Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

MỪNG KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Emmanuel Triệu Trần Văn Vĩnh

                                                                                                                  Cộng đoàn Thiên Phước

 

YÊU CHÚA THÌ TRUNG THÀNH GIỮ LUẬT CHÚA

Kính thưa anh chị em

Khi nói đến tử đạo, chúng ta thường liên tưởng đến một hoặc những thánh nào đó gắn liền với một cái chết mà các ngài phải chịu thật là đau đớn. Một cái chết được chuẩn bị sẵn bằng những cực hình và nhục hình do con người tạo ra như: kìm kẹp, xiềng xích, voi giày, trảm quyết, lăng trì, bá đao… Hay trong ba thế kỷ đầu của Kitô giáo thời Giáo hội sơ khai, các kitô hữu phải lẫn trốn, phải sống trong các hang toại đạo để tránh cảnh bắt bớ, gông cùm. Nhiều kitô hữu bị ném vào hí trường cho voi giày xéo, hoặc sư tử cắn xé để làm trò tiêu khiển cho vua chúa quan quyền. Thật là khủng khiếp, thật là tàn nhẫn khi con người cùng đầu đen máu đỏ lại xem nhau là đối thủ, là thù địch khi người đối diện không cùng chính kiến, không cùng lý tưởng với mình. Từ sự thù hận đó, người ta nghĩ ra, chế ra bất cứ cực hình nào có thể để tiệt trừ đối phương. Thế nhưng câu hỏi được đặt ra: vì lý do gì, và vì động lực nào, bởi sức mạnh nào mà các vị chứng nhân Đức tin đã can đảm chịu đựng được những cực hình đó, và đủ sức chịu đựng một cách can trường và anh dũng như vậy?

Câu trả lời được tìm thấy trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Các vị chứng nhân Đức tin đã can đảm chịu đựng cực hình vì lòng trung tín và yêu mến lề luật của Chúa. Vì yêu mà chấp nhận khổ đau, và cũng vì yêu mà người ta nên trung tín hơn với nhau. Cuộc sống gia đình cho ta thấy rõ điều này. Hằng ngày, người chồng ngược xuôi vất vả làm lụng kiến tiền nuôi vợ nuôi con, người vợ ở nhà với bao công việc không tên. Vất vả lắm, cực nhọc lắm. Thế nhưng người chồng cũng như người vợ không than phiền kêu trách. Vì đâu? Vì chồng yêu vợ thương con, vì vợ yêu con thương chồng. Tình yêu này làm cho vợ chồng ngày càng thương nhau hơn, trung tín và gắn bó hơn với nhau.

Bà mẹ và bảy người con nhà Macabê mà bài đọc 1 hôm nay nói đến, họ đã sống chân lý này. Họ xác tín chính Thiên Chúa là Đấng ban sự sống và hơi thở cho họ, Thiên Chúa mới là chủ sự sống, Ngài làm chủ vận mệnh con người, chứ không phải vua chúa quan quyền thế gian. Vì thế, Ngài sẽ trả lại sự sống cho những ai trung tín làm chứng cho Ngài: “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình”.

Họ cảm nhận được tình yêu của Chúa và muốn đáp lại tình yêu đó bằng chính tình yêu của họ. Vị thánh trẻ Anrê Phú Yên khi thấy các tín hữu thương khóc ngài, thì ngài khuyên bảo họ: “Anh chị em, chúng ta phải lấy tình yêu đáp trả tình yêu, lấy mạng sống đáp trả mạng sống”. Quả thật, các chứng nhân Đức tin đã cảm nhận được tình yêu của Chúa, một tình yêu như thánh Gioan nói: “Yêu tới cùng” (Ga 13, 1), yêu đến trao ban cả Con Một cho thế gian (Ga 3, 16), còn thánh Phaolô thì nói: “Đến như Con Một Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì chúng ta” (Rm 8, 32a). Cảm nhận được tình yêu đó, các chứng nhân Đức tin đã xả thân và hy sinh cả mạng sống để làm chứng cho Tin mừng, mà không có một thế lực trần gian nào có thể cản bước họ, tách họ ra khỏi tình yêu Thiên Chúa, Đấng họ tôn thờ. Đúng như lời thánh Phaolô: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8, 35.37). Cảm nhận được tình yêu và sức mạnh của Chúa, các vị chứng nhân Đức tin đã sẵn sàng thực thi, và sống điều mà Chúa Giêsu nói trong Tin mừng: vác thập giá, bỏ mình, hy sinh cả tính mạng để làm chứng cho Tin mừng (Lc 9, 23-26).

