Lễ thánh Phaolô trở lại
LÀM CHỨNG VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT
Ac 3,17-26; Cv 22,3-16; Mc 16,15-18
Lễ Đưa Chân thày Phêrô Khoa
Châu sơn 25-01-2023
Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
Tại sao hôm nay dâng lễ cầu nguyện cho thày Phêrô Khoa mới qua đời, chúng ta lại mặc lễ phục trắng. Thánh lễ lại còn có kinh Vinh danh nữa. Thưa vì đây chưa phải lễ an táng. Và hôm nay Giáo hội mừng kính thánh Phaolô trở lại. Tuy nhiên áo trắng phù hợp với màu tang truyền thống của dân tộc. Và kinh Vinh danh phù hợp với truyền thống đan tu. Tạ ơn Chúa vì người anh em đã hoàn tất hành trình đời đan tu.
Lời Chúa hôm nay nói về lòng thương xót của Chúa. Và người tông đồ phải làm chứng về lòng thương xót.
Trong sách Ai ca, tác giả than thở vì gặp nhiều nghịch cảnh. Tuy nhiên trong nghịch cảnh, Thiên Chúa vẫn tỏ lòng xót thương: “Lượng từ bi Đức Chúa đâu đã cạn, lòng thương xót của Người mãi không vơi. Sáng nào Người cũng ban ân huệ mới”.
Đó cũng là điều thánh Phaolô cảm nghiệm khi Chúa thương cho ngài được ơn ăn năn trở lại. Cú ngã ngựa rất đau đớn. Nhưng lại là khởi điểm để Chúa ban cho ngài muôn vàn ơn phúc. Còn hơn thế nữa, Chúa tuyển chọn để thánh nhân ra đi làm chứng cho Chúa. Như lời Khanania khích lệ Phaolô: “Thiên chúa của cha ông chúng ta đã chọn anh để anh được biết ý muốn của Người, …Quả vậy, anh sẽ làm chứng nhân cho Đấng ấy trước mặt mọi người”.
Ta cũng có thể nói như thế về cuộc đời thày Phêrô Khoa. Thày là một đan sỹ gương mẫu về đời sống đạo đức cũng như về tinh thần phục vụ. Khi đan viện mới hồi sinh, thày đã đảm trách nhiều nhiệm vụ. Thời ấy cuộc sống còn khó khăn. Đan viện còn thiếu thốn. Thày quản lý đã phải chạy ngược chạy xuôi lo cho cộng đoàn có đầy đủ lương thực. Tinh thần đạo đức và phục vụ của thày được đánh giá cao. Nên khi anh em bỏ phiếu cho thày được khấn, thày là người đầu tiên đạt trọn vẹn 100 phần trăm số phiếu.
Nhưng như Thánh vịnh 34 nói: “Người công chính gặp nhiều bước gian truân”, thày gặp nhiều khó khăn thử thách. Thử thách lớn nhất là thày bị bệnh suy thận. Thận không làm việc được nữa. Phải đi chạy thận lọc máu. Ngày mồng 1 tháng 1 năm 2011 tôi đã cùng thày đi hành hương khấn Đức Mẹ Lavang. Nhưng Chúa muốn thày chịu cơn bệnh để làm chứng cho Chúa. Vì thế thày không được khỏi. Trái lại bệnh ngày càng nặng thêm. Nhưng Chúa lại ban ơn cho cộng đoàn. Đúng ngày hôm ấy đan viện khoan được giếng có nước sau bao nhiêu năm mong đợi. Chẳng khác gì Phaolô bị ngã ngựa. Nhưng là cú ngã ơn phúc. Để thày ngã vào lòng thương xót của Chúa. Như Phaolô sau khi ngã ngựa đã coi mọi sự thế gian như rơm rác. Thày Phêrô Khoa bị bệnh như bị mất tất cả. Anh em gọi thày là ông Lót. Vì ông Lót khi rời bỏ thành Sôđôma thì tất cả tài sản đã bị lửa thiêu cháy rụi cùng với thành ấy. Thày Phêrô Khoa chỉ còn lại cơn bệnh quái ác. Nhưng như Phaolô sau khi mất tất cả thế gian lại được Chúa Kitô. Thày Phêrô Khoa chỉ còn sống cho Chúa.
