Chúa Nhật 34 TN – Năm A: LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ
ĐỨC KITÔ – VUA CỦA TÌNH YÊU
(Ed 34,11-12.15-17; 1Cr 15,20-26.28; Mt 25, 31-46)
M.Benado
Hôm nay là Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ. Giáo hội mừng kính trọng thể Chúa Kitô là Vua vũ trụ. Ngài là Vua các vua, Chúa các chúa. Ngài là trung gian giao hòa giữa trời với đất. Ngài đã nhập thể để rao truyền Tin Mừng Cứu Độ. Chính Ngài là trung tâm và là cốt lõi của tất cả mọi sự hiện hữu. Ngài là khởi nguyên và tận cùng của nhân loại.
Thật ý nghĩa khi Giáo hội cho ta suy niệm bài Tin Mừng theo thánh Matthêu nói về cuộc phán xét. Một thực tế mà con người phải chấp nhận, là sẽ có ngày chấm dứt của vũ trụ này, và mỗi người phải chịu phán xét trong ngày chung thẩm; để rồi tiến vào một vương quốc mới trên Nước Trời. Trong ngày phán xét, con người sẽ đối diện với Đức Giêsu Kitô, một vị Vua trong vai trò là: Mục Tử nhân lành, Vua của tình yêu, Vua của phục vụ trong khiêm hạ.
- Đức Giêsu Kitô là Mục Tử nhân lành
Qua các bài đọc Lời Chúa hôm nay, đều nói lên ý nghĩa và những đòi hỏi trong ngày phán xét. Chúa Giêsu chính là mục tử nhân lành. Như vậy, con đường mà Vua Giêsu mạc khải cũng chính là con đường của đức ái. Đó là đòi hỏi lớn nhất để con người được xét xử bao dung và được đón nhận vào Nước Trời. Và chính Chúa Giêsu là mẫu gương bước đi trên con đường của đức ái.
Trong Cựu Ước, các vua được gọi là mục tử dân Chúa, vì các vị lãnh đạo đầu tiên như Abraham, Môisê, Đavit là những người chăn chiên. Trong bài đọc thứ nhất, Tiên tri Ezechiel mô tả Thiên Chúa là một vị Vua chăn dắt đoàn chiên. Ngài tập họp đoàn chiên đang tản mác. Ngài giải cứu chúng khỏi miệng sói dữ. Ngài tận tình phục vụ đoàn chiên, cách riêng những con chiên đau yếu bé mọn. Ngài đã chăm sóc và đối xử với đoàn chiên như bà mẹ săn sóc con cái: “Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng”(Ed 34,16). Điều đó tiên báo trước hình ảnh Đức Giêsu Kitô, một vị Mục tử nhân ái, một vị Vua bao dung và hết mực yêu thương và hy sinh vì đoàn chiên.
Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Corintô, đề cập đến vương quyền cao cả và vô hạn của Thiên Chúa. Đức Kitô Phục Sinh là Alpha và Omêga, nghĩa là khởi điểm và cùng tận. Nhờ Ngài, mọi sự đã phát sinh thì nhờ Ngài vạn vật sẽ trở về với Thiên Chúa Cha. Ngài thật là Vua, là Chúa, có quyền trên sự sống và sự chết. Ngài mở lối dẫn chúng ta vào hưởng hạnh phúc Nước Trời. “Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15,21-22).
- Đức Giêsu Kitô là Vua của tình yêu
Quả thực Đức Kitô là Vua của tình yêu. Con đường Chúa đi là con đường yêu thương trong khổ giá. Muốn được Thiên Chúa chúc phúc và ban thưởng hạnh phúc Nước Trời, chúng ta cũng phải bước đi trên con đường Chúa Giêsu đã đi. Trong ngày phán xét chung, mỗi người phải đối diện với Chúa Kitô, Vua tình yêu. Đến lúc này trước mặt Ngài chỉ có những người đã sống trong tình yêu và những người đã chối bỏ tình yêu. Những người được Vua chúc phúc và ban thưởng hạnh phúc Nước Trời chính là những người đã sống trọn giới răn yêu thương. Giới răn quan trọng đó đã tóm kết tất cả lề luật của Chúa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,37-39).
Như vậy, tình yêu mà chúng ta dành cho Thiên Chúa cũng chính là tình yêu đối với tha nhân bên cạnh chúng ta vậy. Tình yêu và lòng bác ái đó được thể hiện qua việc chúng ta quảng đại giúp đỡ, chia sẻ, thăm viếng, tiếp đón tha nhân: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Và ngược lại “Mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,45).
Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói rằng: “Thế giới hôm nay là một thế giới tan nát vì chia rẽ và hận thù”. Có biết bao người đói khát, lạc lõng, trần trụi, bệnh hoạn, tù tội. Thay vì làm cho thế giới tốt đẹp hơn, nhiều người vì những lợi nhuận trước mắt, vì những quyền lợi riêng lẻ, đã làm bất cứ chuyện gì có thể làm được để đạt được mục đích lợi lộc ích kỷ của mình, gây ra biết bao điều bất hạnh cho người khác. Rõ ràng, một thế giới tan nát vì thiếu tình thương. Vì thế, trong sứ điệp Mùa Chay 2012, ngài đã mời gọi: “Chúng ta cần quan tâm đến người khác, nhìn tới họ với thái độ ân cần, thiện cảm, thiện ý, muốn cho người khác được điều lành. Muốn vậy, trước hết chúng ta phải nhìn lên Chúa Giêsu và quan tâm tới nhau, đừng tỏ ra là người xa lạ với nhau, đừng dửng dưng về số phận của anh chị em mình. Trong thực tế, thái độ chúng ta thường là ngược lại, đó là thái độ dửng dưng, vô tư, phát sinh từ lòng ích kỷ và được che đậy bằng cái vẻ tôn trọng “đời tư” của kẻ khác. Tiếng Chúa vang dội mạnh mẽ mời gọi chúng ta thiết lập những quan hệ ân cần đối với nhau, quan tâm đến thiện ích của tha nhân và của mọi người”
Thánh Augustinô đã khuyên: “Ta hãy cùng nhau ao ước Thiên Quốc, hướng lòng về Quê Trời, chúng ta cảm thấy mình là lữ khách nơi trần thế này” (Chú giải Phúc Âm thánh Gioan, bài giảng 35,9). Ao ước Thiên Quốc, hướng lòng về Quê Trời bằng chính việc xây dựng một thế giới yêu thương ngay tại trần thế, để ta chuẩn bị bước vào Vương Quốc Tình Yêu vĩnh hằng của Thiên Chúa. Để được điều đó, mỗi người phải đi trên con đường tình yêu như Chúa Giêsu đã đi. Quả thực, Chúa Giêsu không phải là vua thống trị, nhưng là vua yêu thương, vua phục vụ. Chúa đã đi vào trần gian bằng con đường khiêm hạ nhất (x. Lc 2, 11-12; Mt 21,5-9). Chúa cũng đã sống và minh chứng bằng chính đời sống yêu thương, một tình yêu đến kỳ cùng, tình yêu đến hy sinh tính mạng cách đau thương trên Thập giá vì tội lỗi nhân loại. Chính lúc sinh thì trên Thánh Giá, con người mới nhận ra Ngài là Vua thật (x. Mt 27,37).
- Đức Giêsu Kitô là Vua phục vụ trong khiêm hạ
Quả thật, Vua Kitô đã âm thầm bước vào trần gian trong thân phận thấp hèn của người tôi tớ để cứu độ nhân loại. Ngài vốn là Thiên Chúa, nhưng tự hủy mình ra không, trở nên giống phàm nhân trong thân phận nô lệ (x. Pl 2,6-7). Cho nên, chúng ta khó có thể nhận ra Ngài, nếu còn chờ đợi một vương đế oai hùng ngự trên ngai vàng.“Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Khi nhận ra Vua Kitô không phải là vua thống trị, nhưng là vua phục vụ trong khiêm hạ, chúng ta mới có thể nhận ra Ngài nơi những người bé mọn nhất. Khi đó, chúng ta sẽ không còn thắc mắc như người lành hay kẻ dữ trong ngày phán xét cuối cùng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?” (Mt 25,44). Bởi vì Chúa Kitô đã ẩn dấu bộ mặt thần linh của Ngài trong bộ mặt nhân loại, trở thành anh em bạn hữu với hàng triệu con người trên thế giới đang ê chề trong cảnh thiếu ăn, nghèo đói; hay những người nô lệ đang bị kẻ mạnh áp bức bóc lột. Ngài đồng hóa với những con người nghèo khổ đó, vì họ là anh em bé nhỏ của Ngài.
Quả thực, Vua Kitô là Vua tình yêu; Vương Quốc của Ngài là vương quốc tình yêu. Mỗi người chúng ta luôn được mời gọi sống yêu thương và làm chứng cho tình yêu của Ngài nơi chính những anh chị em bên cạnh chúng ta. Trên hành trình dương thế tiến về Quê Trời, lời mời gọi quảng đại sống yêu thương và phục vụ tha nhân luôn thôi thúc chúng ta. Vì chúng ta thực thi điều đó cho anh chị em bạn hữu của mình là chúng ta đã làm cho Vua Kitô vậy. Để đến ngày chung thẩm, chúng ta được Ngài ân thưởng hạnh phúc trên Nước Trời: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25,34).