“MÁU CÙNG NƯỚC CHẢY RA”
(Hs 11,1.3-4.5c.8ac-9; Ep 3,8-12.14-19; Ga 19,31-37)
M. Gioan XXIII Tấn, Phước Lý
Sau Chúa Nhật mừng lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, hôm nay, cùng với Giáo hội chúng ta mừng Lễ Trọng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Qua Thánh lễ này, Giáo hội mời gọi chúng ta học lại bài học tình yêu từ trái tim bị đâm thủng của Đức Giêsu trên thập giá (x. Ga 19,31-37).
Trong phát hiện khảo cổ duy nhất cung cấp thông tin về quá trình đóng đinh, từ năm 1968, bộ xương còn sót lại cho thấy cẳng chân của người đàn ông bị đóng đinh đã bị gãy chỉ bằng một cú đánh. Điều này giải thích đoạn văn sau. Lề luật quy định người ta cấm treo thi thể qua đêm trên cây gỗ hoặc trên thập tự giá trong ngày Sa-bát (x. Đnl 21,22-23), vì như vậy, sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa, và xác chết sẽ làm ô uế cả vùng đất (x. Đnl 21,23; Gl 3,13). Thuật ngữ Latin để chỉ việc bẻ gãy cẳng chân là crurifragium. Nó dẫn đến tử vong rất nhanh do sốc, mất máu và khó thở (nếu chân chết thì lồng ngực phải đỡ toàn bộ trọng lượng cơ thể). Nếu không có thủ tục này, người bị kết án sẽ sống được nhiều giờ, thậm chí có khi nhiều ngày. Crurifragium được thực hiện trên hai tên trộm bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu đã chết rồi nên chân Ngài không bị đánh gãy. Thay vào đó, một tên lính dùng giáo đâm vào cạnh sườn Chúa Giêsu, lập tức máu và nước chảy ra.[1] Vậy, sự việc “máu cùng nước chảy ra” đã được giải thích ra sao và mang ý nghĩa gì?
Một số nhà nghiên cứu coi chất lỏng tiết ra này là bằng chứng cho thấy Chúa Giêsu chết vì suy tim, trong đó màng ngoài tim chứa đầy máu và dịch bạch huyết.[2] Vào thế kỷ thứ IV, nhiều Giáo phụ đem so sánh St 2,21, ở đó Evà được xuất ra từ sườn Ađam, và xem ở Ga 19,34, Tân Evà là Giáo hội được phát xuất từ cạnh sườn Tân Ađam.[3] Đối với những người khác, nó có ý nghĩa biểu tượng hoặc bí tích. Dựa vào Kinh Thánh, chúng ta biết rằng, đối với người Do Thái, họ tin rằng nhờ máu các tế vật mà họ có thể được nhận ơn tha tội từ Thiên Chúa. Tác giả thư gửi tín hữu Do Thái đã viết: “Không có máu đổ ra, thì không có ơn tha thứ” (Dt 9,22tt). Như vậy, Gioan và Giáo hội sau đó đều nói rằng, từ cạnh sườn mở toang “nước và máu” chảy ra ban ơn tha thứ tội lỗi và sự sống mới cho nhân loại. Theo các Giáo phụ thì máu và nước tượng trưng cho bí tích Rửa Tội (x. Ga 3,3-5) và Thánh Thể (x. Ga 6,53-56), qua đó, nhân loại được tẩy sạch tội lỗi và được nuôi dưỡng bằng Bánh Hằng Sống, cả hai đều bắt nguồn từ Trái Tim Chúa Giêsu.[4] Tuy nhiên, sẽ hợp lý hơn nếu coi sự xuất hiện này làm bằng chứng cho thấy Chúa Giêsu là người thật và đã chết một cái chết thực sự. Ngọn giáo có thể đã xuyên qua bụng và tim. “Người xem thấy việc này” (c. 35) chắc chắn coi đó là dấu hiệu của sự cứu rỗi. Vào thời điểm Tin Mừng Gioan được viết, Giáo hội sơ khai gặp phải những vấn đề lớn về nhóm Ngộ đạo (Gnosis) và Ảo thân thuyết (Doketismus). Cả hai đều phủ nhận thực tế về sự nhập thể và cái chết của Chúa Giêsu. Nhưng máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu đã bác bỏ những lạc giáo này.[5]
Tin Mừng hôm nay cũng kể lại lời khai của một nhân chứng chứng kiến sự kiện (x. cc. 35-37), người này rất có thể giống với tác giả Tin Mừng thứ tư – thánh sử Gioan (x. 13,3; 21,20-24). Giá trị của lời chứng của ngài nằm ở việc khẳng định sự thật mà nó đưa ra và nhằm mục đích dẫn dắt người khác hiểu các sự kiện trên thập tự giá và ý nghĩa của chúng (x. Ga 20,31). Gioan giải thích rằng việc quân lính không đánh gãy chân Chúa Giêsu mà đâm vào cạnh sườn Ngài ứng nghiệm hai lời tiên tri: Chúa Giêsu, với tư cách là Chiên Vượt Qua đích thực, không bị đánh gãy chân (x. Xh 12,46; Ds 9,12; Tv 34,21), và trong tương lai người ta sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu (x. Kh 1,7).
