Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

NHỮNG CHIỀU KÍCH BÁC ÁI – Chúa Nhật tuần XVII TN- Vp. Duyên Thập Tự

TN-113-TUẦN XVII-Chúa Nhật

NHỮNG CHIỀU KÍCH BÁC ÁI

(2V 4,42-44 / Ep 4,1-6 / Ga 6,1-15)

VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Trích đoạn Tin Mừng chúa nhật XVII thường niên năm B là một đoạn Tin Mừng rất thích hợp cho hoàn cảnh chúng ta đang sống trong thời gian này, khi mà đại dịch Covid-19 đang hoành hành và làm cho biết bao nhiêu người và gia đình sống trong khổ đau. Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh bi thương này mà tình yêu thương, lòng bác ái, được thể hiện bằng những chia sẻ cụ thể, như trao tặng lương thực. Việc Chúa Giê-su làm phép lạ từ năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ cho đoàn người đông đảo khoảng năm ngàn người đàn ông – nghĩa là không kể phụ nữ và trẻ em – là hình ảnh của những hành vi chia sẻ trong những ngày này. Từ những gì nhỏ nhất – như năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ – khi đi qua bàn tay của Chúa Giê-su đã biến thành những gì to lớn có khả năng đáp ứng nhu cầu của một số đông. Đó là bài học dễ dàng rút ra từ Tin Mừng hôm nay. Để đào sâu Tin Mừng hơn và để việc thực hành bác ái mang lại ý nghĩa hơn, tôi xin được chia sẻ với anh chị em về một vài chiều kích của tình bác ái, mà tôi nhận ra nơi những chi tiết của trích đoạn Tin Mừng.

 1. CHIỀU KÍCH NHÂN BẢN

Trích đoạn Tin Mừng theo thánh Gio-an chương 6 từ câu 1 đến 15, trình thuật việc Chúa Giê-su làm phép lạ nhân thừa bánh và cá ra nhiều cho đông đảo dân chúng đi theo Người. Chiều kích thứ nhất tôi nhận ra trong nghĩa cử của Chúa Giê-su, là chiều kích nhân bản. Nghĩa là hành động bác ái, yêu thương của Chúa phát xuất từ tình yêu thương con người, trái tim nhân loại của Chúa.

Những chi tiết như nhìn thấy đông đảo dân chúng, nói với môn đệ Phi-líp về việc kiếm tìm bánh cho họ, đón nhận năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ từ một em bé, nói với đám đông ngồi xuống (trong tư thế nghỉ ngơi và sẵn sàng), diễn tả thái độ của con người đối với con người. Ai trong chúng ta cũng có thể hành động như vậy. Nhưng những hành động này, không phải là sự vận hành máy móc, mà phát xuất từ con tim rung cảm và tình yêu thật sự. Đây là trái tim nhân loại, đây là tình yêu con người.

Như vậy, để có thể làm gì đó cho tha nhân, cho những người khác, trái tim và tình yêu nhân loại phải vào cuộc. Đây là điều kiện cần thiết cho tình bác ái. Đây là tình yêu thương con người dành cho con người. Chúa Giê-su, Thiên Chúa nhập thể, mang trái tim và tình yêu nhân loại, khi Người có những thái độ trên, Người thăng hoa chính lòng bác ái của con người. Người thực hiện và thăng hoa tình bác ái nhân loại. Đây là một ánh nhìn quan trọng để chúng ta biết quí trọng những điều tốt lành mà con người dành cho nhau, làm cho nhau, ngay trong những hoàn cảnh khó khăn và thử thách. Chính lòng bác ái làm nhẹ đi gánh nặng của khổ đau, làm cho con người xích lại gần nhau, khi mà trước đó họ còn xa lạ với nhau.

 2. CHIỀU KÍCH THẦN LINH

Nhưng đối với Chúa Giê-su, chiều kích nhân bản là cần thiết nhưng chưa đủ; cần phải có chiều kích mang một tầm vóc lớn và cao hơn. Đó là chiều kích thần linh, hay có thể nói là chiều kích Thiên Chúa. Nghĩa là Thiên Chúa cần vào cuộc, tình yêu Thiên Chúa cần hiện diện.

Chi tiết diễn tả chiều kích này, đó là “Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn”. Đây là một cử chỉ của lòng tri ân đối với Thiên Chúa Cha. Chúa Giê-su cảm tạ Chúa Cha. Hành động đó nói lên điều gì?

Đây là ánh nhìn của Chúa Giê-su hướng lên Chúa Cha. Ánh nhìn này gặp ánh nhìn của Chúa Cha, và chính “ánh nhìn giao thoa” thánh hoá công việc sắp được thực hiện. Việc nuôi sống tha nhân phải mang tính chất của phúc lành. Nó giúp vượt qua thứ tình cảm thương hại. Nếu hành vi bác ái dừng lại nơi sự thương hại, thì chưa mang ý nghĩa chân thực của bác ái. Đó phải là một việc làm của phúc lành.

