảy, mất Chúa thì mất sạch tay”. Lời nói của Mác-ta như là một lời than trách vì Chúa Giêsu đến chậm nên Lazarô em chị đã chết, nhưng đây là một cách diễn tả của Tin Mừng Gioan là: linh hồn chúng ta được coi là đã chết khi vắng Chúa Giêsu.
– “Bất cứ điều gì Thầy xin thì Thiên Chúa cũng ban cho Thầy”
Nghĩa là dù em con đã chết rồi, nhưng bây giờ Thầy xin thì Thiên Chúa vẫn cho em con được sống lại. Thật vậy, dù linh hồn chúng ta đã bao lần chết đi vì vắng Chúa, chúng ta xưng thú tội lỗi và đón rước Chúa vào lòng thì Chúa Giêsu sẽ lại phục hồi cho ta sự sống thiêng liêng với muôn vàn ơn phúc.
– “Con biết em con sẽ sống lại khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết”
Đây là điều chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Đức tin Công Giáo chúng ta xác nhận rằng, những người lành thánh sau khi lìa đời, linh hồn sẽ được hưởng tôn nhan Chúa, và ngày tận thế thân xác cũng sẽ được phục sinh để hưởng hạnh phúc trường cửu.
* Đáp lại, Chúa Giêsu khẳng định về Người chính là sự sống:
– “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống”
Chúa Giêsu Kitô là sự sống của linh hồn. Vì thế, khi chúng ta không ăn Bánh Sự Sống thì linh hồn chúng ta sẽ chết yểu và hư đi.
Chúa Giêsu còn là sự sống lại. Chính Người là Đấng đầu tiên sống lại từ cõi chết, mở đường cho những ai tin vào Người và thông hiệp trong cái chết của Người sẽ được phục sinh như Người.
– “Ai tin vào Thầy thì dù chết rồi thì vẫn sẽ được sống”
Nếu chết là hết thì là một thất bại khủng khiếp nhất của phận người, và cũng không hơn gì một con vật. Thế nhưng, Kitô hữu tin vào Chúa Giêsu Kitô là Đấng cứu họ ra khỏi hư vô, đem lại cho họ một cuộc sống mai hậu.
– “Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”
Lời này hướng đến chúng ta là những người đang còn hiện hữu trên trần gian. Vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô nên sẽ không sợ cái chết, cái chết thể lý chỉ là cửa ngõ đưa chúng ta về cuộc sống vĩnh cửu.
Tóm lại, qua bài Tin Mừng hôm nay, cho chúng ta thấy phép lạ phục sinh xảy ra là vì NIỀM TIN. Mọi sự đều nằm trong ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời là để Thiên Chúa được vinh danh nơi chúng ta và để niềm tin chúng ta được tinh luyện. Nhờ niềm tin, lòng yêu mến và sự phục vụ là điều Chúa ưa thích và dừng chân nơi tâm hồn chúng ta, như:
Căn nhà Bê-ta-ni-a, Chúa dừng chân ngơi nghỉ
Bếp lửa hồng tỏa hơi ấm tình thương
Nơi đâu có Chúa, nơi ấy có thiên đường
Có sự sống, có niềm vui chan chứa.
(Thánh Thi)
Lạy Chúa, xin ban thêm niềm tin cho chúng con, để Chúa luôn được vinh danh nơi mọi biến cố của cuộc đời chúng con như qua cuộc đời của các thánh Mácta, Lazaro và Maria mà Chúa đã đem lòng yêu mến gia đình thánh thiện này. Amen.