Thứ tư, 13 Tháng mười một, 2024

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN

SUY NIỆM CHÚA NHẬT CHÚA PHỤC SINH

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN

(Cv 10,34a. 37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9)

Mai Lệ Thi, CĐ Phước Thiên

           Sự hài hòa trong vũ trụ, mọi biến chuyển của cuộc sống con người không phải ngẫu nhiên, mọi hệ quả đều có nguyên nhân hay nói đúng hơn mọi kết quả đạt được đều trải qua một tiến trình. Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan đã thuật lại rằng: “Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). Không phải ngôi mộ trống, sự gọn gàng của khăn che đầu và các băng vải đã khiến ông tin, nhưng đây là dấu chỉ giúp ông nhớ lại tiến trình đức tin của mình qua những lần Đức Giêsu đã tiên báo về cái chết và sự chỗi dậy của Ngài. Vậy, chúng ta cùng nhìn lại xem tiến trình đức tin của các tông đồ và của mỗi người chúng ta gồm những gì?

  1. Niềm Tin của các Tông Đồ

        Có thể nói khi đi theo Đức Giêsu các tông đồ đã phần nào xác định Đức Giêsu là ai. Điều này chính ông Phêrô đã quả quyết: “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Không những các Ngài nhận ra quyền năng của Đức Giêsu qua việc chữa lành cho người tàn tật, mở mắt cho người mù, trừ quỷ…, mà còn chứng kiến việc Ngài cho kẻ chết sống lại… Điều mà Đức Giêsu tiên báo: Người sẽ bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy (x. Lc 9,22). Thật ra các ông cũng chỉ nghe vậy thôi chứ chưa xác tín cách mạnh mẽ vào mặc khải này.

         Thánh Gioan đã viết: “Trước đó hai ông chưa hiểu rằng; theo Kinh thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20,9). Chính vì chưa hiểu nên các ông hành xử theo bản năng tự nhiên, can ngăn Đức Giêsu lên Giêrusalem chịu tử nạn. Phải chăng vì mắt các ông chưa được mở ra để thấy rõ Chúa Giêsu là trung tâm của chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Hay nói đúng hơn, Đức Giêsu phải ngang qua cái chết và sự phục sinh của Người nhân loại mới được cứu độ.

         Vì chưa hiểu được giá trị đời sau, nên các tông đồ chưa dám đánh đổi mạng sống cũng như những vật chất đời này, do đó mà các ông đã chạy trốn, từ chối tương quan để tránh liên lụy. Khi Thầy bị bắt, bị đem đi hành hình, không ông nào dám đứng ra để bảo vệ Thầy, có chăng thì cũng chỉ âm thầm đi theo từ xa. Sau khi Thầy bị đóng đinh và giết chết, các ông còn sợ hãi đóng kín cửa. Các ông càng không dám tin Thầy đã sống lại khi nghe các phụ nữ chạy từ ngoài mộ về báo tin, họ cho lời các phụ nữ nói là chuyện vớ vẩn.

         Như thế, cái chết của Thầy Giêsu đã khiến các ông hoang mang, chán nản, gần như tuyệt vọng; một số thì bỏ về quê, một số khác trở lại nghề chài lưới… Nhưng từ chỗ tuyệt vọng, hoang mang với sự kiện ngôi mộ trống và dấu chỉ băng vải để riêng với khăn che mặt mà các ông đã chứng thực Đức Giêsu đã trỗi dậy từ cõi chết: “Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). Các động từ chuyển động như: đã tới, đi vào, đã thấy, đã tin nói lên sự tiến triển của cuộc hành trình đức tin. Biến cố Phục Sinh giúp các ông nhớ lại điều Ngài đã nói với người do thái: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại… Nhưng đền thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người” (Ga 2,20-22). Không những thế, sự đụng chạm Đấng Phục Sinh đã khiến các môn đệ cách riêng là Phêrô long trọng rao giảng tại nhà ông Conelio. Ông nói: “Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra mấy bữa nay trong toàn cõi Giuđê… phàm ai tin vào danh Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội” (Cv 10,34a.37-43). Đây là tiến trình đức tin của các tông đồ còn tiến trình đức tin của chúng ta thì sao?  

