Thứ tư, 22 Tháng Một, 2025

Đọc và suy niệm Tin Mừng tuần XXI Thường Niên, 2017

 

THỨ HAI

+ ĐỌC TIN MỪNG: Mt 23, 13.15-22
“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào. 
“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người.
“Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng! Các người bảo: “Ai chỉ Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà thề, thì bị ràng buộc.”Đồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn? Các người còn nói: “Ai chỉ bàn thờ mà thề, thì có thề cũng như không; nhưng ai chỉ lễ vật trên bàn thờ mà thề, thì bị ràng buộc.” Đồ mù quáng! Thế thì lễ vật hay bàn thờ là nơi làm cho lễ vật nên của thánh, cái nào trọng hơn? Vậy ai chỉ bàn thờ mà thề, là chỉ bàn thờ và mọi sự trên bàn thờ mà thề. Và ai chỉ Đền Thờ mà thề, là chỉ Đền Thờ và Đấng ngự ở đó mà thề.Và ai chỉ trời mà thề, là chỉ ngai Thiên Chúa và cả Thiên Chúa ngự trên đó mà thề.

+ SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay nghe thật nặng nề, vì lời lẽ Chúa Giêsu nặng lời lên án những người thuộc nhóm Pharisiêu sống giả hình. Thế nhưng, suy rộng ra, cách sống của họ không là cá biệt mà nó phản ánh chính cuộc sống của không ít chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta cũng nhìn lại và suy gẫm về chính cuộc đời mỗi chúng ta lần lượt qua từng câu trong đoạn Tin Mừng hôm nay:

– Câu 13: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào”.
Có nghĩa là, họ đã bịt tai mình, nhắm mắt làm ngơ trước Lời Chân Lý của Chúa Giêsu, trước mầu nhiệm Nước Trời và Ơn Cứu Độ Chúa Giêsu đem đến, và rồi họ cản trở công việc của Người và ngăn cản hoặc bách hại những ai theo Người.
Không ít trong chúng ta cũng thế, đôi khi chúng ta đã không lo luyện tập nhân đức và sốt sắng sống đạo lại còn gièm pha những ai sống đạo đức. Chúng ta đã không lo rao giảng dẫn dắt người khác về với Hội Thánh lại còn sống phản chứng làm cho lương dân mất thiện cảm về đạo Công Giáo…

– Câu 15: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các người”.
Thực ra, thời Do Thái Giáo, việc truyền đạo không nhiều, vì bản chất của họ chủ trương “dân riêng” phải là chính gốc nòi giống, nhưng việc họ lôi kéo thêm những người theo bè nhóm họ (Pharisiêu, Sađốc hay Sađuxê) Pharisiêu chủ trương sống theo Lề Luật với những cách giải thích tỉ mỉ dẫn đến câu nệ lề luật và chọn cái tuỳ hơn cái chính. Để rồi chính họ câu nệ và giữ luật giả hình hoặc cuồng tín mù quáng lại làm cho những ai theo họ nên thảm hại hơn.
Ngày hôm nay, không thiếu những người tỏ ra nhiệt thành “truyền giáo” nhưng không chắc là để Chúa được vinh danh hay là để họ có thêm đồng môn và có dịp để họ khoa trương kiến thức, tự hào về thành công, hoặc nhằm cho danh tiếng mình rạng rỡ, hay là để được thêm phần lợi lộc vật chất đóng góp… để rồi mục đích không phải vì Chúa mà là vì mình.

– Các câu 16-22 (nói về việc lời thề).
Không hiểu sao người Do Thái lại có điều luật lạ lùng là “Chỉ đền thờ mà thề thì không thành mà chỉ đồ dùng vàng bạc trong đền thờ lại thành”. Chẳng lẽ họ xem trọng những “money” hơn nơi thánh. Trong khi Chúa Giêsu lý giải, đã chỉ đền thờ mà thề thì chỉ cả những gì ở trong đền thờ, đã chỉ Trời đất mà thề thì cũng chỉ Thiên Chúa ngự trong đó. Nhưng vấn đề ở đây có lẽ là cấp độ giả hình cao nhất mà Chúa Giêsu đề cập đến, vì “thề là nhân danh Chúa mà nói có ý xin Người làm chứng điều mình nói là thật”, nghĩa là khi đã giả hình thì người ta không ngại dùng cả việc dùng nơi thánh và dùng cả Thiên Chúa làm làm lời thề như bức bình phong che đậy lòng dạ xấu xa và việc làm sai trái của mình…

Lạy Chúa Giêsu, cách này hay cách khác có thể chúng con đã và đang có thái độ bàng quang trước Lời Chúa, tìm cái hào nhoáng bề ngoài để che đậy lòng trí xấu xa, đi tìm vinh quang cho mình thay vì để Chúa được vinh danh… Xin cho chúng con hôm nay biết tự vấn đời mình, để hoán cải và canh tân, hầu biết suy nghĩ và hành động theo ý Chúa. Amen.

