Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐỨC TIN SỐNG ĐỘNG -Suy niệm Thứ Bảy, Tuần XVIII TN – Vp. Duyên Thập Tự

TN-127-TUẦN XVIII- thứ Bảy

ĐỨC TIN SỐNG ĐỘNG

 (Đnl 6,4-13 / Mt 17,14-20)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Chúng ta nói về đức tin rất nhiều. Đời sống ki-tô hữu là một đời sống đức tin. Chúng ta tuyên xưng đức tin qua kinh Tin Kính. Nhưng điều chúng ta tuyên xưng ngoài miệng có tác động trên cuộc sống cụ thể không? Đức tin của chúng ta có là một đức tin năng động hay là một đức tin chết? Đức tin của chúng ta có khả năng gì trên cuộc sống của tha nhân? Hai bài đọc Kinh Thánh hôm nay gợi mở cho bản thân tôi sức năng động của đức tin trong mối tương giao với chính cuộc sống bản thân và cuộc sống của tha nhân.

 1. ĐỨC TIN HIỆN DIỆN MỌI NƠI MỌI LÚC

Trong bài đọc một, trích sách Đệ Nhị Luật chương 6 từ câu 4 đến 13, ông Mô-sê khuyên dân Ít-ra-en đang ở biên giới Đất Hứa và sắp bước vào, phải có niềm tin vào Thiên Chúa. Ông nói: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”. Đây là lời tuyên xưng của dân Ít-ra-en mà chúng ta có thể nói đây là lời tuyên tín quan trọng nhất của dân tộc này. Lời tuyên xưng đức tin cũng là lời cầu nguyện của họ. Lời tuyên xưng đức tin và lời cầu nguyện này phải được lập đi lập lại “lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy”. Đó cũng là những lời phải truyền dạy cho con cái để chúng cũng mang theo suốt hành trình cuộc đời. Lời đó không những hiện diện trong tâm trí, nơi miệng lưỡi, mà còn phải hiện diện một cách hữu hình nơi bàn tay, trên trán, nơi khung cửa và cửa thành. Như vậy, đức tin và lời cầu nguyện này luôn sống động trong mỗi người và mọi người, trong không gian nội tâm cũng như nơi công cộng, phố xá. Lời tuyên xưng đức tin này tạo nên một phản xạ thiêng liêng cho mọi hoàn cảnh sống.

Khi nói những lời trên với dân mình, ông Mô-sê muốn họ nuôi dưỡng một đức tin sống động trong cuộc sống và đức tin đó luôn làm năng động cuộc đời họ; để, sau này, khi họ tiến vào sở hữu Đất Hứa, khi được hưởng những nhà cửa họ không phải xây, khi được hưởng những hoa mầu ruộng đất họ không phải mất công gieo trồng, thì hãy tuyên xưng đức tin và cầu nguyện như vậy với Thiên Chúa, Đấng ban cho họ tất cả những thứ đó. Như vậy, đức tin và lời cầu nguyện trên luôn dàn trải trong mọi tình huống cuộc sống. Đây là một đức tin sống động diễn tả tình yêu sống động đối với Thiên Chúa.

Chúa Giê-su cũng đã nhắc lại lời của ông Mô-sê nói ở đây để trả lời cho một kinh sư hỏi về giới răn nào trọng nhất (x.Mc 12,28-30). Khi đọc những lời của ông Mô-sê, chúng ta suy nghĩ gì về đức tin của chúng ta? Phải chăng đức tin của chúng ta cũng cần được tuyên xưng và sống trong mọi hoàn cảnh? Phải chăng đức tin cần được truyền lại cho các thế hệ con cháu là một đức tin sống động? Phải chăng đức tin của chúng ta chỉ là công thức với những từ ngữ chết hay là đức tin chứa đựng một nội dung sống động của một tình yêu nồng nàn với Thiên Chúa? Chúng ta rất cần một đức tin sống động, để trong mọi hoàn cảnh như thảm cảnh của đại dịch covid hiện thời, đời sống chúng ta không mất hướng mà trái lại được kiên vững vào Thiên Chúa, Đấng yêu thương mọi người. Chúng ta cần một đức tin năng động bởi tình yêu tha thiết đối với Thiên Chúa “hết lòng hết dạ, hết trí không” để, dù trong bóng tối cuộc đời, chúng ta luôn biết nhìn lên Thiên Chúa, Đấng không bao giờ bỏ rơi con người. Đó cũng là đức tin cần thiết để có thể giúp củng cố đức tin của tha nhân.

 2. ĐỨC TIN NĂNG ĐỘNG CUỘC SỐNG

Trong trích đoạn Tin Mừng theo thánh Mát-thêu chương 17 từ câu 14 đến 20, vấn đề đức tin được đặt ra một cách minh nhiên. Thánh sử trình thuật lại sự kiện Chúa Giê-su chữa lành một con trai của một người cha kia. Em bị bệnh động kinh rất nặng và đã nhiều lần bị ngã vào lửa hay nước. Người ta quan niệm bệnh này là một trong những triệu chứng của quỉ nhập. Quỉ nhập để gây đau khổ cho người con cũng như cho người cha và người thân. Người cha đã đưa em đến với các môn đệ Chúa, nhưng các môn đệ đã không chữa lành được cho em, không trừ tên quỉ khỏi em. Thất bại! Sau đó, người cha đưa con đến cho Chúa Giê-su và Chúa đã chữa lành em. Bấy giờ các môn đệ đến gần hỏi riêng Chúa Giê-su tại sao họ không trừ nổi tên quỉ ấy. Chúa nói với các ông: “Tại anh em kém tin!”. Một câu trả lời ngắn gọn nhưng đầy đủ. “Vì anh em kém tin”.

