BÀI SUY NIỆM LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2019
Vp. Phêrô Khanh Trần Như Hảo
Đêm nay, khắp nơi trên thế giới đều cử hành thánh lễ mừng Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh làm người để cứu độ nhân loại chúng ta. Việc mặc lấy thân phận con người, Ngài đã làm chúng ta khám phá ra tước vị làm con Thiên Chúa của mình, nhờ đó ta biết tận hưởng niềm hạnh phúc vĩnh cửu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Đây cũng là đặc ân tuyệt diệu mà Chúa ban cho con người, một thụ tạo trong muôn vàn thụ tạo.
Thiên Chúa làm người là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm này khiến cho nhiều người trong chúng ta không khỏi thắc mắc: Thiên Chúa đầy quyền năng đâu cần phải hoá thân làm người để cứu độ nhân loại tội lỗi, Ngài chỉ cần thánh hoá họ để họ trở nên thánh thiện như lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng trong Tin Mừng Matthêu: “Xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ của tôi sẽ được khỏi bệnh” (Mt 8,8).
Người ta kể rằng, có một người kia không tin việc Ngôi Hai Thiên Chúa cao sang mà lại xuống thế mang lấy thân phận con người hèn hạ. Vì thế, vào một ngày lễ giáng sinh nọ ông quyết định không đi dự lễ cùng gia đình, ông ở lại nhà trong khi vợ con ông đã đến nhà thờ. Đêm lễ giáng sinh năm ấy trời đổ tuyết thật nhiều. Ông thầm nghĩ: Đêm nay Lễ Giáng Sinh, ước gì tuyết rơi trắng hết mọi nơi. Một lúc sau ông nghe có tiếng sột soạt giống như có ai ném tuyết vào cửa sổ, rồi tiếp theo là một tiếng nữa…và nhiều tiếng nữa. Ông liền bước ra mở cửa xem điều gì. À! thì ra là một đàn chim đang lao đao trong mưa tuyết, chúng muốn bay vào cửa sổ nhà ông để tìm chỗ ẩn trú. Ông cảm thấy tội nghiệp những chú chim nhỏ bé ấy, và ông tìm cách giúp chúng. Ông chợt nghĩ đến cái nhà kho của mình. Ông mặc áo ấm vào, đi ra cái kho sau nhà, mở cửa và gọi chúng vào nhưng bầy chim vẫn đứng im.
Vì nghĩ rằng chúng không thấy được lối vào nên ông bật đèn nhà kho lên rồi trở ra gọi chúng, nhưng chúng vẫn đứng im! Lạ thế, hay là mình đi lùa chúng vào! Ông nghĩ thầm như vậy. Thế rồi ông đi ra cửa sổ, đưa tay lùa chúng, thế nhưng chúng chẳng những không bay theo hướng ông lùa mà còn bay trốn tán loạn. Cuối cùng ông mới hiểu ra: Chúng sợ mình vì chúng lạ với mình, phải chi mình giống như chúng thì khi mình đến gần chúng, có lẽ chúng sẽ không sợ nữa.
Đúng lúc ấy, lời Tin mừng từ nhà thờ vang vọng đến tai ông: “Ngôi Lời đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Lúc ấy ông quỳ gối xuống và thưa: Lạy Chúa, bây giờ con đã hiểu tại sao Chúa giáng sinh làm người như chúng con.
Chúa Cứu Thế đã giáng sinh cách đây đã hơn hai ngàn năm nhưng ngày nay vẫn còn nhiều người chưa nhận biết Chúa, chưa tin Chúa. Ngay cả một số đông người Do Thái nơi quê hương của Chúa mà họ vẫn chưa tin Đấng Cứu Thế đã đến. Bởi thế, cho đến ngày nay họ vẫn còn ngông ngóng đợi chờ. Họ không tin vào Chúa Giêsu, một phần vì họ có quan niệm không đúng về Đấng Cứu Thế. Họ nghĩ rằng Ngài phải được sinh ra trong dòng dõi vương giả, ở lầu son gác tía; Đấng Cứu Thế theo họ phải là một vị quân vương lỗi lạc, đánh đông dẹp bắc, đem lại phần vinh quang cho dân tộc, hay ít ra là giải phóng dân tộc khỏi cảnh nô lệ áp bức của người Rôma. Đến như Gioan Tiền Hô, vị sứ giả dọn đường cho Chúa mà cũng không thoát khỏi quan niệm phàm trần đó khi ông rao giảng về Đấng Messia: Ngày Người đến thật khủng khiếp, Ngài cầm nia trong tay để sàn lọc người lành ra khỏi kẻ dữ…cái rìu đã được đặt dưới gốc cây, cây nào không sinh trái sẽ bị chặt…(x. Mt 3, 10-12)
Trái lại, Đấng Cứu Thế của Thiên Chúa xuất hiện như một vị vua hiền lành, khiêm tốn. “Ngài sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị dập người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi” ( Is 42, 2-3). Ngài đem lại bình an cho đất nước bằng luật yêu thương, và đem niềm vui cho người đau khổ. Mở mắt cho kẻ mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị áp bức, cho người điếc được nghe, người câm nói đựơc, kẻ chết sống lại, và người nghèo được loan báo Tin Mừng (x.Lc 7, 22).
