ANH EM ĐƯỢC CHỌN GỌI ĐẾN ĐÂY
Có lẽ với những ai đi ngang qua con đường này, ngôi nhà Học Viện chỉ là một toà nhà tôn giáo như bao toà nhà tôn giáo khác xung quanh đây. Nhưng đối với các Đan sĩ Xitô Thánh Gia, đây là ngôi nhà Học Viện Triết Học thân quen, nơi qui tụ những đan sĩ, tu sĩ đến từ các cộng đoàn Xitô và các Hội dòng khác để cùng nhau “phục vụ chân lý”. Nơi đây, các tu sĩ học hỏi những tư tưởng triết học, thu lượm những gì lý trí tự nhiên có thể đạt tới, nhưng trên hết là lĩnh hội “nguồn trợ lực để thấu hiểu đức tin” và trau dồi hội nhập văn hoá trong bối cảnh của dân tộc Việt Nam.
Những ngày qua, các thầy sinh viên đã có dịp cùng học, cùng chơi thể thao, và cùng nhau suy niệm về gương thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II- Bổn mạng Học viện. Là những người cùng nhau đi trên con đường theo Chúa Giêsu Kitô, được may mắn gặp nhau trong Học Viện Triết Học thân quen này, mong ước rằng quí thầy sinh viên sẽ mãi một đi chung cùng nhau.
Tạ ơn Chúa về tất cả những hồng ân đó. Cám ơn Mẹ Maria.
Anh Em Sinh Viên Học Viện Triết Học, 22/10/2023
Sau đây là các hình ảnh hội thao, thánh lễ và các bài viết của anh em về thánh Bổn Mạng Gioan Phaolô II.
CON NGƯỜI CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, ngày hôm nay chúng con quy tụ nơi đây, để cùng cầu nguyện và tưởng nhớ đến một người chủ chăn của Giáo Hội, một người mà trong suốt những năm còn tại vị, ngài vẫn luôn luôn hết mình phục vụ đoàn chiên Chúa trên khắp hoàn cầu. Trong lòng tín hữu, ngài là một con người mạnh mẽ dám đứng lên để ủng hộ hòa bình trên toàn thế giới; vừa là một người bạn đồng hành cùng với những người trẻ; vừa là một người cha luôn đến với những con chiên đau yếu, những con chiên lạc đàn để tìm và chữa lành. Và trên hết, ngài còn là một người có đời sống nội tâm phong phú. Vâng, con người ấy chính là thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Tuy thánh nhân đã rời xa chúng con đã lâu, nhưng hình ảnh một vị chủ chăn chăn dắt Giáo Hội Công Giáo đầy tận tụy và sống động trong đức tin ấy vẫn còn đó trong tâm khảm của hàng triệu tín hữu trên toàn thế giới. Đối với chúng con, thánh nhân thật xứng đáng là vị thánh của thời đại ngày nay.
Trong suốt 26 năm cầm quyền lãnh đạo Giáo Hội, Đức Gioan Phaolô II đã thực sự là một con người cầu nguyện. Cầu nguyện chính là nền tảng vững chắc cho đời sống đức tin của ngài. Từ những giây phút đầu tiên khi vừa đăng quang cho đến những lời cuối cùng trên giường bệnh, ngài luôn hướng tâm hồn mình về Thiên Chúa. Ngài là con người của thinh lặng và chiêm niệm.
Cuộc đời cầu nguyện của Đức Thánh Cha bắt đầu từ thuở nhỏ. Sinh ra và lớn lên tại Ba Lan, ngay từ khi còn là một cậu bé, Karol Wojtyla đã được mẹ dạy dỗ chăm sóc đời sống tâm linh. Bà luôn khuyến khích cậu cầu nguyện và đọc kinh hằng ngày. Đối với cậu bé Karol, việc cầu nguyện là nguồn an ủi và sức mạnh để vượt qua những mất mát lớn lao trong cuộc đời, đầu tiên là cái chết của người mẹ yêu quý, sau đó là người anh trai duy nhất. Nhờ những giây phút bên Thiên Chúa mà Karol đủ mạnh mẽ để tiếp tục con đường trở thành linh mục.
