QUYỀN BÍNH: ƯỚC MUỐN CỦA CON NGƯỜI VÀ Ý MUỐN CỦA THIÊN CHÚA (Mc 10,35- 45)
(Bài viết của: M. Pio Pietrelcina
Nữ Đan viện Xitô Thánh Mẫu Vĩnh Phước)
Bối cảnh của trang Tin Mừng hôm nay diễn ra trên đường thầy trò Đức Giêsu tiến về Giêrusalem, sau lần thứ ba Ngài loan báo về cái chết của mình. Có thể nói, trong cả ba lần loan báo về cuộc khổ nạn ấy, Đức Giêsu đều không nhận được sự đồng cảm của các môn sinh; như bao người khác, họ cũng hiểu lầm về sứ vụ của Ngài. Qua đó, ta có thể nhận ra sự cô đơn của Đức Giêsu: giữa Ngài và các môn đệ đang ở trong cảnh mà người ta gọi là “đồng sàng dị mộng”. Ngài hướng về sứ vụ cứu độ còn các môn sinh lo tìm cách lên ngôi; vì thế mà quan niệm về quyền bình giữa Ngài với các ông hoàn toàn khác nhau.
- Quyền bính: Ước muốn của con người
Thật vậy, một trong những bản năng nằm sâu trong tiềm thức của con người là muốn được hơn người khác, muốn thống trị. Quyền bính đã trở thành cái cám dỗ mà nhiều người mơ ước và tìm cách có được hay giữ lấy. Tại sao vậy? Vì người có quyền không những chỉ được kính trọng mà còn được cung phụng; “có quyền” là “có lợi”. Vì thế, khi ở giữa một tập thể, người ta có khuynh hướng muốn thể hiện mình, thích ngồi chỗ nhất và tìm cách làm đầu kẻ khác; nhóm môn đệ ưu tuyển của Đức Giêsu cũng không nằm ngoài những người có ước muốn như thế. Điều này thể hiện rõ khi hai người con của ông Giêbêđê công khai tách mình ra khỏi Nhóm Mười Hai, nhanh chân đến bày tỏ tham vọng của mình với Đức Giêsu, xin cho họ được “gia đình trị” khi Ngài được vinh quang; còn các môn đệ khác thì bực tức, ghen tỵ khi thấy hai ông “đi bước trước” trong việc này.
Vậy điều gì đã thúc đẩy hai ông “đến gần” để “yêu cầu” Chúa thực hiện chương trình của Ngài theo ý muốn của các ông, mà lại không để ý tới Ngài đang lo sợ phải đối diện với đau khổ và cái chết đang gần kề? Phải chăng các ông sợ người khác chiếm mất địa vị nên đã cậy vào thế ưu tuyển của mình giữa những người được chọn, đồng thời nghĩ mình có công trạng nhiều nên phải được ưu tiên hơn người khác?
Đức Giêsu đã không chấp nhận lời cầu xin của hai ông, Ngài kéo họ ra khỏi tham vọng, đam mê quyền lực để đưa họ trở về với thực tại gai góc sắp đến, hướng họ đến sứ mạng của Ngài là cứu độ muôn dân và đó cũng là sứ mạng của họ. Ngài dạy cho các ông biết phần thưởng hay quyền bính không phải là do công trạng của con người mà là hồng ân trao ban nhưng không của Thiên Chúa nên người môn đệ không phải bận tâm, mà hãy lo trung thành theo Thầy cho đến cùng. Vậy nếu quyền bính là hồng ân trao ban, thì những ai nhận được hồng ân ấy phải có bổn phận và trách nhiệm cộng tác với nhau để làm triển nở nó, chứ không phải tìm cách “chiếm ghế” hay “giữ ghế” để rồi trục lợi và hành hạ người khác.
- Quyền bính trong ý muốn của Thiên Chúa
Trong đời thường, chúng ta thấy những người “làm lớn”, những người có chức quyền thường dễ có thái độ thống trị, áp đặt, hống hách… Người ta dễ dàng lợi dụng chức vụ và quyền lực để phục vụ bản thân hơn là vì công ích chung. Ðức Giêsu đã không chấp nhận lối sống này. Ngài đề xướng một cách lãnh đạo mới “người làm lớn phải là người phục vụ mọi người” (Mc 10, 43). Điều đó chứng tỏ Ngài không ủng hộ một xã hội hay một tập thể vô tổ chức, nhưng dạy cho các môn đệ biết: nếu là người đứng đầu thì phải tận diệt những tham vọng muốn “ăn trên ngồi trốc” và những tính toán hơn thiệt đang tiềm ẩn trong lòng; đồng thời phải phục vụ mọi người chứ không được chọn người để phục vụ theo các mối thiện cảm riêng tư. Người lãnh đạo là người phục vụ, là tôi tớ của mọi người nên không được dùng quyền để thống trị, mà phải dùng nó để phục vụ trong khiêm nhường, yêu thương và làm cho người khác được hạnh phúc, được lớn lên.
Đức Giêsu đã sống điều mình dạy. Ngài là người tôi tớ mà Thiên Chúa muốn nghiền nát bởi đau khổ, nhưng không phải để thỏa lòng giận dữ mà là để Ngài trở thành lễ vật đền tội, làm cho muôn người được nên công chính (x. Is 53, 10 -11). Người tôi tớ ấy cũng chính là Con Thiên Chúa, Đấng đã tự nguyện trút bỏ tất cả để “đi xuống” chia sẻ thân phận con người, ngoại trừ tội lỗi (x. Pl 2, 6-11), Ngài “chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta”(Dt 4,15). Ngài đã uống cạn chén đắng Cha trao qua việc sống khiêm nhường phục vụ và chết như dấu chứng lớn nhất của tình yêu phục vụ ấy. Những hy sinh của Ngài đã được Thiên Chúa xác nhận và tôn phong Ngài làm vị Thượng tế thập toàn biết “cảm thương”, sẵn sàng chuyển cầu và ban ơn cứu độ cho những ai tin tưởng vào vai trò trung gian duy nhất của Ngài trước mặt Thiên Chúa (x. Dt 4, 13).
