Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

ĐỨC TRINH NỮ TIẾN BƯỚC TRONG CUỘC LỮ HÀNH ĐỨC TIN MÔ PHẠM SỐNG ĐỘNG CỦA NGƯỜI ĐAN SĨ

 

Nhân ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi (hay lễ Đức Bà Bảy Sự, lễ kính Bảy Sự Thương Khó của Đức Bà), chúng ta cùng tìm hiểu, chiêm ngắm và noi theo Đức tin can trường của Mẹ dưới chân thánh giá Chúa (trích Luận Văn Thần Học:

ĐỨC TRINH NỮ TIẾN BƯỚC TRONG CUỘC LỮ HÀNH ĐỨC TIN

MÔ PHẠM SỐNG ĐỘNG CỦA NGƯỜI ĐAN SĨ 

M. Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist.

II. ĐỨC TRINH NỮ TIẾN BƯỚC TRONG CUỘC LỮ HÀNH ĐỨC TIN

Khi nói đến cuộc lữ hành Đức tin là nói đến một sự tiến bước dần dần, Đức tin của Đức Maria đã tiến triển dần dần đó là một cuộc tiến bước về phía ánh sáng, nhưng là một cuộc tiến bước trong khó nhọc trải qua nhiều chặng đường âm u.[1]Dựa trên nền tảng Kinh Thánh, người ta có thể chia cuộc lữ hành Đức tin của Đức Maria thành ba chặng, để phân tích sâu xa hơn. Chặng một, khi Chúa Giêsu Nhập Thể. Chặng hai, suốt thời hoạt động công khai của Chúa Giêsu, Chặng ba, trong cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Sở dĩ chúng ta “dừng lại” ở “ba chặng” quan trọng này vì nó có tính cách quyết định đến sứ mệnh của Đức Maria. Trong ý hướng đó chúng ta nghe lời đức Gioan Phaolô II nói: “Đức Maria được gọi là người lữ hành trong Đức tin mà khởi điểm của hành trình Đức tin ấy là sự kiện Truyền tin”.[2]

3. Đức Trinh Nữ “Stabat Mater” Can Trường Sống Đức Tin Trong Cuộc Khổ Nạn Và Phục Sinh Của Chúa Giêsu

3. 1 “Stabat Mater” Đức Maria chứng nhân Đức tin

Sự trung tín trong Đức tin của Đức Maria được thể hiện ra ngay từ lúc Truyền tin, kéo dài suốt quãng đời hoạt động công khai của Chúa Giêsu, và cao điểm nhất khi Mẹ lặng thinh trong đau khổ nhưng hiên ngang trong đức tin can trường chứng kiến mầu nhiệm cứu chuộc của Thiên Chúa dưới chân Thánh giá Chúa Giêsu, chia sẻ cùng một nỗi đau của Con Mẹ.

Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh chiều kích sâu sắc sự hiện diện này của Đức Maria, khi nói: “Đức Maria trung tín duy trì sự kết hợp với con mình cho tới cây Thập giá”.[3] Công đồng thêm rằng: sự kếp hợp của Mẹ vào công trình cứu chuộc được tỏ bày từ lúc thụ thai trinh khiết Đức Kitô cho tới khi Chúa chịu chết.[4] Vậy, Đức Maria đã kết hợp với Chúa Giêsu trong giờ Chúa chịu chết như thế nào?

Đã có nhiều bức họa (Đức Bà Spasimo) diễn tả sự đau khổ tột cùng của Đức Maria lúc hiện diện bên Thánh giá Chúa Giêsu: Đức Maria ngất đi vì đau đớn, thánh Gioan và Maria Madalena phải đỡ lấy Người cho khỏi quỵ xuống… những bức họa đó cố gắng diễn tả nỗi đau tột độ của Đức Maria, nhưng vô tình diễn tả sai sự thực và hạ giá đức tin can trường của Mẹ.[5] Về chi tiết này chúng ta không thể bỏ qua trình thuật của thánh sử Gioan, nhân chứng của sự việc đã ghi lại rằng: Đứng dưới chân Thập giá Đức Giêsu có thân mẫu Người…” (19,25). Mẹ đứng đó chứng kiến và chiêm niệm tất cả những gì đang xảy ra đối với Đức Giêsu Kitô.

