Đan Sĩ – Nhà Truyền Giáo
M. Hương Yến, PH
Truyền giáo là một sứ mạng mà Chúa Giêsu khi về trời đã trao lại cho Giáo hội ngang qua các Tông Đồ. Vì thế, mọi thành phần dân Chúa dù sống trong bậc sống nào, không quan trọng là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân đều có bổn phận và trách nhiệm ra đi làm chứng, mang Chúa đến với mọi người và mời mọi người đến dự bàn tiệc Nước Trời mà Chúa đã dành cho mỗi người chúng ta. Như trong Sứ điệp ngày Thế giới Truyền giáo năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lấy chủ đề: Hãy đi và mời mọi người đến dự tiệc (x. Mt 22,9).
Trong ngày thế giới cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo hôm nay, Mẹ Giáo hội mời gọi mỗi người chúng ta nhìn lại cuộc hành trình truyền giáo của các bậc tiền nhân với tâm tình cảm tạ, tri ân; và nhìn vào thực tại của mỗi người trong khi thi hành sứ mạng truyền giáo để sống tâm tình phó thác hơn, trông cậy hơn vào Thiên Chúa.
1. Bản chất của Giáo hội là truyền giáo. Vậy chúng ta hiểu hai chữ “truyền giáo” là gì và phải sống bản chất này ra sao?
Trước hết, truyền giáo theo nghĩa thông thường được hiểu là gửi đi, sai đi để làm một công tác quan trọng. Mở rộng hơn, truyền giáo là hăng hái ra đi đến với mọi người, để mời gọi họ gặp gỡ Thiên Chúa và sống hiệp thông với Người. Chính Chúa Giêsu là Đấng đã không ngừng ra đi để gặp gỡ mọi người và kêu gọi họ đến hưởng hạnh phúc trong Nước của Người [1]. Về phần chúng ta, là những chi thể trong Hội thánh, chúng ta cũng được mời gọi tiếp bước theo Chúa Giêsu ra đi và trung thành đi đến với mọi người và mọi nơi đang có những con người cần đến chúng ta.
Mỗi người kitô hữu đều có nghĩa vụ tham gia vào sứ vụ phổ quát này trong mọi hoàn cảnh mà mình sống, trong bậc sống của mình đang dấn thân bằng việc trở nên chứng tá Tin Mừng; để cùng với Chúa, chúng ta đi ra “mọi ngả đường” của thế giới. Sứ vụ đem Tin Mừng đến cho mọi loài thụ tạo tất yếu phải được thực hiện cùng một cách thức của Đấng đang được rao giảng. Nghĩa là, các môn đệ truyền giáo phải rao giảng với niềm vui, sự độ lượng và nhân hậu để diễn tả “vẻ đẹp tình thương cứu độ của Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô chết và sống lại từ cõi chết” [2]; làm cho Chúa Giêsu hiện diện trong mọi môi trường, mọi thời đại.
2. Gương truyền giáo của các bậc tiền nhân
Chúng ta cùng tạ ơn Thiên Chúa vì trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn luôn quan phòng ban cho Giáo hội có nhiều người quảng đại đáp lại tiếng gọi “đặc biệt” này mà đi ra khỏi chính mình, bỏ lại quê hương xứ sở để mang đến cho tất cả mọi người ơn thánh mà họ đáng và cần được hưởng.
Các Kitô hữu thời kì đầu nói chung và các thánh nói riêng đã mang trong mình một sự nhiệt huyết truyền giáo rất mạnh. Họ ý thức và cảm nhận được tính cấp bách của việc rao giảng Tin Mừng. Ngày hôm nay, chúng ta cũng cần mang lấy tâm thức đó để tất cả mọi người trên thế giới đều được thông hiệp với Thiên Chúa và hiệp thông với nhau trong bàn tiệc Nước Trời.
Việc truyền giáo đã được thực hiện ngay từ thời của Chúa Giêsu và các Tông đồ. Ngay sau đó, Giáo hội có thêm nhiều sứ giả khác tiếp tục công việc của các ngài trên nhiều “mặt trận” khác nhau.