Nguồn gốc và lý lịch của Ngài cũng là điều làm cho nhiều người Do Thái khó nhận ra sứ mạng Cứu Thế của Ngài. Ngài xuất thân từ gia đình lao động nghèo nàn tại làng quê hẻo lánh Nazarét; Ngài được sinh ra trong sự đơn nghèo nơi hang lừa máng cỏ và là con của bác thợ mộc… Những kẻ đón tiếp Ngài trước tiên trong ngày giáng sinh chỉ là những mục đồng chăn chiên và những con vật hiền lành…
Như thế, với quan niệm Thiên Chúa là Đấng vô cùng thánh thiện, uy nghi và toàn năng thì làm sao người Do Thái có thể chấp nhận được việc Con Thiên Chúa lại sinh ra trong một hoàn cảnh như vậy, mặc dù trước đây các ngôn sứ đã loan báo ngày Người đến. Điều này thật đúng như lời thánh Gioan viết trong Tin Mừng: “Ngài đã đến nhà Ngài, mà người nhà đã không đón nhận, còn những ai đón nhận thì Ngài ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa” (x.Ga 1,11-12)
Với tấm lòng quảng đại như thế của một Thiên Chúa làm người, chúng ta có thể nói rằng Lễ Giáng Sinh là lễ của Tình Yêu. Thiên Chúa đã làm người để con người được làm con Thiên Chúa. Với biến cố Ngôi Lời nhập thể, nhân loại đã đánh dấu một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên mở lối cho con người để họ đến và gặp gỡ Thiên Chúa. Từ đây, cuộc sống con người không còn là ngõ cụt nhưng là những con đường đã được mở đến vô biên, vì Người chính là cùng đích của đời sống nhân loại.
Lễ Giáng Sinh còn là lễ của Hoà Bình, của Gặp Gỡ, của Tha Thứ và Chia Sẻ. Không có mầu nhiệm nào của Thiên Chúa mà không gắn liền với cuộc sống con người. Sự kiện Ngôi Hai xuống thế làm người đã thấm nhập một cách sâu đậm trong cuộc sống nhân loại chúng ta. Mỗi cử chỉ, mỗi hành động đều phải nhằm đến việc xây dựng đời sống hoà bình, đời sống của sự trao ban; mỗi cử chỉ cảm thông và tha thứ của chúng ta đều là một cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh. Ước gì tình yêu nơi mỗi người trong chúng ta không ngừng được nhân lên, để cuộc sống của chúng ta luôn trở thành một lễ Giáng Sinh bất tận.
Khi chiêm ngưỡng hang đá Bêlem, chúng ta thấy được hình ảnh của người mẹ nghèo sinh con trong một hang đá nhốt bò lừa, một hài nhi mới sinh được đặt trong máng cỏ, có thêm sự hiện diện của các mục đồng bên cạnh mấy chú chiên bé nhỏ. Đây chính là một bài học quý giá mà lễ Giáng Sinh cống hiến cho chúng ta: Niềm hạnh phúc trong sự đơn sơ nghèo khó; niềm vui Giáng Sinh không đến từ cảnh giàu sang hay quyền quý mà là đến từ tấm lòng bé nhỏ, nghèo hèn nhưng đầy tình Chúa và tình người.
Cầu chúc cho mỗi người chúng ta thật sự nếm cảm được niềm vui, sự hạnh phúc và bình an trong Đêm Thánh này. Amen