Chủ Nhật, 16 Tháng 3, 2025

Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Ba Ngôi: «NHÂN DANH CHA, CON VÀ THÁNH THẦN»

 

 

«NHÂN DANH CHA, CON VÀ THÁNH THẦN»

(Đnl 4,32-34.39-40; Rm 8,14-17; Mt 28,16-20)

 

 

Quốc Vũ, Phước Lý 

 

 

1. Bài đọc I (Đnl 4,32-34.39-40): Thiên Chúa duy nhất là Đấng cứu độ, tình yêu của Ngài trường tồn mãi mãi

 

– Đệ Nhị Luật là cuốn sách đầu tiên đề cập đến lịch sử ơn cứu độ. Ba sự kiện quan trọng đáng ghi nhận là: Thiên Chúa đã ký kết với dân Israel một giao ước qua các tổ phụ của họ, giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập và dẫn đưa họ đến miền Đất Hứa.

– Chính Thiên Chúa Duy Nhất là khởi điểm của ba sự kiện này. Chính Ngài cũng là khởi nguồn của những biến cố ban ơn cứu độ cho chúng ta ngày nay, bởi Ngài là Đấng duy nhất, và tình yêu của Ngài luôn mãi trường tồn.

– Lời Chúa không chỉ đề cập đến một quá khứ đen tối, nhưng vẫn giữ nguyên giá trị cho hiện tại và cho mai sau; đồng thời chờ đợi lời đáp trả của con người ngày hôm nay cũng như con người ngày xưa vậy.

 

2. Bài Tin Mừng:(Mt28,16-20): Anh em hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần

 

– Sau thời kỳ sống ẩn dật ở Galilê, đây là giờ của vinh quang Đức Giêsu chiếu tỏa. Sau một cuộc đời bị khinh bỉ, bị lăng nhục và bị bắt bớ và bị treo trên đỉnh Calvario, Đức Giêsu đã biểu lộ cho nhân loại biết Người là ai: quyền năng và vinh quang Người tràn ngập trời và đất.

– Chỉ một số người đã được chứng kiến và làm chứng cho cuộc sống tuyệt vời này. Đó là cuộc sống được trình bày như một thông điệp về ơn cứu độ chủ yếu chỉ dành cho đồng bào của họ. Nhưng đó lại là một sự kín nhiệm đối với những người tự cho mình là thông thái, họ không thể khám phá điều kín ẩn này chỉ vì họ không tin.

– Sự bí ẩn của Con Người mà dân Israel xưa kia đã không nhận biết, thì giờ đây lại được toàn thể nhân loại đón nhận. Sứ mạng làm chứng cho Người, xưa kia đã được trao cho các môn đệ, thì ngày nay chúng ta đang tiếp tục rao truyền bằng sự cảm nhận và bằng đời sống chứng tá rằng Người vẫn luôn hiện diện và đổi mới thế giới.

 

3. Bài đọc II (Rm 8,14-17): Theo gương Chúa Kitô và trong sức mạnh của Thánh Thần, chúng ta có thể kêu lên “Abba! – Lạy Cha!”

 

– Cộng đoàn Kitô hữu thời thánh Phaolô hằng theo gương Đức Kitô mà thưa lên với Chúa Cha lời cầu xin: “Abba! – Lạy Cha!”. Trong truyền thống văn hóa Do Thái, đó là tiếng gọi thân thương của người con đối với cha mình. Tự mình, không bao giờ một người Do Thái hay một người ngoại giáo có thể trở nên gần gũi với Thiên Chúa, mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể khơi dậy nơi các Kitô hữu sự dạn dĩ như thế.

– Thiên Chúa là Cha, Ngài muốn ban cho chúng ta tất cả những gì Ngài có, tất cả những gì Ngài là. Ân ban của Thiên Chúa được ban phát trong chính ân huệ Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta khả năng hiểu và tin rằng chúng ta thuộc về gia đình của Thiên Chúa.

– Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên giống như Ngài trong sự tự do hoàn toàn, Ngài luôn nói với chúng ta rằng chúng ta giống như Ngài, ví như những đứa con giống với cha của chúng vậy.