Trước hết, chúng ta có thể kể đến các nhà truyền giáo thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP) là những con người dũng cảm và đầy sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Các ngài đã vượt qua những rào cản từ gia đình, hoàn cảnh, môi trường truyền giáo mới với những văn hóa, con người và phong tục tập quán khác nhau v.v…để mang tình thương của Thiên Chúa và niềm vui của ơn cứu độ đến cho mọi người; nhất là tại lục địa Á Châu.
Nói đến truyền giáo, chúng ta không thể nào không nhắc đến thánh Phanxicô Xavier, một vị tông đồ nhiệt thành của công cuộc truyền giáo. Ngài đã can đảm khước từ những gì tạm bợ của thế gian, trong đó có cả lợi ích của bản thân để hy sinh cho lợi ích của các linh hồn. Và Giáo hội đã đặt ngài làm bổn mạng các xứ truyền giáo.
Chúng ta cũng không quên một vị bác sĩ tên Albert Schweitzer, người đã đi về hướng Châu Phi để truyền giáo. Ngài đã từng bộc bạch: “Tôi đã bỏ địa vị Giáo sư tại Đại học Strasbourg, bỏ công việc tìm tòi khảo cứu khoa học của tôi, bỏ thú tiêu khiển ưa thích nhất của tôi là chơi đàn phong cầm để ra đi hành nghề bác sĩ tại các vùng nhiệt đới Châu Phi.”
Kế đến, một gương mặt truyền giáo khác, sống cùng thời với chúng ta được cả thế giới biết đến và kính trọng. Đó là Mẹ Teresa Calcutta. Qua Mẹ Teresa Calcutta, dung mạo của một vị Thiên Chúa thật hiền từ, luôn yêu thương, chăm sóc và không bao giờ bỏ rơi con người được tỏ hiện rõ hơn và được cụ thể hóa một cách sống động trong chính những công việc “bé nhỏ” mà Mẹ đã làm phục vụ những con người xấu số ở chỗ rốt hết của xã hội…
Ngày hôm nay, chúng ta đang sống trong thời đại mà các phương tiện truyền thông và các trang mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ. Một vị thánh trẻ tuổi Carlo Acutis đã dùng phương tiện truyền thông để loan báo và làm chứng cho thế giới biết: có một Đấng đang thật sự yêu thương họ. Đó chính là Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Kitô đang hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Và, còn có rất nhiều nhà truyền giáo khác nữa đang hoạt động trên các “chiến tuyến” của các lĩnh vực giáo dục, y tế, bác ái xã hội…
Nhìn vào cuộc đời và gương sáng của các chứng nhân đã và đang chiến đấu can trường trên những “mặt trận tiền tuyến của cánh đồng truyền giáo”, có lẽ trong lòng của mỗi người chúng ta cũng đang dấy lên một sự thôi thúc muốn chiến đấu như các ngài, muốn hăng say phục vụ và trao ban tình yêu thương cho người khác. Nhưng thực tế lại không cho chúng ta cái cơ hội ấy vì ơn gọi của chúng ta là sống đời đan tu chiêm niệm. Vậy, chúng ta – những người đan sĩ đang sống trong nội vi của đan viện, chúng ta lại không tham gia và giúp ích gì cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội hay sao?
3. Truyền giáo bằng cầu nguyện và hy sinh
Chính các đan sĩ trong các đan viện phải là những người hoạt động tích cực nhất trong việc truyền giáo. Nếu các nhà truyền giáo đang phải chiến đấu ở tuyến đầu của mặt trận truyền giáo thì các đan sĩ phải là hậu phương vững chắc và đáng tin cậy bằng chính đời sống cầu nguyện và hy sinh của mình. Truyền giáo bằng cầu nguyện và hy sinh, đây là một hình thức truyền giáo mới tuy âm thầm, lặng lẽ nhưng mang lại hiệu quả không kém. Đại diện cho hình thức truyền giáo này là thánh Teresa Hài Đồng Giêsu. Dù là một đan sĩ Dòng Kín, chị đã khao khát trở thành một nhà truyền giáo đi tới mọi bờ cõi tận cùng của trái đất, và cả một đời của thánh nữ luôn hướng về trí ý ấy. Giáo hội tuyên phong thánh nhân làm bổn mạng các xứ truyền giáo, cũng như đặt ngài ngang bằng với thánh Phanxico Xavier; điều này chứng nhận rằng đời sống cầu nguyện và việc hy sinh cũng có một giá trị truyền giáo không kém gì việc ra đi truyền giáo như các Tông Đồ, các nhà Thừa Sai khi xưa.
