Về các thiên thần, là vô hình – thiêng liêng nên chúng ta không thể truy tầm được như một con người có chủng loại, giống, số, giới tính và danh gọi.
Ngay cả con người hữu hạn mà còn là một mầu nhiệm không thấu triệt được, thì chúng ta làm sao có thể nói được về các thiên thần mà chúng ta không thấy. Xin đưa ra một vài gợi ý:
* Ghi nhận.
Ngay từ những trang đầu của Cựu Ước, các thiên thần có mặt trong cuộc sáng tạo, cầm gươm canh giữ địa đàng, vật lộn với Giacóp, chiến đấu giúp Giosuê …
Trước khi có dân tộc Dothái, vùng Trung Cận Đông đã có các vương quốc và có tổ chức triều đình phong kiến như Aicập, Mêsôpôtania, Babilon… Hơn nữa, phần lớn các sách Cựu Ước được viết vào thời quân chủ của Israel, nên các tác giả chịu nhiều ảnh hưởng của phong kiến và mô tả trên trời cũng có Triều Đình Thiên Quốc, gồm các thiên thần bao quanh ngai Thiên Chúa. Một cách cụ thể được diễn tả trong sách Đaniel, Giacaria, Thánh Vịnh… Trong sách Gióp cũng nói đến ngày kia Thiên Chúa ngự triều và có các thiên thần tề tựu, trong đó có cả Satan đến nói chuyện với Thiên Chúa về Gióp…
Trong các tôn giáo, phần lớn đều tin có sự hiện hữu của các thiên thần, đặc biệt các tôn giáo độc thần như: Dothái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo.
Trước hết, Dothái Giáo tin nhận có 3 vị thiên thần có vị trí cao nhất là Michael, Gabriel và Raphael, lại thêm một vị khác nữa là Uriel như là tứ trụ cai trị 4 hướng, ngoài ra, sau thời lưu đày Babilon họ còn kể thêm 8 vị thiên thần nữa, tạo nên một con số 12, tượng trưng của 12 chi tộc.
Riêng Kitô Giáo chúng ta: dựa theo nguồn Kinh Thánh Cựu và Tân Ước, chúng ta vẫn tin nhận có 3 vị Tổng Lãnh Thiên Thần là Michael, Gabriel và Raphael: (Michael được nói đến trong sách Khải Huyền, Raphael được nhắc tới trong sách Tôbia và Gabriel được nói tới trong Tin Mừng Luca). Ngoài ra, dù không được mặc khải minh nhiên, nhưng truyền thống vẫn dựa vào sách Đệ Nhị Kinh Enoch chương 20 ghi nhận có một vị tổng lãnh thiên thần sa ngã là Lucifer hay còn gọi là Satanel (tức là ma quỷ – satan: Vì nó sa ngã, nên mất gốc EL [thuộc thần linh] và chỉ còn là Satan). Điều này cũng được nói một cách ẩn ý nơi thư của thánh Giuđa (Gđ 6-10).
Bên Giáo Hội Chính Thống Đông Phương thì ngoài ba vị thiên thần Michael, Gabriel và Raphael, họ còn kính thêm 4 vị nữa là Uriel, Salafiel, Jeguel và Barachiel (tạo nên một con số 7 hoàn hảo).
Còn người Hồi Giáo cũng tin nhận có 7 vị thiên thần thủ lĩnh là: Mikail, Jibril, Israfil, Maalik, Mulkar, Nakir và Radwan. Trong đó thiên thần Jibril (tức là Gabriel) được biết đến nhiều nhất, vì người Hồi Giáo tin Gabriel là vị đã đem kinh Koral từ Thiên Chúa đến cho Mahômét.
Có một điểm chung là các nghệ nhân hay hoạ sĩ khi vẽ hoặc tạc các hình tượng thiên thần đều có cánh (có thể được cảm hứng từ sách Đaniel 9,21) mô tả việc thiên thần bay mau đến kịp giờ dâng lễ của dân Chúa.
Phụng vụ Công Giáo còn tin và kính nhớ mỗi người có một thiên thần bản mệnh, hằng đồng hành giúp đỡ từng người và trình lên Thiên Chúa mọi công việc của con người. Đó cũng là điều mà Tin Mừng hôm nay đề cập đến.
Đó là một vài ghi nhận, bây giờ chúng ta cùng đi tìm cho mình những áp dụng qua sứ vụ của các thiên thần.
* Áp dụng.