 

4. Suy niệm: Thiên Chúa Ba Ngôi – Mầu nhiệm sống động trong đời sống của các Kitô hữu

 

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là nền tảng đức tin của mỗi Kitô hữu, là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo. Đây là một mầu nhiệm thâm sâu cao cả nhất, con người không thể nào dùng trí khôn để hiểu thấu được mầu nhiệm của Ngài; nhưng vì lòng nhân từ và thương yêu, Thiên Chúa tự mình, qua Chúa Giêsu và nhờ Chúa Thánh Thần, đã mạc khải và dẫn dắt chúng ta đến chân lý vẹn toàn về chính Ngài, Đấng cứu độ duy nhất. Như chính thánh Phaolô đã xác tín về Chúa Ba Ngôi rằng: “Ân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (2Cr 13,13).

 

4.1. Chúa Cha – Tình yêu sáng tạo

 

Kinh Thánh Cựu Ước đã mạc khải cho chúng ta một vị Thiên Chúa duy nhất quyền năng tuyệt đối: Đó không phải là một Thiên Chúa trừu tượng, không phải là một “Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống”, như chính lời Đức Gêsu khẳng định (Mt 22,32). Một vị Thiên Chúa yêu, Thiên Chúa thực hiện, Thiên Chúa phán; một Thiên Chúa phải được tôn thờ tuyệt đối mà không có bất kỳ một thần linh nào sánh tày (x. Xh 20,3). Một Thiên Chúa là “ngọn lửa thiêu rụi” (Đnl 4,24) mà không ai có thể chống cự cũng như “không ai thấy bao giờ” (Ga 1,18). Ngài là Đấng tạo dựng trời đất, và dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài. Sự thật tuyệt vời nhất mà Cựu Ước mạc khải cho chúng ta chính là điều này: đó là Thiên Chúa là Đấng tối cao không thể tiếp cận được, đối diện với quyền năng và sự thánh khiết của Ngài, trái đất cũng phải rung chuyển và núi đồi cũng ta biến (x. Tv 96), nhưng vì Ngài yêu con người, nên đã mạc khải và đến dạo chơi với con người như một người bạn, đã ban lề luật và các giới răn của Ngài như một dấu chỉ của tình yêu thánh hóa: “Các người hãy sống thánh thiện như Ta là Đấng Thánh” (Lv 19,2). Ngài là một vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực khoan dung.

Đoạn sách Đệ Nhị Luật mà chúng ta nghe trong bài đọc I hôm nay, thuật lại việc ông Môsê nhắc nhở dân Israel về những điều vĩ đại mà Thiên Chúa đã làm cho họ. Thiên Chúa không chỉ nói với dân từ trong “đám lửa”, mà còn chọn họ từ giữa các dân để làm thành dân riêng của Ngài. Đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ, đã thực hiện những việc lạ lùng trước mắt họ, dẫn đưa họ đến vùng đất xanh tươi màu mỡ “tràn sữa và mật”, nơi mà họ sẽ sống và tuân giữ các huấn lệnh của Ngài, chúc tụng và tôn thờ Ngài trong bình an và hạnh phúc do quyền năng Ngài ban tặng.

 

4.2. Chúa Con – Tình yêu cứu độ

 

Sự mạc khải của Cựu Ước về Thiên Chúa chỉ thực sự trở nên trọn vẹn nơi chính Đức Giêsu Kitô, Đấng chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa đã xuống thế làm người, chết và phục sinh để cứu độ con người. Quả thật, chỉ nơi Đức Giêsu Kitô nhân loại mới được hưởng nguồn ơn cứu độ, vì Người là Đấng Trung Gian Duy Nhất dẫn đưa con người đến với Chúa Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con” (Ga 17,24), đồng thời Người cũng là mạc khải sau cùng của Thiên Chúa cho loài người: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, chính Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Tuy nhiên, mạc khải quan trọng này các tông đồ ngày xưa đã không thể thấu hiểu, nhưng khi được ân huệ Thánh Thần tràn đổ trên các ông trong ngày Lễ Ngũ Tuần thì các ông mới hiểu và can đảm ra đi làm chứng cho Người.

 

4.3. Chúa Thánh Thần – Tình yêu canh tân

 

Lịch sử Giáo hội bước vào giai đoạn hướng về ngày Cánh Chung là một lịch sử được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Một trong những lời Giáo hội ngày đêm không ngớt kêu cầu đó là: “Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến và xin canh tân bộ mặt trái đất” (Tv 103,30).

