Ngày 02/11: Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời
NGƯỜI ĐI KẺ Ở NHỚ THƯƠNG NHAU
Lm. Gioan Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
Hằng năm cứ đến dịp Lễ Các Đẳng, lòng mỗi người Kitô hữu lại chộn rộn lên nỗi nhớ niềm thương tổ tiên ông bà cha mẹ… Có nhiều người rưng rưng nước mắt khi đứng trước phần mộ người thân. Nhưng ai cũng cảm thấy ấm cúng được cùng người thân, cùng con cái cháu chắt quây quần xum họp thắp nhang vái tưởng niệm, cầu nguyện, xin lễ báo hiếu các bậc tổ tiên ông bà cha mẹ… Những người con xa quê lại càng háo hức rủ nhau về thăm viếng, sửa sang, nhang khói nơi mồ mả cha ông. Ôi! Cả một bầu khí ân tình thánh thiêng trân quý tình người con– cháu – chắt, thành kính nguyện xin Chúa đoái thương ban phúc Thiên đàng cho tiền nhân của mình.
Nhân “Tháng Cầu Nguyện Cho Các Đẳng Linh Hồn”, chúng ta cùng tìm hiểu vài nét về vai trò của các linh hồn trong Mầu Nhiệm Các Thánh Cùng Thông Công và việc cầu nguyện cho các linh hồn qua dòng lịch sử.
Mầu nhiệm Các Thánh Cùng Thông Công trong Giáo Hội Công Giáo là sự liên kết mật thiết giữa ba thành phần: Giáo hội Vinh Quang (các Thánh ở Thiên đàng), Giáo hội Lữ Hành (các tín hữu đang sống nơi trần gian) và Giáo hội Thanh Luyện (các Linh hồn trong Luyện ngục) (x. LG, số 50; Toát Yếu Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 195).
Các Thánh ở Thiên đàng là những người đã sống mến Chúa và yêu thương mọi người cách “hoàn hảo” theo Tám Mối Phúc Thật (x. Mt 5,1-12): Sống khó nghèo như thánh Phanxicô Assisi, sống trong sạch như thánh nữ Maria Gorétti, sống công chính như thánh Giuse, có lòng xót thương người như thánh Maximilian Kolbe, như Mẹ Têrêsa Callcutta… Giờ đây các ngài không ngừng cầu bầu cùng Chúa ban phúc lành cho các Kitô hữu đang sốn nơi trần gian và các linh hồn trong Luyện ngục. Thuật ngữ “Các đẳng linh hồn” ám chỉ tất cả các linh hồn trong luyện ngục.
Còn các Kitô hữu nơi trần gian luôn tha thiết kêu xin các Thánh trợ giúp trong cuộc lữ hành về với Chúa; đồng thời họ cũng cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện ngục được sớm hưởng Nhan Chúa và xin các linh hồn cầu bầu cho mình trước Nhan Chúa.
Các Linh hồn trong Luyện ngục vì đã vướng mắc những tội lỗi khi còn sống nên họ đang được Thanh luyện để nhập vào đoàn các Thánh để hưởng Nhan Chúa là Đấng “Chân, Thiện, Mỹ”. Họ không thể lập công để thay đổi hiện trạng của mình được nữa, mà chỉ còn trông cậy vào lòng Chúa thương xót, qua lời cầu bầu của các Thánh và qua thánh lễ,kinh nguyện cùng những hi sinh của các tín hữu nơi dương gian. Mặc dù chưa được hưởng Nhan Chúa, tiếng van nài của bao linh hồn trong luyện hình vẫn được Chúa lắng nghe và ban ơn thánh cho những người đang sống nơi trần gian.
Giáo hội Lữ Hành hằng ngày luôn hiệp thông cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện ngục, và còn dành riêng tháng 11 hàng năm để đặc biệt cầu nguyện cho các ngài sớm được giải thoát khỏi ngục hình mà hưởng Nhan Chúa.
