Thứ Năm, 25 Tháng Tư, 2024

NẾP NHÀ (M. Innocentio_VP)

 

NẾP NHÀ

M. Innocentio, VP

Những ngày tháng cưu mang là những tháng ngày người mẹ ước mong cho đứa con chào đời. Mang trong tim tình yêu lớn lao, sự khát khao mãnh liệt của một tâm hồn ước ao phụng sự Chúa. Còn hơn thế nữa, Cha Tổ Phụ còn ao ước cho dòng giống Âu Lạc cũng được chung phần phúc Nước Trời. Nỗi khát càng lớn thì càng muốn thỏa mãn. Vóc người nhỏ bé nhưng Cha đã khơi nguồn được dòng thác tuôn đổ ơn phúc trường sinh. “Địa phận Huế có dòng kín rồi, còn dòng nam lo việc hãm mình thì chưa”. Ngài tỏ với cha mẹ nỗi niềm ước mong được lập dòng riêng cho người Việt Nam, nhất là những người có thiện chí muốn dâng mình cho Chúa mà thiếu phương tiện. Cha bước vào cuộc sống của con người Việt Nam, xem mình là người con của đất nước này. “Người Việt Nam hiểu tiếng ‘Thầy dòng’ là kẻ chuyên việc nguyện gẫm hãm mình hơn là giao tiếp với đời”. Cha nhìn thấy tâm hồn họ, thấy sự chân thành, đơn sơ và một trái tim yêu mến. Cha đã yêu Chúa bằng một tình yêu duy nhất. Cha đã đem Chúa đến cho mọi người và mở ra một con đường mới để dạy họ cách yêu Chúa trọn vẹn hơn.
Trong chuyến hành trình lần đầu tiên lên Phước Sơn xem đất cùng Đức Cha và cố Chính. Thấy đồi tranh, sỏi đá, Đức Cha ngã lòng: “Chỗ này làm chi ăn sống người mà lập dòng ở đây. Thôi coi làm chi nữa”. Còn Cha giáo Thuận thì hồn đầy khoái lạc, thấy trước mặt một khoảng mênh mông như biển đồi, cái thấp, cái cao chen nhau san sát như lưng rùa, xa tít đến rặng núi xanh cao ngất trời. Cha bụng bảo dạ đây thật là đất chảy đầy sữa và mật ong cho những kẻ Chúa chọn. Phước Sơn “vùng đất mới lạ” khô cằn đầy sỏi đá. Nhưng nơi đây vì đã có một con người đến tìm và gặp được nguồn suối vô biên như nhìn thấy Đấng Vô Hình, nên đã trở thành vùng đất tốt cho những tâm hồn muốn gần Chúa, gần Mẹ và xa trần thế. Tìm được rồi, gặp được rồi thì muốn ở lại luôn, không muốn rời xa nữa.
Người mẹ son sẻ nay đã cảm nhận được sự chuyển vần của bào thai. Bao khóc lóc, bao đau đớn nay đã trở nên những hoan lạc. Cung lòng của Cha nay đã cưu mang Phước Sơn, mơ ước đã được lắp đặt thêm đôi cánh, chỉ cần có gió, ước mơ sẽ bay cao và bay xa. Chính tại nơi đây, ngọn gió mang tên Phước sẽ sản sinh ra những con người “Soli Deo Vancens”. Để rồi họ sẽ đến với cả thế giới bằng cầu nguyện và hy sinh. Những con người đó đã đến và được dạy cho biết hát cho đúng nhịp bài ca “phước của đời ta” vì vị linh hướng đã nghiệm thấy trong đời mình thế nào là hạnh phúc.
Ngày 12 tháng 8 lễ Đức Mẹ Mông Triệu, thấy xuất hiện cái nhà hai gian hai chái, mái tranh vách đất. Đó là ngôi nhà tiên khởi của dòng Đức Bà An Nam trên núi Phước như nôi tre sóng sậy mẹ sắm để đặt con. “Mẹ ơi, con chắc mẹ chưa bao giờ thấy một cái nhà nhỏ mọn khó khăn như nhà chúng con đây. Thế nhưng, Chúa nhân lành hằng ban cho chúng con ở cái nhà nhỏ khó khăn này mà lấy làm phước lạc vui vẻ vô cùng, đến nỗi con sợ con vui khoái quá”. Đến ngày 14 tháng 8, Cha cùng với người môn đệ đầu tiên thu xếp đồ đạc lên Phước Sơn khai mạc cuộc đời mới. “Đò cập bến, Cha con vui vẻ gánh đồ lên dọn bàn thờ mừng lễ Đức Mẹ. Cha tặng cho nhà mới đó đủ thứ tên: nhà thờ, nhà ngủ, nhà cơm, nhà kho, nhà bếp, bàn viết của Cha và phòng đồ lễ, mọi sự đều ở trong nhà ấy”.