  1. Niềm tin của mỗi Kitô Hữu chúng ta

         Chúng ta được thừa hưởng niềm tin do các tông đồ truyền lại ngang qua bí tích thanh tẩy. Đức tin lớn dần mỗi ngày nhờ bí tích thêm sức, làm mới mỗi ngày nhờ bí tích hòa giải và thánh thể… Lời Chúa, giáo lý, huấn quyền của Giáo hội trở nên châm ngôn sống hằng ngày. Đức tin được cụ thể hóa bằng việc tích cực cử hành phụng vụ, thánh lễ, ra đi xây dựng tình bác ái nhằm cũng cố đức tin và giúp đức tin của chúng ta đạt tới sự trưởng thành.

         Nhưng những trang Kinh Thánh, những bản văn Giáo hội truyền lại mãi chỉ là lý thuyết, hay những câu chuyện chứa nội dung phong phú cuốn hút người đọc nếu chúng ta không đem ra thực hành. Các bí tích, thánh lễ chỉ cử hành như một thói quen hay chỉ là hình thức bên ngoài, nếu chúng ta chưa một lần đụng chạm được Đức Kitô Phục Sinh. Trong bài diễn từ ‘về đời sống mới trong Chúa Kitô’ Đức Tổng Giám Mục Charles J.Chaput, Tổng Giáo Phận P. Denver, Colora đọc tại Edmonton, Alberta ngày 30/4/2009 đã nói: “Đức tin Công giáo không đơn thuần chỉ là một sưu tập những giáo thuyết và tư tưởng, hay một khối kiến thức, hoặc một hệ thống những niềm tin, mặc dù tất cả những điều ấy quan trọng. Tận nguồn gốc Kitô Giáo là một kinh nghiệm: Một kinh nghiệm đổi đời và cá nhân về Đức Kitô Phục Sinh. Tất cả những điều khác trong cuộc đời thánh Phaolô, và tất cả những điều khác trong cuộc đời chúng ta như người công giáo, đều phát sinh từ cuộc gặp gỡ riêng với Đức Kitô ấy”.

        Vậy đâu là những đụng chạm của chúng ta đối với Đấng Phục Sinh? Sự thất bại trong tình bạn, tình yêu hay sự nghiệp, một tai nạn ập tới, sự ra đi của người thân hay một người nào đó quan trọng trong cuộc đời của chúng ta… Sự đụng chạm này khiến chúng ta cảm thấy đau đớn, nhức nhối, không dễ chấp nhận, có lúc cảm thấy gần như tuyệt vọng… Nhưng niềm tin Kitô giáo giúp chúng ta kiên nhẫn đón nhận trong niềm phó thác vì tin vào lời Chúa dạy: mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người (x. Rm 8,28). Nhất là biết nhìn nhận đường lối sư phạm của Thiên Chúa đối với từng người chúng ta. Sau sự đụng chạm này phải là một xuất phát mới hay nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolô ‘đời sống mới trong Chúa Kitô’. Mà đời sống mới theo thánh nhân là tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa (x. Cl 3,1). Đặc biệt khi đã đặt trọn niềm tin vào Chúa chúng ta cần như các tông đồ can đảm ra đi làm chứng cho Chúa bằng chính cuộc sống của mình.

       Thật vậy, hành trình đức tin của mỗi người chúng ta đều được khởi đầu bằng việc lãnh bí tích thanh tẩy và kết thúc vào lúc trút hơi thở cuối cùng. Thiên Chúa cho cuộc hành trình ngắn, dài, những hoàn cảnh, thách đố để giúp mỗi người trưởng thành không giống nhau. Vậy mỗi người hãy dùng hành trang mà Thiên Chúa đã ban cho qua Giáo hội, để đi hết hành trình đức tin của mình và dùng đức tin để đón nhận tất cả cuộc sống này như là cách Chúa huấn luyện làm cho đức tin ngày càng đạt tới sự trưởng thành trong Đức Kitô.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật 32 TN, B, Mc 12,38-44: Tấm lòng sẻ chia của bà góa nghèo

      Tấm lòng chia sẻ của bà góa nghèo M. Phaolô Thụy, Châu Thủy Ý nghĩa và giá trị của việc dâng cúng như thế nào? Bài...