Nhưng thế nào là kém tin? Có lẽ khi thấy em bé lên cơn động kinh, các môn đệ chỉ chú ý đến những hiện tượng bên ngoài đó và cảm thấy lo sợ, e ngại. Có thể những cảm xúc lấn át đi đức tin của các ông. Cũng có thể lúc đo các ông quên mất sự hiện diện của Thầy các ông, Đấng ban cho các ông quyền trên ma quỉ, mà chỉ nghĩ đến thiện chí của mình, một thứ thiện chí không đủ sức chiến thắng thần dữ. Cũng có thể các ông đã không nhân danh Thầy mình, mà chỉ nhân danh bản thân, nên sức mạnh đức tin của các ông không đủ sức chiến thắng. Tin ở đây không phải là sự tự tin nơi bản thân, mà là đức tin vào Thiên Chúa, vào Chúa Giê-su. Khi Chúa nói “tại anh em kém tin” là Chúa muốn đức tin của các ông phải năng động và có ảnh hưởng trên tha nhân. Một đức tin “lớn” và năng động, sẽ mang lại sự năng động cho tha nhân, mà trong trường hợp này là sự chữa lành.

 Chúng ta đang sống trong thử thách của đại dịch covid, như tình thế người cha đối với đứa con bị bệnh kinh phong chết người. Chúng ta có thể “kém đức tin” như các môn đệ ngày xưa, khi những hiện tượng bên ngoài, những cảm xúc, chiếm lĩnh nội tâm hơn là chính đức tin. Chúng ta cũng dễ bị đánh gục trước những sức mạnh đe doạ làm choáng váng. Nhưng, hơn bất cứ hoàn cảnh nào, thử thách là lúc là nơi cần một đức tin mạnh mẽ và sống động. Chính đức tin đó làm cho đức tin của người khác cũng sống động lên. Đây là ảnh hưởng của một đức tin lớn, làm chuyển núi dời non, như chính Chúa khẳng định. Đức tin giúp vượt thử thách và vượt trên chính những đau khổ, đắng cay của những sự cố xảy ra trong cuộc đời.

3. XIN THÊM ĐỨC TIN CHO CHÚNG CON

Mỗi ngày chúng ta nhận được những tin tức và những hình ảnh về tình hình đại dịch covid. Những thứ đó tác động rất mạnh trên những suy nghĩ của chúng ta. Chúng như đưa chúng ta vào bầu trời u ám gây lo lắng và cả sợ hãi. Chúng ta như nhận ra đức tin của mình mong manh quá. Chính vì thế, chúng ta cần cầu nguyện xin Chúa thêm đức tin cho chúng ta. Chúng ta tuyên xưng “lạy Chúa, con tin”, nhưng đồng thời, với tất cả khiêm tốn và chân thành, chúng ta thưa với Chúa “nhưng xin thêm đức tin cho chúng con”; để đức tin của chúng con lớn lên trong thử thách, sống động trong mọi hoàn cảnh, và làm năng động đức tin của anh chị em chúng con.

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngày 26-7, thánh Gioakim và thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17: Mối phúc được thấy được nghe

Ngày 26-7, Thánh Gioakim và Thánh Anna, song thân Đức Maria, Mt 13,16-17 Mối phúc được thấy được nghe Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm...

Ngày 25-7, thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28: Chọn chỗ nhất trong nước Chúa

Ngày 25-7, Thánh Giacôbê Tông đồ, Mt 20,20-28 Chọn chỗ nhất trong nước Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đoạn Tin mừng hôm nay có liên hệ...

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18: Tôi đi tìm Đấng tôi yêu

Ngày 22-7, Lễ kính thánh Maria Magdalena, Ga 20,1-2.11-18 Tôi đi tìm Đấng tôi yêu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 3/6/2022 Đức thánh cha Phanxicô đã...

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30: Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi

Thứ Năm Tuần XV Thường niên, Mt 11,28-30 Hãy đến cùng tôi, hãy học với tôi Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay gợi lên...

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn): Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta

Thứ Bảy Tuần XIV Thường niên, Is 6,1-8 (năm chẵn) Ơn gọi của Isaia và ơn gọi của mỗi chúng ta   Lasan Ngô Văn Vỹ,...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23 Kitô hữu khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu ví...

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa

Thứ Sáu Tuần XIV Thường niên, Mt 10,16-23; Hs 14,2-10 (năm chẵn) Cậy dựa nơi Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong bài trích sách ngôn...

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15: Được cho không phải cho không

Thứ Năm Tuần XIV Thường niên, Mt 10, 7-15 Được cho không phải cho không Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sai...

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao

Thứ Tư Tuần XIV, Thường niên, Mt 10,1-7 Thi hành sứ vụ Chúa trao Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay, tường thuật việc...

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38: Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt”

Thứ Ba Tuần XIV Thường niên, Mt 9,32-38 Cánh “đồng lúa” chín đang cần “thợ gặt” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay thuật lại...

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26: Chạm vào Chúa

Thứ Hai Tuần XIV Thường niên, Mt 9,18-26 Chạm vào Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Tin Mừng hôm nay thuật lại hai phép lạ của lòng...

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17: Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa

Thứ Bảy Tuần XIII Thường niên, Mt 9,14-17 Tâm thế mới trong Nước Thiên Chúa Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Người ta ăn chay với nhiều mục...