Suy niệm lời Chúa tuần 3 Mùa Vọng năm A
Is 35,1-6a.10; Gc 5,7-10; Mt 11,2-11
ĐẤNG PHẢI ĐẾN
Hoa Tím- Phước Thiên
Đấng Mê-si-a mà bao năm dân Do thái mong đợi, hôm nay Ngài đã đến làm người Do thái, sống tại đất Pa-lét-tin, nhưng dân Do thái đã không nhận ra Ngài. Ngay cả Gio-an Tẩy Giả là ngôn sứ vĩ đại, dọn đường cho Ngài mà cũng thắc mắc không biết Ngài có phải là Đấng phải đến hay không.
1. Vai trò của Đức Ki-tô
Đức Giê-su là vị mục tử nhân lành. Ngài tìm cho kỳ được con chiên lạc, rồi vác chiên trên vai đem về. Ngài là vị lương y từ mẫu, xoa dịu, chữa lành mọi đau khổ của kiếp người, cho dân được hớn hở tươi cười (Is 35,10). Những điều trong bài Tin Mừng hôm nay nói về Đức Giê-su đã làm thì đã được ngôn sứ I-sa-i-a tiên báo về Đấng Mê-si-a trong bài đọc I . Ngài đã cho người mù được thấy như người mù ở Bết-sai-đa (Mc 8,25), hoặc người mù ngồi ăn xin bên vệ đường gần thành Giê-ri-khô (Lc 18,42). Ngài chữa cho người què được bước đi như trong trường hợp người bại liệt ở hồ Bết-da-tha (Ga 5,9), hay người bất toại bốn người khiêng ở Ca-phác-na-um (Mc 2,11). Ngài làm cho người cùi được sạch như người chữa lành người mắc bệnh phong (Lc 5,13; 17,14). Ngài cho người điếc nghe được như Ngài chữa người vừa điếc vừa ngọng ở Thập Tỉnh (Mc 7,35). Ngài còn làm cho người chết trỗi dậy như trường hợp anh La-da-rô của gia đình Bê-ta-ni-a (Ga11, 43), con trai bà góa thành Na-in (Lc 7,11-16), hay con gái ông trưởng hội đường Gia-ia (Ga 8,55). Ngài cho kẻ nghèo được nghe Tin Mừng. Ngài đến trần gian để chữa lành bao tấm lòng tan vỡ bằng tình yêu thương.
2. Vai trò của Gio-an Tẩy Giả
Gio-an Tẩy Giả là con người dũng cảm và kiên trung (Mt 11,7-8), là nhân vật vĩ đại hơn các ngôn sứ, là người được Chúa Giê-su tôn vinh “cao trọng nhất trong các người nam được sinh ra” (Mt 11,11). Cho nên vai trò của ông thật đặc biệt, là tiền hô dọn đường cho Đấng Mê-si-a. Nhưng ông cũng nghi ngờ, thắc mắc về Đức Giê-su, không biết Ngài có phải là Đấng Mê-si-a không. Vì ông không thấy Chúa xử sự như ông từng loan báo. Ông quan niệm sai lầm về Đấng Mê-si-a quang vinh và chiến thắng về chính trị, đến để thiết lập một vương quốc trên trần gian này. Ông nghĩ Đấng Mê-si-a sẽ giải thoát ông khỏi nhà tù, chứ ai lại để cho người làm chứng cho mình lại ngồi tù. Cho nên ông mới sai các môn đệ của ông đến gặp Đức Giê-su để xác thực cho rõ Ngài có phải là Đấng Mê-si-a hay không. Nhưng Đấng Thiên Sai đến trần gian đâu phải để làm chính trị. Ngài đến đem bình an cho nhân loại (Ga 15), Ngài như con chiên hiền lành bị đem đi làm thịt (Is 53,7), Ngài đến thi thố tình thương, giải thoát con người khỏi gông cùm tội lỗi.
3. Vai trò của dân chúng
Dân chúng đã nghe Đức Giê-su rao giảng, đã chứng kiến việc Ngài làm. Một số trong đám họ là đồ đệ của Gio-an Tẩy Giả. Họ làm nhiệm vụ giao liên, liên lạc, truyền đạt thông tin giữa người trong tù là Gio-an Tẩy Giả với Người bên ngoài là Đức Giê-su. Đám đông còn lại thì được Đức Giê-su giới thiệu về Gio-an Tẩy Giả. Thay vì tớ giới thiệu về chủ, ở đây, chủ lại giới thiệu về tớ, Đấng phải đến lại giới thiệu về vị tiền hô của mình. Đức Giê-su đã ca ngợi sứ giả của mình.
Nếu dân chúng tin Đức Giê su là Đấng Mê-si-a thì họ phải tin lời Ngài. Chúa báo trước là Ngài sẽ trở lại trong vinh quang trong ngày chung thẩm. Vì có Chúa ở với dân nên họ phải can đảm, đừng sợ (Is 35,4). Để chờ ngày Chúa quang lâm ngự đến thì họ phải kiên nhẫn, bền tâm vững chí như nhà nông chờ mưa (Gc 5,8); phải chờ đợi một thái độ tích cực, chờ đợi trong niềm phấn khởi vui tươi, chứ đừng than van kêu trách, vì chắc chắn thế nào Chúa cũng đến.
Đấng Mê-si-a đã đến ở giữa chúng ta qua bí tích Thánh Thể, qua Lời của Ngài, qua anh chị em của chúng ta, qua những người chúng ta gặp gỡ, qua từng biến cố cuộc sống. Nhưng liệu chúng ta có nhận ra Ngài hay chúng ta còn chờ một Mê-si-a chiều theo sở thích, theo lập trình có sẵn của chúng ta?