Suy niệm thứ Năm, Tuần VIII TN
ĐỐI MẮT ĐẸP
(Hc 42,15-25 / Mc 10,46-52)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Người ta thường nói “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Điều đó nói lên nhiều điều, chẳng hạn như nơi đôi mắt chúng ta có thể nhìn thấy tâm hồn của người đối diện, vì nơi đôi mắt những tâm tình hiển lộ ra. Cũng có thể hiểu đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, vì đôi mắt mở ra cho thế giới bên ngoài như cánh cửa sổ mở ra cho không gian chung quanh. Như vậy, đôi mắt là nơi gặp gỡ của hai không gian: không gian nội tại là tâm hồn và không gian ngoại tại là thế giới bên ngoài.
Hai bài đọc Kinh Thánh hôm nay nói đến động từ “nhìn thấy”. Và tôi xin được chia sẻ về “đôi mắt đẹp” để muốn đề cập đến sự giao thoa giữa hai thế giới bên trong và bên ngoài mà đôi mắt là nơi gặp gỡ.
Khi sử dụng hình dung từ “đôi mắt đẹp”, tôi không dừng lại nơi chính nét đẹp thể lý của đôi mắt như là nét kiều diễm của đôi mắt bồ câu hay nét gì đó của đôi mắt hình viên đạn. Vì có thể có những người có đôi mắt bồ câu mà ánh nhìn lại không đẹp, như thế đôi mắt chẳng đẹp. Trái lại, có thể những người có đôi mắt xếch, nhưng ánh nhìn của họ đầy nét trìu mến, dịu dàng, thì đó lại là đôi mắt đẹp.
1. NHỮNG ĐIỀU MẮT THẤY, TÔI SẼ KỂ LẠI
Chúng ta tiếp tục suy niệm về sách Huấn Ca. Trích đoạn hôm nay là chương 42 từ câu 15 đến 25. Trong trích đoạn này, tác giả đã nói lên với cộng đoàn về những gì tốt đẹp đã được nhìn thấy và được kể ra.
Tác giả bắt đầu với câu nói: “Tôi sẽ nhắc lại những công trình của Đức Chúa, những điều mắt thấy, tôi sẽ kể lại”. Ngay trong câu đầu này, chúng ta đã nhận ra những “nét đẹp”: nét đẹp của ngôn từ được diễn tả qua hai động từ nhắc lại và kể lại. Đây là hành động được lập đi lập lại. Khi người ta yêu thích điều gì, khi người ta khám phá ra điều gì đó tốt lành, người ta muốn lập đi lập lại. Đó là vẻ đẹp của những công trình của Thiên Chúa, những điều Thiên Chúa làm ra chắc chắn tốt đẹp, quả rất ư là tốt đẹp như chính Thiên Chúa đã nhận định vào cuối từng ngày – nghĩa là từng giai đoạn – trong công trình sáng tạo. Và nét đẹp của cái nhìn “những điều mắt tôi thấy”. Nơi đây, đó là những điều kỳ diệu của công trình Thiên Chúa đã thực hiện. Đây là đôi mắt đẹp.
Những công trình Thiên Chúa đã thực hiện, mà mắt người đang nói đây nhìn thấy, là “mặt trời toả sáng nhìn xuống muôn loài” mà ông nhìn thấy đó là “vinh quang Đức Chúa bao phủ công trình Người sáng tạo”. Đó là “những kỳ công Đức Chúa toàn năng đã thực hiện cho vũ trụ được bền vững”. Đôi mắt của ông đẹp, vì ông đã thấy những điều Thiên Chúa đã thực hiện là đẹp. Một tâm hồn đẹp, sẽ nhìn thấy qua đôi mắt mọi sự là đẹp. “Mắt sáng thì mọi sự đều sáng”. Đôi mắt đẹp là nơi gặp gỡ của thế giới đẹp bên ngoài – công trình sáng tạo của Thiên Chúa – và cái đẹp của tâm hồn người chiêm ngưỡng.
Không những thế giới bên ngoài, mà đây Thiên Chúa hiểu rõ tâm can của lòng người: “Người dò thấu vực thẳm và cõi lòng nhân thế, hiểu rõ những toan tính của con người… Không một ý nghĩ nào Người không thấu suốt, chẳng một lời nào là bí ẩn đối với Người.” Con người là công trình của Thiên Chúa và là tuyệt tác của Người. Thiên Chúa nhìn thấy tất cả. Khi nói điều đó, tác giả muốn khẳng định rằng Thiên Chúa làm chủ trên tất cả. Đây là một ánh nhìn đẹp, vì Thiên Chúa không xa lạ với con người. Đôi mắt đẹp là nhìn thấy ánh nhìn của chính Thiên Chúa trên con người.