Thời khởi nguyên, Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự đều tốt lành, Ngài đã thổi sinh khí ban cho con người sự sống. Tuy vậy, thụ tạo đã bị lây nhiễm và nhuốm màu tội lỗi do con người gây ra. Trái đất trở nên khô cằn, thiên nhiên vũ trụ bị tàn phá. Mối tương quan giữa người với người bị tổn thương, sự sống con người bị đe dọa. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, nhân loại cần đến Chúa Thánh Thần là Đấng Canh tân đổi mới.

Do tác động của Thánh Thần, những vết thương do tội lỗi gây ra sẽ được chữa lành. Ngài cũng quy hướng con người về những điều thiện hảo, nối kết các dân tộc, hòa giải các gia đình, xây đắp tình liên đới. Chúa Thánh Thần chính là sự bình an mà Đức Giêsu ban cho các môn đệ vào chiều ngày phục sinh. Trong Chúa Thánh Thần, các môn đệ sẽ tiếp tục sứ mạng của Ðức Giêsu: Thông ban sự sống và ơn tha tội. Trong Chúa Thánh Thần, Giáo hội của Ðức Giêsu được hình thành và lan rộng khắp nơi. Trong Thánh Thần, mỗi tín hữu được qui tụ và được sai đi làm chứng cho Ðức Giêsu ngay trong cuộc sống của mình. Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta phá vỡ mọi ngăn cách, kỳ thị để mọi người thực sự liên đới, cảm thông và hiệp nhất với nhau, để mọi người được sống trong hạnh phúc. Công đồng Vatican II khẳng định: Giáo hội là Dân Chúa, là Thân Thể Đức Kitô và là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (Lumen Gentium, 4). Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần được ban cho Giáo hội. Kể từ ngày đó, Ngài vẫn hiện diện trong Giáo hội để hướng dẫn, bảo vệ và canh tân Giáo hội. Chính nhờ sự hiện diện của Chúa Thánh Thần mà Giáo hội mang chiều kích truyền giáo, bởi vì Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và sứ mạng của Chúa Thánh Thần (Ad Gentes, 2).

 

4.4. Kitô hữu – Một sứ mạng được sai đi

 

Lễ Chúa Ba Ngôi là dịp chúng ta suy nghĩ về nhân đức thờ phượng. Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh tỉnh chúng ta về tình trạng của thế giới mà trong đó con người thời đại có khuynh hướng trở nên vô thần, vì họ không kiểm chứng được sự hiện hữu của Thiên Chúa, một số người chạy theo các tôn giáo khác, một số người chạy theo lạc thuyết, hay tin vào bói toán… như tình trạng của dân Do Thái ngày xưa chạy theo thờ Bò Vàng và các thần dân ngoại. Trong khi đó, thánh Phaolô xác tín: “Tôi biết tôi đã tin vào ai” (2Tm 1,12). Đó là tin vào một Thiên Chúa giàu lòng thương xót, một Thiên Chúa trở nên gần gũi và tìm sự thiện hảo cho con người, nên Chúa Con đã mặc lấy xác phàm để cứu độ họ và đã vâng phục cho đến chết thập giá: “Bởi sự bất tuân của một người mà tội đã nhập vào thế gian, nay nhờ sự vâng phục của một người mà muôn người được nên công chính” (Rm 5,12), cho họ được gọi Thiên Chúa bằng tên êm ái nhất: “Abba, Cha ơi!” (Rm 8,9). Để rồi từ ân huệ cao vời đó, họ nhận được sứ mạng sai đi: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19).

Đó là sứ mạng được sai đi, ơn gọi truyền giáo mà mỗi Kitô lãnh nhận trong ngày chịu phép Thanh Tẩy, được thánh hiến “nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần” để trở thành những chi thể trong một Thân Thể Duy nhất của Đức Kitô chính là Giáo hội.

Ơn gọi của Giáo hội là được sai đi với sứ vụ giới thiệu và loan báo cho con người nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa trong tính toàn thể: Đấng ở trên cao, ở bên cạnh và ở trong chính tâm hồn của mỗi người. Ngài ở trên cao để chúng ta tôn thờ, Ngài ở bên cạnh khi đồng hành chia sẻ thân phận khổ đau và hèn yếu, và Ngài ở bên trong chính là sức mạnh giúp chúng ta vượt thắng mọi cám dỗ và tội lỗi, hầu trở nên tinh tuyền và thanh sạch như một thụ tạo của thuở ban đầu do tay Ngài dựng nên.