Chúa Giê-su cầm lấy bánh – và cũng cầm lấy cá – trong tay và ngước mắt lên trời cảm tạ Chúa Cha: hai cử chỉ này liên kết với nhau, để nhận ra rằng những thứ vật chất cầm trong tay là phúc lành của Thiên Chúa. Cho dù con người có trao cho nhau – như các thứ đó là của một chú bé – thì cũng là phức lành của Thiên Chúa. Chính thái cử tạ ơn làm thăng hoa vật chất, đưa vật chất lên chính Thiên Chúa, là nguồn mọi phúc lành. Đồng thời, cử chỉ của chú bé kia – khi trao tặng bánh và cá – là một cử chỉ hơn cả cử chỉ bình thường, mà manh chiều kích Thiên Chúa, vì Thiên Chúa luôn là Đấng trao ban.

Chúa Giê-su tạ ơn khi sắp hành động cụ thể để nuôi sống dân chúng, Người muốn nối kết tất cả – bản thân Người, các Tông Đồ, và dân chúng – thành một, duy nhất trong Thiên Chúa. Phải chăng đó cũng là điều mà thánh Phao-lô, trong bài đọc hai trích đoạn thư Ê-phê-sô chương 4 từ câu 1 đến 6, đã khẳng định: “Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (câu 6).

Hành động tạ ơn của Chúa Giê-su diễn tả đức tin của Người vào Chúa Cha. Người biết Chúa Cha luôn nhậm lời Người: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con” (Ga 11,41). Người xác tín Chúa Cha sẽ hành động qua Người vì lợi ích của dân chúng. Phải chăng đó cũng là thái độ tin tưởng của ngôn sứ Ê-li-sa – trong bài đọc một – khi nói với tiểu đồng phân phát hai mươi chiếc bánh lúa mạch cho đám đông hơn cả trăm người: “Cứ phát cho người ta ăn đi! Vì Đức Chúa phán thế này: “Họ sẽ ăn và vẫn còn dư’ (2V 4,43).

Như vậy, lòng bác ái của chúng ta cần mang chiều kích thiên linh, chiều kích linh thánh của trời cao, nghĩa là chiều kích Thiên Chúa. Chiều kích này nâng cao thái độ và hành động của lòng bác ái. Chúng ta hãy làm những việc bác ái với tư cách người của Chúa, người tin yêu Chúa vì lợi ích cho tha nhân.

 3. CHIỀU KÍCH NHƯNG KHÔNG

Sau khi dân chúng ăn no và thu lại được mười hai thúng đầy những miếng ăn dư, thì trong dân chúng loan truyền cảm nghĩ của họ về Chúa Giê-su: họ nhìn Người là một ngôn sứ và có ý định đưa Người đi để tôn phong làm vua. Làm vua họ, là để họ được ăn no, khỏi phải lo miếng ăn. Nhưng làm vua họ cũng làm cho họ lệ thuộc. Chúa Giê-su nhận ra suy nghĩ và ý định của họ. Người đã phản ứng thế nào?

“Đức Giê-su biết họ sắp bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình”. Chúa chọn rút lui. Sau khi Chúa đã nuôi sống họ, nghĩa là giúp đỡ họ xong, Người rút lui. Đây là một thái độ mà qua đó, tôi nhận ra chiều kích nhưng không của bác ái.

Trong thời gian xảy ra những thiên tai hay đại dịch như hiện tại, những việc thiện nguyện, những trợ giúp về nhiều phương diện, thật đáng trân quí. Nhưng, chúng ta cũng đã nghe đến chuyện phê bình về việc làm thiện nguyện, cứu trợ để đánh bóng bản thân. Đây là điều dễ xảy ra trong việc thực hiện bác ái.

Chúa Giê-su rút lui vì không muốn những người ăn no kia phải lệ thuộc Người. Làm bầy tôi của ông vua là lệ thuộc ông. Chúa muốn cho họ và đời sống họ tự do. Sự trợ giúp của Người cũng vì mục đích đó. Họ ăn no để tiếp tục sống một cuộc đời có phẩm giá.

Chúa đã nói: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8). Tính nhưng không là một chiều kích đẹp nhất của bác ái. Tất cả được thực hiện vì tình yêu, vì lợi ích cho tha nhân, chứ không lợi ích cho bản thân, đánh bóng bản thân. Chúa cũng đã nói khi làm một việc thiện nào đó cho tha nhân, “đừng cho tay trái biết việc tay phải làm” (Mt 6,3). Thanh thoát và nhưng không, là bác ái mang tính chất Ki-tô. Thanh thoát và nhưng không giúp làm được những việc lớn và cho nhiều người, vì không lệ thuộc và bản thân cũng như đánh giá của người khác về mình. Người như thế rất tự do và làm được những việc lớn lao.

Một vài suy nghĩ cá nhân nhân khi suy niệm Lời Chúa của chúa nhật hôm nay, trong bối cảnh hiện tại của đại dịch Covid-19, mở ra cho chúng ta ánh nhìn rộng hơn về những việc làm bác ái. Những chiều kích đó thật cần thiết cho hành động bác ái. Chúng cấu thành giá trị và ý nghĩa của những việc làm con người dành cho nhau, và tạo nên niềm hứng khởi cho ước muốn luôn làm những gì tốt đẹp cho anh chị em mình.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...