Sau khi được thụ phong, Karol Woltyla vẫn duy trì thói quen dành nhiều thời gian cầu nguyện mỗi ngày. Khi còn là linh mục, ngài thường dậy từ rất sớm để dành ít nhất một tiếng đồng hồ cầu nguyện trong thinh lặng trước Thánh Thể. Sau đó, ngài tiếp tục cầu nguyện trong mọi hoạt động mục vụ hằng ngày. Đối với ngài, cầu nguyện không chỉ dừng lại ở những phút giây riêng tư mà còn là tâm tình luôn hướng về Thiên Chúa giữa mọi công việc.
Khi trở thành vị Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolô II vẫn giữ thói quen đọc kinh, suy niệm và chiêm ngắm. Ngài dùng phần lớn thời gian rảnh rỗi để cầu nguyện và thinh lặng trước mặt Chúa. Nhiều khi ngài quỳ gối cầu nguyện trên sàn nhà đến mức bị đau đầu gối. Những lời kinh xưa tụng từ thuở nhỏ như Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh… vẫn đồng hành cùng ngài suốt cuộc đời. Ngài cũng rất mực yêu mến Kinh Mân Côi, thường xuyên lần hạt trong mọi hoạt động.
Đức Thánh Cha cho rằng cầu nguyện chính là nguồn sức mạnh nâng đỡ ngài trong sứ vụ Giáo Hoàng. Chỉ có thường xuyên đối thoại với Chúa, ngài mới có thể đưa ra những quyết định đúng đắn cho Giáo Hội. Ngài cũng tin rằng chính Chúa đã dẫn dắt và chỉ đường cho ngài thông qua những giờ phút cầu nguyện thinh lặng. Sự bình an và an ủi ngài nhận được từ việc cầu nguyện đã giúp ngài kiên định bước đi giữa muôn vàn khó khăn thử thách.
Đức Gioan Phaolô II cũng là vị Giáo Hoàng rất gần gũi với Giáo dân thông qua việc cầu nguyện. Trong mỗi chuyến viếng thăm các quốc gia hoặc cộng đồng giáo xứ, ngài luôn dành thời gian cầu nguyện với tín hữu. Ngài không ngừng kêu gọi mọi người cùng cầu nguyện vì những ý chỉ chung của Giáo Hội và thế giới. Ngài tin rằng không gì có thể thay thế được sức mạnh của lời cầu nguyện chung.
Khi bước vào những năm cuối đời, Đức Thánh Cha vẫn tiếp tục dành nhiều thời gian để cầu nguyện và chiêm niệm mặc dù đã yếu sức vì tuổi già và bệnh tật. Ngài cầu nguyện đến tận những giây phút cuối cùng. Hình ảnh ngài cầm chuỗi Mân Côi, mắt nhắm lại, môi lẩm bẩm kinh cầu được nhiều người chứng kiến trong những ngày ngài hấp hối. Cuộc đời của Đức Gioan Phaolô II là một gương sáng về đức tin, lòng can đảm và tấm lòng nhân ái. Nhưng trên hết, ngài để lại di sản về một đời người luôn hướng về Thiên Chúa và sống trong tâm tình cầu nguyện liên lỉ.