Những điều đó – thế giới thụ tạo và thế giới nội tâm của con người – đều là những điều kỳ diệu: “mọi công trình của Người kỳ diệu biết bao!” Và thế giới đó đều lệ thuộc Thiên Chúa và tuân phục Người: “Mọi vật ấy đều sống và tồn tại muôn đời để đáp ứng mọi như cầu cần thiết và tất cả đều vâng phục Người”. Đôi mắt đẹp là nhìn thấy trật tự hài hoà của công trình sáng tạo và nhận ra vinh quang Thiên Chúa. Nhìn thụ tạo là nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa. Đôi mắt đẹp.
Như thế, “nhìn ngắm vinh quang của Người, ai mà chán được?”. Nhìn mãi, thấy mãi, nhìn thấy mọi sự tốt đẹp. Không chán, vì tâm hồn cảm nhận được cái đẹp. Tâm hồn đẹp, đôi mắt đẹp, thụ tạo đẹp, Thiên Chúa đẹp. Tất cả đều đẹp. Đồng thời, những cái đẹp đó còn lớn hơn rất nhiều, vì “những gì thấy được chỉ như một ánh lửa”.
Điều tác giả nói lên trên đây mời gọi chúng ta hướng ánh nhìn của chúng ta mở rộng ra với những gì chung quanh và nhận ra vinh quang, để ngợi khen cảm tạ Thiên Chúa.
2. ANH TA NHÌN THẤY ĐƯỢC VÀ ĐI THEO NGƯỜI
Trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Tin Mừng theo thánh Mác-cô chương 10 từ câu 46 đến 52, tường thuật việc Chúa Giêsu chữa lành một người mù ăn xin.
Chúa Giê-su cùng với các môn đệ đến thành Giê-ri-cô. Khi ra khỏi thành, Chúa gặp một người mù ăn xin tên là Ba-ti-mê. “Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”
“Xin dủ lòng thương tôi!”, đó là tiếng kêu đau khổ của con người mà cuộc đời bao trùm bởi bóng tối. Bóng tối trong đôi mắt, vì chỉ toàn là đêm đen. Cũng không chỉ là bóng tối, vì bóng tối phải có chút ánh sáng gì mới chiếu cho thấy bóng. Đây là đêm đen tuyệt đối. Đêm đen của tương giao, vì không thấy gì, nên cũng không thấy được các biểu cảm của người chung quanh hay đối diện. Đây là đêm đen của kiếp nghèo, vì sống hoàn toàn nhờ của bố thí.
Khi kêu lên “xin dủ lòng thương tôi!”, anh diễn tả đêm đen đã làm anh khổ đau biết bao – khổ đau không thốt lên lời -, chỉ là kêu xin thương xót. Và anh hy vọng biết bao được gặp con người – mà người ta đồn thổi và anh nghe được – con người đó mang lại cho anh ánh sáng. Trong đêm tối của anh, trong tâm hồn anh loé lên một tia sáng. Tia sáng tâm hồn cho anh có thể tưởng tượng được rằng con người đó “đẹp lắm”. Đẹp vì đầy lòng xót thương anh, sẽ chữa lành anh cho anh thấy cái đẹp.
Khi Chúa gọi anh, “anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy và đến gần Đức Giê-su”. Những cử chỉ đó diễn tả tâm hồn anh. Tia sáng hy vọng thúc đẩy anh: vất đi cái áo choàng đã theo anh trên con đường tăm tối, đứng phắt dậy vì sức mạnh của chính niềm hy vọng trong tâm hồn anh, và đến gần Chúa vì nơi con người này đời của anh sẽ được thay đổi.
Anh đã kêu xin cho được nhìn thấy và Chúa đã chữa lành anh.
Kết thúc trình thuật bằng một câu thật đẹp: “Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi”. Đôi mắt anh đã thấy vẻ đẹp của Chúa – nét đẹp của lòng thương xót – và thu hút anh bước theo Chúa. Đôi mắt đẹp nhìn thấy Chúa đẹp, để thấy đẹp cả đường đi.
Trình thuật Tin Mừng này mời gọi chúng ta đến với Chúa Giêsu. Nơi Chúa đời chúng ta được biến đổi, từ u buồn đến hân hoan, từ tối tăm đến rạng ngời ánh sáng. Nơi Chúa Giêsu, đời chúng ta đẹp: đẹp trong tâm hồn, đẹp với ánh nhìn và đẹp trong niềm hân hoan bước theo Chúa trên con đường Chúa đi.