ĐỪNG LOẠI TRỪ THIÊN CHÚA
Ân Tâm – Cộng đoàn Phước Vĩnh
Triết gia vô thần Nietzche từng nói: “Hãy giết chết Thiên Chúa để con người làm chúa”. Ông cũng từng nói một câu khác: “Thiên Chúa đã chết”. Tất cả những câu nói đó thể hiện ước muốn đen tối của con người – ước muốn bá chủ thế giới, tiếm quyền của Thiên Chúa, một cuộc sống loại trừ Thiên Chúa.
Ước vọng trên đã có từ thời khỏi thủy, khi Ađam và Evà nghe lời dụ dỗ của tên cảm dỗ ăn trái biết lành biết dữ, để được thông minh, sáng láng. Nói cách khác họ muốn trở thành một thiên chúa khác. Nhưng cuộc đời nào ai biết được chữ “ngờ”. Tổ tông loài người đâu ngờ rằng khi ăn trái cấm, họ biết lành biết dữ, những cũng là lúc họ bị đuổi đi khỏi nhan Đức Chúa. Họ cũng đâu ngờ rằng đất đai sẽ quay lưng lại khiến họ phải cực nhọc mới có miếng ăn. Và cái ngờ đau đớn nhất chính là họ không ngờ rằng vì việc bất tuân của họ mà sự dữ đã tràn lan vào thế giới. Sự dữ hiện diện chính trong gia đình họ, khi con cái họ giết chóc lẫn nhau vì ganh tị (Cain giết Aben). Trước tình cảnh bi đát đó, Thiên Chúa vẫn không ruồng rẫy nhưng đã hứa ban Đấng Cứu Độ.
Để thực hiện công trình cứu độ, Thiên Chúa đã chọn một dân. Một dân được ví như một vườn nho và Thiên Chúa là ông chủ rất mực yêu thương chăm sóc. Như ngôn sứ Isaia mô tả trong bài ca của mình. Bạn thân tôi có một vườn nho trên sườn đồi mầu mỡ. Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn, anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho. (Is 5, 1-2). Theo chú giải Tin Mừng Matthew 21, 33, của linh mục Vũ Phan Long, OFM thì: “Chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho: Ở đây cũng như trong Is 5, tác giả liệt kê ra những công việc ông chủ làm cho vườn nho nhằm nêu bật tình yêu cũng như quyền tuyệt đối của ông trên vườn nho. Nó thuộc về ông bởi vì ông đã tạo ra nó từ đầu. Tháp canh là để bảo vệ nó, nhất là vào mùa hái trái. Bồn đạp nho là để trích chất cốt của nho”. Các chi tiết đều nói lên tình yêu của ông chủ và mong ước của ông là vườn nho sinh trái tốt. Thế nhưng vườn nho lại sinh toàn trái xấu. Trái xấu vị ngôn sứ nói đến chính là sự dữ nơi dân. Vườn nho của Đức Chúa các đạo binh, chính là nhà Israel; cây nho Chúa yêu mến quý chuộng, ấy chính là dân xứ Giu-đa. Người những mong họ sống công bằng, mà chỉ thấy toàn là đổ máu, đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vọng tiếng khóc than. (Is 5, 7). Những hành động đó chính là việc dân muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Nhưng điều gì sẽ đến khi con người loại trừ Thiên Chúa?
Một cuộc sống sẽ đầy sự dữ khi con người loại trừ Thiên Chúa. Lịch sử đã chứng minh điều đó. K. Marx đã xây dựng một xã hội không có Thiên Chúa, để con người bá chủ thế giới. Nhưng kết quả của công việc ông làm lại là những quái thai trong xã hội được sinh ra bởi đường lối bạo động cách mạng. Hiện nay, trên thế giới những tàn dư do ông để lại vẫn không ngừng sinh ra những quái thai cho xã hội văn minh. Bởi nguyên nhân loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Điều đó Israel cũng đã làm.
Israel là dân được chọn để được hưởng những lời hứa, thừa hưởng gia nghiệp Thiên Chúa ban. Nhưng dân đã nhiều lần bất trung cùng Thiên Chúa. Thế mà Người đã không bỏ mặc nhưng vẫn hết mực kiên nhẫn và một dạ xót thương. Như các đầy tớ được ông chủ sai đến vườn nho để thu hoa lợi, Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến kêu gọi dân ăn năn sám hối, trở về cùng Người. Dân đã không trở lại, lại còn đánh đập người này, ném đá và giết chết người kia. Tác giả Matthew nói đến hai lần ông chủ sai các đầy tớ đến, có ý nói đến hai nhóm ngôn sứ (trước và sau) Thiên Chúa đã sai đến với Israel. Đồng thời chi tiết này cũng nói lên sự kiên nhẫn và tình yêu của Chúa với dân người.
Tưởng chừng như khi các tôi tớ bị giết thì lòng kiên nhẫn của ông chủ đã cạn. Nhưng thật bất ngờ và cũng rất cảm động về tấm lòng bao dung của ông chủ, ông không nổi giận nhưng đã sai chính con một của mình đến với hy vọng các tá điền sẽ nể mặt con ông. Thế nhưng khi con một của ông chủ đến, chẳng những các tá điền không nể mặt, mà họ còn ra tay loại trừ thẳng thừng, khi vừa thấy mặt cậu. “Nhưng bọn tá điền khi vừa thấy người con, thì bảo nhau: ‘Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó, và đoạt lấy gia tài của nó”. (Mt 21, 38). Theo Tin Mừng Nhất Lãm, các tá điền tức khắc nhận ra người thừa tự (Dt 1,2; Rm 8,17). Như thế tội ác của họ không phải là hậu quả của một sự lầm lẫn bi đát, hoặc của một tình trạng thiếu lòng tin nơi Vị sứ giả: Họ hành động với ý thức hoàn toàn về mức độ trầm trọng của hoàn cảnh. Họ đã từ khước Thiên Chúa nơi bản thân Đấng Ngài sai đến. Thật là một sự tương phản toàn phần – tình yêu Thiên Chúa và thái độ, lối sống của dân được tuyển chọn.