Hôm nay, khi nhìn lại cuộc đời của vị Thánh Giáo Hoàng vĩ đại, chúng con cảm thấy xúc động và cũng tự vấn về đời sống cầu nguyện của bản thân. Liệu chúng con có dành đủ thời gian mỗi ngày để đối thoại với Chúa và lắng nghe Lời Chúa đang nói với tâm hồn chúng con? Chúng con có còn nhớ hướng tâm hồn lên cùng Chúa giữa muôn vàn bộn bề do xao động của cuộc sống cũng như trong chính tâm hồn chúng con? Mong sao gương sáng của Đức Gioan Phaolô II sẽ thôi thúc chúng con biết quay về với Chúa, dừng lại để lắng nghe tiếng Chúa trong đời sống lao động và chiêm niệm.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết noi gương Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, luôn nhớ hướng về Chúa giữa mọi công việc hằng ngày. Xin ban Thánh Thần soi sáng để chúng con biết lắng nghe tiếng Chúa và đáp lại bằng đời sống cầu nguyện liên lỉ và sâu sắc theo gương lành của ngài. Amen.
GIÁO HOÀNG CỦA NGƯỜI TRẺ
Lạy Chúa, hôm nay chúng con làm tuần cửu nhật mừng kính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngài được biết đến như là một Giáo hoàng của giới trẻ ngay từ những năm đầu triều đại Giáo hoàng của ngài. Không chỉ là sự gần gủi, thân thiện với các bạn trẻ mà ngài còn là nguồn cảm hứng và động lực cho người trẻ vững bước trên hành trình đức tin giữa thời đại hôm nay.
Sự ưu tư, lo lắng cho giới trẻ đã được thể hiện rõ khi ngay từ những năm đầu đời linh mục của ngài. Trong tác phẩm “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng” của mình, Ngài đã viết: “Người trẻ tìm kiếm không chỉ là ý nghĩa đời sống, mà còn là phương thế cụ thể và hiệu nghiệm để sống đời sống ấy… Đây là đặc tính cơ bản nhất của người trẻ… Người trẻ muốn là chính họ… Họ phải yêu mến chính tuổi trẻ của họ.”
Đối với Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ngài luôn ngỏ lời với giới trẻ bằng những ngôn ngữ rất thân mật. Ngài gọi họ là “các bạn”, như những người cùng trang lứa, tri âm tri kỷ. Trong những lúc giảng trước giới trẻ, ngài luôn nói: “Hỡi các bạn trẻ, Cha yêu chúng con”. Ngài thật gần gủi và thân thương là thế. Ngài luôn tỏ ra là một vị Giáo hoàng rất hiểu và cảm thông với giới trẻ. Ngài cũng chính là vị Giáo hoàng đầu tiên lập ra Ngày Đại hội Giới trẻ thế giới từ năm 1984. Trong những dịp đặc biệt này, ngài đích thân hiện diện với giới trẻ, lắng nghe họ và cùng họ cầu nguyện.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II được biết đến là người truyền lửa nhiệt huyết cho giới trẻ. Ngài luôn xem giới trẻ là niềm hy vọng của Giáo Hội và mời gọi họ trở nên chứng tá của Đức Kitô trên cánh đồng truyền giáo.
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Giáo Hội một vị chủ chăn là Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II. Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu mà ban cho mỗi người trẻ chúng con lòng yêu mến, sự nhiệt thành trong công cuộc truyền giáo đó là đem Chúa đến cho những người anh, chị, em đang sống cùng chúng con. Amen.
LÒNG TÔN KÍNH CÁC THÁNH
Lạy Chúa, chúng con xin cảm tạ Chúa đã ban cho Giáo Hội một nhân chứng sống động là thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II có lòng tôn kính đối với các Thánh. Khi đang là Giáo hoàng tại vị, ngài đã tiến hành nhiều cuộc tuyên thánh và chân phước để đưa ra nhiều tấm gương thánh thiện cho con người thời đại hôm nay. Ngài đã tuyên á thánh cho 1340 và tuyên thánh cho 483 vị. Qua cuộc đời các thánh, đăc biệt là các thánh tử đạo mà cha đã hiểu được về ý nghĩa của đau khổ nên Ðức Gioan Phaolô II luôn ý thức cách đặc biệt ngài cũng chịu tử đạo vì lòng ái quốc, vì tôn giáo, vì tự do con người. Ðối với ngài, không có cái chết nào cao cả hơn cái chết cho công lý và tự do cũng như cho tôn giáo. Xin thánh nhân chuyển cầu cùng Chúa cho mỗi người chúng con biết say mê học hỏi và bắt chước nhân đức của ngài có lòng tôn kính các thánh để chúng con biết biết đón nhận tất cả những niềm vui, nỗi buồn, thất vọng của cuộc đời dâng lên Chúa với tâm tình cậy trông và phó thác.