Vậy chúng ta, những nam nữ đan sĩ của Hội dòng Xitô Thánh Gia, chúng ta sống tinh thần truyền giáo và thực hiện sứ mạng này như thế nào?
a. Theo gương Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận
Chúng ta cùng nhìn lại cuộc đời của Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận- Đấng Sáng Lập Hội dòng Xitô Thánh Gia tại Việt Nam với trí ý lập một dòng chiêm niệm cho người Việt để cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa.
Chính sự sống kết hợp với Chúa trong cầu nguyện đã thúc bách Cha mang Tin Mừng đến với tha nhân. Trong giai đoạn coi xứ Nước Mặn (Thừa Lưu:1908-1913), Giáo phận Huế, Cha áp dụng nhiều phương pháp truyền giáo như: dạy Giáo lý [3] , thăm viếng giáo dân [4] , săn sóc bệnh nhân [5], giúp người nghèo [6], tổ chức lễ hội [7]; đặc biệt sau này (15/08/1918) ngài lập dòng chiêm niệm cho người Việt Nam, chuyên cầu nguyện hy sinh cho việc truyền giáo. [8]
“Lạy Cha,
Mấy người cha muốn cho vào Dòng, con rất vui lòng nhận, vì chúng con sẽ không bao giờ kể là đông quá. Con lại ước ao giảng cho khắp đất Việt, nghe mấy lời Thánh Tổ Bê-na-đô rằng:
– Sung sướng thì cheo leo cho đức khiết tịnh;
– Lắm của thì dễ mất sự khiêm nhường;
– Lo toan nhiều việc thì giảm lòng sốt sắng;
– Nói nhiều thì dễ lỗi sự thật thà;
– Ở giữa thế gian điên đảo, khó giữ được lòng mến.
Vậy, anh em hãy tránh khỏi Babylon, hãy lo cho linh hồn mình được rỗi.
Và con xin thêm rằng: Hãy lo cho kẻ ngoại rỗi nữa! Con xin thêm mấy lời đó, vì mục đích chúng con ở đây, là đem phần rỗi cho các linh hồn. Hằng ngày, chúng con lần hạt ba chuỗi cầu cho kẻ ngoại. Các kinh chúng con đọc, việc chúng con làm, sự đau khổ chúng con chịu, đều dâng lên trước tòa Chúa, qui về mục đích ấy cả.
Mỗi ngày có một thầy trong chúng con Chầu Thánh thể một giờ, đi Đàng Thánh Giá một lần… cầu cho kẻ ngoại. Lại hằng tháng, các ngày 15, chúng con dâng một lễ Mi-sa; xem lễ, rước lễ, cầu cho Viễn Đông trở lại…” [9]
Chắc hẳn, cha Biển Đức Thuận đã nhận ra được sức mạnh của lời cầu nguyện trong việc truyền giáo, lời cầu nguyện trở nên sức mạnh vô hình nâng đỡ sứ mạng của Giáo hội. Chúng ta là những nam nữ đan sĩ, là những hậu duệ của Cha Tổ Phụ, chúng ta cũng được nhắc nhở về trách nhiệm cộng tác bằng lời cầu nguyện của mình, vào sứ mạng của Giáo hội trong việc loan báo sứ điệp Tin Mừng về hòa giải, cứu chuộc và hòa bình cho toàn thể nhân loại. Mỗi ngày với bảy giờ kinh, người đan sĩ hướng lòng lên Thiên Chúa để chúc tụng, ca ngợi và tạ ơn cũng như ôm lấy tất cả mọi người, mọi nhu cầu của thế giới vào trong chính lời cầu nguyện của mình. Ngoài ra, chính những giờ phút cầu nguyện cá nhân hay cầu nguyện trong lúc lao động lại mang một giá trị lớn lao trong sự hy sinh âm thầm. Bởi vì, những khó nhọc có được trong khi lao động cũng như trong cuộc sống trở nên những “của lễ hiến tế” đẹp lòng Chúa nhất khi người đan sĩ dâng lên cho Chúa để cầu nguyện cho nhân loại.
b. Truyền giáo trong chính môi trường sống nơi đan viện
Để thực hiện việc truyền giáo trong chính môi trường đan viện của mình là nội vi đan viện, chúng ta cần sống kết hợp mật thiết với Chúa để có thể biểu lộ và lan tỏa dung nhan của một Thiên Chúa Chân – Thiện – Mỹ qua chính cuộc sống của mình.