 

 

THỨ BA

Ngày 29/08: Lễ nhớ thánh Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết

* BÀI TIN MỪNG: Mc 6,17-29
Vua Hê-rô-đê đã sai người đi bắt ông Gio-an và xiềng ông trong ngục. Lý do là vì vua đã lấy bà Hê-rô-đi-a, vợ của người anh là Phi-líp-phê, mà ông Gio-an lại bảo: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài! ” Bà Hê-rô-đi-a căm thù ông Gio-an và muốn giết ông, nhưng không được. Thật vậy, vua Hê-rô-đê biết ông Gio-an là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.
Một ngày thuận lợi đến: nhân dịp mừng sinh nhật của mình, vua Hê-rô-đê mở tiệc thết đãi bá quan văn võ và các thân hào miền Ga-li-lê. Con gái bà Hê-rô-đi-a vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự tiệc vui thích. Nhà vua nói với cô gái: “Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho con.” Vua lại còn thề: “Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của ta cũng được.” Cô gái đi ra hỏi mẹ: “Con nên xin gì đây? ” Mẹ cô nói: “Đầu Gio-an Tẩy Giả.” Lập tức cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng: “Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gio-an Tẩy Giả, đặt trên mâm.”Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu ông Gio-an tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ. Nghe tin ấy, môn đệ đến lấy thi hài ông và đặt trong một ngôi mộ.

* SUY NIỆM
Tin Mừng hôm nay kể lại chi tiết về cuộc “tử đạo” của thánh Gioan Tẩy Giả, làm nổi bật lên ba hình ảnh tương phản nhau, tiêu biểu cho cách sống của chúng ta ngày hôm nay:

– Hêrôđê – Bảo vệ danh dự bằng mọi giá: Mặc dù Hêrôđê Antipas này chỉ là một tiểu vương bù nhìn và bị hạn chế quyền hạn bởi Archelaus và Philatô, nhưng là một trong ba người con của Hêrôđê Cả, nên Hêrôđê Antipas cũng có nhiều thân hữu bá quan trong hoàng tộc. Ông đã cưới bà Hêrôđiađê từng là vợ của anh mình là Hêrôđê Philipphê (tiểu vương vùng bên kia sông Gio-đan). Ông bị thánh Gioan Baptista can ngăn việc cưới bà Hêrôđiađê. Cái tội của Hêrôđê Antipas chính là việc để cho mình bị thú vui nhục dục che khuất, loạn luân, rơi vào cái bẫy “mỹ nhân kế” của mẹ con bà Hêrôđiađê bày ra, rồi lỡ miệng thề thốt trong cơn say, cuối cùng để bảo vệ danh dự, ông đã phạm vào tội ác giết người vô tội.
Xã hội ngày hôm nay, và cách riêng mỗi người chúng ta, giữa những cám dỗ thế tục lôi cuốn làm cho chúng ta sa ngã, những thú vui nơi các cuộc ăn chơi – tụ điểm múa nhảy, rồi kéo theo những hệ luỵ sau đó không còn kiểm soát được. Rồi một khi, ai đó dám cảnh tỉnh chúng ta, thì thay vì biết quay đầu sửa lỗi, lại tìm các ám hại người nhắc nhở mình, thậm chí sẵn sàng hãm hại người khác để bịt đầu mối và bảo vệ danh dự của mình.

– Bà Hêrôđiađê – thủ đoạn hiểm ác của một số người phụ nữ: Bà từng là vợ của tiểu vương Hêrôđê Philipphê (cũng là một trong ba người con của Hêrôđê Cả), do bị thánh Gioan Baptista can ngăn, làm ảnh hưởng đến chuyện tư tình của mình với Hêrôđê Antipas, nên nuôi lòng thù hận và đã bày ra trò “mỹ nhân kế” của cô con gái rồi dùng bàn tay tình nhân để hãm hại người công chính.
Không ít những chị em xưa cũng như nay, không ngại dùng nhiều thủ đoạn thậm chí còn tàn độc hơn cả Hêrôđiađê để trả thù những ai dám cản trở những cuộc tình mờ ám hay những việc làm sai trái của mình.
Xa hơn, hình ảnh bà Hê-rô-đi-a-đê và cô con gái của bà phản ảnh một thực trạng xã hội ngày hôm nay, khi người ta không ngại dùng bất cứ thủ đoạn gì để thực hiện kế hoạch có lợi cho mình, sẵn sàng sát hại đồng loại vì lo ngại họ cản trở đường thăng tiến của mình.

