TN-068-TUẦN X-thứ Năm
PHẢN CHIẾU
(2Cr 3,15-4,1.3-6 / Mt 5,20-26)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Trong đời sống con người, một vật dụng được sử dụng khá thường xuyên, hầu như mỗi ngày và nhiều lần trong ngày, đó là cái gương. Đối với một số người, cái gương là vật “bất ly thân”. Công dụng của cái gương là phản chiếu lại những gì nó được soi vào đó. Có thể gọi cái gương là bức gương. Nó chỉ là một vật dụng. Bức gương phản chiếu chính mình cho mình.
Nhưng trong đời sống con người, lại có một thứ phản chiếu, không phải hình ảnh thể lý mà là phẩm chất cuộc sống và nội tâm, đó là tấm gương. Tấm gương phản chiếu phẩm chất của mình cho người khác, hoặc phản chiếu phẩm chất của người khác cho mình.
Hai bài đọc Kinh Thánh hôm nay gợi cho chúng ta công dụng của gương với tính chất là bức gương và cũng là tấm gương, đó là sự phản chiếu. Phản chiếu, đó là tia sáng chiếu ngược lại, chiếu hắt lại. Đó là gợi lại một hình ảnh cách trung thực.
1. VINH QUANG THIÊN CHÚA RẠNG NGỜI
Chúng ta tiếp tục suy niệm về những gì thánh Phao-lô viết trong thư thứ hai gửi giáo đoàn Cô-rin-tô. Hôm qua chúng ta đã nghe thánh Phao-lô đề cập đến Giao Ước Mới. Giao Ước này dựa trên Thần Khí và là Giao Ước mang lại sự sống. Vinh quang của Giao Ước này trọn đầy vinh quang hơn Giao Ước Cũ.
Tiếp tục suy niệm về Giao Ước Mới, hôm nay chúng ta được nghe thánh Phao-lô triển khai về loại vinh quang chứa đựng trong đó, trong chương 3 câu 15 đến chương 4, câu 1 và từ câu 3 đến 6. Giao Ước Mới ở đây là Tin Mừng. Tin Mừng của Chúa Giê-su Ki-tô. Tin Mừng này là ánh sáng. Và nếu là ánh sáng, thì luôn phản chiếu. Tin Mừng này bị che khuất hay được rạng tỏ là do người đón nhận. Bản chất của Tin Mừng là ánh sáng, là vinh quang.
Tin Mừng bị che khuất bởi những người không tin. Thánh Phao-lô viết: “Tin Mừng chúng tôi rao giảng có bị che khuất, thì chỉ bị che khuất đối với những người hư mất, đối với những kẻ không tin”. Tại sao họ không tin? “Họ không tin vì tên ác thần của đời này đã làm cho tâm trí họ ra mù quáng, khiến họ không thấy bừng sáng lên Tin Mừng nói về vinh quang của Đức Ki-tô, là hình ảnh Thiên Chúa.” Như vậy, Tin Mừng không phản chiếu ánh sáng vào tâm trí họ, vì có vật cản. Tâm trì họ mù tối vì không để sáng sáng Tin Mừng rọi chiếu, phản chiếu.
Trái lại, những ai đón nhận Tin Mừng, đó là những người để cho ánh sáng của Chúa Ki-tô rọi chiếu và phản chiếu trong tâm trí và cuộc đời họ. Thánh Phao-lô cho một ví dụ về những người Do Thái. Thánh nhân viết: “Cho đến nay, mỗi khi người Do Thái đọc sách ông Mô-sê, tấm màn vẫn che phủ lòng họ. Nhưng khi người ta quay lại với Chúa, thì tấm màn mới được cất đi”. Tấm màn cất đi, tức thì ánh sáng Chúa Ki-tô chiếu rọi, phản chiếu vào những gì họ đọc. Và như vậy, Tin Mừng đến với họ, khi họ quay hướng về Chúa Kitô. Và những ai rao giảng Tin Mừng, đó là những người để cho ánh sáng chiếu soi lòng trí mình, rồi mới có thể rao truyền cho những người khác biết. “Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán: Ánh sáng hãy bừng lên từ nơi tối tăm! Người cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên khuôn mặt Đức Ki-tô”.
