KINH MÂN CÔI ĐỔI MỚI CUỘC ĐỜI
M. Lasan Châu Sơn
Hàng năm, Giáo hội dành riêng Tháng Mười – Tháng Mân Côi để con cái khắp bốn phương bày tỏ lòng kính yêu, tôn sùng Mẹ Maria và chạy đến lãnh nhận muôn ơn phúc Chúa ban qua bàn tay của Mẹ. Đặc biệt trong phụng vụ ngày lễ 7-10 được gọi là lễ Rất Thánh Đức Mẹ Mân Côi. Lễ này được thánh Giáo hoàng Pio V thiết lập năm 1571 để tạ ơn Đức Mẹ Mân Côi đã giải thoát tín hữu Công giáo khỏi sự thống trị của người Hồi giáo.
Nhưng lời Kinh Mân Côi thì đã xuất hiện từ rất lâu khoảng thế kỉ VII và được phổ biến rộng khắp vào thế kỉ XII. Ban đầu Kinh Mân Côi chỉ có phần Kính Mừng gồm lời chào của sứ thần Gaprien và thánh nữ Elisabet nói với Đức Mẹ (x. Lc 1,28;42): Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng bà. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ. Người ta đọc 150 kinh này thay cho 150 thánh vịnh.
Đến năm 1569, Đức thánh Giáo hòang Piô V thêm phần: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen. Theo dòng thời gian, Kinh Mân Côi được đầy đủ kính mừng… – Thánh Maria…, cùng với các kinh Lạy Cha Sáng Danh và phần suy niệm 20 mầu nhiệm về cuộc đời Chúa Giêsu như chúng ta quen đọc ngày nay.
Lời Kinh Mân Côi đã đem về muôn vàn ơn ích cho những ai siêng năng lần hạt, phó thác đời sống hằng ngày và giờ lâm tử của mình cho tình thương của Mẹ. Không có một vị thánh nào mà không yêu mến Đức Mẹ. Hầu hết các thánh đã tìm thấy nơi Kinh Mân Côi con đường đích thực để nên thánh: thánh Đaminh, thánh Montfort, thánh Anphong… cùng thời đại với chúng ta có thánh Têrexa Calcutta, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, tôi tớ Chúa ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận… các ngài yêu mến Kinh Mân Côi và kêu gọi mọi người yêu mến Kinh Mân Côi, không ngày nào mà các ngài không lần chuỗi kính Mẹ, các ngài trải cõi lòng mình với Chúa và nguyện cầu cho mọi nhu cầu của nhân loại, nhất là trong hoàn cảnh ngặt nghèo: Lời Kinh Mân Côi giúp các ngài vượt thắng mọi cơn nguy nan.
Các nhà khoa học cũng tìm thấy nơi Kinh Mân Côi niềm an bình và đức tin sâu sắc. Chuyện kể rằng: Trên chuyến xe lửa từ Paris xuống miền nam nước Pháp. Hành khách đông nghẹt, ồn ào, kẻ lên người xuống, hàng hóa ngổn ngang. Một chàng sinh viên khoa học đang cố gắng len lỏi tìm chỗ ngồi. Bất giác chàng thấy một Ông cụ già đang ngồi lâm râm lần hạt Mân Côi. Chàng liền đến ngồi bên Cụ, thực chất là để xem Ông Cụ già lẩm cẩm này làm cái gì, thời buổi văn minh bây giờ mà còn ngồi đọc mấy cái kinh nhảm nhí. Chàng mở to tờ bào khoa học có đăng hình nhà bác học Louis Pasteur, đang nghiên cứu về một đề tài bàn luận về vi trùng học. Anh quay sang Ông Cụ, và nói: Bác có biết chữ không, cho cháu điạ chỉ, cháu sẵn sàng gửi sách báo cho Bác. Thời nay văn minh rồi, ai còn tụng niệm như Bác nữa. Ông Cụ gật đầu, đọc hết kinh kính mừng, Cụ mở ví ra , rút tấm danh thiếp đưa cho chàng sinh viên. Chàng cầm tấm danh thiếp và đọc: “Bác Học Louis Pasteur, Giám Đốc Viện nghiên cứu vi trùng học quốc tế, Giáo sư chuyên khoa Đại Học hoá học và sinh vật học.” Chàng sinh viên bật ngửa, kêu to lên: giáo sư Louis Pasteur! Chàng so sánh hình chụp trong tờ báo khoa học, và hình ông Cụ nhà quê đang ngồi lần chuỗi Mân Côi, thì giống y chang. Chàng liền quỳ xuống bên cạnh Ông Cụ, xin lỗi, và cúi hôn chuỗi hạt Mân Côi mà Cụ đang cầm trong tay. Nét mặt chàng đăm chiêu, suy nghĩ, và hối hận. Còn Ông Cụ vẫn tiếp tục lần chuỗi Mân Côi….
Vâng, Loui Paster là nhà bác học tài danh của nhân loại. Thế mà càng uyên bác bao nhiêu thì ông lại càng có đức tin chân thành sâu sắc bấy nhiêu. Không chỉ có một mình Paster đâu, mà còn rất nhiều nhà lãnh đạo lừng danh, như Êdua III, vua nước Anh; Sigítmông và Cadimia, vua nước Ba lan; vua thánh Luy… và nhiều vua nước Pháp siêng năng lần hạt Mân Côi.
Vua Luy XIV, biệt danh là vua Mặt Trời, lần hạt hằng ngày. Một tối kia, quan đại thần bỡ ngỡ thấy tràng hạt trong tay đại vương. Ông ngạc nhiên:
– Sao đại vương lại đọc cái Kinh tầm thường như thế.
Luy XIV tâm sự:
– Khanh kinh ngạc thấy trẫm đang lần hạt à? Trẫm cho là một vinh dự lớn được lần hạt Mân Côi. Ðó là sự sùng kính tuyệt diệu của Hoàng Thái Hậu. Nếu ngày nào không lần hạt, chắc trẫm sẽ buồn phiền lắm.
Như thế chỉ những ai nông cạn mới nghĩ niềm tin tôn giáo và lòng đạo đức bình dân là không cần thiết. Người ta vừa có thể là nhà khoa học, nhà lãnh đạo, nhà kinh doanh… hay là một thường dân suốt ngày phải làm các công việc vất vả vừa có thể là một người tín hữu rất sùng đạo, siêng năng suy niệm Kinh Mân Côi hằng ngày.
Chúng ta cũng nên biết Giáo hội rộng rãi ban ân xá cho “Những ai lần chuỗi Mân Côi trong nhà thờ, nhà nguyện hoặc trong gia đình, trong cộng đoàn tu trì, trong hiệp hội đạo đức hoặc khi nhiều người họp nhau lần chuỗi Mân Côi thì được hưởng ơn đại xá; Còn trong những hoàn cảnh khác thì được một ơn tiểu xá” (Trích Ench. Indulg., Ấn bản 1999, Concession 17).
“Kính Mừng Maria đầy ân phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giời lâm tử. Amen”.