«NGÔI LỜI ĐÃ TRỞ NÊN NGƯỜI PHÀM»
(Is 52,7-10; Dt 1,1-6; Ga 1,1-18)
Lm. Quốc Vũ, PL
1. Các bài đọc
1.1. Bài đọc I: Đẹp thay bước chân loan báo Tin Mừng
Cư dân thành Giêrusalem lúc bấy giờ đang nôn nóng đợi chờ sứ giả mang tin mừng đến. Tin mừng của sự bình an, niềm hạnh phúc và ơn cứu độ: «Đẹp thay bước chân người loan báo tin mừng, công bố ơn bình an, loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ» (c. 7). Tin mừng được loan đi chính là Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót, Người không còn bỏ mặc dân Người, bởi chính Người sẽ ngự đến để ban bình an và ơn cứu độ. Chính người sẽ đi trước mặt dân, mà vung cánh tay quyền lực để giải thoát và che chở dân khỏi cảnh lưu đày, như Người đã từng đưa dân ra khỏi chốn nô lệ bên Ai Cập.
Khi đọc đoạn sách này trong bối cảnh lễ Giáng Sinh, Giáo hội muốn cho chúng ta thoáng thấy một niềm vui tròn đầy sẽ lại đến trong tương lai như một phép mầu: Thiên Chúa đã, đang và sẽ thực hiện chương trình của Người. Nơi hang đá Bêlem, nơi máng cỏ bò lừa, Người đã đến thế gian lần thứ nhất. Đó là khúc dạo đầu của niềm vui sẽ bừng nở trong khoảnh khắc trọng đại của ngày Người ngự giá quang lâm lần thứ hai.
1.2. Bài đọc II: Vào thời sau hết, Thiên Chúa nói với chúng ta qua Đức Kitô
Một trẻ sơ sinh không nói. Tuy nhiên, một bé em nghèo hèn nằm trong máng cỏ lại là lời nói hùng hồn nhất của Thiên Chúa; sau «Lời» này, Thiên Chúa không còn nói thêm lời nào nữa, bởi vì với sự giáng lâm của Đức Giêsu, thời gian đã đến thời viên mãn.
Trẻ sơ sinh này sẽ nắm trong tay trọn vương quyền, sẽ cai trị vũ trụ. Hình ảnh bé thơ yếu hèn nằm trong nôi là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa, và là sự phản ảnh vẻ huy hoàng của Ngài. Chính bé thơ ấy sẽ nâng nhân loại lên, hầu cùng Người chia sẻ vinh quang «bên hữu Đấng Cao Cả trên trời» (c. 3), và cùng được đồng thừa hưởng phần gia nghiệp đã dành sẵn trên trời.
Lễ Giáng Sinh, một ngày lễ của tuổi thơ: không có nghĩa là chúng ta phải trở về với thiên đàng của tuổi thơ, nhưng là lòng chúng ta rộn rã một niềm vui trong sáng, một sự bình an êm đềm, vì được nghe chính lời của Thiên Chúa nói: «Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con, hoặc là: Ta sẽ là Cha Người, và chính Người sẽ là Con Ta» (c. 5).
1.3. Bài Tin Mừng: Ngôi Lời đã làm người
«Ngôi Lời đã làm người» (c. 14). Một lời vô hình làm sao có thể trở thành thân xác hữu hình? Làm sao lời của Thiên Chúa có thể được diễn tả, có thể nói trong thân phận của một hài nhi được quấn tã đặt trong máng cỏ vốn chưa biết nói, và trong tình trạng đau thương trên thập giá không nói một lời? Nhưng Thiên Chúa đã nói bằng chính sự yếu nhược và trong sự thinh lặng. Sự im lặng đối với mọi người là một lời chứng hùng hồn về lời của Thiên Chúa. Người không nói bằng những ngôn từ, nhưng nói bằng việc “mặc lấy thân xác”.
