THÁNH HIẾN THUỘC VỀ CHÚA – HOÀN THIỆN MÌNH VÀ CỨU NHÂN
Is 44,1-5; Pl 3,8-14; Ga 15,9-17
Chúng ta đang tham dự thánh lễ long trọng và tiếp sau đây là nghi thức khấn dòng. Điểm trọng tâm là các tu sĩ khấn dòng.
Vậy, khấn dòng có ý nghĩa gì?
- Ý nghĩa thứ nhất: Khấn dòng để một tên mới, chọn căn cước mới cho cuộc đời
Khấn dòng để trở thành tu sĩ, một tên gọi mới. Tất cả những ai trở thành tu sĩ, sống đời thánh hiến thuộc thì phải khấn dòng, khấn giữ ba lời khuyên phúc âm: Vâng phục, khó nghèo, khiết tịnh; Dòng Xito, các tu sĩ phải khấn thêm hai lời khấn đặc thù của dòng đó là Vĩnh Cư và Canh Tân. Khấn dòng thuộc về một bậc sống mới, bậc sống của sự thánh thiện. Như thế, khấn dòng mang một tên mới, một thẻ căn cước mới trong ơn gọi và sứ mạng mình.
- Ý nghĩa thứ hai: Khấn dòng để thánh hiến và thuộc về một mình Thiên Chúa.
Ở bài sách Isaia, Chúa nhận Israel làm một dân tộc riêng, rồi giữa dân tộc này, Chúa tuyển chọn những người Chúa muốn, để họ thuộc về Chúa, họ mang danh Chúa. Trong Tm, Chúa gọi và chọn các tông đồ để thuộc về Ngài, họ trở thành bạn và để Ngài chia sẻ tất cả tình yêu và những gì Ngài có cho họ.
Ở đây, chúng ta thấy, Chúa cũng gọi, chọn 15 tập sinh và 5 tu sĩ từ giữa gia đình, rồi từ giữa Cộng Đoàn GH. Hôm nay họ tuyên khấn và qua việc tuyên khấn, tu sĩ được TC thánh hiến để thuộc về Ngài. Vì thuộc về Chúa nên tu sĩ tự xác như Thánh Phaolo : ” Tôi sống không còn là tôi mà Đức Kito sống trong tôi; Không có gì tách tôi ra khỏi tình yêu của ĐKT; và tôi coi mọi sự là thua so với cái lợi tuyệt vời là biết ĐKT Chúa của Tôi...” Hoăc như thánh Biển Đức Tổ Phụ, tu sĩ càng xác tín thêm:” Tuyệt đối không lấy gì làm hơn CKT ( x. Tl 5,2; 72,11). Tên của họ sau khi khấn trọng sẽ được gọi là “đan sĩ”. Đan sĩ có nghĩa là người thuộc về và sống cho một mình TC.
- Ý nghĩa thứ ba: Khấn dòng, để hoàn thiện mình – Tu thân
Đức Khổng Tử, bậc đại hiền nhân, đã đặt ra các bước xây dựng con người một cách rất nền tảng: ” Tu thân, tề gia, trị quốc bình thiên hạ”. Trước hết phải tu thân, tức là phải hoàn thiện mình. Khi bản thân nên hoàn thiện mới có thể làm gì tốt cho gia đình, rồi xã hội và lớn hơn nữa là bình thiên hạ.
Xã hội Việt nam ngày nay rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về tư cách làm người của con người. Trong các học đường, các học sinh ít được giáo dục về đạo làm người. Bởi vậy, khi lớn lên, rồi ra xã hội làm việc tiếp xúc, gặp nhau thường ngày với vẻ mặt lạnh nhạt, ít khi chào hỏi; làm lỗi điều gì, ít khi xin lỗi, nhận được ai giúp đỡ, ban ân huệ gì, hoặc ai làm điều tốt cho ít khi nói cám ơn và rồi thường hay ăn gian nói dối, lương tâm sai lệch. Ứng sinh đi tu, thuộc bất cứ dòng nào, rồi khấn dòng như các tập sinh, khấn sinh hôm nay, dẫu luôn ước muốn là vươn lên các chiều kích cao xa, nhưng trước hết cần là tu thân đã. Tu sĩ dòng Xito khấn lời khấn thứ năm gọi là lời khấn Canh Tân để mỗi ngày sửa đổi chính mình, rập khuôn đời mình theo khuôn mẫu làm người của Chúa Kito, để học từ Ngài và với Ngài cách nói năng, suy nghĩ, phán đoán, ứng xử.
Tất nhiên, khấn dòng- tu thân không chỉ là hoàn thiện nhân cách bên ngoài, mà sâu xa hơn, quyết liệt hơn và có thể nói là trọng tâm của đường tu tâm, đó là để chữa trị ba cái mê nằm sâu trong bản chất sự hiện hữu của con người: Mê danh, Mê lạc thú và mê tiền tài. Lời khấn Vâng phục, quy phục một mình Thiên Chúa, giúp tu si thoát dần được cơn mê háo danh, háo quyền lực địa vị để thống trị. Lời khấn khiết tịnh để chữa trị sự ham muốn và thỏa mãn lạc thú, một trong những nguyên lý giáng cấp phẩm con người từ chỗ “đẹp- hình ảnh Thiên Chúa”, xuống chỗ thật xấu- sống theo bản năng con vật. Khấn khó nghèo, là phương thế, giúp kẻ tâm tu, làm chủ được việc xử dụng của cải vật chất và không để mình bị nô lệ hóa. Thánh Phaolo quả quyết : “ mọi tội ác đều phát sinh từ lòng tham lam muốn có của cải”.