Hình ảnh “Mẹ đứng”, trải qua bao thế kỷ vẫn là đề tài gợi hứng cho các thế hệ Kitô hữu suy tư, chiêm ngưỡng và noi theo. Đức Gioan Phaolô II đã giải thích: “Khi dùng động từ “đứng”, dịch sát nghĩa là “đứng thẳng”, có lẽ thánh sử muốn trình bày tính can trường trong khi Đức Maria và các bà khác chịu đau khổ […]. Cách riêng, trong tư thế “đứng thẳng” của Đức Maria gần bên Thánh giá nhắc tới sự cương quyết và lòng can đảm của Người khi đối đầu với đau khổ, trong bi kịch Calvariô”.[6] Một cách tương tự, Đức Thánh cha Piô IX cũng nhấn mạnh đến sự kiện Đức Maria đứng dưới chân Thánh giá: “Như một phụ nữ can trường Mẹ đã trèo lên Gôltha… Mẹ rất thánh đã cất cao đầu đứng dưới chân Thánh giá”.[7]

Trên núi Sọ, Mẹ đứng đó! Lúc này tất cả những người “mẹ và anh em của Chúa” (x. Mc 3,31-35) tất cả đều lánh mặt đâu hết. Chỉ còn một mình con người đau khổ vì lời “Ai là Mẹ Ta? (Mt 12,46-50), con người mà lời đó đã xâu xé tâm can như lưỡi dao đâm thấu lòng dạ (x. Lc 2,34-35). Dù có thế nào, Mẹ vẫn đứng vững.[8] Nhưng Mẹ đứng đó để làm gì? Có phải để trở thành “Người nữ anh hùng” qua những đau khổ?

Điều thật hiển nhiên là cả bốn sách Tin Mừng đều ghi lại sự kiện Đức Maria đứng bên Thánh giá. Mẹ đứng như một chứng nhân đức tin trong công trình cứu chuộc của Con Mẹ. Cho dù trái tim bị tan nát, nhưng Mẹ tiếp tục đứng hiên ngang làm chứng cho Đấng chịu đóng đinh. Mẹ tiếp tục làm chứng cho Chúa, Đấng mà xưa kia Mẹ đã từng ẵm bế trên tay, bằng một đức tin can cường, vô sánh. Thế nên, Thánh Ambrosio ca tụng Mẹ: “Đức Mẹ đã đứng trước Thập giá trong khi các nam nhân bỏ trốn”.[9]

Trên đồi Golgotha Mẹ Maria đã đem lại chứng từ cho Chân lý được Mạc khải trong cái chết của Con Mẹ. Mẹ đứng chứng kiến tất cả những điều Chúa đã nói và làm trong sứ mạng Ngài, sứ mạng kết nối trong hy lễ “xá tội trần gian”. Mẹ, người đã nghiền ngẫm những lời hứa của Thiên Chúa trong tâm hồn, bây giờ qua cả thân xác đang làm chứng cho lời “Fiat” để cho ý định Thiên Chúa thực hiện qua cuộc đời Mẹ. Khi cùng chịu đau khổ với Chúa Kitô bên Thánh giá, trước bất cứ môn đệ nào, Mẹ đã chu toàn lời tiên báo của Chúa Giêsu: “Các con sẽ là chứng nhân của Thầy”(Lc 24,48).[10]

Bởi đâu Đức Maria có được lòng can đảm và trung tín phi thường khi phải tận mắt chứng kiến cái chết của Con Mẹ? Như đã trình bày, cuộc lữ hành Đức tin của Đức Maria là một hành trình xuyên suốt, một cuộc tiến bước dần dần trong Đức tin, khởi đầu trong ngày Truyền tin. Đức Maria đã đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa bằng Đức tin. Chính Đức tin đã nâng đỡ và củng cố Mẹ suốt thời ẩn dật của Chúa Giêsu và làm tăng triển trong thời hoạt động công khai của Chúa Giêsu. Chính vì thế Công đồng Vaticanô II nhận xét: “Đức Trinh Nữ Maria đã tiến triển trên hành trình Đức tin và duy trì sự kết hiệp với con mình cho tới cây Thánh giá”.[11]

Chính đức tin đã giúp Mẹ đứng vững ngay cả khi phải chứng kiến Con mình treo trên Thánh giá. Thánh Antôninh viết: “Maria đứng vững, vì Đức tin ở thiên tính của Chúa Giêsu Con Mẹ đã cao nâng và hộ đỡ Mẹ, Mẹ đã anh hùng chờ đợi Chúa Phục sinh”. Thánh Alberto Cả cũng xác nhận: “Chính trong cuộc khổ nạn ấy, đức tin của Mẹ Maria đã vươn lên một độ cao tuyệt vời. Các môn đệ thảy đều trầm một trong sự hoài nghi, chỉ có một mình Mẹ đồng trinh vẫn kiên kỳ trong Đức tin vàng đá”.[12]