Quả thật, «Thiên Chúa, không ai thấy bao giờ, nhưng nay đã được tỏ lộ nơi chính người Con Một» (c. 18). Đó là lời nói xác thực nhất, một lời nói đưa đến một sự gặp gỡ, lời nói khởi đầu cho mầu nhiệm Nhập Thể. Đó là một lời nói mang tính nhiệm mầu, vượt khỏi sự hiểu biết của phàm nhân, nhưng lại trở thành hiện thực: «Ngôi Lời đã làm người, và đang ở giữa chúng ta» (c. 14), và sẽ còn ở với chúng ta mãi mãi, bởi Thiên Chúa vẫn không ngừng nói với nhân loại nơi chính Đức Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Người.
2. Suy niệm: Ngôi Lời đã làm người
2.1. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời – In principio erat Verbum” (Ga 1,1)
Cụm từ “In principio” là trạng từ chỉ thời gian, nhằm xác định Ngôi Lời đã có từ khi nào, vào lúc nào. Trạng từ này đã được linh mục Nguyễn Thế Thuấn dịch là “Lúc khởi nguyên”, còn nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ thì dịch là “Lúc khởi đầu”, hoặc có những bản dịch khác lại dịch là “Từ nguyên thủy”.
Theo từ điển Tiếng Việt định nghĩa những cụm từ này như sau: “Lúc khởi đầu” có nghĩa là lúc bắt đầu; “Lúc khởi nguyên” có nghĩa là lúc bắt đầu, là lúc phát sinh; và “Nguyên thủy” có nghĩa là có trước tiên, thuộc giai đoạn đầu tiên. Nếu đem áp dụng những nghĩa này cho Ngôi Lời thì không thích hợp, bởi lẽ Ngôi Lời không thuộc về thời gian cho dẫu đó là lúc khởi nguyên, hay lúc trước hết.
Ở đây chúng ta thấy có động từ “sum” được chia ở thì indicativo imperfetto: “erat”, là yếu tố soi sáng cho chúng ta hiểu rõ hơn về Ngôi Lời luôn hiện hữu cách siêu vời và vĩnh cửu. “Erat Verbum” có nghĩa là trước khi thời gian bắt đầu thì Ngôi Lời đã có, và luôn luôn hiện hữu. Vì vậy, chúng ta có thể tạm chấp nhận những cách dịch này, hoặc dịch là: “Từ trước khi có thời gian, đã có Ngôi Lời”.
“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời”. Câu hỏi đặt ra “lúc khởi đầu” đó là khi nào? Có thể dựa vào đoạn sách Sáng Thế 1,1 được chăng? Có một điều thật minh nhiên rằng chưa bao giờ Giáo hội xác định tính lịch sử hay thời gian tính của Kinh Thánh, đặc biệt là sách Sáng Thế đề cập đến trình thuật tạo dựng; nhưng đó chỉ là một cách diễn tả theo văn hóa Sê-mít, để diễn tả niềm xác tín rằng chính Thiên Chúa là Đấng dã tạo dựng lên mọi vật và mọi loài trong toàn thể vũ trụ, bằng chính Thần Khí và Lời của Ngài: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo đất trời. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước... Thiên Chúa phán (Lời): Phải có ánh sáng – liền có ánh sáng” (St 1,1-3). Vì thế, cho dù khoa học đã đưa ra giả thiết rằng vũ trụ này đã được khởi đầu kể từ vụ nổ Big Bang vào khoảng 13,8 tỷ năm trước, trái đất này được hình thành cách đây khoảng 4,55 tỷ năm, và sự sống xuất hiện trên bề mặt của nó khoảng 1 tỷ năm trước; thì đó cũng chỉ là cột mốc được xác định theo thời gian do con người quy định mà thôi; trong khi đó, Ngôi Lời vốn có trước cả thời gian.
