Lễ Tạ ơn
Bế mạc Năm Thánh 100 năm Xitô
LỊCH SỬ LÒNG THƯƠNG XÓT
Is 63,7-9; Cl 3,12-17; Ga 15,9-17
Nho Quan 11-10-2018
Lòng Thương Xót của Chúa
Bế mạc Năm Thánh kỷ niệm Bách Chu Niên cha Tổ phụ lập dòng, chúng ta đang cảm nghiệm Lòng Thương Xót của Chúa. Quả thật, nhìn lại 100 năm qua, ta thấy lịch sử của Hội dòng là lịch sử của Lòng Chúa Thương Xót. Đúng như lời sách Isaia hôm nay: “Lòng Người đầy thương xót và lắm nghĩa giầu ân…Người đã là vị cứu tinh trong mọi cơn quẫn bách…Vì yêu mến và thương cảm, chính Người đã chuộc họ về, đã vực họ dậy và mang họ đi suốt thời gian quá khứ”.
Trong quá khứ Hội dòng đã lâm vào cơn quẫn bách. Cách mạng đến, Nhà mẹ Phước Sơn đã mất hết cả đất lẫn ngôi nhà đầu tiên ở Quảng Trị. Cố Bề trên Mendiboure Nhơn bị bắt và chết trong tù. 30 năm sau mất nhà thứ hai tại Thủ đức. Viện phụ Đominico Hiền bị tù đến mù đôi mắt.
Nhà Châu sơn Nho quan chúng ta mới thật thảm hại. Không những bị tịch thu hết nhà cửa đất đai mà các vị bề trên còn bị đem ra trước toà án nhân dân trong một cuộc đấu tố tàn baọ, phải hứng chịu bao nhiêu lời vu cáo nhục mạ xấu xa và sau cùng bị kết án tử hình. Cố bề trên Marco Vinh, cố bề trên Martino Khanh cùng với thày Ignatio Lương chết trong tù. Cố bề trên Philipphe Năng cùng thày Alberico Lâm bị giam nhiều năm. Được tha về nhưng không được trở về nhà dòng. Cố bề trên Philipphe đã phải ở chuồng heo. Thày Alberico phải về quê. Cả một thế lực lớn lao, có đầy đủ quân đội vũ khí, có một hệ thống các nhà tù ghê gớm, nhất là trại Cổng Trời, với một chính sách thù ghét tôn giáo, quyết tâm tiêu diệt chúng ta trong hơn nửa thế kỷ. Ai nghĩ rằng đan viện này có thể tồn tại.
Thế nhưng hôm nay nhìn lại chúng ta không khỏi ngỡ ngàng. Chúng ta đã mất hết và Người lại chuộc chúng ta về. Chúng ta đã bị đánh bầm dập dở sống dở chết, nhưng Người đã vực chúng ta dậy, vác ta trên vai và mang ta đi suốt thời gian 1 thế kỷ qua. Để ngày hôm nay chúng ta lại được sống và sống dồi dào. Đó là gì nếu không phải là Lòng Thương Xót của Chúa. Đó là phép lạ của Lòng Thương Xót. Không chỉ được thừa hưởng Lòng Thương Xót của chính Chúa, ta còn cảm nghiệm được Lòng Thương Xót của Chúa qua đời sống cha Tổ phụ và các bậc cha anh.
Qua các bậc cha anh
Ta vô cùng tự hào có các bậc cha anh quảng đại đáp lại Lòng Thương Xót của Chúa. Chúa nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu”. Nếu Chúa đã yêu thương đến độ hi sinh mạng sống cho ta, thì các bậc cha anh của chúng ta cũng quảng đại đáp lại bằng hiến dâng mạng sống mình.
