TN-213-TUẦN XXXI-Chúa Nhật
KHÔNG CHỈ LÀ ĂN NGAY Ở LÀNH
(Đnl 6,2-6 / 7,23-28 / Mc 12,28b-34)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Chúng ta thường nghe nhiều người nói: “Đạo nào cũng tốt. Đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành”. Không chỉ nói mà người ta sống theo quan niệm này. Điều đó cũng đúng, vì các tôn giáo luôn hướng các tín đồ của mình sống một cuộc đời tốt đẹp trong tương giao với tha nhân, và bản thân tín đồ cảm thấy hài lòng về mình. Điều đó tốt và cần, nhưng không đủ.
Các bài đọc Lời Chúa của chúa nhật tuần XXXI năm B gợi cho chúng ta nhìn thấy một số yếu tố giúp hiểu rõ hơn về Đạo của chúng ta, Ki-tô giáo. Tuy nhiên cũng phải khẳng định rằng: chúng ta không thể nói hết về Đạo, vì Đạo luôn đi đôi với mầu nhiệm. Chúng ta cần học hỏi Lời Chúa và giáo lý, giáo huấn của Giáo Hội để có thể nắm bắt thêm những kiến thức cần thiết giúp sống đời Ki-tô hữu một cách chính xác.
1. THIÊN CHÚA TUYỆT ĐỐI
Trong bài đọc một, trích sách Đệ Nhị Luật, một yếu tố quan trọng được nêu lên: đó là Thiên Chúa và sự tuyệt đối của Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng sách Đệ Nhị Luật được cấu trúc bằng những bài giáo huấn của ông Mô-sê ngỏ với dân Ít-ra-en sắp sửa tiến vào Đất Hứa. Đây là những hồi ức của ông Mô-sê về chặng đường bốn mươi năm đi trong sa mạc. Những sự kiện, biến cố, xảy ra trong thời gian dài này được suy niệm như những bài học tương lai cho dân tộc một khi họ định cư trong đất mà Thiên Chúa đã hứa ban cho các Tổ Phụ họ. Bài học quan trọng nhất là không được lìa bỏ Thiên Chúa mà chạy theo các thần dân ngoại. Thiên Chúa phải là Đấng tuyệt đối và phải chiếm vị trí độc tôn trong đời sống của dân riêng Thiên Chúa. Ông Mô-sê tuyên bố: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em. Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi lòng tạc dạ” (Đnl 6,4-6).
Thiên Chúa tuyệt đối là nền tảng của Do Thái giáo, cũng như của Ki-tô giáo. Đây là mối tương giao giữa Thiên Chúa và con người. Và mối tương giao này mang lại ý nghĩa và quyết định vận mạng nhân loại. Con người phải dành cho Thiên Chúa một tình yêu mến tuyệt đối, với tất cả những gì cấu thành bản chất của họ, “hết lòng hết dạ, hết sức”. Nghĩa là dành cho Thiên Chúa một sự trọn đầy.
Điều này được Chúa Giê-su khẳng định: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dễ chủ nọ” (Mt 6,24). Thiên Chúa làm chủ tuyệt đối cuộc đời mỗi người.
Mỗi người trong chúng ta cần sống yếu tố tuyệt đối này, vì Thiên Chúa nắm quyền trên vận mạng chúng ta. Tình yêu của chúng ta chỉ là lời đáp trước tình yêu nhưng không của Thiên Chúa.
2. CHÚA GIÊ-SU, ĐẤNG CỨU ĐỘ
Trong bài đọc hai, trích thư Do Thái chương 7 từ câu 23 đến 28, tác giả đề cao vai trò của Chúa Giê-su với tư cách là Thượng Tế: “Đức Giê-su, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi. Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống và chuyển cầu cho họ”.
Chúa Giê-su được nhìn dưới nhiều hình ảnh: một vị thầy khôn ngoan, một nhà cách mạng hay một người cải cách tôn giáo… Những hình ảnh đó lệ thuộc vào chọn lựa, chủ trương, của những người nhìn Chúa Giê-su dưới những lăng kính riêng của họ.