– Thánh Gioan Baptista – Chứng nhân cho sự thật: Đứng trước tội loạn luân của Hêrôđê Antipas và Hêrôđiađê, thánh Gioan Baptista không ngại khiển trách can ngăn, mặc dù biết rằng phải đối diện với cái chết, và ngài đã phải trả giá bằng việc bị trảm quyết.
Giữa đời sống này, thời nào cũng thế, trước cường quyền và bất công xã hội, ai dám lên tiếng thì bị đàn áp và làm khó dễ, thậm chí mất mạng; còn kẻ im lặng và xu nịnh sẽ được trọng dụng và thăng tiến. 
Giữa một xã hội đầy giả dối, cùng với lối sống suy đồi đạo đức luân lý như thế, Giáo Hội rất cần những con người dám nói lên sự thật, rất cần những người dám đi ngược dòng bằng việc sống trong sạch đạo đức… và rất cần những con người dám đấu tranh để bảo vệ công lý và đạo đức, dù phải trả giá đắt như các Đấng tử đạo vì sự thật mà phải hi sinh.

Tóm lại, khi tưởng nhớ ngày vị thánh Tiền Hô của Chúa chịu trảm quyết về sự thật, chúng ta được mời gọi nhìn lại mình, ngay lúc này đây và trong thế giới này, trong đất nước này, trong cộng đoàn này, TÔI LÀ AI trong 3 nhân vật kia? Tôi bất chấp để lo bảo vệ danh dự, tôi sống thủ đoạn hiểm ác hay tôi đang dám sống cho sự thật?

Lạy Chúa, giữa xã hội ngày hôm nay đầy cám dỗ buông thả và toan tính lọc lừa, xin cho chúng con biết sống tiết độ, xa lánh những lối vui chơi không lành mạnh và đặc biệt dám can đảm làm chứng cho sự thật. Amen

 

 

THỨ TƯ

* ĐỌC TIN MỪNG: Mt 23,27-32
“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế.Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác!
“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính.Các người nói: “Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ.” Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!

* SUY NIỆM
Hôm nay Chúa Giêsu tiếp tục khiển trách các Biệt Phái – Pharisiêu là giả hình với lời lẽ còn nặng hơn trước là “mồ mả tô vôi” và “phủi tay vô can về trách nhiệm của mình”.

+ Mồ mả tô vôi:
Ai cũng biết, hình ảnh của những mồ mả, dù bên ngoài có xây cho hoành tráng, ốp đủ đá hoa cương cẩm thạch, sơn quét đủ màu… nhưng bên trong cũng là xác chết đang phân huỷ theo thời gian – hôi thối và giòi bọ rúc rỉa.
Đó là tình trạng của một số các Kinh Sư Do Thái thời bấy giờ, bề ngoài mang thẻ kinh, tua áo dài gấm tía, đi đứng oai vệ, vẻ mặt nghiêm minh, ăn nói tỏ ra trịnh trọng… Nhưng thực chất bề trong chỉ nhằm được ăn trên ngồi trốc, nhằm được hưởng tiền thuế thập phân và tiền dâng cúng, mong cho được người ta kính trọng, giảng dạy cao siêu và giải thích luật tỉ mỉ nhưng lại không thực hành, thích ngồi chỗ nhất và khua chiêng múa trống trong việc bác ái để người ta khen…
Lời khiển trách của Chúa Giêsu dành cho các Kinh Sư Do Thái, cũng là một lời cảnh tỉnh cho mọi người chúng ta ngày hôm nay. (Bề ngoài đẹp như hàng Nhật, nhưng bên trong thì toàn linh kiện Trung Quốc) . Thật vậy, có thể chúng ta chỉ lo trau chuốt bề ngoài son này phấn nọ – áo này mốt kia, nhưng lại quên việc luyện tập nhân đức để tô điểm tâm hồn, cũng như không quan tâm giữ mình trong sạch và bỏ bê việc xưng tội. Có thể chúng ta cũng đã hơn một lần muốn làm ông này bà nọ để được người khác kính trọng hơn là để phục vụ, để được mọi người giúp đỡ dâng cúng hơn là lo làm việc bác ái. Có thể một số người trong chúng ta là “người ưu tuyển” xúng xính lễ phục này áo dòng nọ, nhưng đời sống chúng ta lại sang trọng xa xỉ và bê bối hơn cả một kẻ ngoại. Có thể đời sống đạo của mỗi người chúng ta một khi chuộng cái mã bên ngoài hơn là trau chuốt nét đẹp bên trong, chúng ta tạo cho mình một vỏ bọc đạo đức và tự hài lòng về vỏ bọc ấy. Lúc đó, chúng ta chỉ giữ đạo mang tính hình thức, chứ không làm cho Tin Mừng được tỏ hiện trong cuộc sống.