Dấu “dép quai chéo” cũng còn để lại trên miền đất Việt Nam cùng với nỗi khát khao muốn tìm gặp Thiên Chúa và giúp người khác yêu mến Thiên Chúa. Đến hôm nay đây “đôi chân trần” đã đặt trên núi Phước Sơn với bao là vui mừng. Nơi núi Phước in dấu chân Cha trên muôn vàn sỏi đá. Những nét vẽ của nếp sống đan tu, từ những phác họa thô sơ, qua năm tháng, theo dòng thời gian, không phải càng ngày càng phai nhạt đi nhưng là được chăm chút, được tô đậm càng thêm rõ nét hơn. Dường như quá khứ làm cho con người ta có một chút gì đó lưu luyến. Những ánh mắt đang nhìn về quá khứ với muôn vàn tri ân cảm tạ tận sâu trong trái tim mình. Bước về quá khứ, giống như đang được bước vao thế giới của tuổi thơ. Chúng con đang để tâm hồn mình tìm về Phước Sơn, tìm đến mái nhà đã nuôi dưỡng những mầm sống khởi đầu của cuộc sống chiêm tu âm thầm trên đất Việt như bước về cùng với cội nguồn của mình.
Từng bước chúng con đi về quá khứ để rồi được song hành cùng bước chân Cha. Bước vào căn nhà có những vách đất độn rơm, những mái tranh cùng nắng, cùng mưa. Trong căn nhà đó có một trái tim chứa đựng hết thảy mọi trái tim. Có một tình yêu bao gồm hết thảy mọi tình yêu. Có một linh hồn gói trọn hết thảy các linh hồn. Có một tiếng nói ôm đồm hết thảy những tiếng nói. Và có một sự im lặng sâu thẳm hơn hết thảy muôn trùng im lặng của đất trời, của núi đồi và của muôn con người. Chúng con đã chia cho nhau những mái tranh vách đất đó để mang về và dựng nên những nếp nhà mới mà khởi nguyên từ căn nhà Phước Sơn. Nếp nhà của cuộc sống đan tu, nếp nhà của những tâm hồn chiêm niệm. Chính nếp nhà đó che chở cho những người con thân yêu của Cha.
Cha ước mong cho đâu đâu các đan sĩ Xitô cũng ngày đêm dâng lên Thiên Chúa những việc hãm mình, những khúc hát cầu nguyện, cầu cho người Việt Nam được biết Chúa. Cảm ơn Cha đã hát lên khúc hát của trái tim Cha và bài ca đó đã vang xa tận cõi Trời cao. Cảm ơn Cha đã cưu mang và sinh ra nếp sống đan tu trên dải đất hình chữ S. Người xưa thường nói: “Cái gì đã thành nếp thì thường khó đổi thay”. Một trăm năm trôi qua, nếp gấp đó vẫn còn và sẽ còn mãi. Xitô sẽ là nơi để sản xuất những thánh hiển tu như thánh Hilarion chứ không phải như thánh Vincentê đệ Phaolô. Dòng ấy sẽ sinh ích lợi thiêng liêng cho một số đông thanh niên Việt Nam đang muốn từ bỏ trần tục để theo con đường trọn lành tu đức lập công. Cha đã nói với bà kế mẫu: “Xin mẹ cầu nguyện cho chúng con nhiều, tuy dầu chúng con hằng làm việc Chúa nhưng thỉnh thoảng cũng bị cám dỗ lo ra mà suy đến việc mình hơn việc Chúa”. Vậy ngày nay chúng con cũng mượn lời của Cha mà xin Cha luôn che chở chúng con để chúng con ý thức được vai trò của mình trong lòng Giáo Hội, ý thức được hồng ân tuôn trào của Cha Chí Thánh đã đổ xuống mảnh đất chiêm tu Việt Nam.
Cha ước mong có một nhà dòng cho các thầy Việt Nam, vậy mà lúc này đây có cả chúng con nữa – những con gái của Cha. Chúng con cũng đang từng ngày bước về với Cha nơi núi Phước muôn đời, nơi có căn nhà mà Cha của Cha và Cha của cả chúng con đã cất sẵn cho chúng ta. Căn nhà đó là nếp nhà đã được xây dựng từ lúc khởi đầu và tồn tại cho tới muôn đời. Không phải căn nhà hai gian, hai chái, nhưng là căn nhà có vô số gian, rộng đến vô tận và không thiếu chỗ ở.

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

  Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận (1980 - 1933)                     Đấng Sáng Lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia Ngày 15 - 08 - 1918 "Việc...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...

Nén Hương Lòng

 Nén Hương Lòng                     Chúng con thắp nén hương...

KINH XIN ƠN NHỜ LỜI CHUYỂN CẦU CỦA CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  KINH XIN ƠN NHỜ LỜI CHUYỂN CẦU CỦA CHA BIỂN...