Đối với chúng ta, Chúa Giê-su “hằng sống muôn đời”, nghĩa là nguồn gốc của Người từ muôn thuở cho đến muôn đời. Người chính là Thiên Chúa, đồng bản tính với Thiên Chúa Cha. Người được tôn vinh với tước hiệu “Chúa”. Đồng thời “Người đem ơn cứu độ vĩnh viễn”, nghĩa là Người đã nhập thể và cứu chuộc, để qua cái chết và phục sinh của Người, Người mang ơn cứu độ cho nhân loại. Ơn cứu độ mà Chúa Giê-su Ki-tô mang đến là duy nhất và vĩnh viễn. Hình ảnh Thượng Tế diễn tả sự hy sinh mạng sống của mình làm giá cứu chuộc loài người. Và khi hoàn tất công cuộc cứu độ tại trần gian, Chúa Giê-su đã trở về với Chúa Cha, ngự bên hữu Chúa Cha, để chuyển cầu cho chúng ta.
Nét độc đáo của Ki-tô giáo, chính là Chúa Giê-su Ki-tô. Không có Chúa Giê-su Ki-tô, với tư cách là Đấng Cứu Thế, không có Ki-tô giáo. Đó chính là lời khẳng định: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Chính từ danh Chúa Ki-tô mới có tên gọi Ki-tô hữu. Như vậy, đời sống của chúng ta, của mọi Ki-tô hữu là sống mối liên hệ thân tình với Chúa Ki-tô, để có thể nói như thánh Phao-lô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).
3. THÁNH THẦN LIÊN KẾT CHIỀU DỌC VỚI CHIỀU NGANG
Trong trích đoạn Tin Mừng theo thánh Mác-cô chương 12 từ câu 28b đến 34, Chúa Giê-su trả lời một kinh sư Do Thái đến hỏi Chúa về điều răn nào đứng đầu trong các điều răn. Câu trả lời của Chúa bao gồm hai vế: yêu mến Thiên Chúa và thương yêu tha nhân. Hai vế này luôn song hành. Nếu bỏ một vế, thì toàn bộ sụp đổ. Tình yêu Thiên Chúa và tình thương tha nhân có thể được ví như hai đầu của cùng một sợi giây. Không thể có sợi giây nếu chỉ có một đầu.
Yêu mến Thiên Chúa là nguồn gốc của tình yêu tha nhân. Và tình yêu tha nhân là diễn tả của tình yêu Thiên Chúa. Điều này chúng ta đã biết rõ, qua những khẳng định của thánh Gio-an trong các thư của ngài. “Chúng ta hãy yêu thương nhau vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa… Ai không thương yêu, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,7-8). “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ nơi Người: ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình”(1Ga 4,20-21). Như vậy, chính chiều dọc – nghĩa là tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu đối với Thiên Chúa – giữ cho chiều ngang được bền vững. Điều này đã được thánh Phao-lô quả quyết: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Trong Ki-tô giáo, Chúa Thánh Thần được nhìn như mối giây tình yêu liên kết giữa Chúa Cha và Chúa Con, và giữa Thiên Chúa Cha, Chúa Giê-su Ki-tô và các Ki-tô hữu. Một trong những diễn tả của mối tình giữa Thiên Chúa và chúng ta, đó là cầu nguyện. Cầu nguyện là nơi, là thời khắc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa. Nhưng ai có thể giúp chúng ta sống mối tương giao đó? Thánh Phao-lô đã nhấn mạnh đến Thần Khí trong việc cầu nguyện: “Có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho các thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,26-27).
Lời Chúa hôm nay mở cho chúng ta nhìn Đạo của chúng ta – Ki-tô giáo – và cách sống Đạo của chúng ta vượt trên cấp độ “ăn ngay ở lành”. Ăn ở ngay lành là mẫu số chung của những ai muốn sống đạo làm người. Đã là người thì phải ăn ngay ở lành. Muốn làm người, thì phải ăn ở ngay lành. Nhưng đối với chúng ta, cần phải tiến lên cấp độ cao hơn, đòi hỏi hơn và giá trị hơn. Chúa Giê-su đã tuyên bố: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-siêu, thì chẳng được vào Nước Thiên Chúa” (Mt 5,20). Chúng ta được mời gọi vượt trên cái hạn hẹp của một cuộc sống duy luân lý, duy đạo đức hay vị luật; nhưng tiến đến cấp độ của “đối thần”, nghiã là tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi và tình yêu của chúng ta đối với Ba Ngôi Thiên Chúa. Trước khi là một cuộc sống ăn ngay ở lành – nghĩa là hành động của chúng ta – thì chúng ta đã đón nhận Thiên Chúa Ba Ngôi, tình yêu và ân sủng của Người. Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước, đã đi bước trước. Vậy, là Ki-tô hữu, chúng ta hãy cầu nguyện và cầu chúc cho nhau: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen” (2Cr 13,13).