Chủ Nhật, 27 Tháng 4, 2025

SỐNG THẾ NÀO GIỮA KHOẢNG THỜI GIAN “THẤY”, “KHÔNG THẤY” VÀ “LẠI THẤY” (Bài Suy niệm Thứ 5 tuần VI Ps) – Mai Thi

 

SỐNG THẾ NÀO GIỮA KHOẢNG THỜI GIAN

“THẤY”, “KHÔNG THẤY” VÀ “LẠI THẤY”

(Bài Suy niệm Thứ 5 tuần VI Ps)

 

Vì yêu thương nhân loại nên Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến trần gian để ở với, chia sẻ và gánh lấy tội lỗi của con người. Người đã sống như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi. Người tự nguyện chịu mọi đau khổ, vất vả mà loài người phải chịu, hầu có thể đồng cảm, làm gương và cứu độ chúng ta. Cuộc đời trần gian của Đức Giêsu kết thúc bằng cuộc tử nạn đau thương, để rồi cuối cùng chết trên thập giá cách nhục nhã; tuy nhiên vào lúc Người thốt lên “mọi sự đã hoàn tất” trên đỉnh đồi Calve hôm đó là Người đã hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với con người.

Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giêsu đã tâm sự với các môn đệ nhiều điều. Một trong những câu chúng ta cần quan tâm trong những lời trối đó được ghi lại trong trình thuật Tin mừng hôm nay (Ga 16, 16-20) là câu: “ít lâu nữa, anh em sẽ không thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy” (Ga 16, 19).

Tại sao Đức Giêsu lại nói điều đó và muốn nhắn gởi sứ điệp gì cho chúng ta?

Căn cứ vào câu nói của Đức Giêsu, chúng ta thấy có 3 khoảng thời gian:

Thứ nhất, thời gian Đức Giêsu còn ở tại thế với các môn đệ.

Thứ hai, thời gian sau khi an táng Đức Giêsu đến ngày Người Phục sinh.

Thứ ba, thời gian sau khi Người phục sinh và về trời.

 

Chúng ta biết rằng bối cảnh bài Tin mừng xảy ra lúc Đức Giêsu đang tâm sự với các môn đệ trong bữa tiệc ly. Thời gian đã sát gần với “giờ của Người” bởi vì ngay sau đó, Người sẽ để cho mình bị bắt, bị xét xử, bị lên án và bị giết. Có lẽ Đức Giêsu biết rằng chỉ còn cơ hội duy nhất này giữa Thầy và trò để nói lên sự thật, cho dù sự thật đó khá phũ phàng: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở lại với anh em một ít lâu nữa thôi” (Ga 13, 33).

Nếu các môn đệ còn nhìn thấy Đức Giêsu lúc này là cái nhìn thấy Người bằng con mắt thể lí. “Ít lâu nữa”, các môn đệ sẽ không còn trông thấy Đức Giêsu nữa, đó là khoảng thời gian sau khi an táng Người trong mồ đến trước giờ Người hiện ra với các ông. Ở giữa khoảng thời gian đó là sự thinh lặng trong thử thách, một sự mất mát khi vắng bóng sự hiện diện của Đức Giêsu. Tại thời điểm này đã có nhiều xáo trộn xảy ra:

Các môn đệ buồn sầu, khóc lóc và than van vì thấy mình bị mất tất cả. Các ông sợ sệt, chán nản, thất vọng vì những gì mình mong đợi đã rơi vào quên lãng. Đức Giêsu đã báo trước cho các môn đệ biết giờ phút hoang mang đó và còn hơn thế nữa vì: “Sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng đó là phụng thờ Thiên Chúa” (Ga 16, 2).

Điều Đức Giêsu nói là sự thật và hết sức nghiêm chỉnh. Người loan báo trước cho các môn đệ biết sự chia ly bởi cuộc tử nạn thập giá Người sẽ phải chịu (x. Mt 18,31-34), nhưng lại gặp được Người trong hân hoan sau đó – ngày phục sinh. Tuy nhiên như Đức Giêsu đã cho biết trước: “Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16, 20). Các môn đệ sẽ buồn sầu và than khóc về sự đau khổ, cái chết, và sự vắng mặt của Thầy Giêsu trong cuộc đời mình; nhưng khi thấy Người sống lại và hiện đến, những nỗi lo lắng và buồn sầu sẽ biến thành hy vọng và niềm vui: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Giữa thế giới của Thiên Chúa và thế gian luôn luôn trái ngược nhau: khi các môn đệ đau khổ, buồn sầu thì thế gian vui mừng, khi các môn đệ vui mừng thì thế gian bị loại bỏ.  Thế gian vui vì tưởng rằng đã giết được một tên tội phạm, một kẻ gây rối và kẻ phạm thượng, nhưng “họ đã lầm vì không biết”.