Thiên Chúa đã làm tất cả cho dân của Người, Người cũng hết mực kiên nhẫn và khoan dung, thế nhưng dân lại phản bội hết lần này đến lần khác (x. Tv 77). Họ luôn muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của họ để đổi lấy một thứ tự do man rợ. Và đỉnh cao của sự loại trừ chính là loại trừ chính Thiên Chúa nơi Con Một của Thiên Chúa làm người là Đức Giê-su. Chính dân được tuyển chọn đã kết án và giết Đấng Mêsia. Và đương nhiên, điều gì đến sẽ đến. Ác giả ác báo… Chính dân được chọn đã loại trừ Thiên Chúa, không muốn để Thiên Chúa chở che thì Người sẽ rút bàn tay lại. Nhiều nhà chú giải lấy biến cố Giêrusalem thất thủ như bằng chứng cho sự kiện này. Đây là vấn đề tế nhị chúng ta không bàn tán nhiều. Điều chúng ta quan tâm chính là sự việc liên quan đến chúng ta, …Ông chủ sẽ tru diệt chúng (các tá điền sát nhân) và cho các tá điền khác canh tác vườn nho,để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông”. (Mt 21, 41).
Các nhà chú giải Kinh Thánh đều đồng ý với nhau rằng: Vườn nho trong dụ ngôn Đức Giê-su kể chính là Nước Trời. Nước đó sẽ được trao lại cho một dân khác và đó chính là Hội Thánh do Đức Giê-su thiết lập. Như thế, chúng ta (con cái của Hội Thánh – những tá điền) cần vui mừng vì được Thiên Chúa đoái thương nhìn đến, cho đón nhận Nước Trời. Đồng thời mỗi người mang trên vai trách nhiệm làm cho Nước Trời sinh hoa trái và giao nộp hoa lợi cho Thiên Chúa. Chúng ta thi hành sứ mạng của mình trước hết bằng cái nhìn về lịch sử đời mình, lịch sử Giáo Hội và của nhân loại.
Chúng ta phải nhìn nhận rằng: Thiên Chúa đã tạo dựng loài người với tình yêu thương âu yếm sâu xa. Trong nhân loại này, Ngài đã chọn ra một nhóm người mang những lời Ngài hứa, họ có nhiệm vụ làm cho Ngài hiện diện giữa nhân loại. Ngài đã ân cần nuôi dưỡng, chăm sóc họ, và sai họ đi làm chứng về tình thương của Ngài. Đáng tiếc, thay vì sản sinh những hoa quả ngon ngọt của lòng trung thành và của sự bình an, họ đã tạo ra sự hận thù, ghen ghét, bạo lực. Phải công tâm nhìn nhận con người là tội lỗi và gian ác.
Khởi đi từ việc nhìn nhận mình là người tội lỗi, chúng ta mới có khả năng khiêm tốn, cậy trông vào Thiên Chúa. Đồng thời có một tấm lòng bao dung và thương xót tới những người cùng chung sống. Tôi nhớ khi Đức Phanxicô mới được bầu làm Giáo Hoàng, có một kí giả đến hỏi: Jorge Mario Bergoglio (tên thật của Đức Phanxicô) là ai? Ngài trả lời rằng: Tôi là một người tôi lỗi. Một câu trả lời khôn ngoan, chân thật và cũng rất dễ thương nhưng đã nói lên tất cả những gì sẽ đến trong điều đại của ngài. Một triều đại đi đến với những vùng ngoại biên của cuộc sống, là người nghèo, là những nơi bất công và bạo lực… Chúng ta cũng được mời gọi làm như thế.
Từ cái nhìn về bản thân như thế cho phép chúng ta tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa. Không có gì có thể ngăn chặn hành động uy quyền của Thiên Chúa trong thế giới. Bởi vì Thiên Chúa đủ quyền năng để đưa mọi chuyện (kể cả điều ác) vào việc thực hiện các kế hoạch của Ngài. Trong đời sống chúng ta, nếu chúng ta sẵn sàng dâng cho Thiên Chúa tất cả những gì làm nên con người chúng ta, tất cả những gì chúng ta có, Thiên Chúa sẽ có thể làm những điều kỳ diệu xuyên qua chúng ta. Như thánh Augustino từng nói: “Thiên Chúa rút ra điều tốt từ những sự dữ”.
Với những cái nhìn trên, chúng ta sẽ không bao giờ loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của chúng ta. Vì cái nhìn về thân phận yếu đuối cho chúng ta biết chỉ một mình Thiên Chúa là chủ tể trời đất. Chúng ta là những tá điền trong vườn nho, có trách nhiệm làm cho vườn nho sinh hoa lợi cho Thiên Chúa.
Cái nhìn tin tưởng cho chúng ta cậy trông vào quyền năng của Thiên Chúa và cũng có thể tự tin sống tròn đấy cuộc sống trần gian này. Và một cuộc sống có Chúa hiện diện thì sẽ vắng bóng sự dữ và ma quỷ. Vì ở đâu ánh sáng xuất hiện thì bóng tối sẽ tàn lụi, mà Thiên Chúa chính là nguồn sáng vô biên. Hãy mở tâm hồn ra, mở cuộc sống của cá nhân, cộng đoàn, giáo xứ, Giáo hội để đón nhận Thiên Chúa là nguồn sáng đến hiện diện. Đừng loại trừ Thiên Chúa!!!