Như vậy, nếu Tin Mừng là ánh sáng, là vinh quang, thì ánh sáng đó, vinh quang đó, là của Thiên Chúa và được phản chiếu nơi Chúa Kitô. Nơi khuôn mặt Chúa Kitô, nghĩa là nơi bản thân Người, tất cả những gì ở nơi Thiên Chúa Cha đều hiện diện, đều phản chiếu. Như thế, chúng ta đến với Chúa Giêsu Kitô là chúng ta được chiếu sáng. Và nếu cuộc đời chúng ta được Chúa Giêsu Kitô thấm nhập, thì chắc chắn cuộc đời chúng ta sẽ phản chiếu vinh quang của Chúa.
2. PHẢN CHIẾU VINH QUANG CỦA CHÚA
Thánh Phao-lô nói đến việc tiếp cận Chúa Kitô, hướng về Chúa, thì khuôn mặt chúng ta sẽ không bị che khuất bởi một bức màn nào đó, một tấm khăn che phủ nào đó, mà được ánh sáng phản chiếu. Ngài viết: “Tất cả chúng ta, mặt không che màn, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa như một bức gương; như vậy chúng ta được biến đổi nên giống như một hình ảnh đó, ngày càng trở nên rực rỡ hơn, như bởi tác động của Chúa là Thần Khí”. Trong lời này, thánh Phao-lô nói đến “gương” với hai ý nghĩa: đó là bức gương phản chiếu vinh quang Thiên Chúa trên chúng ta và chúng ta phản chiếu lại vinh quang đó; đó cũng là “tấm gương” là Chúa vì chúng ta được trở nên giống hình ảnh của Chúa, nghĩa là phẩm chất đời sống của Chúa.
Đây thật là một ân phúc và một vinh dự tuyệt vời cho chúng ta, cho tất cả chúng ta: đó là phản chiếu vinh quang Thiên Chúa. Chúng ta như một bức gương phản chiếu hình ảnh của Chúa Giêsu Kitô mà Chúa Giêsu Kitô chính là hình ảnh Thiên Chúa. Chúng ta là bức gương phản chiếu chính Thiên Chúa. Đây không phải là một nỗ lực tự bản thân chúng ta, mà là kết quả tác động của Thần Khí, nghĩa là Chúa Thánh Thần hành động trong chúng ta. Đây là hành động của Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nên “đồng hình đồng dạng” với Chúa Giêsu Kitô. Làm sao có thể phản chiếu vinh quang Chúa Kitô – nghĩa là phản chiếu chính Chúa Kitô -, nếu chúng ta không nên giống Người. Điều quan trọng, đó là bức gương – là chúng ta – phải phản chiếu một cách trung thực. Chúng ta đã nói đến trung thực vào ngày thứ ba vừa qua. Và một khi phản chiếu trung thực Chúa Kitô, chúng ta sẽ trở thành “tấm gương” cho tha nhân.
3. TRỞ THÀNH MỘT TẤM GƯƠNG
Chúng ta tiếp tục suy niệm Tin Mừng theo thánh Mát-thêu với Bài Giảng Trên Núi. Trích đoạn hôm nay, chương 5 từ câu 20 đến 26. Chúa Giêsu bắt đầu đề cập đến một số yếu tố trong đời sống của những người thuộc Giao Ước Mới, những người là môn đệ Chúa. Hôm nay, Chúa Giêsu nói đến thái độ phải có đối với tha nhân.