+ Phủi tay vô can trước hành động tội lỗi.
Trong lịch sử Do Thái, họ đã bách hại biết bao ngôn sứ của Chúa đến dùng lời Thiên Chúa cảnh tỉnh họ, hơn một lần Chúa đã dùng những dụ ngôn như “Thợ làm vườn nho sát nhân hay những người từ chối dự tiệc cưới…” để ám chỉ họ. Ấy thế mà họ không nhận ra, lại còn lên án chính cha ông họ mà ngay họ là người đang phạm sai lầm lớn hơn là đang tìm hại ngay chính Con Một Thiên Chúa – là Người đang nói với họ.
Có thể trong chúng ta cũng không ít lần ngồi oán trách những bậc tiền bối, những thế hệ trước sai lầm… nhưng chính mình lại không nhận ra mình đang sống bất chính còn hơn thế hệ trước. Lại nữa, sau những hành động tội lỗi, chúng ta lại dễ dàng phủi tay vô can không có trách nhiệm, điều này không những do tính né tránh của mình mà còn do ảnh hưởng của một thứ “văn hoá đổ thừa” đang thịnh hành tại đất nước chúng ta hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết đối diện và không trốn tránh sự thật về chính mình để biết hoán cải và canh tân. Xin cũng giúp chúng con biết lo làm đẹp tâm hồn bằng những việc đạo đức đích thực hơn là lo tô vẽ những hình thức bề ngoài để nguỵ trang che đậy cho những tội lỗi của mình. Amen.

 

 

THỨ NĂM

* ĐỌC TIN MỪNG: Mt 24,42-51
“Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.
“Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc? Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình.Nhưng nếu tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng: “Còn lâu chủ ta mới về”, thế rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không chờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt chung số phận với những tên giả hình: ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

* SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến việc Chúa sẽ đến bất thình lình, mời gọi mọi người biết sống tỉnh thức và sẵn sàng, để khi cái chết ập đến, chúng ta sẵn sàng nghênh đón Chúa để đi vào đời sống vĩnh cửu. Trong khi chờ đợi, Chúa muốn mỗi người sống trung tín và trách nhiệm đối với tha nhân.
Thiên Chúa ví như ông chủ đi dự tiệc cưới sẽ trở về bất cứ lúc nào, vì thế các đầy tớ không được lơ là việc bổn phận, luôn tỉnh thức sẵn sàng đợi chờ để mở cửa cho ông chủ.
Chuyện Chúa đến không phải kiểu “sứ điệp này thị nhân nọ” tiên đoán, để rồi nhiều người mê muội cả tin lo đi chuẩn bị đồ ăn dự trữ, rốt cuộc chẳg xảy ra. Chúa đến bất kỳ lúc nào, bất ngờ như vậy để con người bày tỏ lòng trung tín qua việc tỉnh thức đợi chờ thời khắc vô cùng quan trọng để được hưởng hạnh phúc hay bị luận phạt đời đời. Vì nếu biết, thì con người sẽ phóng túng, chờ sắp đến ngày chết mới lo liệu, và như vậy thì không còn gì là yêu mến và trung thành.
Chúa không cho biết lúc nào Người đến, nhưng chắc chắn Người sẽ đến và Người dạy chúng ta lúc chờ đợi cần làm hai việc là:
-Hãy thắt lưng cho gọn (luôn sẵn sàng nhận lệnh và thi hành ý chủ).
-Thắp đèn cho sáng (luôn hướng về, yêu mến và tin tưởng chủ).