 Ngoài ra, lễ Chúa Ba Ngôi còn là dịp để chúng ta nhận thấy cuộc đời chúng ta thấm nhuần biết bao ơn trong đại của Chúa Ba Ngôi. Các bí tích mà chúng ta đã lãnh nhận đều được cử hành nhân danh Chúa Ba Ngôi. Đời sống người Kitô hữu được bắt đầu và hoàn tất trong Chúa Ba Ngôi. Mỗi khi khởi sự hay kết thúc một công việc nào đó, chúng ta thường làm dấu và đọc: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Từ những sinh hoạt cá nhân đến mọi cử hành chung của Giáo hội, tất cả đều khởi nguồn từ Chúa Ba Ngôi và quy hướng về Ngài. Chính vì thế, xin cho cuộc đời chúng ta luôn được diễn ra trong tình thương yêu của Chúa Ba Ngôi, để mỗi người chúng ta xứng đáng là con của Chúa Cha, là em của Chúa Giêsu và là chiến sĩ của Chúa Thánh Thần.

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chúa nhật II MC – C: Đức tin biến đổi cuộc đời

Chúa nhật II MC - C Lc 9,28b-36  ĐỨC TIN BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI Các môn đệ chịu nhiều gian khổ khi đi theo Chúa Giêsu. Các môn đệ...

Chúa Nhật I, Mùa Chay, Năm C (Lc 4,1-13) Ba cơn cám dỗ

Chúa Nhật I, Mùa Chay, Năm C (Lc 4,1-13) Ba cơn cám dỗ Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Chúa Giêsu dù là Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng...

Chúa Nhật I Mùa Chay, Lc 4,1-13: Những cám dỗ

    NHỮNG CÁM DỖ M. Bartholomeo Nguyễn Văn Thời, Châu Thủy Ma quỉ là loài xảo quyết nhất trên đời. Ma quỉ tìm mọi cách, mọi mánh...

Chúa Nhật I Mùa Chay, Lc 4,1-13: Cám dỗ

    CÁM DỖ (Lc 4,1-13) Luân An, Phước Lý Sống giữa xã hội Việt Nam hôm nay, chúng ta đang được chứng kiến một sự thanh lọc mạnh...

Chúa Nhật VIII, Thường Niên, Năm C (Lc 6, 39-45) “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ lòng mình”

Chúa Nhật VIII, Thường Niên, Năm C (Lc 6, 39-45) “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ lòng mình” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist “Sàng rồi...

Chúa Nhật VIII TN, C, Lc 6,39-45: Những bài học đáng quý

    NHỮNG BÀI HỌC ĐÁNG QUÝ (Lc 6,39-45) M. Eugenio Nguyên, Phước Lý Không như mọi khi, bài giảng hôm nay Chúa Giêsu không nói với đám đông...

Chúa Nhật VII, Thường niên, Năm C (Lc 6,27-38) “Tha kẻ dể ta”

    Chúa Nhật VII, Thường niên, Năm C (Lc 6,27-38) “Tha kẻ dể ta” Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Khoảng 9h sáng, thứ Tư, ngày 2/2/2022, trong thánh...

Chúa Nhật VII TN, C, Lc 6,27-38: Lòng bao dung và tha thứ

    LÒNG BAO DUNG VÀ THA THỨ (1Sm 26,2.7-9.12-13.22-23; 1Cr 15,45-49; Lc 6,27-38) Viết Trung, Phước Lý “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em...

Chúa Nhật VII TN – C: Yêu thương kẻ thù

    Chúa Nhật VII TN - C YÊU THƯƠNG KẺ THÙ (1Sm 26,2.7-9.12-13.22-23; 1Cor 15,45-49; Lc 6,27-38) M. Bosco, Phước Sơn Yêu thương kẻ thù là đặc nét của...

Phúc Thật

Chúa nhật 6 Thường niên năm C (Gr 17, 5-8 ; Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6 ; 1 Cr 15, 12. 16-20 ;...