– Các đan sĩ sống cùng nhau, yêu thương nhau bằng một tình yêu chân thành thực sự sẽ làm cho người khác nhận ra thiên đàng tại thế ngay chính đan viện mà họ sống. Trong Lời Giáo Huấn của Cha Tổ Phụ, số 16, Cha đã dạy con cái hãy “Thương yêu nhau”:
“Vậy, chúng tôi hãy thương yêu nhau, hãy giúp nhau, hãy gánh đỡ gánh nặng cho nhau, hãy nhịn nhục nhau khi lầm lỗi, lấy đức thương yêu mà che đậy nết xấu nhau, đừng xét nét anh em khi không phải việc mình, vì sự ấy đã có Bề trên và các người coi sóc. Thật, cha thấy sự ấy trong chúng tôi còn thiếu nhiều lắm, chẳng những không thấy tấn tới, mà lại sút kém nữa.
Vậy, cha hết lòng khuyên về sự ấy cách riêng: là hãy thương yêu nhau. Nếu trong nhà, mọi người đều bỏ mình đi mà lo đến anh em cách riêng, thì mọi người trong nhà đều được sự an ủi, vui vẻ biết mấy. Chớ có mà dựa vào việc bổn phận mà làm cực lòng anh em. Hãy nhớ, sự gì mình muốn kẻ khác làm cho mình, thì mình hãy làm sự ấy trước cho người ta. Chúng ta hãy nhớ mà đem vào trí vào lòng, vì là điều can hệ. Nhất là những kẻ có việc bổn phận gì, phải lo ý tứ cho lắm, đừng lợi dụng việc bổn phận, để lo cho cái tôi của mình, không màng chi đến kẻ khác, dễ lỗi sự yêu người lắm, dễ lỗi lắm.
Chúng ta hãy lo cho được, xin Chúa và Đức Mẹ giúp cho.”
– Một gương sáng của một đan sĩ dù nhỏ bé đến đâu cũng chiếu tỏa và có sức lan rộng đến mọi ngõ ngách trong đan viện. Đó có thể là lối sống tốt lành, thánh thiện, yêu thương, phục vụ, hy sinh, quên mình…mà Thiên Chúa sử dụng để đưa các linh hồn về với Chúa và Giáo hội.
– Với các sản phẩm do chính đôi bàn tay người đan sĩ làm ra có tâm huyết, đảm bảo chất lượng, phục vụ cho nhu cầu và lợi ích của con người… kết hợp với lời cầu nguyện, trở nên một dấu chứng củng cố niềm tin cho tất cả mọi người đang sống trong một xã hội mà người ta không còn dám đặt niềm tin vào người khác.
– Mỗi khi tiếp đón khách đến đan viện, theo lời dạy của Cha Thánh Biển Đức, các đan sĩ đón tiếp họ như tiếp đón chính Chúa Kitô đang hiện diện với sự vui tươi, ân cần…sẽ giúp cho những ai đến đan viện nhận ra được sự hiền từ, nhân lành của Chúa.
– Chính những hy sinh âm thầm cũng mang một giá trị to lớn cho việc truyền bá Tin Mừng v.v…
Và còn nhiều điều khác nữa mà các đan sĩ có thể làm để đóng góp cho công việc truyền giáo bằng chính những gì là cụ thể, là thiết thực nhất nhưng không kém phần giá trị.
Tuy nhiên, nhìn lại bản thân của mỗi người chúng ta, các đan sĩ, những người đang bước theo Chúa Giêsu trên con đường dâng hiến. Chúng ta tự hỏi xem: tôi đã đóng góp được những gì cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội; với cộng đoàn mà mình đang sống, tôi đã làm được gì để củng cố niềm tin và giúp người khác đến với Chúa?