Nhưng trước khi đi vào những vấn đề cụ thể đó, Chúa Giêsu đã đặt ra một tiêu chí để lượng giá và kết quả chờ đợi. “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-siêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”
Những kinh sư và những người Pha-ri-siêu là những người được mang danh là “công chính” và họ trở thành những “nhà mô phạm” cho dân chúng, cho những người giữ Luật Mô-sê và sống Giao Ước Cũ. Như thế họ là “tấm gương”. Khi Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ Chúa phải “ăn ở” một cách “công chính” và “hơn”, là Chúa muốn nhấn mạnh đến phẩm chất đời sống, vì đời sống được định nghĩa một cách bình dân là “ăn ở”. Người môn đệ Chúa phải sống có phẩm chất công chính hơn, và như thế, tấm gương sẽ “trong” hơn, “sáng” hơn, có độ “phản chiếu” rõ nét hơn. Phản chiếu điều gì?
Chúa Giêsu nói đến Luật xưa đòi hỏi “không được giết người”, đó là Luật Mô-sê, đó là Luật của Giao Ước Cũ. Còn giờ đây, thời của Giao Ước Mới, của Tin Mừng, đó là những đòi hỏi những chuyện xem ra nhỏ hơn, như chuyện “giận”, chuyện “chửi”, chuyện “mắng” – rất nhỏ so với chuyện giết người – những đòi hỏi đó bắt buộc phải hết sức cẩn trọng; nếu không, nghĩa là vi phạm, sẽ có những hậu quả lớn. Khi Chúa nói đến chuyện “giận” là Chúa nói đến chuyển động trong tâm hồn. Người môn đệ Chúa phải thực sự cảnh giác, tỉnh thức với những chuyển động của tâm trí mình. Nghĩa là không để cho “cơn giận” làm chủ và kéo dài. Thường giận là một cảm xúc tâm lý trước một đe doạ nào đó. Và giận cũng trở thành mối đe doạ cho người khác. Người ta sợ người đang giận dữ. Nơi đây, Chúa Giêsu muốn nói đến sự đe doạ, bạo lực trong tâm hồn. Và một khi lòng đầy bạo lực tức giận, sẽ có những ngôn từ bạo lực, như “chửi”, “mắng”. Người môn đệ của Chúa cần có lòng khoan dung và ngôn từ hiền hoà. Người môn đệ của Chúa phải là “tấm gương” của lòng khiêm nhường và lối cư xử hiền lành. Người môn đệ của Chúa “phản chiếu” lại chính Thầy của mình, chính Chúa của mình, Đấng “hiền lành và khiêm nhường” (x. Mt 11, 29).
Và trong thực hành, người môn đệ Chúa cần thiết phải phản chiếu Chúa của yêu thương hoà giải trước khi là Chúa của phụng tự. Luật Mô-sê nhấn mạng đến phụng tự với những qui định chi tiết về các lễ phẩm, y phục và nghi thức… Luật Mới của Chúa Giêsu nhấn mạnh trước tiên đến “tương giao”, nghĩa là tương giao với Thiên Chúa và tha nhân. Dâng lễ là đi vào tương giao, là sống hy lễ, là cử hành mầu nhiệm hiệp thông. Vậy nếu còn có những bất hoà – nghĩa là còn những chướng ngại cản trở hiệp thông -, thì cần gỡ bỏ trước tiên những rào cản đó, những thứ “chiến hào” chia rẽ và chia cắt, để cùng sống mầu nhiệm hiệp thông trong việc dâng lễ vật. Lễ vật quí báu nhất, không phải là lễ vật bên ngoài, mà là tấm lòng thành bên trong, mà là chính bản thân. “Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Thiên Chúa” (Rm 12,1). Bản thân đó phải hài hoà với tha nhân.
Như vậy, người môn đệ Chúa, khi yêu thương và hành động nhân ái, “phản chiếu” chính phẩm chất của Chúa Giêsu Kitô; để qua phẩm chất đời sống của mình, trở thành bức gương và tấm gương cho tha nhân.