+ Hãy thắt lưng cho gọn (nghĩa là luôn sẵn sàng nhận lệnh và thi hành ý chủ).
Không thiếu những người cứ như mình không bao giờ chết, hoặc nghĩ có già mới chết… Rồi cứ sống thoải mái và nghĩ rằng, sắp đến ngày chết thì xưng tội, sẽ ăn năn, sẽ trở về với Chúa… nhưng có ngờ đâu rằng: Đứa bé nặn đất chơi bên vệ đường – bất ngờ chết, chàng sinh viên tương lai ngời ngợi chuẩn bị tốt nghiệp – chết, cô dâu trên đường về nhà chồng – xe lật chết… nhưng cụ già 90 tuổi ngày ngày mong chết lại không chết…
Tại sao chúng ta nghĩ rằng mai làm việc đó, mà ngay hôm nay làm được mà không làm, rồi có sống đến ngày mai không. Cái chết đến có báo trước cho chúng ta không?
Bộ mặt thế gian này sẽ qua đi nhanh như một giấc mộng, sẽ tan biến như làn khói, mọi thứ sẽ trở về cát bụi hư vô. Lúc đó mỗi chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về những việc làm của mình.
Phúc cho ai tỉnh thức, sẵn sàng và nhanh nhạy mới gặp được Chúa và được Chúa ân cần đón vào cuộc sống vĩnh hằng.

+ Thắp đèn cho sáng
Hình ảnh “thắp đèn cho sáng” mang ý nghĩa luôn hướng về, yêu mến và tin tưởng chủ.
Một người chủ nhà có tinh thần trách nhiệm sẽ luôn canh thức để tránh cho trộm khỏi đến đào ngạch khoét vách nhà mình. Một người làm việc có tinh thần trách nhiệm cao sẽ được hưởng hoa trái là hạnh phúc và sự bình an trong tâm hồn như người ta thường nói: “Cẩn tắc vô ưu”. Sự trung tín khôn ngoan được biểu lộ qua việc anh quản gia luôn chu toàn công việc bổn phận là cứ đúng giờ cấp phát lương thực cho gia nhân. 
Như người đầy tớ khôn ngoan là trung tín đợi chủ đi ăn cưới về vào bất cứ giờ nào trong đêm để khi chủ về gõ cửa là mở ngay. Nghĩa là tin chắc chủ sẽ về và thao thức chờ đợi, tin chủ sẽ ân thưởng cho tôi tớ trung thành. Từ đó, người đầy tớ trung tín, quán xuyến việc nhà khi chủ đi vắng, tận tâm chu đáo trong bổn phận hằng ngày; làm việc tích cực y như có chủ ở nhà vậy. Hành vi của người đầy tớ này xuất phát từ tình yêu đối với chủ. Anh ta xem việc của chủ như là việc của anh và đã cố gắng chu toàn.

Cũng vậy, khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta được Chúa trao ban quản lý ân huệ của Chúa trên cuộc đời chúng ta. Chúa cũng trao ban cho chúng ta những ân huệ đặc biệt kèm theo khi chúng ta nắm giữ một chức vụ phục vụ nào. Chúa còn ban cho chúng ta sức khoẻ, thời giờ, cơ hội, hoàn cảnh để phục vụ và làm sinh lợi cho Chúa. Khi chúng ta chu toàn việc bổn phận với hết khả năng Chúa ban thì chúng ta đang là người quản lý tốt.
Tỉnh thức là thể hiện niềm tin Chúa sẽ đến, là biểu lộ lòng yêu mến chờ đợi Chúa, là trung tín với những gì Chúa giao phó và khôn ngoan làm sinh lợi cho sự nghiệp của Chúa.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức. Sự tỉnh thức đích thực là chu toàn bổn phận của mình. Với một tinh thần trách nhiệm và với một tinh thần phục vụ quên mình, Người Kitô hữu luôn dấn thân vào mọi ngõ ngách cuộc đời và làm chứng cho Tin Mừng khi sống chu toàn bổn phận của mình, khi sống hết trách nhiệm với tha nhân và trong tinh thần phục vụ quên mình. Có như vậy, mới đáng được Chúa thưởng công.

Lạy Chúa Giêsu, cuộc sống mai sau được dệt bằng những gì chúng con đã nói và hành động nơi dương thế này. Xin cho chúng con trong khi hướng về quê trời thì cũng biết chu toàn bổn phận và trách nhiệm làm người con Chúa nơi cuộc lữ hành trần thế hôm nay, để bất cứ giờ nào Chúa viếng thăm, Chúa vẫn thấy chúng con đang tỉnh thức và sẵn sàng, để được cùng Chúa vào hưởng phúc bất diệt. Amen.

 

 

THỨ SÁU

* ĐỌC TIN MỪNG: Mt 25,1-13
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong số đó, có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo. Còn những cô khôn ngoan đã mang đèn, lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả. 
“Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa, chàng rể đến, hãy ra đón người. Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: “Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả”. Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: “E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra (nhà) hàng mà mua thì hơn”. Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những trinh nữ đã sẵn sàng, thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. Sau cùng các trinh nữ kia cũng đến và nói: “Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi”. Nhưng người đáp lại: “Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi”. Vậy hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào”.