Đức Maria đã hết lòng tin tưởng và cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa, cho dù Mẹ đã không thể hiểu được đường lối của Ngài (x. Lc 1,26-38). Các thánh đặc biệt chú ý phân tích thái độ và tâm tình của Đức Maria dưới chân Thánh giá, Thánh Antôniô nói: “Mẹ Maria đứng đầy lòng dũng cảm, hoàn toàn tuân hợp thánh ý Chúa”. Thần học gia Arnaud de Chartres đồng thanh: “Ý muốn của Chúa và của Mẹ Maria là một. Cả hai Mẹ Con hiến dâng lên Thiên Chúa cùng một của lễ hy sinh: Mẹ dâng từ thẳm sâu cung lòng Mẹ. Chúa dâng trong máu xác thân Người”. Thánh Bonaventura nói thêm: “Không một chút hồ nghi rằng với tấm lòng vững mạnh, một chủ ý kiên trung, Mẹ Maria muốn hy hiến dâng Con mình cho phần rỗi loài người để hoàn toàn phù hợp với ý Chúa Cha hằng hữu”.[13]

Mặt khác, chứng từ “Tin – Yêu” của Mẹ, “Virgo Fidelis” người Trinh nữ tử đạo, đã đối ngược hẳn với sự vô tín và lăng nhục đang diễn ra trên đồi Calvariô. Mẹ Maria cùng chia sẻ những tâm tình của Con mình, van nài sự tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm (x. Lc 23,34). Mẹ thông dự vào tâm tình phó thác cho ý muốn của Chúa Cha, được biểu lộ qua những lời sau hết của Chúa Giêsu : “Lạy Cha, Con xin phó thác linh hồn Con trong tay Cha” (Lc 23,46). Nếu như xưa kia Mẹ đặt ra vấn nạn: “Con ơi, tại sao Con làm thế?…” (x. Lc 2,48), thì giờ đây, Mẹ hoàn toàn im lặng, kết hợp trọn vẹn vào hy lễ của Con vời một tấm lòng một người Mẹ ưng thuận hiệp thông trọn vẹn hiến tế lễ vật do mình sinh ra.[14] Để hợp làm một với hiến tế của Con, Đức Maria cũng đã tự hiến chính bản thân.[15]

Như người Trinh nữ của niềm tin và như mẫu gương của sự thánh thiện: “Mẹ đứng đó như biểu tượng thực tế và lý tưởng cho nhân loại được Đức Kitô cho tái sinh”.[16]“Đức Mẹ đứng, như một đại tướng vô địch, đứng chỉ huy giữa những mưa đạn vùn vụt chung quanh, là binh sĩ, có khi là cả các con ngã nhào từng đống”.[17]

Cho nên, GLHTCG ca ngợi Mẹ rằng: “Trong suốt cuộc đời Mẹ và cho tới cơn thử thách cuối cùng, khi Chúa Giêsu con Mẹ chết trên Thánh giá đức tin của Mẹ đã không bao giờ giao động. Mẹ Maria đã không ngừng tin rằng Thiên Chúa sẽ hoàn tất Lời hứa của Người. Bởi vậy Giáo hội tôn kính nơi Đức Maria sự thực hiện một niềm tin tinh tuyền”.[18] Đức Maria đã kiên vững tín thác vào Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần trong ngày Truyền tin cho đến chân Thánh giá và Mẹ còn giúp các môn đệ Chúa Kitô nhận lãnh Chúa Thánh Thần, sau ngày Phục sinh.

“Khi chúng con kính nhớ tình yêu đau khổ của Đức Trinh Nữ Maria, xin cho chúng con biết dùng đời sống mình để bù đắp những gì còn đang thiếu sót trong những đau khổ của Đức Chúa Kitô để mưu ích cho Hội Thánh” (Lời nguyện hiệp lễ ngày 15/09).

 

 

[1] X. Norberto, Đức Maria Nữ Tỳ Của Thiên Chúa, 2006, tr. 138.

[2] RM, số 14.

[3] LG, số 58.

[4] X. LG, số 57.