- Ý nghĩa sau cùng: Khấn dòng để cứu nhân
Nhiều người giáo dân có ý tưởng về các tu sĩ đi tu khấn dòng để được yên thân; rồi nhiều người khác hay xem phim, thấy lâu lâu có anh chàng, cô nàng chán đời, cạo đầu đi tu thì nói, người đó thất tình, chán đời nên bỏ đời, tránh đời để đi tu.
Xin nói nhỏ với cộng đoàn là, trong 15 tập sinh hôm nay, có một tập sinh, có bà mẹ và các em, người thân đang ngồi dưới tham dự lễ, gia đình hoàn toàn là Phật Giáo, chỉ mới có một mình người anh em theo đạo, rửa tội và hôm nay khấn dòng.
Thưa cộng đoàn, thưa bà Mẹ và người thân của Thầy trung thân mến! Tu sĩ đi tu, khấn dòng để được yên thân, rồi vì chán đời nên đi tu để tránh đời, để từ bỏ tất cả đạo hiếu tổ tiên, bỏ tình sâu nặng của đạo thờ cha kính mẹ, bỏ chí khí của bậc nam nhi, sợ phải lấy vợ, sinh con cái mang nặng nghiệm đời thì không phải là đi tu, không phải là tu sĩ dòng này và càng không phải là tu sĩ của Giáo Hội. Khấn dòng là để mở ra tất cả, để sống và vươn tới ở mức độ cao hơn của nhân cách làm người, của chữ hiếu sâu nặng với gia đình, dòng tộc, đất nước và cả vận nghiệp cuộc đời mình. Không tránh đời mà mang thêm đời vào. Chúa mượn cuộc đời người thánh hiến cho một vận cuộc mới, vì phần rỗi của anh chị đồng loại.
Tu sĩ, đan sĩ khấn dòng thuộc về đan viện này, họ phải đón lấy 150 thành viên và sống nhau như tình anh em ruột thịt. Ở đây, họ phục vụ nhau với tình huynh đệ, cam kết sống chết cùng nhau tạo dựng sản nghiệp vật chất tinh thần trong lý tưởng đan tu.
Rồi theo đặc sủng của dòng, khi đã khấn, các tu sĩ, đan sĩ phải sống sứ mạng cứu rỗi của Hội Thánh, là mỗi ngày, thay mặt Hội Thánh dâng lên Chúa bảy giờ kinh, rồi tham sự Thánh lễ, làm việc đạo đức, hy sinh để cầu nguyện cho ơn cứu rỗi của Hội Thánh và của toàn thế giới. Đây chính là căn cước, là nghề của tu sĩ khấn dòng.
Vâng, chúng ta tạ ơn Chúa, vì giữa một thế giới tục hóa như ngày nay vẫn còn nhiều ơn gọi trẻ, và cụ thể là các tập sinh, tu sĩ khấn dòn hôm nay, đáp lại lời Chúa sống đời tận hiến. Mấy người tập sinh, tu sĩ này đúng là những người dám lội ngược dòng thời đại, dám chọn lựa và sống ngược lại với xã hội văn minh này. Đó không phải vì mấy người này đã ra người khờ, người điên. Trước khi vào dòng, rồi xét khấn dòng, nhà dòng phải cho đi khám bệnh hết, không thấy ai điên cả, họ đều có chỉ số IQ- trí tuệ sức và khỏe bình thường. Họ muốn chọn và dấn thân theo con đường này là để chứng tỏ người đương thời thấy rằng, không phải việc sở hữu các thứ văn minh tấn bộ, không phải đạt được địa vị, quyền lực, sự giầu có vật chất và sự thỏa mãn mọi nhu cầu thuộc thế giới hiện tại, đã làm cho con người hạnh phúc và sống có ý nghĩa đích thật. Còn có một giá trị khác, đó là tìm kiếm Chúa, tìm kiếm nước trời, tìm kiếm giá trị đạo đức tinh thần và phục vụ đồng loại vô vị lợi, vốn vượt lên tất cả và có có giá trị trồi vượt tất cả.
Chúng ta hãy cầu xin cho các thầy này, đã được khấn dòng thì can đảm và sống trọn vẹn ý nghĩa ơn gọi và sứ mạng của mình. Chúng ta, tuy không khấn dòng như các tu sĩ nhưng cũng cần thấm nhuần tinh thần của người khấn dòng, là luôn tìm vâng lời Thiên Chúa; yêu mến Chúa với trái tìm, tâm lòng thành và đừng quên là lo làm giầu của cải Nước trời, lo tìm Chúa vốn vượt lên việc tìm kiếm của cải tiền bạc.
Chúng ta cũng đừng quên một bổn phận nữa thật quan trọng đó là, mỗi người, mỗi gia đình, phải trở nên vườn ươm ơn gọi tu sĩ linh mục. Riêng với các bậc cha mẹ, cách đặc biệt là các bậc cha mẹ trẻ, hãy noi gương các gia đình quý ông bà anh chị em hôm nay, chăm lo, khích lệ và quảng đại hiến dâng con cái khi chúng muốn đi tu làm linh mục, tu sĩ và phải đóng góp cách đại lượng cho công việc đào tạo tu sĩ linh mục trong Giáo Hội.