Chúa Nhật XXXI Thường Niên B (Đnl 6,2-6; Dt 7,23-28; Mc 12,28b-34) Điều Răn trọng nhất

Chúa Nhật XXXI Thường Niên B (Đnl 6,2-6; Dt 7,23-28; Mc 12,28b-34) Điều Răn Trọng Nhất Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Luật tôn giáo Do Thái...

Chúa Nhật XXXI TN, B, Mc 12,28b-34: Điều Răn quan trọng nhất

      ĐIỀU RĂN QUAN TRỌNG NHẤT (Mc 12,28b-34) M. Michael Hội, Phước Lý Là người tín hữu Công giáo, ai trong chúng ta cũng biết tới Mười Điều...

Ngày 01/11: Các Thánh Nam Nữ (Mt 5,1-12) Các Thánh nên thánh giữa đời thường

    Ngày 01/11: Các Thánh Nam Nữ CÁC THÁNH NÊN THÁNH GIỮA ĐỜI THƯỜNG Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Hôm nay, Hội thánh long trọng kính...

Ngày 01/11: Các Thánh Nam Nữ (Mt 5,1-12) Các Thánh là người được ánh sáng Chúa chiếu qua

Ngày 01/11: Các Thánh Nam Nữ (Mt 5,1-12) CÁC THÁNH LÀ NGƯỜI ĐƯỢC ÁNH SÁNG CHÚA CHIẾU QUA Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Các thánh...

01/11 Các Thánh Nam Nữ, Mt 5,1-12a: Tấm gương Các Thánh

  TẤM GƯƠNG CÁC THÁNH (Kh 7,2-4.9-14, Mt 5,1-12a)  M. Bosco, PS      Chuyện kể rằng: Ngày kia một em bé được đi viếng một nhà thờ...

Chúa Nhật XXX TN, B, Mc 10,46-52: Đức tin làm nên phép lạ

    ĐỨC TIN LÀM NÊN PHÉP LẠ (Mc 10,46-52) M. Mai Liên, CĐ Phước Thiên       Khi ước mong một điều gì đó người ta luôn...

Chúa Nhật XXX Thường Niên B (Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52) Xin cho con nhìn thấy

Chúa Nhật XXX Thường Niên B  (Gr 31,7-9; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52) Xin Cho Con Nhìn Thấy Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Thánh sử Máccô kể...

Chúa Nhật Truyền Giáo (Mt 28,16-20) Truyền giáo bằng tình yêu thương

Chúa Nhật Truyền Giáo (Mt 28,16-20) Truyền Giáo Bằng Tình Yêu Thương Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Khánh Nhật Truyền Giáo là ngày Giáo Hội...

Chúa Nhật XXVIII Thường Niên B (Kn 7,7-11; Hr 4,12-13; Mc 10,17-30) Sắm Nước Trời khi còn tại thế

Chúa Nhật XXVIII Thường Niên B (Kn 7,7-11; Hr 4,12-13; Mc 10,17-30) Sắm Nước Trời Khi Còn Tại Thế Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Có ai...

Chúa Nhật XXVIII TN, B, Mc 10,17-30: Từ bỏ tất cả để theo Chúa

    TỪ BỎ TẤT CẢ ĐỂ THEO CHÚA (Mc 10,17-30) M. Marcellino Minh, Phước Hiệp “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà...

Chúa Nhật XXVIII TN, B, Mc 10,17-30: Ánh nhìn của Đức Giêsu

  ÁNH NHÌN CỦA ĐỨC GIÊSU (Mc 10,17-30) FM. Martin       “Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến” (c.21). “Đức Giêsu...