* SUY NIỆM.
Nước Thiên Chúa được ví như bữa tiệc cưới, mà trong đó chỉ những ai có thái độ tỉnh thức sẵn sàng mới có cơ hội được chú rể là Đức Giê-su dẫn vào đồng bàn với Người trong vương quốc vĩnh cửu.
Hình ảnh năm cô khôn năm cô khờ cùng cầm đèn đi đón chàng rể, nhưng khác nhau ở chỗ là cô khôn mang đèn mang thêm dầu, còn cô dại thì mang đèn không dầu, là hình ảnh tiêu biểu cho hai kiểu sống đạo của chúng ta hôm nay. Chúng ta cùng chung một đức tin (là cùng tin có Chúa và Chúa sẽ đến) như ai cũng mang theo đèn, nhưng khác nhau ở chỗ có thực hành đời sống đức tin hay không, hay là tin nơi đầu môi chót lưỡi, còn cuộc sống thì vô thần, tựa như cái đèn rỗng ruột, không còn tỏa sáng mà đã tắt ngấm tối thui từ khi nào.

Về dụ ngôn, chúng ta chỉ biết rằng, phong tục Do-thái tính một ngày bắt đầu từ 6 giờ tối hôm trước và chọn thời gian đầu ngày mới để rước dâu nói lên ý nghĩa việc lập gia đình như là bước vào một khởi đầu mới, còn nhưng chi tiết khác vẫn chưa nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa nào đưa ra được câu trả lời. Tuy nhiên, dụ ngôn là một câu chuyện thường nhật và đôi khi giả tạo, người kể thường nhắm tới nội dung chuyển tải ý nghĩa, chứ không nhằm đến mọi chi tiết tỉ mỉ. Vì thế, chúng ta chỉ tìm hiểu sứ điệp mà Chúa Giê-su muốn nói qua dụ ngôn “năm cô khờ năm cô khôn” là: Chúa đến bất ngờ, thái độ sẵn sàng của chúng và sự phân định dứt khoát cuối cùng.

– Chúa đến bất ngờ: Hình ảnh tiệc cưới diễn ra ban đêm và chú rể đến không báo trước, cho thấy tính bất ngờ của cái chết cá nhân và tính bất ngờ của ngày tận thế. Việc Chúa đến lạ lùng giống như ngày Chúa đưa Israel ra khỏi Ai-cập hay việc Đức Ki-tô phục sinh trong đêm. Thiên Chúa chọn hình ảnh đêm tối để nhấn mạnh đến tính cách đột xuất và nói lên ý nghĩa giải thoát cứu độ đem ánh sáng vào nơi tối tăm. Tiếng hô giữa đêm tối “kìa chàng rể đến” gợi lên tiếng hô cánh chung lay tất cả tạo vật đang mê ngủ phải tỉnh dậy. Chàng rể đứng ở cửa chờ (lúc các cô khờ đi mua dầu đến muộn) để nói thẳng: “Ta không biết các ngươi”. Điều này khẳng định Lời Chúa Giê-su từng quả quyết: “Không phải chỉ kêu “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” mà được vào Nước Trời, nhưng chỉ những ai thi hành ý Thiên Chúa mới được vào mà thôi” (Mt 7,22-23; Lc 13,24-25).

– Thái độ sống đạo: Hình ảnh năm cô khờ năm cô khờ chỉ ra hai lối sống đạo của chúng ta. Cùng đi đón chàng rể, nhưng kẻ này mang đèn có dầu, kẻ kia mang cái đèn rỗng ruột. Chúng ta cũng thế, cùng “có đạo” và tin chắc chắn sẽ có ngày phải chết, tin có ngày tận thế và tin Chúa Giê-su sẽ quang lâm; nhưng có đức tin (đèn) mới chỉ là điều kiện cần, còn sống đức tin (dầu) nữa mới là điều kiện đủ để được Ơn Cứu Độ. Mang danh có đạo mà không sống đạo thì chỉ là một kẻ hữu danh vô thực và rỗng tuếch, có đèn đức tin đó, nhưng đèn không tỏa sáng mà đã tắt ngấm tự bao giờ. Đừng tưởng mình là người công giáo mà yên tâm có chỗ trong Nước Thiên Chúa, bởi chỉ những ai tin và hành động theo những gì mình tin qua việc sống trọn bổn phận và thực thi đức ái Ki-tô Giáo mới được hưởng sự sống đời đời.