Đi tiên phong trong vấn đề này là Thánh Odilo (962- 1048) viện phụ đan viện Cluny trong đế quốc Germany (Phổ – Đức). Là một đan sĩ rất có lòng đạo đức, viện phụ Odilo luôn tưởng nhớ cầu nguyện kèm theo ăn chay hãm mình và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời.
Một hôm, có một đan sĩ trong nhà Dòng của ngài đi hành hương Đất thánh (Israel), trên đường trở về, tàu chở vị đan sĩ ấy đã bị bão đánh giạt vào một hòn đảo, và tại đây đan sĩ này đã gặp gỡ và trao đổi với một vị ẩn sĩ. Trong buổi trò chuyện, vị ẩn sĩ cho biết: “Trên đảo này có nhiều hang lửa, trong hang có nhiều linh hồn người chết thường bị hành hạ, đánh đập đau đớn. Có lần tôi nghe được mấy tên quỉ phàn nàn với nhau về Viện phụ Odilo và các đan sĩ Dòng Cluny mỗi ngày đều giải thoát được một số linh hồn đưa ra khỏi hang lửa này. Vì thế, xin thầy hãy về nói với cha Odilo và các anh em trong Dòng tiếp tục cứu giúp các linh hồn đang chịu đau khổ. Việc này làm cho các thánh trên trời vui mừng và cũng làm cho ma quỷ trong hỏa ngục phải buồn sầu tức giận”. Sau khi nghe đan sĩ ấy trình bày sự việc, viện phụ Odilo đã chọn ngày 2 tháng 11 hằng năm để cử hành lễ cầu hồn trong đan viện Cluny của ngài. Về sau lễ cầu hồn này đã truyền sang nước Pháp, và Đức Giáo hoàng Gioan XIV đã thiết lập lễ Cầu cho các linh hồn trong Hội Thánh Công Giáo Rôma từ giữa thế kỷ XI.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo dành các số 1030–1032, nói về các linh hồn và việc cầu nguyện cho các ngài, để chúng ta hiểu biết hơn, tin tưởng và thêm lời cầu nguyện cho các ngài.
Ngày 1 tháng 11 năm 1967, ĐTC Phaolô VI, trong Tông huấn “Ân Xá” đã ban một ơn Đại Xá với điều kiện thường lệ (xưng tội, rước lễ, cầu theo ý ĐGH) cho những ai viếng nhà thờ vào Chúa Nhật trước hoặc sau, hoặc chính ngày lễ Các Thánh (số 67), và những ai viếng nghĩa địa trong 8 ngày đầu tháng 11 để cầu cho các linh hồn (số 13), viếng những ngày khác thì được ơn Tiểu Xá. Như thế, trong Hội thánh Công giáo đặc biệt ưu ái các tín hữu đã qua đời, trong Hội thánh Công giáo không có các “cô hồn”, vì hằng ngày hằng giờ luôn có các tín hữu hiệp dâng thánh lễ, làm các việc bác ái, hy sinh cầu nguyện cho những người quá cố được ơn cứu rỗi.
Tháng 11 dành riêng để cầu nguyện cách đặc biệt cho các đẳng linh hồn gợi lại trong chúng ta niềm thương nhớ gương mặt, hình dáng, tính cách của những người thân yêu các bậc: tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè, thân hữu… những người đã cho ta vào đời và “nâng ta lên trên bước đường chênh vênh”. Biết lấy gì để tri ân, cảm mến tiền nhân đã ra đi trước chúng ta! Chúng ta thành kính thắp nén nhang lòng, siêng năng tham dự thánh lễ, viếng nhà thờ, đất thánh lãnh ơn toàn xá gửi đến các ngài.
Nguyện xin Chúa Cha giàu lòng thương xót, tha thứ mọi tội lỗi và đón nhận các ngài vào hưởng cuộc sống hạnh phúc ngàn thu.