GẶP GỠ, TIN, SỐNG VÀ RAO GIẢNG VỀ ĐỨC GIÊSU PHỤC SINH
(Bài Suy Niệm Thứ 5 tuần Bát Nhật Phục Sinh)
Các sách Tin Mừng ghi lại nhiều lần Đức Giêsu hiện ra sau khi Người từ cõi chết sống lại. Lần hiện ra giữa Đức Giêsu với các môn đệ trong trình thuật Tin mừng của thánh sử Luca hôm nay (Lc 24, 35-48) là một trong năm lần chính thức Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ. Ngoài ra chúng ta còn đọc thấy ba lần khác Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra cho các “cá nhân”: với Maria Magdala, với các người phụ nữ và với hai môn đệ trên đường Emmau.
Cũng như diễn tiến của những lần hiện ra khác, trình thuật chúng ta suy niệm hôm nay kể lại việc các môn đệ khi còn đang nghe chuyện của hai môn đệ trên đường Emaus, thì bỗng nhiên Chúa Giêsu hiện đến với họ. Bằng lời chào bình an, lời trấn an, Đức Giêsu bắt đầu giải thích Kinh Thánh liên quan đến Người, cho các môn đệ xem chân tay… nhằm củng cố đức tin của họ. Trước những gì tai nghe và đang tận mắt chứng kiến, các môn đệ đã có một sự thay đổi rõ ràng: từ sợ hãi, ngỡ ngàng đến vui mừng và tin tưởng. Dấu hiệu rõ nhất của việc biến đổi là sự chọn lựa mới: cuộc đời các ông bắt đầu rẽ sang một hướng khác, sẵn sàng sống chết với niềm tin và hân hoan ra đi công bố tin mừng “Chúa đã phục sinh”.
Trở lại với lý do khiến các môn đệ, mà hai trong số đó buồn bã, thất vọng bỏ thành Giêrusalem ra đi về lại với cuộc sống bình dị, tiếp tục nghề nghiệp họ đã gắn bó bao nhiêu năm trước khi đi theo làm môn đệ Thầy Giêsu. Quyết định ấy chẳng có gì khó hiểu và đáng trách. Không chỉ hai môn đệ trên đường Emaus, các môn đệ khác cũng có tâm trạng và dự tính như vậy. Hơn ai hết, vì họ đã chứng kiến và đang trải qua kinh nghiệm của sự thất bại, nói đúng hơn là tuyệt vọng sau cái chết của Thầy Giêsu. Trong mắt họ, Đấng Cứu Thế toàn năng, phi thường làm cho “Người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,5), giờ chỉ còn lại con số không tròn trịa. Đấng mà mọi người tung hô vạn tuế mấy ngày trước giờ đã chết đau đớn tủi nhục. Không những thế người ta còn đang tìm cách “thanh toán” nhóm đồ đệ đã đi theo Người.
Đường Emaus là đường trở về của các môn đệ, là cánh cửa giúp họ tự giải thoát chính mình; tuy nhiên Đấng phục sinh lại kéo họ ra khỏi sự u buồn, nặng nề, cô đơn và thất vọng. Chỉ có Chúa Giêsu phục sinh, chỉ có Đấng từ cõi chết sống lại mới có khả năng đem lại cho họ cuộc đời đổi mới, sức sống mới, là lẽ sống và lý do duy nhất cho việc dấn thân loan báo Tin mừng.
Nếu các môn đệ ở trong tình trạng mất phương hướng, buồn tủi, thất vọng….. quyết định rời bỏ Giêrusalem,… thì sau khi được gặp Đức Giêsu phục sinh, các ông vui mừng, hân hoan, can đảm trở lại nơi mình đã bỏ ra đi. Nếu hai môn đệ đã được biến đổi thì các môn đệ khác cũng cần được một sự gặp gỡ và đụng chạm của Đấng phục sinh như vậy. Cũng con đường về làng Emaus, cũng căn phòng các môn đệ trú ngụ, nhưng sau khoảnh khắc Chúa phục sinh hiện đến, mọi sự hoàn toàn khác. Những lần các môn đệ được Đức Giêsu Phục sinh hiện ra giúp cho đức tin được củng cố, các ông nhận lãnh ơn can đảm để mạnh dạn thi hành sứ mạng Chúa trao phó. Ơn phục sinh giúp các môn đệ trở thành những con người hoàn toàn khác, trở thành những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.
Niềm tin, sự xác tín của các môn đệ càng thêm vững chắc vì những gì sách Thánh đã báo trước về Đức Giêsu Kitô nay được ứng nghiệm trọn vẹn: “Đức Kitô phải chịu đau khổ và chết nhục nhã, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại” (Lc 9, 22). Đây cũng là tin mừng Thiên Chúa muốn mọi người tin và đón nhận. Các môn đệ chẳng làm gì khác ngoài việc rao giảng về sự chết và sống lại của Đức Giêsu Kitô: “Chính nhân danh Đức Giêsu người Nazareth, người các ông đã cho đóng đinh thập giá, nhưng Thiên Chúa đã cho sống lại từ cõi chết” (Cv 4,10). Ở một diễn từ khác thánh Phêrô công khai tuyên bố trước nhiều ngàn người: “Còn Vị khơi nguồn sự sống, các ông đã giết đi, Đấng mà Thiên Chúa đã cho sống lại từ cõi chết” (Cv 3,15), nhưng Người đã sống lại. Mỗi khi rao giảng, các ngài thường hiên ngang tuyên bố: “Chúng tôi xin làm chứng“.
Mặc dù không được diễm phúc ở cùng với các môn đệ khi Chúa hiện ra, nhưng lời chứng của tông đồ Phaolô một lần nữa giúp củng cố đức tin cho chúng ta hôm nay. Thánh nhân viết: “Tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non” (1Cr 15,3-8).
Tóm lại: Cốt lõi của sứ điệp Kitô giáo hệ tại ở việc kêu gọi các tín hữu tin, sống, công bố và làm chứng về một Đức Kitô đã chết và đã sống lại.
Trong cuộc sống của mỗi người, chúng ta phải thường xuyên đối diện với biết bao khó khăn, thử thách, chán nản và thất vọng, vì vậy tìm đến Chúa phục sinh hay là mời Chúa về với mình là điều cần thiết và quan trọng….. Nếu Đức Kitô phục sinh làm biến đổi cuộc đời các môn đệ thì chúng ta cũng được diễm phúc như vậy nếu chúng ta liên kết hay thường xuyên có được cuộc gặp gỡ riêng tư với Thiên Chúa. Như các môn đệ xưa, cuộc đời chúng ta và tất cả anh chị em của chúng ta sẽ chẳng có gì thay đổi nếu không được gặp, không tin và không sống với mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Bao lâu không có Chúa trong cuộc đời, chúng ta sẽ vẫn còn buồn rầu, sợ hãi, trống vắng và bất hạnh, giống như khỏanh khắc trước khi các môn đệ gặp gỡ Đấng Phục sinh.
Mai Thi