[5] X. Raoul Plus, SJ, Đức Maria Trong Lịch Sử Thiên Chúa Cứu Độ, chuyển ngữ Giêrônimô, tr. 65-67; Lm Antôn Tuyên, DCCT, Cuộc Đời Mẹ Maria, Nxb Tôn giáo, tr. 141.

[6] Gioan Phaolo II, Những Bài Huấn Giáo …, tr 182-183

[7] ĐHY, James Hickey, Đức Maria Dưới Chân Thập Giá, Dịch giả Đức Giang, tr 53

[8] X. Nhiều Tác Giả, Cho Một Đức Tin Sống Động, Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM. Tuyển chọn và Phiên dịch, Nxb Tôn giáo, tr. 180.

[9]ĐHY, James Hickey, Đức Maria Dưới Chân Thập Giá, Dịch giả Đức Giang, tr.53.

[10]ĐHY, James Hickey, Đức Maria Dưới Chân Thập Giá, Dịch giả Đức Giang, tr.54.

[11] LG số 58; Gioan Phaolo II, Những Bài Huấn Giáo …, tr. 183; Raniero Cantalamessa, Đức Maria gương mẫu cho Giáo Hội, tr. 126.

[12] Thánh Anphong, Vinh Quang Đức Maria, Cứu Thế Tùng Thư, tr. 607-608.

[13] Lm. Phero M. Ngô Châu Minh. CMC, Đức Maria Đồng Công Trung Gian Trạng Sư, Hiệu sách Regina 2004, tr 249

[14] X. LG số58; Gioan Phaolo II, Những Bài Huấn Giáo …, tr. 183.

[15]X. Phaolo VI, Marialis Cultus, số 20.

[16] ĐGH. Phaolo VI, sứ điệp trong giờ kinh truyền tin, 8/12/1972.

[17] Lm. Tanila Hoàng Đức Ánh, thần học về Đức Maria, Nxb Tôn giáo, tr 141.

[18] GLHTCG số 149.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ Sáu Tuần XII Thường niên, Mt 8,1-4: Chạy lại với Chúa nhận ơn chữa lành

Thứ Sáu Tuần XII Thường niên, Mt 8,1-4 Chạy lại với Chúa nhận ơn chữa lành Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin Mừng hôm nay mô tả...

Thứ Năm Tuần XII Thường niên, Mt 7,21.24-27: Đời hạnh phúc khi sống Tám Mối Phúc

Thứ Năm Tuần XII Thường niên, Mt 7,21.24-27  Đời hạnh phúc khi sống Tám Mối Phúc Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Đoạn Tin Mừng hôm nay...

Thứ Ba Tuần XII, Thường niên, Mt 7,6.12-14: Sống tương quan ba chiều

Thứ Ba Tuần XII, Thường niên, Mt 7,6.12-14 Sống tương quan ba chiều Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist. Đọc Tin mừng hôm nay, có một số người...

Đan Viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương – Trao Tác Vụ Đọc Sách & Giúp Lễ

ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU SƠN ĐƠN DƯƠNG TRAO TÁC VỤ ĐỌC SÁCH & GIÚP LỄ Vào lúc 5h30’, ngày 25/03/2023, Đan Viện Xitô Thánh...

“Yêu nhau muôn sự chẳng nề…” Suy niệm Tin mừng Chúa Giáng Sinh: Lc 2,1-14 (Lễ đêm)

“Yêu nhau muôn sự chẳng nề…” Suy niệm Tin mừng Chúa Giáng Sinh: Lc 2,1-14 (Lễ đêm) M. Lasan Châu Sơn Trong khung cảnh huy hoàng của...

Con biết con cần Chúa – Con biết Chúa cần con – Suy niệm Tin Mừng: Mt 1,18-24 – CN IV MV, năm A

CON BIẾT CON CẦN CHÚA - CON BIẾT CHÚA CẦN CON Suy niệm Tin Mừng: Mt 1,18-24 Chúa nhật IV Mùa vọng, Năm A M. Lasan...

Tình yêu tự hủy của Vua Kitô

TÌNH YÊU TỰ HỦY CỦA VUA KITÔ SNTM Lc 23, 35-43; Chúa Kitô - Vua vũ trụ, Chúa nhật 34, Năm C Lasan Châu Sơn Một điều...

Tôi tin một cuộc sống đời đời

TÔI TIN MỘT CUỘC SỐNG ĐỜI ĐỜI Suy niệm Lời Chúa: Mcb 7,1-2.9-14; Lc 20,27-38; Chúa nhật 32 Thường niên, Năm C M. Lasan Châu Sơn Chúng...