Ước gì lời Chúa trong Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu hôm nay, giúp ta nhận ra rằng:
Thứ nhất, trái tim luôn là biểu tượng của tình yêu. Thiên Chúa đã yêu con người bằng trái tim tình yêu, như cách mà ngôn sứ Hôsê diễn tả: “Quả tim Ta thổn thức trong Ta … vì Ta là Thiên Chúa” (x. Hs 11,1b.3-4.8c-9). Quả Tim ấy được cụ thể nơi Trái Tim Chúa Giêsu (x. Ep 3,8-12.14-19). Vâng, chính “Người đã yêu thương tôi và đã chịu phó nộp vì tôi” (Gl 2,20), và mãi từ“đời nọ tới đời kia, Thánh Tâm Chúa vẫn hằng nuôi dưỡng ý định cứu dân Người khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn” (Tv 32,11.19).[6] Vậy, ta được mời gọi đến cùng Thánh Tâm Chúa, để Trái Tim Người giúp ta giải đáp mọi khó khăn, tăng thêm sức lực và là nguồn an ủi cho đời sống Kitô hữu của chúng ta (x. Mt 11,28).[7]
Thứ hai, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, đã yêu ta và chết vì ta, đã để cho lưỡi đòng mở Thánh Tâm Người ra, khi Người đã chết, trút hết máu và nước từ Thánh Tâm ra, nhằm thanh tẩy, bổ dưỡng và cứu độ ta. Trái Tim Người cũng trở thành biểu tượng tình yêu vô biên của Người đối với Chúa Cha và đối với nhân loại.[8] Hôm nay chúng ta được mời gọi đến tôn sùng Thánh Tâm Chúa,[9] vì lòng tôn sùng chân chính đối với Thánh Tâm vẫn hoàn toàn có giá trị và thu hút đặc biệt những linh hồn khao khát lòng thương xót của Thiên Chúa, những người tìm thấy nơi Ngài nguồn mạch vô tận để múc nước sự sống tưới cho sa mạc tâm hồn và niềm hy vọng có thể nở hoa trở lại.[10]
Thứ ba, hôm nay Lễ Trọng Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng là “Ngày thế giới xin ơn thánh hóa các Linh mục”. Thánh Gioan Maria Vianey đã từng nói: “Chức linh mục là tình yêu của trái tim Chúa Giêsu.”[11] Chúng ta cảm tạ Chúa vì hồng ân linh mục, đồng thời, hãy luôn cầu nguyện cho các linh mục để họ có thể trở thành những chứng nhân đáng tin cậy của Tình yêu của Chúa Kitô.
_____________________________
[1] x. Edwin Blum, Johannes, trong: John F. Walvoord/Roy B. Zuk (Hg.), Das Neue Testament. Er klärt und ausgelegt. Bd. 4, Matthäus – Römer, Holzgerlingen 32000, 337-442, đây tr. 432-433.
[2] x. Sđd.
[3] x. Lm. Ph. Hoàng Minh Tuấn, Yêu Đến Cùng, Đọc Tin Mừng theo Gioan, Tập VIII, NXB Tôn Giáo 2009, tr. 376.
[4] x. Sđd., 279-280.
[5] x. Edwin Blum, Johannes, trong: John F. Walvoord/Roy B. Zuk (Hg.), Das Neue Testament. Er klärt und ausgelegt. Bd. 4, Matthäus – Römer, Holzgerlingen 32000, 337-442, đây tr. 433.
[6] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Phụng Tự, Sách Lễ Rôma, Ca nhập lễ trong Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, 21992, tr. 414.
[7] x. Lm. Phêrô Trần Văn Thông (biên dịch), Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII, Tâm hồn và Nhật ký, NXB Tôn Giáo 2011, tr. 186.
[8] x. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Bản Toát Yếu Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, NXB Tôn Giáo 2011, số 93.
[9] Vào thể kỷ XVII, thời thánh Johannes Eudes, thì việc này đã rất phố biến. Hiện nay, Giáo Hội mừng Lễ Thánh Tâm Chúa vào thứ sáu sau Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu, đồng thời dành trọn cả tháng sáu cũng như mỗi thứ sáu đầu tháng cho việc sùng kính Thánh Tâm (x. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Tiểu Ban Từ Vững, Từ Điển Công Giáo 500 mục từ, NXB Tôn Giáo 12011, tr. 308; xem thêm Thói lễ Hội Dòng Xitô Thánh Gia, số 177).
[10] x. Benedikt XVI., Angelus, Sonntag, 25. Juni 2006 (URL: https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/de/angelus/2006/documents/hf_ben-xvi_ang_20060625.html, cập nhật 27.05.2024).
[11] B. Nodet, Le Curé d’Ars, Sa pensée – son coeur (Le Puy 1966) 98, trong GLHTCG, số 1589).