Thứ Bảy, 27 Tháng Bảy, 2024

SUY NIỆM LỜI CHÚA, CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH, LÝ DO HY VỌNG

Lý do hy vọng

    Ga 14,15-21; 1Pr 3,15-18   

Người tin vào Đức Giêsu thì đặt hy vọng vào Đức Giêsu. Đặc biệt trong mùa phục sinh, nội dung niềm tin được nhấn mạnh là tin vào Đức Giêsu phục sinh, nên niềm hy vọng được nhấn mạnh là niềm hy vọng được phục sinh cùng với Đức Giêsu. Thánh Phêrô khi viết thư cho các tín hữu trong hoàn cảnh bị bách hại đã kêu gọi họ: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.” Theo bài Tin Mừng và bài thư thứ nhất của thánh Phêrô được nghe đọc trong thánh lễ chúa nhật thứ VI phục sinh, chúng ta có thể thấy ba lý do để hy vọng.

Lý do thứ nhất: “Đức Kitô đã chịu chết… hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa.” Cuộc thương khó và phục sinh của Đức Giêsu đã đưa đến kết quả là hoàn thành công trình cứu độ. Trong đó những người tin vào Đức Giêsu được giải thoát khỏi tội lỗi và được đưa đến cùng Thiên Chúa. Hiện nay người Kitô hữu đang sống ở trần gian chưa được gặp và ở cùng Thiên Chúa một cách trọn vẹn, nhưng đã có một bảo chứng nhờ công nghiệp của Đức Giêsu phục sinh.

Đức Giêsu phục sinh đã đi đến cùng Chúa Cha. Cuộc ra đi này cũng được coi như một cuộc đi dọn chỗ cho những ai tin vào Người. “Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,3). Tương quan giữa Thầy và môn đệ là tương quan thân thiết, gần gũi, và ở bên nhau. Thánh Phaolô cũng dùng hình ảnh khác nói lên sự thân thiết gắn bó giữa Đức Giêsu và các môn đệ, đó là hình ảnh “Thân Mình”. Trong Thân Mình, Đức Giêsu là Đầu và các môn đệ hay các Kitô hữu là các chi thể. Ý muốn của Đức Giêsu là Đầu ở đâu, các chi thể cũng ở đó. Và như thế, chỗ ở trong tương lai của người Kitô hữu là ở với Đức Giêsu. Điều này làm nảy sinh nơi người Kitô hữu niềm hy vọng vào sự sống lại cùng với Đức Giêsu, được ở với Người, được nên một trọn vẹn với Người như Đầu với thân mình.

Lý do thứ hai: “Thân xác Đức Giêsu đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã phục sinh.” Người Kitô hữu là người tin vào Đức Giêsu phục sinh. Người là Đức Chúa. Niềm tin này được diễn tả qua hành động tôn thờ và liên đới. Thánh Phêrô khuyên người tín hữu tôn thờ Đức Giêsu. Lòng tôn thờ đi đôi với việc yêu mến Người. Kitô hữu thực hiện lòng yêu mến đó bằng việc giữ điều răn của Người: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.” Giữ điều răn của Chúa vừa là bằng chứng, vừa là biểu hiện, vừa là sự củng cố cho hành động yêu mến Chúa. Đức Giêsu dạy môn đệ yêu mến Chúa bằng hành động giữ các điều răn. Và thánh Phêrô đề cập đến hành động cụ thể là làm việc theo ý Thiên Chúa, dù biết rằng người làm theo ý Thiên Chúa thường bị những thế lực thù nghịch với Thiên Chúa bách hại và khai trừ. Nhưng không phải vì thế mà nhụt chí. Đức Giêsu đã báo trước “số phận” người môn đệ: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét” (Mt 10,22). Và “nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,20).

Vì tôn thờ Đức Giêsu mà bị thù ghét và bách hại thì đó đã là một sự liên đới với Đức Giêsu. Người Kitô hữu được liên đới với Đức Giêsu trong thù ghét và bắt bớ, thì họ cũng sẽ được liên đới trong vinh quang phục sinh với Người. Đức Giêsu đã báo trước niềm vui phục sinh tràn ngập qua việc bị bách hại: “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, xỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa. Ngày đó anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Lc 6,22-23). Nhìn từ bên ngoài cuộc sống bị bách hại vì danh Đức Giêsu chẳng có gì là hấp dẫn, nhưng trong Đức Giêsu người Kitô hữu thấy được phần thưởng đáng hy vọng mong chờ.

Lý do thứ ba: dựa vào lời hứa của Đức Giêsu: “Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.” Theo Thánh Gioan, Đấng Bào Trợ khác là Chúa Thánh Thần, là Thần Khí sự thật, “Người ở giữa anh em và ở với anh em.” Người sẽ soi sáng, hướng dẫn để người Kitô hữu can đảm sống ngay thẳng trong hoàn cảnh bị bách hại, phỉ báng và vu khống.

