Chúa Nhật V Mùa Chay A
SỐNG LÀM SAO ĐỂ DẪU CÓ CHẾT CŨNG VẪN LÀ SỐNG
(Ga11,1-45)
Bằng lăng-Thiên Phước
Quý độc giả, cách riêng quý vị đang tạm xa nhà thờ vì phải tránh đại dịch Covid-19 kính mến, hôm nay Chúa Nhật V mùa Chay, thánh sử Gioan thuật lại việc Chúa Giêsu cho anh Lazarô sống lại để dạy mỗi người chúng ta phương cách cần phải sống làm sao để dẫu có chết cũng vẫn là sống.
Vâng, đã được mang thân phận con người thì ai cũng muốn cho mình được hạnh phúc. Bởi thế, nhiều người đã cố gắng hết mình để làm sao được ‘trường sinh bất tử’. Tuy nhiên, vì cái định mệnh chung cho toàn thể nhân loại là con người ai cũng phải chết, cho nên nếu có người nào may nắm lắm thì cũng được bảy mươi, mạnh giỏi chăng là được tám mươi (x. Tv 90,10). Vậy thì với thân phận hữu hạn của kiếp người, chúng ta chỉ có thể giúp nhau sống làm sao để dẫu có chết cũng vẫn là sống. Vậy, sống làm sao để dẫu có chết cũng vẫn là sống thì chúng ta cần phải làm những gì? Thiết nghĩ rằng, không cần tìm đâu xa lạ mà ngay trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần làm hai việc: một là tuyệt đối tin tưởng vào lòng thương xót và quyền năng của Thiên Chúa, hai là yêu mến Chúa bằng việc lắng nghe và thực hành mọi điều Chúa dạy.
Trong thực tế, nếu chúng ta để tâm quan sát thì sẽ thấy sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, nhất là ngành y học như hiện nay có rất nhiều biến cố được coi là chuyện lạ có thật về sự sống và sự sống lại, như gần đây trên trang: nguyentandung.org đăng vào ngày 02/8/2017, bệnh nhi 4 tuổi ở Long An, nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng các khối u mọc khắp người. Đây là một trường hợp bệnh lý vô cùng hiếm gặp. Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết đây là trường hợp mắc đa khối u do loạn sản mô hiếm thấy ở trẻ. Bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật trong 2 đợt. Đợt đầu tiên, các bác sĩ đã cắt bỏ các khối u lớn ở hông, lưng và mông. Và đợt sau đã tiến hành cắt luôn các phần khối u còn lại, ca phẫu thuật được tiến hành với thời gian 4 tiếng đồng hồ đã bóc tách được 1,5 kg khối u cho cháu bé. Đến nay, tình trạng bệnh nhi đã ổn định và được theo dõi chăm sóc đặc biệt. Bên cạnh đó, có một trường hợp khác ở nước Pháp, một thanh niên 22 tuổi làm việc ở nhà in bị máy cắt đứt cánh tay phải, rất may đã được các bác sĩ giỏi sau 3 tiếng đồng hồ đã nối lại được các mạch máu, gân cũng như xương thành công. Sáu tháng sau bệnh nhân ấy trở lại như người bình thường và tiếp tục làm việc tại nhà in. Quả thật, khoa học tiến bộ đã giúp con người sống lâu hơn, sống khỏe hơn. Chúng ta có thể đặt câu hỏi rằng, tại sao người ta ngày càng tìm cách để cho con người được sống lâu hơn như thế? Thưa rằng, vì ai ai cũng có khát vọng được sống, nên chính cái khát vọng tiềm ẩn ấy đã thúc bách mọi người phải tìm cho được những phương pháp chữa trị mọi bệnh tật. Thế nhưng, ai rồi cũng phải chết đó là qui luật tất yếu. Rất may cho những ai có niềm tin vào Thiên Chúa, vì đã có thần “hộ mệnh” xuất hiện đúng thời điểm. Hy vọng vị “Cao tay ấy” sẽ giúp được chúng ta giải quyết vấn đề “tiến thoái lưỡng nan ấy” nghĩa là muốn sống mãi đến mức thỏa đáng chăng? Nhưng đừng lo, mọi người cứ yên tâm! sứ điệp Lời Chúa hôm nay sẽ dạy cho chúng ta biết cách sống làm sao để dẫu có chết cũng vẫn là sống.