Thế gian ở đây được hiểu là những người chống lại Thiên Chúa, kết án, và giết Người Con Một của Ngài; một cách cụ thể là những người trong Thượng Hội Đồng. Họ tưởng là đã tiêu diệt được người đã quyến rũ dân chúng, làm cho họ mất quyền lợi và thế lực trên dân. Với hình phạt thập giá mà đỉnh điểm là cái chết vừa cô đơn vừa ô nhục, những quan chức Dothái đạo lẫn đời tưởng rằng mọi sự đã khép lại: kết thúc mọi lời rao giảng, kết thúc mọi công trình mà Người đã xây dựng trong suốt ba năm rao giảng. Lịch sử đã chứng minh việc quả quyết “Thượng Đế đã chết!” chẳng những là một sai lầm mà còn là trọng tội vì mọi sự đã không xảy ra theo tính toán của con người khi Đức Giêsu sống lại từ trong kẻ chết. Vì thế những chiến thắng phàm trần, những niềm vui do thế gian hứa hẹn cũng chỉ tạm thời và hão huyền, vì sau đó sẽ là thời kỳ than khóc của thế gian.

Sau khi sống lại Đức Giêsu hiện ra nhiều lần với các môn đệ và những chứng nhân khác, họ lại hân hoan vui mừng vì được thấy Người: “Một ít lâu nữa anh em lại thấy Thầy”. Tuy nhiên, mọi người được thấy Đức Giêsu bằng cách khác, đến nỗi lúc đầu họ không nhận ra Người. Kinh nghiệm “nhìn thấy” Đức Kitô phục sinh của chúng ta bây giờ là một kinh nghiệm thiêng liêng, nghĩa là kinh nghiệm nhận ra Người đang hiện diện cách sống động ngang qua những dấu chỉ (Lời Chúa, Thánh Thể và mọi biến cố trong cuộc đời) nhưng chúng ta thật có phúc như lời Đức Giêsu nói: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29).

Lạy Chúa Giêsu, khi các môn đệ không hiểu và thắc mắc lời Chúa nói “ít lâu nữa” nghĩa là gì, Chúa đã không trả lời rõ ràng câu hỏi của họ; trái lại Chúa mời gọi họ hãy tin tưởng. Như thánh Phêrô, chúng con cũng khiêm tốn xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con. Quả vậy, nhờ đức tin, chúng con không thấy cái chết của Chúa là dấu chấm hết tất cả mà là con đường sự sống, con đường đưa chúng con tới hạnh phúc vĩnh cửu. Lời tiên báo về cái chết và sự phục sinh của Chúa được liên hệ với câu “ít lâu nữa, anh em sẽ không thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy” (Ga 16, 19) nhắc nhở chúng con cần phải có một xác tín mạnh mẽ hơn nữa. Sự dấn thân sống niềm tin tưởng nơi Chúa phục sinh mãi mãi là phương thế tối hảo giúp chúng con vươn lên mãi. Mặc dù sức khỏe linh hồn chúng con đang ở trong khoảng thời gian bất kỳ nào, hoặc đang “thấy”, “không thấy” hay “lại thấy” Chúa đang hiện diện với chúng con thì xin cho chúng con chớ bao giờ thất vọng vì đã chọn Chúa, chứ không chọn những gì thuộc về thế gian. Amen.

 

 Mai Thi

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thứ Sáu Tuần Thánh, Ga 18,1-19,42: Nhìn lên Thánh Giá nghiệm tình yêu thương

Thứ Sáu Tuần Thánh, Ga 18,1-19,42 Nhìn Lên Thánh Giá Nghiệm Tình Yêu Thương Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh mời ta...

Thứ Năm Tuần Thánh, Ga 13,1-15 Rửa chân cho nhau

Thứ Năm Tuần Thánh, Ga 13,1-15 Rửa chân cho nhau Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Trong thánh lễ Tiệc ly, chiều Thứ Năm, Tuần Thánh thường có...

Thứ Tư Tuần Thánh, Mt 26,14-25: Giuđa – Môn đệ được Chúa thương 

Thứ Tư Tuần Thánh, Mt 26,14-25 Giuđa - Môn Đệ Được Chúa Thương  Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Thánh Gioan tông đồ đã thấu cảm được tình...