2.2. “Ngôi Lời đã trở nên người phàm – Verbum caro factum est” (Ga 1,14a)
“Vebum caro factum est”, trước đây được một số tác giả dịch là: “Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm”. Tuy nhiên, rõ ràng là động từ “mặc lấy” chưa thể lột tả hết ý nghĩa căn cốt của mầu nhiệm Nhập Thể, nếu không muốn nói là rất khiếm khuyết. Bởi vì, khi nhập thể vào trần gian, Ngôi Lời đã nhận lấy tất cả những gì là mỏng giòn, yếu đuối, giới hạn của con người, để trao ban cái vô biên, vĩnh cửu của Người cho con người. Chính vì thế mà ngày nay người ta chuộng cách dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn: “Lời đã thành xác phàm”, hoặc của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm” hơn.
“Đã trở nên”, động từ này đã mở ra cả một nền tảng thần học quan trọng cho khoa Kitô học, đến nỗi thánh Irénée đã mạnh dạn nói về mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Kitô rằng: “Người đã trở nên giống chúng ta, để chúng ta trở thành như Người”. Rồi sau này, thánh Clément Alexandrie và thánh Grégoire Naziance đã phát triển suy tư ấy một cách sâu xa khi quả quyết: “Thiên Chúa đã làm người, để con người làm Chúa”. Đây quả là một điều mới, một suy tư táo bạo đến rùng mình. Bởi vì, làm sao Thiên Chúa đã có thể trở thành một con người, làm sao Thiên Chúa đã có thể đi vào trong cuộc sống chúng ta, để chúng ta được sống? Làm sao Đấng Vĩnh Hằng có thể xuất hiện trong thời gian, Đấng Tạo Hóa đã trở thành thụ tạo, để con người có thể nhìn thấy bằng mắt thịt? Thưa, chỉ vì một lý do duy nhất, đó là lòng thương xót. Vâng, chính vì tình yêu, vì lòng thương xót, mà Thiên Chúa đã cho Ngôi Lời Nhập Thể làm Đấng Cứu Độ, làm Đấng Trung Gian duy nhất. Quả thật, nơi Đức Giêsu không còn khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người, nhưng con người được ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong con người. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa hiện diện đích thực bằng xương bằng thịt với chúng ta. Vì thế, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm” để mang lại cho con người một phẩm giá vô cùng cao quí đến nỗi mặc lấy thân phận con người như chúng ta mà không một thụ tạo nào có được, “Người đã trở nên người phàm” để chúng ta được “thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4).
2.3. “Và ở giữa chúng ta – Et habitavit in nobis” (Ga 1,14b)
+ “In nobis – Ở giữa”. Trước tiên, hiểu theo bối cảnh của thánh Gioan, thì giới từ “ở giữa” chính là sự lưu trú, như bản dịch của Cha Nguyễn Thế Thuấn rất rõ: “Lời đã thành xác phàm và đã lưu trú nơi chúng tôi” (Ga 1,14). Như vậy, “ở giữa”, đó là khi Đức Giêsu nhập thể, chia sẻ kiếp người; Người sống giữa gia đình, giữa bà con làng xóm, giữa các môn đệ, giữa đám đông đi theo để nghe Người giảng về Nước Trời. Bên cạnh đó, Đức Giêsu “ở giữa”, còn diễn tả ý nghĩa Người là tâm điểm nối kết với mọi người và mọi người với nhau. Người ở giữa đám đông nghe Người giảng dạy, để dẫn đưa họ đến chân lý sự sống; Người là mục tử ở giữa đàn chiên, để chăm sóc và bảo vệ chúng; Người là cây nho ở giữa để nối kết những cành nho mà truyền ban nhựa sống; Người còn ở giữa chúng ta mỗi khi chúng ta quy tụ để cầu nguyện và tôn vinh Thiên Chúa: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì Thầy ở đó, giữa họ” (Mt 18,20).