Cha Tổ phụ Biển đức Thuận đã hiến dâng trọn cuộc sống. Ba mươi năm phục vụ tại Việt nam ngài không một lần trở về Pháp thăm quê hương xứ sở và cha mẹ họ hàng. Có bao nhiêu sức lực, tài năng, thời giờ và tiền của, ngài sử dụng tất vả vào việc phụng sự Chúa và phục vụ Giáo hội. Ngài yêu thương Việt nam hết lòng hết sức. Khi sang Việt nam ngài đã giã từ nước Pháp và nhận Việt nam làm quê hương. Viết thư cho cha mẹ ngài luôn ca tụng Việt nam. Người Việt nam rất tốt. Trẻ con Việt nam những đứa trẻ rách rưới đen đủi gầy còm nô đùa dưới gầm bàn dậy học của ngài là những đứa trẻ ngoan nhất thế giới. Và nơi ngài ở trong túp lều tồi tàn là lâu đài nguy nga bên Pháp không nơi nào có được. Ngài yêu Việt nam nên yêu tiếng nói, đã học cả chữ quốc ngữ lẫn chữ Nôm và chữ Nho thông thạo đến nỗi đi dạy được. Ngài thấu hiểu văn hoá Việt nam nên đã dịch truyện thơ Lục súc tranh công sang tiếng Pháp. Và nhất là ngài thấu hiểu tâm hồn Việt nam nên đã đưa vào linh đạo cho dòng ngài sáng lập. Trên hết ngài làm tất cả vì muốn tặng cho người Việt nam món quà quí giá nhất là ơn cứu độ. Vì thế ngài đã hi sinh tính mạng vì Chúa và vì chúng ta. Hi sinh hãm mình chịu đủ mọi thứ bệnh hành hạ. Trước giờ qua đời chính ngài nói: “Bác sĩ khám cha rồi nói: c’est perdu vì các bộ phận trong mình cha đều hư cả, cha đau trái tim như con biết, mỗi phút nó đập hơn trăm lần; cái cật hư vì cha đi tiểu ra máu; cha đau phổi con cũng biết, ra máu nhiều lần, cha ho luôn; tỳ vị cũng đau, ăn không tiêu hay mửa, nhất là bệnh trĩ, cha đau đớn lắm, ba tháng nay sốt rét luôn vì có trùng sốt rét, bác sỹ nói thêm: thế mà cha sống được là một sự lạ, nhưng cha nói là một ơn Chúa ban”. Bị bệnh như thế nhưng ngài vui vẻ chịu đựng. Vẫn kiên cường làm việc như bình thường. Mãi đến phút chót mới chịu đi bệnh viện. Quả thật ngài đã hi sinh đến hiến dâng mạng sống mình. Ngài luôn tin vào Lòng Thương Xót của Chúa. Nên khi hấp hối ngài nói: “Cha đi bằng an lắm. Cha không áy náy lo lắng chi hết, vì Cha biết rõ Chúa là Cha chung, Chúa thương Cha và cũng thương chúng con, cho nên không sợ chi cho Cha và cũng không sợ chi cho chúng con” (HT tr. 231-232).
Noi gương ngài, các bậc cha anh kế tiếp cũng sẵn sàng hiến dâng mạng sống cho Chúa và vì anh em. Ngay từ ngày đầu tiên cha Tổ phụ đi lập dòng. Nhà chưa có. Thực phẩm cũng không. Tiền bạc càng không có. Biết ăn gì, ở đâu. Đất thì sỏi đá. Rừng rú toàn thú dữ rình rập. Thật là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Thế mà các thế hệ đầu tiên đã liều lĩnh quảng đại tin yêu đi theo ngài. Rồi ở Nho quan chúng ta. 22 người đầu tiên đến khai phá. Rừng thiêng nước độc. Nếp sống lao động vất vả. Ăn uống khổ hạnh. Đã có 9 người qua đời. Nhưng các vị vẫn kiên cường ở lại. Rồi sau đó bắt bớ, đấu tố, tù đầy. Thế mà các ngài vẫn vui tươi bình an. Quả thật tình yêu của các ngài đã đến mức cao cả dám hi sinh tính mạng vì Chúa và vì anh em. Nhưng chính nhờ đó mà cuộc đời các ngài trổ sinh hoa trái cho chúng ta hưởng dùng. Như lời Chúa dạy hôm nay: “Chính Thày đã chọn anh em và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại”.