Bị cơn bệnh nan y hành hạ, nhưng thày lại cảm nghiệm được lòng Chúa thương xót. Nên thày không buồn chán thất vọng. Không buông xuôi bỏ cuộc. Càng không rên rỉ thở than. Trái lại thày vẫn vui tươi hoạt động. Tuy bệnh nhưng sức làm việc của thày còn hơn những người khoẻ. Thày có nhiều sáng kiến. Kết tràng hạt. Chế tác thánh giá. Thày làm ra rất nhiều loại tràng hạt. Hết tràng hạt bằng gỗ đến tràng hạt bằng đá. Hết tràng hạt 50 đến tràng hạt 10 hạt đeo tay. Rồi thày chế tạo thánh giá. Thánh giá gỗ. Thánh giá đục lỗ. Thánh giá chạm khắc hình Chúa Giêsu. Thánh giá dán hình bọc composite. Thánh giá nhỏ. Thánh giá lớn. Có nhiều vị giám mục đeo thánh giá do thày chế tác. Rồi thày làm bánh. Nhiều khuôn làm bánh lễ. Đủ loại. Lại làm thêm bánh quế. Thánh giá và tràng hạt đạt tới mức nghệ thuật, đẹp tuyệt vời. Bánh thì thơm ngon. Và thị trường của thày mở rộng khắp cả nước.
Cảm nhận được lòng Chúa thương xót, thày cũng trở thành chứng nhân của lòng Chúa thương xót. Nên thày luôn tươi cười. Lạc quan. Đặc biệt thày không bao giờ than phiền kể lể về bệnh tật. Dù bệnh tật nhưng thày không bao giờ so bì với anh em. Luôn yêu mến anh em. Tôi chưa nghe thấy thày than phiền về người nào. Càng không nghe thày nói xấu người nào. Kể cả khi thày bị hiểu lầm và bị bạc đãi hắt hủi, thày vẫn âm thầm chịu đựng. Vẫn vâng phục. Vẫn yêu thương.
Như thế thày cũng trở thành chứng nhân của một đời đan sỹ tận hiến cho Chúa. Không lấy gì làm hơn Chúa Kitô. Có Chúa trong mình nên thày vui lòng chịu đựng tất cả. Chỉ sống cho tình yêu mến. Điều này được đặc biệt chứng tỏ trong những ngày cuối đời khi thày nằm liệt giường. Đau yếu, mệt nhọc thày không cằn nhằn. Trái lại luôn tỏ lòng yêu mến gắn bó với anh em.
Đến những ngày cuối thày lại bị một cơn thử thách giống như Chúa Giêsu trên thánh giá. Thấy thày bệnh nặng, lại chỉ có bảo hiểm dành cho người nghèo, nên bệnh viện xua đuổi thày. Các bệnh viện đùn đẩy nhau. Từ bệnh viện E sang bệnh viện 103. Tuy bị mọi người ruồng bỏ như các đầy tớ bỏ Chúa Giêsu mà trốn chạy, nhưng thày còn có một số anh em thân tín, như Đức Mẹ, thánh Gioan vẫn đứng dưới chân thánh giá. Thày vui vì anh em cũng hết tình với thày. Cha Bernadino, bất chấp bệnh viện đã xua đuổi thày đi, đã tìm được cách đưa thày trở lại bệnh viện E. Và anh em đang ôn thi tại trụ sở Hà nội đã tình nguyện không nghỉ Tết. Để ở lại chăm sóc cho thày. Lại còn lo liệu được có phòng riêng. Anh em thay phiên nhau đọc kinh lần hạt lớn tiếng để cho thày thông công. Đặc biệt cha Bernadino và anh em đã thu xếp với các bác sỹ, để dâng lễ Giao thừa bên cạnh thày, để thày được hiệp thông thánh lễ mừng Năm Mới ngay trên giường bệnh.
Như Chúa Giêsu cảm thấy cô đơn trên thánh giá. Trưa mồng 2 Tết, thày lên cơn nguy kịch. Toàn thân co giật. Sùi bọt mép. Vô cùng đau đớn. Và sợ hãi. Thày Damaceno vội gọi tất cả anh em về quây quần bên thày. Nhưng khi cơn khủng hoảng qua đi, thày trở lại bình an thư thái. Cảm nhận được tình anh em nên thày giơ tay bắt tay từng người. Và ra dấu xin cha Bernadino chúc lành cho thày. Khi tôi, cha Gioan, thày Théophane, thày Anselmo và thày Quyền đến thăm, thày vui mừng khi nhận ra chúng tôi và bắt tay từng người chúng tôi. Điều đó cho thấy thày từ bỏ tất cả, chỉ còn Chúa Kitô và cộng đoàn huynh đệ. Thực là một đan sỹ gương mẫu.
Chúng ta tạ ơn Chúa đã ban cho cộng đoàn chúng ta một người anh em đáng quý, một đan sỹ mẫu mực như thế. Thày là tấm gương về đời sống đan tu cho chúng ta. Suốt đời chỉ sống cho Chúa và cho anh em. Thày có thể nói như thánh Phaolô: “Đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện” (2Tm 4,6-8). Xin cho chúng ta biết noi gương thày Biết đón nhận lòng thương xót của Chúa. Biết sống để làm chứng về lòng thương xót. Để được cùng sum họp với thày trên Nước Trời.