Bên cạnh khát vọng muốn sống mãi thì sự chết luôn rình rập mọi người và nó sẽ đến với từng người bất cứ lúc nào. Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật V mùa Chay hôm nay, qua biến cố cái chết của anh Lazarô, thánh Gioan đã gợi nhớ cho chúng ta về nỗi bất hạnh của thân phận làm người và mời gọi chúng ta vượt thắng các cơn cám dỗ bi quan thất vọng mà sự chết gây ra bằng cách đặt niềm tin tuyệt đối vào Chúa Giêsu cũng như yêu mến Ngài bằng việc lắng nghe và thực hành những điều Ngài truyền dạy. Bởi Ngài là Đấng đã sống và đã trải qua sự chết ba ngày trong mồ rồi đã thật sự sống lại. Nơi Chúa có một sức mạnh thần thiêng và có quyền năng khơi dậy một sinh lực sống tiềm tàng trong chúng ta. Cho nên, những ai khi đối diện với sự chết mà để cho Thần Khí sức mạnh của Chúa tác động thì họ chẳng những vượt qua được sự chết dễ dàng mà còn đem lại cho bản thân một sức sống tràn đầy và viên mãn. Và nếu cái chết có đạt được một giới hạn rõ rệt cho sự sống của con người thì đức tin của chúng ta cũng sẽ giúp con người vượt qua được cái ngưỡng cửa đó. Tuy nhiên, khi chúng ta khẳng định như thế không có nghĩa là sự chiến thắng sự chết mà Chúa Giêsu đạt được lại miễn cho con người chúng ta khỏi phải chết đâu, càng không có ý nói rằng đức tin của người kitô giáo có thể giảm nhẹ bớt phần nào về cái chết định mệnh ấy hơn người ngoài kitô giáo đâu. Vì ngay cả những người kitô hữu có đời sống đạo đức thánh thiện thực sự thì cũng không tránh được sự chết. Vậy, điều quan trọng mà Chúa Giêsu muốn gửi thông điệp đến cho tất cả mọi người, cách riêng cho mỗi người kitô hữu chúng ta và nhất là những nạn nhân trong đại dịch Covid-19 này biết rằng, tất cả những ai đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Giêsu Kitô và sống niềm tin đó một cách trung tín thì Chúa sẽ luôn yêu thương và Ngài sẽ ban cho họ được sống lại như Ngài “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25). Bởi thế, chúng ta phải sống làm sao để dù có chết cũng vẫn là sống. Muốn được như thế, chúng ta cần phải làm theo các giáo huấn của Chúa Giêsu. Vì Ngài đã chết nhưng thật sự vẫn sống mãi với chúng ta cho đến tận thế (x. Mt 28,20). Chính vì thế, mà Ngài đã công bố rằng:“Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Nhờ vậy mà trong cuộc khổ nạn của Ngài phải chịu hết sức kinh khủng nhưng Ngài không hề lẩn tránh. Ngược lai, Ngài lại còn can đảm và ước mong gánh chịu như Lời Ngài nói: “Thầy còn một phép Rửa phải chịu và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12,50). Hơn nữa, vì lợi ích cho tất cả con người chúng ta, Ngài đã nói: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em” (Ga 16,7a). Nghĩa là Ngài đi để dọn chỗ cho chúng ta; đồng thời Ngài muốn cho chúng ta còn ở lại với Ngài. Mà ở lại với Chúa Giêsu là điều kiện thiết yếu để hiểu biết, yêu mến và trở nên môn đệ và là bạn hữu của Ngài.
Trở lại bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy rằng các chi tiết chứng tỏ gia đình Bêtania đã đạt được hai điều kiện để sống mà dẫu đã chết nhưng vẫn là sống như đã nêu ở đầu bài viết. Vì các cô Mác-ta và Maria đã tuyệt đối tin tưởng vào Thiên Chúa hằng sống. Cụ thể là Mác-ta đã tuyên xưng: “Thưa Thầy, con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” (Ga 11,27).