– Một sự phân định dứt khoát: Đó là lúc chương trình của Thiên Chúa được hoàn tất, là ngày mà từng người đối mặt với vấn đề thiết yếu nhất của mình: được cứu độ hay không được cứu độ: “Ai sẽ được đem đi và ai bị bỏ lại”. Lúc này, những người cùng trong một hoàn cảnh, sẽ được đối xử bằng những cách đối nghịch nhau. Trong bối cảnh này, việc phân biệt đối xử giữa họ sẽ được dựa trên việc họ sẵn sàng như thế nào để đón chào Chúa đến. Cũng như 10 trinh nữ khi chàng rể đến đón, kẻ vào phòng tiệc người bị từ chối, nói lên một sự phân định dứt khoát. Khi ngày cuối cùng của cuộc đời bất ngờ xảy đến, tự mình không còn cơ hội để chọn lựa nữa, nên ai nấy phải luôn sẵn sàng: Năm cô khôn cũng thiếp đi và họ có thể yên tâm mà ngủ, bởi họ đã cẩn thận chuẩn bị chu đáo là lo sẵn dầu đèn để đốt; còn năm cô khờ dù có tỉnh thức thì chàng rể đến họ vẫn ở “tình trạng ngủ” vì họ không sẵn sàng và không đủ điều kiện. Thật vậy, mọi người chịu trách nhiệm về chính mình, không ai sống đạo thay mình, không ai tin thay mình, không ai yêu mến thay mình và không ai chọn lựa và chuẩn bị thay mình được.

Tóm lại: Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức về giờ của từng cá nhân mình phải ra trước tòa Chúa. Đó là lúc được phân định dứt khoát và vĩnh viễn, nên không còn cơ hội để lựa chọn về phần rỗi của mình nữa. Vì thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng, bởi sự lỡ làng trong công ăn việc làm chúng ta còn có thể bắt đầu lại và có thể sửa chữa được. Nhưng sự lỡ làng trong giờ cuối cùng của cuộc đời sẽ không còn cơ hội để làm lại và lúc đó sẽ hư mất đời đời

Lạy Chúa Giê-su,
Xin cho chúng con biết tỉnh thức trước những dấu chỉ của thời đại, nhận ra Chúa hiện diện trong mọi biến cố của cuộc sống và trong tha nhân ; xin cũng giúp chúng con biết giao hòa với Chúa và anh em, để trong ngày chung thẩm, chúng con được Chúa ân thưởng hạnh phúc muôn đời. Amen.

 

 

THỨ BẢY

* ĐỌC TIN MỪNG: Mt 25,14-30
“Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác.Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! ” Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.”Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! ” Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy! ” Ông chủ đáp: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi,thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

 

* SUY NIỆM
– Một ông chủ đi xa trao lại cho các đầy tớ gìn giữ những nén bạc của ông, đến khi ông trở lại, ông thu lại nén bạc, khen thưởng đầy tớ biết sinh lợi, phạt kẻ lười biếng và thiếu tin tưởng chủ. Nghĩa là khi dựng nên chúng ta, Thiên Chúa trao cho chúng ta một ân huệ tuỳ khả năng từng người, rồi Ngài ban cho chúng ta sức khoẻ, thời giờ, tài năng, để chúng ta làm sinh lợi cho Ngài.
– Người nhận hai nén hay năm nén hoặc một nén là tuỳ khả năng mà ông chủ tín nhiệm giao cho. Điều ông chủ muốn là sinh lời chứ không phải chôn giấu tiền bạc của ông chủ để chờ khi ông về trả lại. Cũng vậy, Thiên Chúa ban cho ta ơn đức tin qua Hội Thánh, chúng ta cần làm cho đức tin lớn mạnh qua việc thực thi đức ái Kitô Giáo, chứ không phải cứ lấy lý do “đạo tại tâm” rồi không làm gì cả.
– Người nhận hai nén và năm nén đã sinh lợi gấp đôi, nghĩa là những ai biết dùng ơn Chúa để hoàn thiện bản thân và mưu ích cho tha nhân, cho cộng đoàn, giáo xứ và Giáo Hội.
– Người nhận một nén đã chôn giấu đi, nghĩa là dù mang trên mình ấn tích rửa tội nhưng đã không sống đạo, đã để cho hạt giống đức tin bị chôn vùi và không sinh hoa trái gì cho đời sống thiêng liêng.
– Cái khác nhau ở chỗ là: người làm sinh lợi là người tin tưởng và yêu mến ông chủ nên đã tự nguyện làm việc nên đáng được ông chủ thưởng công; còn người sợ ông chủ và nghĩ xấu về ông chủ là người hà khắc nên đã sợ sệt đem chôn giấu nén bạc. Chúng ta cũng vậy, khi chúng ta tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa mà sống đạo, thì tự sự yêu mến sẽ sinh hoa kết quả; còn khi chúng ta làm vì sợ Chúa phạt thì không đem lại công phúc gì.
– Cuối cùng kẻ có được cho thêm, còn kẻ không có thì ngay cả cái đang có cũng sẽ bị lấy đi, nghĩa là Chúa ban cho chúng ta tài năng, cơ hội…, nếu chúng ta không chuyên cần cố gắng trau dồi, thì tự nó sẽ thui chột đi.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ban cho chúng con ơn đức tin và được làm con cái Chúa, xin cho chúng con biết dùng khả năng và thời giờ Chúa ban để làm cho đức tin được triển nở qua đời sống đạo đức hằng ngày, để khi Chúa trở lại, chúng con xứng đáng được Chúa ân thưởng phúc trường sinh. Amen.