+ “In nobis – Ở cùng”. Chúng ta cũng có thể hiểu theo bối cảnh của các Tin Mừng Nhất Lãm, đặt biệt là thánh Matthêu, khi ở ngay đầu sách Tin Mừng, ngài đã nêu rất rõ ràng tên của Hài Nhi sắp chào đời sẽ được gọi là “Emmanuel, nghĩa là: Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23); và ở cuối sách Tin Mừng, ngài đã khẳng định lại lần nữa tên của Đức Giêsu vẫn là “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Điều này cho thấy, đối với thánh Matthêu, danh xưng của Đức Giêsu chính là “Đấng ở cùng”. Khi còn tại thế, Người ở cùng mọi người bằng sự đồng hành, sự chữa lành, sự tha thứ, sự giảng dạy, sự cảm thông,…; cho đến khi Người về trời, thì Người ở cùng bằng ân sủng, để trợ lực Giáo hội trên đường lữ hành, như lời chú giải của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ: “Sau cùng, Chúa Kitô phục sinh hứa sẽ hiện diện mãi mãi trong Giáo hội, để hỗ trợ đắc lực cho Giáo hội hằng ngày, giúp Giáo hội chu toàn sứ mệnh được giao phó cho đến tận thế. Như vậy, Chúa Giêsu chính là Emmanuen – Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
+ “In nobis – Ở trong”. Cuối cùng, dựa theo giáo lý của thánh Phaolô, chúng ta có thể hiểu giới từ “in nobis” đúng theo nghĩa mặt chữ là “ở trong chúng ta”. Quả thật, với thánh Phaolô, ngài vốn không được như thánh Gioan và Matthêu, cũng như những môn khác được sống cùng với Đức Giêsu; nên giáo lý của thánh Phaolô thiên về chiều kích thần học nhiều hơn, ở đó ngài diễn tả niềm tin bằng những kinh nghiệm thiêng liêng qua những lần xuất thần gặp gỡ trực tiếp với Đức Kitô. Giáo lý của thánh Phaolô mở ra một chiều kích Kitô học mang tính thực hành hơn là lý thuyết; hay nói đúng hơn, những điều ngài viết cho các giáo đoàn, cũng chính là những điều ngài đã cảm nghiệm, đã lãnh nhận và đã sống bằng một niềm xác tín tuyệt đối: “Tôi sống, nhưng không còn phải tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Ngày nay, Giáo hội sống mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Giêsu cũng theo nghĩa giáo lý của thánh Phaolô, là để cho Đức Giêsu “ở trong chúng ta” được hiểu theo nghĩa bí tích. Bởi vì, khi chúng ta rước Mình và Máu Đức Kitô, thì Mình Máu Người tan chảy và luân lưu trong máu thịt của ta, đến nỗi có thể nói được là Chúa trở nên ta, ta trở nên Chúa, để cả hai trở nên một. Đây là một mầu nhiệm cao trọng, là niềm tin của những con người luôn khao khát Chúa, khao khát được Đức Kitô chiếm đoạt (x. Pl 3,12) trái tim, tư tưởng, hành động và trọn cả đời sống của mình, như gương Mẹ Maria hằng suy đi ngẫm lại Lời ở trong lòng và làm cho Lời sinh hoa kết quả trong đời sống hằng ngày.
Mừng kính mầu nhiệm Giáng Sinh của Ngôi Lời, chúng ta được mời gọi nhớ lại sứ điệp bình an mà Thiên Chúa đã ban tặng cho nhân loại, qua lời các Thiên Thần đã loan báo: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2,14). Ngôi Lời là hiện thân của Thiên Chúa giàu lòng thương xót, đã đến với con người để ban tặng bình an, và chính Người là sự bình an của chúng ta trong hình hài một trẻ thơ được quấn tã và được đặt nằm trong máng cỏ đơn sơ. Đó là hình ảnh cụ thể diễn tả rằng Người luôn “ở giữa, ở cùng và ở trong chúng ta”.