Kính thưa anh chị em. Khi mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, mừng kính các chứng nhân Đức tin của chúng ta. Chúng ta hãnh diện, tự hào về quê hương đất nước chúng ta, quả không quá với danh nghĩa nòi giống Lạc Hồng. Một đất nước với tỉ lệ người công giáo không cao, chỉ vào khoảng 7% dân số của đất nước (theo https://vi.wikipedia.org/wiki/Công_giáo_tại_Việt_Nam, năm 2020), tức là trong số 100 người dân việt thì chỉ có bảy người biết Tin mừng. Một tỉ lệ rất thấp. Thế nhưng với tỉ lệ đó, cha ông chúng ta đã viết lên trang sử hồng bất khuất. Trong số 117 vị được ghi vào sổ bộ các thánh chỉ là một số nhỏ so với hàng trăm ngàn tín hữu bị giết vì Đức tin mà chưa được Giáo hội tuyên phong. (117 vị tử đạo Việt Nam: gồm đủ mọi thành phần: 8 giám mục, 50 linh mục, 16 thầy giảng, 1 chủng sinh và 42 giáo dân). Các bậc cha anh chúng ta đã hy sinh, bỏ cả mạng sống để làm chứng cho lương dân biết đạo chúng ta là đạo thật, vì thế các ngài đã hết lòng bảo vệ sự thật đó, cho dù phải chịu xiềng xích, gông cùm và cả cái chết…

Đức tin mà chúng ta thừa hưởng hôm nay, chính là thành quả của các vị tiền bối cha ông chúng ta đã nhọc công gieo vãi qua bao khó khăn gian khổ, từ thời hậu Lê (tk 16), qua thời Tây Sơn, rồi đến triều Nguyễn và đặc biệt gay gắt nhất dưới ba triều vua khát máu là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức (tk 19).

Mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta hãnh diện và tự hào vì chúng ta là con cháu các ngài, nhưng đây cũng là dịp chất vấn đời sống Đức tin của chúng ta. Hôm nay chúng ta sống giữa một thế giới đầy lọc lừa, gian dối, một thế giới đưa con người đến chỗ mê đắm tiền bạc, ham mê danh vọng và trụy lạc. Trong thế giới này, đời sống Đức tin của chúng ta bị thách thức. Chúng ta đi theo hướng nào đây. Chạy theo danh vọng và sự phóng túng của thế gian với tiếng gọi ngọt ngào của nó, hay nghe theo tiếng gọi tình yêu của Chúa Kitô? Để làm chứng cho con người trong thế giới hôm nay về Chúa Kitô, chúng ta phải trả giá đắt, và có thể nói là rất đắt. Nhiều Kitô hữu hôm nay không dám sống thật căn tính của mình, họ dễ dàng chối bỏ Chúa vì chén cơm manh áo, hay chỉ vì một chút địa vị xã hội nào đó, hoặc chạy theo những dục vọng thấp hèn. Họ sống theo kiểu “đi với bụt thì mặc áo da, đi với ma thì mặc áo giấy”. Chúng ta phải tuyệt đối nói không với kiểu sống này.

Tôi là Kitô hữu, là người thờ Chúa, là người có Chúa (Kitô hữu), thì đi đâu, ở đâu, làm gì và ở nơi thuận tiện hay không thuận tiện, thì tôi vẫn là Kitô hữu. Tôi không cần tỏ cho người khác biết tôi là Kitô hữu, và cũng không cần nói cho người khác biết tôi là kitô hữu, nhưng tôi sống như thế nào để qua cách sống của tôi mà người khác nhận ra tôi là Kitô hữu. Đó chính là vai trò của muối và ánh sáng mà Chúa Giêsu đã nói (Mt 5, 14-16). Chứng nhân của Chúa không chấp nhận lối sống thỏa hiệp, sống hai mặt, làm tôi hai chủ. Khi chúng ta sống vai trò của muối và ánh sáng là chúng ta đã là môn đệ của Chúa, là chứng nhân, là tử đạo.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...