LÒNG YÊU MẾN MẸ MARIA
Lạy Chúa, có lẽ trong lịch sử của Giáo Hội hiếm có vị Giáo hoàng nào có lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa như Đức Gioan Phaolô II. Nhìn vào lòng yêu mến ngài dành cho Đức Mẹ, chúng con thật ngưỡng mộ và càng thêm tin tưởng nơi quyền thế của Mẹ Maria. Và như có người đã nói: “Không một vị thánh nào được Giáo Hội tôn phong mà lại không có lòng tôn kính và yêu mến Đức Trinh Nữ Maria”. Nhưng đối với Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II thì không những chỉ là yêu mến mà cả cuộc đời của Ngài đã gắn chặt với Đức Mẹ.
Ngay khi vừa hạ sinh Đức Gioan Phaolô II thân mẫu của ngài là bà Emilia Kaczorowka đã xin người nhà mở toang cách cửa sổ để ngài có thể nghe được tiếng hát của cộng đoàn đang hát Salve Regina tại nhà thờ.
Quả thế từ khi còn trẻ, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đón nhận được lòng sùng kính Mẹ Maria qua các tác phẩm nói về lòng sùng kính Mẹ Maria của thánh Louis Grignon de Montfort và áo choàng Đức Mẹ. Chính trên con đường này, ngài đã nung nấu lòng yêu mến Giáo hội và phó thác cho lòng nhân từ hiền mẫu của Mẹ Maria. Khẩu hiệu Giáo Hoàng của ngài là Totus tuus – Tất cả của con là của Mẹ.
Cuộc đời ngài gắn chặt với sứ điệp Fatima. Chính ngài là nhân vật bị sát hại trong phần thứ 3 của bí mật Fatima. Ngày 13 tháng 5 năm 1981 ngài bị ám sát, và được đưa ngay đến Bệnh viện Gemelli. Ngài nhắm mắt, rất đau đớn nhưng không ngừng lặp lại những lời nguyện tắt “Maria, Mẹ của con”. Đó là lời cầu nguyện sâu xa thốt lên từ nỗi đau lớn lao.
Khi các bác sĩ tháo bớt y phục của ngài để tiến hành phẫu thuật trong đó có cả áo đức bà Camelo ngài đã ra hiệu xin giữ lại nó như một biểu tượng của lòng trông cậy. Và quả thật Đức Mẹ đã che chở và cho ngài bình phục, một năm sau năm 1982 ngài đã hành hương Fatima để tạ ơn Đức Mẹ.
Trong suốt cuộc đời ngài đã làm nhiều việc tôn kính Đức Mẹ. Ngài đã ban hành tông huấn Redemporis Mater – Mẹ Đấng Cứu Chuộc (1987) và tông thư Rosatium Virginis Mariae – Kinh Mân Côi (2002), và thêm mầu nhiệm năm sự sáng năm 2003. Chính ngài đã thường xuyên lần hạt cùng giáo dân tại quảng trường thánh Phêrô để khuyến khích mọi người siêng năng lần hạt.
Trong mỗi chuyến tông du ngài đều tới viếng những nơi thánh kính Đức Mẹ của quốc gia ấy, khuyến khích mọi người hành hương các Thánh Địa như Fatima, Lộ Đức, Mễ Du… Và trong khi ngỏ lời với người Việt Nam, ngài cũng đã nhắc đến Đức Mẹ La Vang.