Hiền Lâm.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ Tư, Tuần I, Thường niên (Mc 1,29-39) Cầu nguyện và làm việc Chúa chọn cả hai

Thứ Tư, Tuần I, Thường niên (Mc 1,29-39) Cầu Nguyện Và Làm Việc Chúa Chọn Cả Hai Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Với nhịp sống hối hả...

Thứ 3 Tuần I TN – Mc 1,21-28 Đức Giêsu giảng dạy như một Đấng có uy quyền

Đông Kỳ. PV Sau khi chịu phép rửa của ông Gioan Tẩy Giả ở sông Jordan, Đức Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai rao...

Thứ Tư sau Lễ Hiển Linh, Mc 6,45-52: “Chính Thầy đây, đừng sợ!”

    „CHÍNH THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ!“  (Mc 6,45-52) Lam Châu, Phước Lý Phải chân nhận rằng, trong cuộc đời, chúng ta sợ nhiều thứ: sợ đói, sợ cô...

Thứ 2, ngày VI Tuần BNGS, Lc 2,36-40: Nói về Chúa cho mọi người

    NÓI VỀ CHÚA CHO MỌI NGƯỜI Thứ 2, Ngày VI Tuần Bát Nhật Giáng Sinh (Lc 2,36-40) Lam Châu, Phước Lý Trong tất cả các trình thuật về...

Ngày 26/12, Thánh Têphanô Tử đạo Tiên khởi (Mt 10,17-22; Cv 6,8-10.7,54-60)

Ngày 26/12, Thánh Têphanô Tử Đạo Tiên Khởi (Mt 10,17-22; Cv 6,8-10.7,54-60) Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôn qua, chúng ta đã long trọng mừng kính...

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi tìm vinh quang thật

Ngày 3-12, lễ kính thánh Phanxicô Xaviê, Linh mục (Mc 16,15-20) Đi Tìm Vinh Quang Thật Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Bản chất của Hội...

Kính thánh Phanxicô Xaviê, Mc 16,15-20

  KÍNH THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét tiểu sử: Thánh Phanxicô Xaviê sinh năm 1506 tại Điên Xaviê thuộc...

Thứ 7, Tuần XXXIV, Kính Thánh Anrê Tồng đồ, Mt 4, 18-22

KÍNH THÁNH ANRÊ TÔNG ĐỒ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Đôi nét về tiểu sử: Thánh Anrê quê ở Betsaida và là một...

Ngày 30.11 – Lễ kính thánh Andre Tông đồ

  HÀNH TRÌNH ƠN GỌI (Mt 4, 18-22) M. Kolbe, Phước Hiệp Lễ thánh Andre Tông đồ, là dịp để chúng ta suy niệm về tiếng gọi...

Thứ 6 Tuần XXXIV TN, Lc 21,29-33 Trời mới đất mới

TRỜI MỚI ĐẤT MỚI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Với bài diễn từ “Cánh Chung” Đức Giêsu tiên báo thành Giêrusalem...

Thứ Năm Tuần XXXIV TN – Lc 21,20-28 Giêrusalem bị tàn phá

  GIÊRUSALEM BỊ TÀN PHÁ Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Để chúng ta biết được phần nào đoạn Tin Mừng của thánh...

Thứ 4 Tuần XXXIV TN – Lc 21,12-19 Vì danh Thầy anh em sẽ bị bắt nộp và ngược đãi

  VÌ DANH THẦY ANH EM SẼ BỊ BẮT NỘP VÀ NGƯỢC ĐÃI Lm M. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc, Phước Sơn Bối cảnh: Các môn đệ cũng như...