Có Chúa Thánh Thần ở với như thế thì chẳng sợ mồ côi, chẳng sợ phải đơn độc sống trong bách hại và thù ghét. Trái lại, cảm thấy có Chúa Thánh Thần như người bạn đồng hành luôn ở bên mình, dẫn đường và đưa mình đến đích trong hành trình theo Đức Giêsu, người Kitô hữu mạnh dạn sống ngay thẳng theo chỉ dẫn của đức tin và đường lối Tin Mừng. Vả lại, nếu Chúa Thánh Thần là Thần Khí đã phục sinh Đức Giêsu, thì Chúa Thánh Thần cũng sẽ phục sinh người Kitô hữu trong ngày sau hết. Đây chính là niềm hy vọng người Kitô hữu nuôi dưỡng.

Sự phục sinh của Đức Giêsu đến sau cuộc thương khó của Người. Có trải qua đau khổ mới bước vào vinh quang phục sinh. Tiến trình này cũng được diễn lại tương tự nơi người Kitô hữu. Nhìn nhận điều này chúng ta được thêm khích lệ, cam đảm trước những khó khăn bách hại trong cuộc đời vì theo Đức Kitô. Coi việc bị bách hại như thành phần làm nên cuộc đời mình. Và một điều to lớn hơn đàng sau những bách hại đau thương là sự phục sinh cùng với Đức Giêsu. Cả một tương lai dài trong vinh quang phục sinh đang chờ đón. Đây cũng là lý do khiến cho người môn đệ Đức Kitô thời nay, dù có bị bách hại, cũng tràn ngập niềm vui vì mình có niềm hy vọng vững chắc.

M. Bosco

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa Nhật XVII TN, B, Ga 6,1-15: Từ những điều bé nhỏ

  TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ (2V 4,42-44; Ep 4,1-6; Ga 6,1-15) M. Tân Trang, Vĩnh Phước Sự kiện xảy ra gần biển hồ Galile, lúc sắp đến...

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-34: Con chiên –  Mục tử

Chúa Nhật XVI, Thường niên, Năm B, Mc 6,30-3 Con chiên -  Mục tử Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng...

Chúa Nhật XVI TN, B: Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

  TÌNH YÊU VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA FM. Paul Nguyễn, PV Chiêm ngưỡng dung mạo lòng thương xót của Đức Giêsu qua trình thuật...

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: Cần lánh riêng ra một nơi

    CẦN LÁNH RIÊNG RA MỘT NƠI (Mc 6,30-34) M. Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh, Phước Hiệp Theo quan niệm của Kitô giáo, con người gồm xác và hồn....

Chúa Nhật XVI TN, B, Mc 6,30-34: “Hãy tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi”

     “HÃY TÌM NƠI THANH VẮNG MÀ NGHỈ NGƠI” (Mc 6,30-34) Đức Minh, Phước Lý Tin Mừng Chúa nhật XVI hôm nay tường thuật về cuộc hội ngộ...

Chúa Nhật XV TN, B, Mc 6,7-13: Thực hiện lệnh truyền của Chúa

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA (Mc 6,7-13) Lm. Trần Văn Long, Fatima Đôi khi nhìn những người ăn xin, những người tàn tật trên đường phố,...

Lễ thánh Biển Đức, Mt 19,27-29: Con đường đi tới hạnh phúc

CON ĐƯỜNG ĐI TỚI HẠNH PHÚC (Cn 2,1-9; 1Cr 1,26-31; Mt 19,27-29) M. Gioan Tân, Thiên Phước Có thể nói hạnh phúc là mục đích sống và...

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6: Kitô hữu – Ngôn sứ giữa đời

Chúa Nhật XIV Thường niên, Năm B, Mc 6,1-6 Kitô hữu - Ngôn sứ giữa đời Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Ngôn sứ có bị rẻ rúng...

Chúa Nhật XIV TN, B, Mc 6,1-6: Không nhận ra Chúa

    KHÔNG NHẬN RA CHÚA (Mc 6,1-6) Tùng Linh, Phước Lý Năm 1958, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô XII qua đời, các báo chí mô tả ngài...

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43: Hai phép lạ của lòng tin

Chúa Nhật XIII Thường niên, Năm B, Mc 5,21-43 Hai phép lạ của lòng tin Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Tin không chỉ là loan tin,...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: Hai cái đụng

  HAI CÁI ĐỤNG (Mc 5,21-43) M. Bosco, PS Đức tin của con người là yếu tố có thể tác động đến Thiên Chúa. Các phép lạ xảy...

Chúa Nhật XIII TN, B, Mc 5,21-43: “Đừng sợ, chỉ cần tin thôi”

    „ĐỪNG SỢ, CHỈ CẦN TIN THÔI“ (Mc 5,21-43) Đăng Khoa, Phước Lý "Đừng sợ, chỉ cần tin thôi". Đó là lời trấn an của Chúa Giêsu trước...