Chỉ có một tình bác ái thật sự như Chúa đã dành cho chúng ta mới có thể có sức mạnh thu hút và hoán cải người khác trở về tin yêu Chúa. Bằng không, thì kết quả sẽ đi theo chiều ngược lại, khiến người khác xa lìa Thiên Chúa và ơn cứu độ.
Chắc hẳn, mỗi người trong chúng ta đã từng nghe đến cái tên Mahatta Gandhi. Một người đã từng yêu mến Kinh Thánh, Tám Mối Phúc Thật và xem đó là niềm cảm hứng cho thuyết “đấu tranh bất bạo động” của mình. Ông xác tín rằng kitô giáo là giải pháp cho các vấn đề tồn tại trong xã hội Ấn Độ; và ông đã từng nghĩ đến việc gia nhập Giáo hội Công giáo.
Thế nhưng, vào một ngày nọ, khi vừa bước vào nhà thờ để tham dự Thánh lễ thì một người da trắng chặn ông lại và nói: “Nếu ông muốn tham dự Thánh lễ thì hãy tìm đến nhà thờ dành cho người da màu.” Vậy là Gandhi đã ra khỏi nhà thờ và không bao giờ trở lại với bất cứ nhà thờ nào nữa. Quả thật, một lời nói có thể cứu sống một người và cũng có thể giết chết một người. Và Gandhi đã không thể nhận được ơn cứu độ, không được hưởng sự sống đời đời. Ông Gandhi yêu mến Phúc Âm nhưng không tin theo những người có đạo vì những người này không sống khớp với Tin Mừng và Giáo huấn của Chúa Kitô. Ông đã từng chia sẻ: “Tôi thích Chúa Kitô của bạn; tôi không thích các bạn, những kitô hữu. Các bạn, những người kitô hữu không giống như Chúa Kitô của các bạn.”
Phải chăng, vô tình hay hữu ý, mỗi người trong chúng ta cũng trở thành những chướng ngại vật ngăn cản người khác tìm đến niềm tin kitô giáo? Một lời nói, một cử chỉ, một cách sống, nếu đi ngược lại với tinh thần Tin Mừng đều có thể trở thành một “rào cản” khiến người khác không đến được với ơn cứu độ, đến với sự sống đời đời.
Chúng ta không thể làm được điều gì tốt lành nếu không có đời sống nội tâm và ơn sủng của Thiên Chúa. Chỉ có một đời sống gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, một tình bác ái huynh đệ chân thành mới có đủ sức thuyết phục người khác tin vào Thiên Chúa Tình Yêu.
Lạy Chúa Giêsu, khi xưa Chúa đã bôn ba khắp nơi để rao truyền Lời Chúa, loan báo Tin Mừng của tình thương và ơn cứu độ mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Xin Chúa giúp chúng con, là những môn đệ của Chúa cũng nỗ lực, nhiệt thành tiếp tục sứ mạng của Chúa bằng chính đời sống cầu nguyện và hy sinh của mình để lời trối: “Anh em hãy ra đi, và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.” (Mt 28, 19) mà Chúa đã trao lại cho chúng con được thi hành và hoàn tất khi Chúa đến. Bởi vì, chúng con “đã lãnh nhận nhưng không thì cũng hãy cho nhưng không.”
__________________________________
[1] Phần 1 – Sứ diệp của Đức Thánh Cha Phanxico cho ngày thế giới truyền giáo 2024.
[2] Evangelii Gaudium, 36
[3] HT. tr. 51-52.
[4] HT. tr. 52; DN. số 7.
[5] HT. tr. 53; DN. số 8.
[6] HT. tr. 54-55; DN. số 9.
[7] HT. tr. 56-58, DN. số 11.
[8] x. HT. tr. 194-195
[9] Lời Giáo Huấn của Cha Biển Đức Thuận, số 47.
Chữ viết tắt:
HT: Hạnh Tích Cha Benoit – R. P. Henri Denis Cố Thuận (1880-1933) – Tổ Phụ Dòng Xitô Thánh Gia, do Viện phụ Emmanuel Chu Kim Tuyến biên soạn.