- Sứ điệp lời Chúa cho người môn đệ hôm nay
Thật trùng hợp khi chúng ta suy niệm về đoạn Tin Mừng này trong ngày Khánh nhật truyền giáo. Bởi cuộc đời dấn thân phục vụ và giáo huấn của Đức Giêsu – vị Thừa Sai tiên khởi – luôn là mẫu gương quy chiếu cho tất cả những ai muốn bước theo Ngài. Với niềm xác tín đó, xin được rút ra một vài bài học sau:
- Như Đức Giêsu, các nhà thừa sai hôm nay cũng được mời gọi khiêm tốn phục vụ mọi người cách vô vị lợi. Đây cũng là con đường mà mẹ Têrêxa Calcutta đã chọn để trở nên không chỉ là kẻ hèn mọn nhất, mà còn trở thành đầy tớ của những người hèn mọn nhất. Mẹ đã cúi xuống với những người đang chịu nhiều hình thức khác nhau của sự nghèo khổ. Mẹ đã cho đi tất cả mà không tính toán nên Mẹ đã trở thành chứng nhân vĩ đại của Tin Mừng, và là một nhà truyền giáo thành công của thế kỷ 20. Qua lời Chúa dạy và gương sống của mẹ Têrêxa cùng nhiều chứng nhân khác, ta có thể nhận ra rằng sứ điệp Tin Mừng chỉ có thể được nghe và cảm hóa được người khác, nếu nó được sống, được làm chứng bởi những con người cụ thể, chứ không phải chỉ bởi những lời loan báo suông hay những hình thức mang nặng hình thức.
- Vì ham chức quyền nên hai ông Giacobê và Gioan muốn được ưu đãi hơn người khác; và ngay cả trong việc loan báo Tin Mừng, các ông cũng “muốn giữ độc quyền”, tâm lý cục bộ khi nghĩ rằng chỉ những người thuộc phe nhóm mình mới được rao giảng (x. Mc 9,38-40). Phải chăng các ông sợ người khác thành công hơn mình? Suy niệm về điều này, ta cũng thấy bóng dáng của mình thấp thoáng ở đâu đó. Vì trong kinh nghiệm đời thường, có lẽ ai trong chúng ta cũng hơn một lần nghĩ mình hay tập thể của mình vượt trội hơn nên xứng đáng làm và có quyền được hưởng điều này điều kia… Và trong ngày Khánh nhật truyền giáo này, chúng ta cũng cần nhìn lại quan niệm của chúng ta khi cho rằng đạo mình hơn đạo khác, để rồi chúng ta dễ có thái độ coi thường các tôn giáo khác. Nhưng Đức Giêsu đã không đến trần gian để thiết lập tôn giáo, mà Ngài đến đem Tin Mừng bình an đích thực cho con người và trao cho chúng ta sứ vụ loan báo niềm vui Tin Mừng ấy. Vì thế, ta cần sống như thế nào với những người đang sống bên ta, ngay trong nhà chúng ta, để rồi ngang qua cuộc sống thường ngày, người khác có thể thấy niềm vui, bình an và hạnh phúc của những con người mang trong mình tình yêu Giêsu, những người con của Chúa, và rồi chính họ tìm đến với Người.
- Hai ông Giacôbê và Gioan theo Chúa trong hành trình loan báo Tin Mừng, nhưng tâm trí của các ông lại đặt vào mục đích khác. Vì thế, trong khi Đức Giêsu thao thức trăn trở về sứ vụ này thì các ông lại xin một điều hết sức trần tục là được một chỗ ngồi danh giá. Đây phải chăng cũng là thái độ của chúng ta trong cầu nguyện? Chúng ta chỉ xin những điều chúng ta muốn mà không thực sự cần; xin cho những nhu cầu trước mắt của bản thân mà quên đi khát vọng của Chúa là “ném lửa vào thế gian và ước mong lửa ấy bừng cháy lên” (Lc 12, 49)? Cánh đồng truyền giáo vẫn còn mênh mông bát ngát, và bước chân thể lý của chúng ta có thể không đi tới được những “vùng ngoại biên” như thánh Phanxicô hay các nhà truyền giáo, nhưng bằng lời cầu nguyện thì bất cứ ai, ở đâu hay trong hoàn cảnh nào cũng có thể cộng tác được với Chúa để thi hành sứ vụ này.
Lạy Chúa, sau biến cố Phục Sinh, các Tông đồ đã thấm thía điều Thầy dạy và ước muốn của các ngài đã được Chúa Thánh Thần gột rửa hoàn toàn nên các ngài đã trở thành những chứng nhân, những người hướng dẫn và phục vụ mọi người theo ý muốn của Chúa một cách tuyệt vời. Xin cho chúng con cũng được ơn biến đổi như các ngài, để rồi trong cuộc sống, chúng con bớt đi những tham vọng, những tính toán với Chúa cũng như với anh chị em; xin cho chúng con có được lòng yêu thương phục vụ mọi người như Chúa muốn, hầu chúng con xứng đáng là môn đệ và những nhà truyền giáo thực sự như lòng Ngài ước mong. Amen.