Đến chúng ta
Trong vườn Fatima, hai bên núi Sọ có hai bức phù điêu diễn tả cuộc khổ nạn của đan viện chúng ta, qua đó các bậc cha anh được tham dự vào sự thương khó của Chúa. Từ cuộc tù đầy của các ngài phát xuất dòng suối Ân Lộc tiếp nối ngọn thác Ân Sủng từ thánh giá chuyển trao ơn phúc cho thế hệ chúng ta. Nhờ ân lộc của các ngài chúng ta được Chúa đoái thương ban muôn vàn ơn phúc. Hội dòng lớn mạnh với hai nhánh nam, nữ, với 12 đan viện chính và nhiều nhà con đang mọc lên khắp nơi. Riêng về đan viện Châu sơn Nho quan, chúng ta phải nói gì. Lấy lại được đất. Xây được nhà. Ơn gọi phong phú hết năm này qua năm khác. Ngay trong những ngày này thôi ba cơ sở Thái nguyên, Sàigon và Hà nội đang có những chuyển biến thật bất ngờ với những ơn lành quá sức tưởng tượng Chúa làm qua Mẹ Fatima và các vị ân nhân. Quả thực cả một đại dương Lòng Thương Xót đổ tràn xuống chúng ta. Cả một bầu khí quyển Thương Xót bao phủ chúng ta. Chúng ta hít thở Lòng Thương Xót. Chúng ta được nuôi dưỡng bằng Lòng Thương Xót. Chúng ta bơi lội trong Lòng Thương Xót. Chúng ta được tắm gội trong Lòng Thương Xót. Nên cây chiêm niệm đã đâm rễ sâu, đã vươn cành, trổ sinh hoa trái phong phú dồi dào. Tuy nhiên lãnh nhận ân phúc tràn trề chan chứa như vậy, chúng ta phải đền đáp thế nào cho cân xứng. Thư Côlôsê dạy ta phải sống Lòng Thương Xót qua 4 điểm sau:
1.Hãy tạ ơn: “Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng”.
2.Hãy yêu thương: “Anh em được Thiên Chúa yêu thương, vì thế anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại”.
3.Hãy tha thứ: “Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em, cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau”. Tha thứ cho những người đã làm hại chúng ta. Tha thứ cho những xúc phạm của anh em trong đời sống hằng ngày. Đó mới là tình yêu đích thực.
4.Hãy sống hiệp nhất bình an. “Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó”.
Trăm năm trước, lịch sử của Hội dòng là lịch sử của Lòng Thương Xót. Chúa đã viết nên lịch sử Hội dòng trong Lòng Thương Xót. Vì cha Tổ phụ và các bậc cha anh đã tự huỷ mình, để trở thành cây bút chì, cho Chúa dùng viết nên lịch sử. Các ngài đã trở thành bể chứa ân phúc và thành máng chuyển thông Lòng Thương Xót đến chúng ta. Kỷ niệm Bách Chu Niên mở ra trăm năm mới. Đến lượt chúng ta viết tiếp lịch sử. Hãy Sống yêu thương. Sống tha thứ. Sống hiệp nhất. Sống quên mình. Đến độ huỷ mình. Để trở thành cây bút chì cho Chúa viết tiếp lịch sử Lòng Thương Xót trong Hội dòng. Như thế dòng thác Lòng Thương Xót của Chúa không bị bế tắc chặn đứng, nhưng tiếp tục lưu thông tuôn đổ đại dương ân phúc xuống chúng ta và sẽ còn tồn tại mãi với các thế hệ kế tiếp. Vì Lòng Thương Xót của Chúa vẫn trải dài từ đời nọ đến đời kia, dành cho những người kính sợ Chúa (Magnificat)
Lạy Chúa Giêsu con tín thác nơi Chúa
Lạy Chúa con xin dâng lời cảm tạ, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.