Có thể nói, sau mầu nhiệm Ba Ngôi, suy tư về môn Thiên Thần Học được xem là phức tạp nhất. Dựa trên những mảng ghép trong Kinh Thánh, thánh Thomas d’Aquine đã chia ra thành cửu phẩm thiên thần: Tổng thần, sứ thần, y thần, bệ thần, quản thần, dũng thần, quyền thần, phụng thần và binh thần. Điều này cũng ảnh hưởng trong phụng vụ Kitô Giáo qua các vinh tụng ca của Kinh Tiền Tụng và Kinh Te Deum.
Chúng ta cùng tập chú suy niệm về các thiên thần qua các ý nghĩa sau đây:
– Về các Tổng Lãnh Thiên Thần:
Như trong bài đọc Kinh Đêm chúng ta nghe tối hôm qua, cho thấy rằng các tên gọi dành cho các vị Tổng Lãnh Thiên Thần chỉ là phẩm tính và sứ vụ được danh hoá mà thôi: Michael theo tiếng Hípri nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa”, Raphael có nghĩa là “Linh dược của Thiên Chúa” và Gabriel dịch là “Quyền năng của Thiên Chúa”; tương đương với ba sứ vụ của ba vị đại thần trong triều đình nhà vua là: Tổng thần, Y thần và Sứ thần.
Nơi vị tổng thần Michael, chúng ta ghi nhận được sự khiêm tốn suy phục Thiên Chúa qua lời tuyên xưng “Ai bằng Thiên Chúa”, cùng với sự can đảm chống lại thế lực của Satan và sự dữ; nơi Y thần Raphael, chúng ta tìm thấy sự săn sóc, phục vụ và an ủi tha nhân; nơi Sứ thần Gabriel, chúng ta cùng mang trên mình sứ điệp đem Chúa đến cho mọi người.
– Về đời sống thiên thần:
Trong bài giảng ngày phong bậc Tiến Sĩ Hội Thánh cho thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Đức TC Gioan Phaolo II nói rằng: “Đời sống của thánh nữ Têrêxa với các nhân đức trong sạch như các thiên thần”. Chính Chúa Giêsu cũng từng khẳng định: “Ngày sống lại người ta sẽ như các thiên thần, không còn chuyện dựng vợ gả chồng”. Như thế, điều trước hết khi sánh ví về các thiên thần, mọi tác giả (kể cả những người ngoài ngoài công giáo) đều nói đến sự trong trắng thanh cao.
Trong Hiến Chương Đức Ái của dòng Xitô, thánh phụ Stephano Hardingo gọi đời sống tu trì là đời sống thiên thần (vita angelica), bao gồm các chức năng là: trung gian, sứ giả, Seraphim (ca hát) và Cherubim (hộ giá – phục vụ).
Là trung gian khi các thiên thần như một cầu nối dâng lời cầu của chúng ta lên Thiên Chúa và các ngài lên lên xuống xuống trên con người. Chúng ta đang hoạ lại sứ vụ trung gian chuyển cầu đó.
Là sứ giả khi các thiên thần truyền tải các sứ điệp của Thiên Chúa đến cho chúng ta. Chúng ta cũng là những sứ giả của Tin Mừng.
Là Xêraphim (thần sốt mến) các ngài ngày đêm ca hát chúc tụng Thiên Chúa. Sứ vụ này hoạ lại nơi đời sống cầu nguyện của chúng ta rõ nét nhất.
Là Cherubim (thần hộ giá) các ngài túc trực hầu cận Thiên Chúa và ở với Người. Chúng ta cũng thế, chúng ta là những tôi tớ ngày đêm hầu cận Chúa.
Đặc biệt đời sống của các thiên thần nói lên sự thanh sạch, mà khi chúng ta sống trong sạch, chúng ta nên như các thiên thần.
Tóm lại: Mừng lễ các thiên thần, vì các ngài vô hình nên chúng ta không thể học đòi noi gương, nhưng chúng ta có thể hoạ lại phẩm tính và sứ vụ của các ngài:
Là Michael, chúng ta khiêm tốn suy phục TC và chống lại sự dữ.
Là Gabriel chúng ta được sai đi đem Chúa đến cho mọi người.
Là Gabriel, chúng ta biết cảm thương an ủi và chữa lành những ai đau khổ.
Là Seraphim, chúng ta ngày đêm ca hát chúc tụng Chúa và cầu xin ơn cho mọi người.
Và cuối cùng là Cherubim, chúng ta ở lại bên Chúa để phục vụ hầu cận Người.
Là các thiên thần bản mệnh, chúng ta ngày đêm sống dưới con mắt hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta tránh xa tội lỗi và luôn làm vui lòng Chúa.
Hiền Lâm.