Cũng như Chúa Giêsu đã chết, đã sống lại thật và ở với chúng ta luôn mãi, cha tổ phụ Biển Đức Thuận đáng kính khi còn sống trên trần gian, ngài luôn tin tưởng tuyệt đối, một lòng phó thác vào Chúa, dù gặp hoàn cảnh éo le nào ngài cũng dâng lời tạ ơn và vâng phục thánh ý Chúa. Điển hình ngài dâng lời tạ ơn Chúa khi nhà của cộng đoàn mới lập ở Phước Sơn bị cháy rụi. Ngài tạ ơn Chúa khi bị heo rừng vào ăn hết vật nuôi và gặm nát hoa màu ngoài vườn. Bên cạnh việc tin vào Chúa, ngài rất mực yêu mến Chúa bằng đời sống đơn sơ, giản dị. Ngài lo làm đẹp lòng Chúa luôn luôn thuận theo ý Chúa như tên của ngài, từ ý nghĩ, lời nói cho đến việc làm cốt sao cho đúng luật Chúa, luật Giáo hội, luật dòng và thuận theo ý Chúa. Do đó, ngài luôn an tâm và không sợ phải chết. Trong chúc thư cuối đời của ngài có đoạn nói rằng: “Còn phần cha thì đi bình an lắm. Cha không áy náy lo lắng chi hết. Vì cha biết rõ Chúa là Cha chung. Chúa thương cha và cũng thương chúng con, cho nên không sợ chi cho cha và cũng không sợ chi cho chúng con. Vậy chúng con hãy ở bằng an như cha, vì Chúa là Cha thương chúng ta quá lẽ”[1]. Chúng ta cũng phải nói được rằng, ngài rất mực yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Chính vì vậy mà hiện nay có hàng ngàn người nam cũng như nữ miệt mài ngày đêm sống theo cách sống và gương lành mà ngài đã từng sống.
Đọc lại lịch sử Giáo hội, chúng ta còn thấy rõ đời sống đạo đức thánh thiện của nhiều vị thánh đã chết mà tinh thần sống của các ngài vẫn còn lưu danh hậu thế cho đến ngày nay như thánh tổ Biển Đức, mặc dầu ngài đã qua đơi cách đây hơn mười bốn thế kỷ, ấy thế mà tinh thần sống của ngài để lại vẫn được rất nhiều kitô hữu ghi nhớ và thực hành trên toàn cõi giáo hội thuộc châu Âu. Bởi họ nhận ngài làm bổn mạng để noi gương bắt chước các nhân đức của ngài, nhất là hiện nay vẫn còn hơn ba trăm năm mươi bảy đan viện với bảy ngàn năm trăm hai mươi tám đan sĩ, trong đó có bốn ngàn lẻ tám linh mục ngày đêm miệt mài sống theo tu luật của ngài[2]. Thật sự, tuy các thánh đã chết nhưng thật ra tinh sống của các ngài vẫn còn tồn tại mãi mãi. Đó chính là những người biết cách sống làm sao để dẫu có chết cũng vẫn là sống. Còn người đan sĩ chúng ta ngày nay cũng vậy, rất nhiều người coi chúng ta là những người đã chết, đã chôn mình ở trong bốn bức tường của đan viện. Thật sự, chúng ta đã chết rồi! Chết cho những đam mê trần tục, chết cho thói hư tật xấu, chết cho ý riêng, chết cho tội lỗi và chết cho con người cũ của mình. Mặc dầu chúng ta chết cho những điều đó, nhưng thật ra là chúng ta đang sống; sống với một con người mới; sống với một con người đầy niềm vui và ân sủng trong Đức Giêsu Kitô.
Hơn ai hết, là những thành viên trong Hội Dòng Xitô Thánh Gia, mỗi người đã được Chúa mời gọi một cách đặc thù vào sống đời đan tu chiêm niệm theo Tu Luật Cha Thánh Biển Đức là “Không được lấy gì làm hơn việc Chúa[3]. Vì vậy, từng người chúng ta cần phải luôn tin tưởng phó thác hoàn toàn vào sự quan phòng kỳ diệu đầy yêu thương của Chúa; đồng thời, luôn biết yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn và hết sức lực bằng việc chăm chỉ lắng nghe và thực hành mọi lời Chúa truyền dạy. Ai làm được như thế thì sẽ được kể là người biết cách sống làm sao để dẫu có chết cũng vẫn là sống.
[1] Hạnh Tích Cha BENOIT, Lời trối.
[2] Đan Viện Biển Đức, Theo niên giám 2012 của Tòa Thánh.
[3] Tu Luật Thánh Biển Đức, chương 43,3.