Ngài đã thực hiện triệt để sứ điệp Fatima: Hãy ăn năn đền tội, lần chuỗi mân côi, và dâng Nước Nga cho Trái tim vô nhiễm Đức Mẹ. Cuối cùng nước Nga đã trở lại và thế giới đã được hòa bình trong nhiều thập kỷ.
Xin đừng giảm sóng lòng con
Xin trào lên mắt Mẹ còn đợi trông
Xin đừng đổi bước trần hồng
Xin sóng ùa bồng thầm thĩ Mẹ yêu
(tr. Ga Ngư Phủ. Ga Paulo II)
Lạy Chúa, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một vị tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa hết lòng yêu kính Đức Trinh Nữ Maria, khi bước vào ngàn năm thứ III ngài đã đặt kinh Mân Côi như niềm hy vọng của hòa bình như sự bảo vệ vững chắc của nền móng công trình sáng tạo đó là cộng đoàn và gia đình.
Xin Chúa cho chúng con biết yêu mến Mẹ Maria nhiều hơn và siêng năng lần hạt kính Mẹ như thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổn mạng của chúng con. Amen.
SAY MẾN CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ
Trong những ngày vừa qua chúng ta đã cùng nhau suy niệm về những điểm sáng trong cuộc đời của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục chiêm ngắm một mầu nhiệm vừa cao quý, vừa là chóp đỉnh trong sinh hoạt của Giáo Hội, đó là mầu nhiệm Thánh Thể. Nhìn vào cuộc đời dương thế của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, chúng ta sẽ nhận thấy nơi ngài có lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể cách đặc biệt. Hầu như mỗi sáng trước khi đến trường, ngài đều ghé vào nhà thờ để cầu nguyện trước Thánh Thể. Ngài đã sấp mình cầu nguyện trước Thánh Thể tám tiếng đồng hồ khi nhận lời làm Giám mục Phụ tá giáo phận Cracovia.
Trong vai trò kế vị thánh Phêrô, bận bịu với biết bao công việc, nhưng ngài vẫn luôn dành nhiều thời giờ trước sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể. Với lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể cách sâu sắc, ngài luôn cổ võ mạnh mẽ việc tôn sùng Thánh Thể. Quả thật, cuộc đời của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II luôn được chìm đắm trong sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Bí tích Thánh Thể luôn là nền tảng chính yếu cho đời linh mục của ngài: “Đối với tôi, Thánh lễ thiết lập trung tâm cả cuộc đời và từng ngày sống của tôi.”
Ngài cho chúng ta thấy, mọi hoạt động phải được bén rễ trong cầu nguyện. Cầu nguyện phải là nền tảng trong từng nhịp sống, và ngài mời gọi chúng ta hãy luôn yêu mến và sống kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể: “Hãy để Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể nói với trái tim của các bạn. Chính Người là câu trả lời đích thực nhất cho cuộc sống mà các bạn tìm kiếm. Chúa ở đây với chúng ta: Người là Thiên Chúa với chúng ta. Hãy tìm kiếm Người mà không mệt mỏi, hãy toàn tâm đón tiếp Người mà không dè dặt, yêu mến Người không ngơi nghỉ: hôm nay, ngày mai và mãi mãi.”
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con một mẫu gương về lòng yêu mến Thánh Thể Chúa là thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Nhờ lời chuyển cầu của ngài, xin cho thế giới này được sống trong hòa bình, cho mọi người chưa tin Chúa được nhận biết Tin Mừng. Lạy thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cha đã để lại cho chúng con những con đường lành thánh trong cuộc hành trình theo Chúa Kitô, xin cho chúng con được trở nên những con người cầu nguyện, sống tinh thần của tuổi trẻ, yêu mến các thánh và Mẹ Maria, cùng lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể mỗi ngày, để chúng con trở nên những chứng nhân đem bình an, tình thương và ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi người. Amen.